Phải nhìn vào bản thân để thay đổi

Phan Châu Thành

15-2-2024

Nhiều năm làm công việc dọn dẹp trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan, mình nhận thấy những vấn đề nổi cộm này, hôm nay chia sẻ, để chúng ta cùng suy ngẫm:

1. “Kẻ thù của người Việt tại Ba Lan thường lại chính là người Việt”

Đây là một thực tế đáng buồn, mà không hề chỉ tồn tại trong những tầng lớp lao động. Ngược lại, thường là những kẻ chuyên đi bắt nạt, ăn chặn, chèn ép, đè đầu cưỡi cổ dân đen lại là những người có học hành, có địa vị xã hội, thậm chí “chức tước” và không hề nghèo. Họ có tất cả, chỉ thiếu mỗi một thứ: “Sự từ tâm”.

Ngoài ra, còn phải kể đến những kẻ móc ngoặc với các loại chủ chợ, chủ doanh nghiệp Ba Lan để hút máu hút mủ của chính đồng bào mình.

2. “Sự dối trá ở khắp mọi nơi”

… rồi lừa đảo, khoa môi múa mép, chém gió vớ vẩn, chỉ để kiếm lời. Có những người sẵn sàng đốt cháy cả một ngôi nhà của thiên hạ, chỉ để kiếm lợi một xu cho bản thân, “miễn bố mày có tiền là được” một cách thản nhiên, bất chấp. Nhiều lúc họ làm xấu xong rồi lại thản nhiên đi nói dối trước mặt người khác, cứ như không. Không hề xấu hổ, không có chút tự trọng nào, chỉ cần người khác chưa biết là được.

Thưa mọi người, việc xấu muốn người khác không biết, không bóc được thì chỉ có đừng làm. Không làm xấu thì chả ai nói xấu, bôi nhọ chúng ta được – thời gian rồi sẽ trả lời chính xác ngay.

3. “Thiếu hiểu biết nhưng rất lười học hỏi”

“Người Việt Nam có truyền thống hiếu học” theo mình là một câu tuyên truyền hài hước, bởi sự thật phải là: “Bố mẹ Việt Nam có truyền thống ép con phải học” mới là chính xác. Cái gì bố mẹ không làm được là ép con phải thực hiện giấc mơ của họ, đến tội đám trẻ luôn.

Thiếu hiểu biết thường dẫn tới thiếu tự tin, luôn luôn sợ hãi, nghi ngờ xung quanh rồi hèn nhát khi gặp xung đột lợi ích, thường tránh né rồi tìm cách rỉa, thậm chí phản bội, bán đứng người khác, miễn sao có thể có lợi chút cho bản thân, hoặc “có thể an toàn”. Họ không hề nhìn ra rằng: Cách an toàn nhất nhiều khi chính là chiến đấu – bởi “chân đi hai hàng, vừa đi vừa tiểu tiện thì kiểu gì cũng ướt chân. Mùi khai ngửi mãi cũng quen, nhưng chung quanh thì không sao chịu nổi” – các cụ đã dạy rồi.

4. “Đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác”

Rất ít người có đủ can đảm nhận trách nhiệm hay sai sót, càng ít hơn sau khi nhận ra vấn đề mà đủ can đảm đối diện với sự thật mà thay đổi. Mọi người không hiểu rằng, sự chỉ trích của thiên hạ chỉ là sự ghẻ lở ngoài da, bản thân phải hiểu bản thân, phải tự rút ra bài học thì mới lớn được.

Cái áo không làm nên thầy tu, chức vụ, học hàm, học vị không làm nên con người, chỉ có lối suy nghĩ, lời nói, việc làm và hiệu quả tích cực mang lại cho bản thân, cho chung quanh, mới tạo nên cuộc sống mà chúng ta đang có. Thành hay bại, được tôn trọng hay không, ấm no, hạnh phúc cũng là từ đó.

5. “Bạo lực gia đình là điều hiển nhiên”

Điều này không chỉ xảy ra trong các gia đình lao động, nghèo khổ, ngược lại, giáo sư, soái sủng, được học hành… cũng nện vợ như điên luôn. Và điều này thực sự làm mình bực.

Chúng ta muốn thay đổi xã hội cho tốt đẹp hơn ư? Việc đầu tiên là phải nhìn vào bản thân, rồi thành thật với chính mình đấy. Bản thân tốt mới tạo ra nền móng tốt, rồi từ đó mới có khả năng cho gia đạo, công việc, xung quanh ổn định theo – để rồi ấm no, hạnh phúc cũng mới từ chỗ đó. Ba Lan là nước có pháp luật, có công bằng xã hội, có môi trường để chiến đấu, để phát triển… thì tại sao không học họ?

Chẳng cái gì tự nhiên đến đâu, đều do nỗ lực của bản thân cả đấy.

________

PS: Bản thân mình là một người mơ mộng, mình mơ về một xã hội tử tế hơn, thậm chí nhiều lúc trở thành một thứ “cao bồi thôn chính hiệu” như ai đó từng dè bỉu, “chuyên xía mũi vào việc người khác”. Nhưng cũng bởi mơ mộng, mình mơ về những thế hệ sau này sẽ khác trước, sẽ hiểu hơn những việc cần phải làm, để có thể tạo ra được một dân tộc Việt Nam tử tế hơn.

Mà để giấc mơ không mãi mãi chỉ là giấc mơ, thì lại phải bắt đầu từ chính bản thân mình.

Đúng không mọi người?

Và mình rất tin là giấc mơ rồi sẽ thành hiện thực. Một ngày nào đó. Bởi ở đâu đó, tuy sự khốn nạn lan tràn, mình vẫn luôn tìm thấy những người tốt, sự tử tế, chân thành. Thế nên không phải không còn hy vọng đâu. Rất hy vọng là đằng khác.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. (1) “Kẻ thù của người Việt tại Ba Lan lại chính là người Việt” : có lẽ không phải chỉ
    người Việt ở Ba Lan coi người Việt là kẻ thù mà khắp thế giới có dân ta cư ngụ ?
    Thế nhưng, mức độ kẻ thù này có phần trầm trọng hơn rất nhiều ở trong nước bởi
    vì dưới nhãn quan (hay lăng kính) của nhà nước Cs. thì bất cứ người dân nào dám
    ý kiến ý cò với nhà nước đều là phản động, là kẻ thù “chính hiệu con nai vàng” !
    Từ đây mà coi nhau như vậy thì ra ngoài này vẫn chứng nào tật nấy theo qúan tính
    không thể một sớm một chiều mà bỏ được. Tuy nhiên, cũng phải công bằng mà thú
    nhận rằng hầu hết dân ta Nam hay Bắc đều có tâm lý như thế, chỉ khác về mức độ.
    Có lẽ họ ích kỷ nên chỉ thấy cái lợi trưóc mắt, như thằng Bờm không thèm những gì
    qúa cao sang, vượt xa tầm tay của mình mà chỉ thấy “nắm xôi” để …đớp vào bụng
    đang đói mới là cái thật, đồ thật ?
    Dù sự thật mất lòng nhưng tác giả dám nói thẳng như vậy cũng là “can đảm”, cũng
    như thầy thuốc phải tìm ra bệnh thì mới chữa lãnh được cho bệnh nhân chăng ?
    Tất nhiên, trên đây chỉ là vài ý kiến thô thiển của cá nhân tôi mà thôi.

  2. GS Hoàng Ngọc Hiến từng nói “Cái xã hội mình nó thế” . Xã hội thế nào thì sản sinh ra những con người thế ấy . Hôm qua, tác giả LBDN đã có bài nói về thói làm ăn chụp giựt, ăn xổi ở thì của người Việt ở ( tất nhiên cả ngoài lẫn trong nước ) , chỉ muốn hốt cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới việc làm ăn lâu dài bằng chữ “Tín” , tạo niềm tin cho khách hàng về lâu, về dài .
    Nay, bác lại dẫn ra thêm cả đống thói xấu của người Việt nữa . Đó là bản chất mà không phải là hiện tượng . Những câu “cây đắng sinh trái ngọt”, “cha mẹ cú đẻ con tiên, cha mẹ hiền sinh con dữ” . . .Chỉ là những cá biệt với một tỉ lệ vô cùng, vô cùng nhỏ !
    Ông HCM cũng nói , đại ý “Hiền, dữ đâu phải là tính sẵng/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” .
    Tất nhiên, người tốt vẫn còn rất nhiều trong xã hội . Giấc mơ của bác là giấc mơ xanh, đẹp , đầy lạc quan, hi vọng .
    Song với nền giáo dục lụn bại nầy, thì bao giờ , bác sẽ thấy cái hiện thực tươi sáng kia . Chỉ những nhà cai trị đất nước này mới có thể trả lời .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây