Chợ, với bà con tiểu thương và chính quyền các địa phương

Thái Hạo

15-2-2024

Vụ việc thu phí chợ dã man ở chợ Trường Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) mà tôi phản ánh mấy ngày qua, một lần nữa cho thấy vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chợ đã bị buông lỏng đến mức tồi tệ như thế nào (điều đáng mừng và đáng ghi nhận là người quản lý chợ này đã tiếp nhận ý kiến và có điều chỉnh bước đầu kịp thời theo hướng đúng). Cho nên, nó đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính hệ thống ngay. Xin nhấn mạnh lại mấy ý sau đây.

Từ nhiều năm nay, tất cả các UBND tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành quy định về thu phí chợ một cách cụ thể, chi tiết; tuy nhiên trên thực tế, việc thu phí này vẫn diễn ra tùy tiện, cảm tính và không tuân theo các quy định nói trên, đặc biệt nghiêm trọng là đối với các chợ ở nông thôn. Vậy, muốn đảm bảo quyền lợi của bản thân và góp phần xây dựng văn hóa chung cho xã hội, mỗi người cần bỏ ra ít phút, gõ Google và đọc quy định của địa phương mà mình đang sinh sống và buôn bán để tránh bị thu phí như trấn lột và bị xâm phạm các quyền lợi khác. Ví dụ, gõ từ khóa “quy định về thu phí chợ ở Nghệ An”, chẳng hạn, và tìm văn bản được ban hành ở thời điểm gần nhất để đọc và nắm.

Phí chợ được áp dụng với mức giá khác nhau tùy theo địa bàn và loại chợ (địa bàn thành phố/ huyện/ đô thị/ nông thôn/ miền núi; chợ loại 1, loại 2, loại 3). Các chợ ở nông thôn đa số là thuộc loại 3 và mức thu phí là thấp nhất. Đơn vị thu thường là thu theo tháng, chỉ trừ trường hợp người buôn bán vãng lai là thu theo lượt vào chợ.

Xin lấy ví dụ là Quyết định số 3351/2017/QĐ-UBND Thanh Hóa về thu phí chợ để làm ví dụ cho bà con dễ hiểu và dễ áp dụng. Theo quy định này, mức thu cao nhất đối với chợ loại 1 ở thành phố là 150 nghìn//m2/ tháng, và thấp nhất là 90 nghìn/ m2/ tháng. Đối với hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ nhưng chưa bố trí diện tích cụ thể thì có thể thu cao hơn nhưng không vượt quá 2 lần đối với người đã được bố trí diện tích, xin xem chi tiết trong hình. Còn riêng người buôn bán vãng lai thì mỗi lượt vào chợ là 5 nghìn đồng. Riêng về chợ do tư nhân đầu tư xây dựng và đứng ra thu phí thì cũng không được cao hơn quy định trong văn bản 3351 này.

Lưu ý, thu theo lượt nghĩa là không được căn cứ vào giá trị hàng hóa để thu, bất kể anh bán hàng nhiều tiền đến đâu thì cũng chỉ tính 1 lượt, chứ không phải hàng nhiều tiền thì thu cao, hàng ít tiền thì thu thấp. Việc thu phí này cũng không có phân biệt giữa ngày lễ tết với ngày thường, tất cả giống nhau.

Cũng lưu ý thêm, riêng đối với việc thu phí xe ra vào chợ, theo Quyết định đã dẫn ở trên, thì không phải là thu tiền xe của bất kỳ ai vào chợ, mà chỉ được thu tiền xe của “các chủ hàng hoặc người điều khiển PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN ra, vào chợ và BÁN HÀNG tại chợ”. Tóm lại là “xe đi buôn”.

Tại sao có khoản thu này? Vì các xe chở hàng hóa thường có khối lượng lớn và sẽ gây ảnh hưởng tới hạ tầng chợ, do đó việc thu phí là để phục vụ cho việc bảo dưỡng, sửa chữa đường đi, sân bãi…

Ban quản lý chợ phải có nội quy và bảng giá treo công khai tại vị trí thu phí, bảng giá này phải đúng với văn bản đã dẫn ở trên. Người thu phí chợ phải có bảng tên, việc thu phí phải có phiếu thu/ hóa đơn. Tất cả những điều này là để cả người thu lẫn người bán hàng đều biết thông tin công khai, minh bạch, tránh những cãi cọ, va chạm, xô xát và bất công có thể xảy ra.

Bà con đi chợ nếu thấy nơi nào làm chưa đúng về cả mức phí lẫn các quy định nói trên thì cần yêu cầu ban quản lý thực hiện lại cho đúng, nếu không thể đòi hỏi thì làm đơn lên chính quyền huyện, xã, phản ánh và yêu cầu chấn chỉnh.

Tóm lại, hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều đã được nhà nước ban hành Luật để làm quy tắc ứng xử chung, bà con đụng vấn đề gì thì nên có thói quen lên mạng tìm quy định mà đọc, và từ đó mà biết cách làm cho đúng, để trở thành những công dân văn minh.

***

Nói thêm về Quyết định thu phí chợ do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành, tôi đối chiếu với mức phí chợ giữa Thanh Hóa và Hà Nội để thấy mấy điểm. Ví dụ, chợ ở nông thôn, chợ ngoài trung tâm thuộc các huyện ở Thanh Hóa, thu phí từ 135 đến 90 nghìn/ tháng/ m2 nhưng Hà Nội chỉ có 15 nghìn/ tháng/ m2. Rõ ràng, với đối tượng chợ này, Thanh Hóa thu cao hơn cả Hà Nội. Hà Nội cũng không thu phí xe mô tô chở hàng vào chợ mà chỉ thu của xe 4 bánh, nhưng Thanh Hóa thì thu.

Hà Nội là một trung tâm kinh tế lớn bậc nhất của cả nước, thị trường buôn bán rất rộng lớn, tuy nhiên đối với chợ loại 1, loại 2 thì cũng không thu cao hơn Thanh Hóa bao nhiêu; ngược lại, đối với chợ loại 3 thì Thanh Hóa lại thu cao hơn Hà Nội rất nhiều. Như vậy, có vẻ như Quyết định thu phí nói trên của UBND tỉnh Thanh Hóa đã không nghĩ tới những khu vực nông thôn, miền núi, vùng khó khăn nên mới áp dụng một mức phí mà đến Hà Nội cũng phải chịu thua như thế.

Tôi nghĩ chính quyền tỉnh cần xem xét lại toàn bộ mức phí chợ đã ban hành để có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình địa phương, kèm theo những hướng dẫn chi tiết, những giải thích và định nghĩa, chứ không thể quá sơ lược như thế.

Một điểm nữa là chính quyền các tỉnh cũng phải giám sát chặt chẽ tình hình thu phí của địa phương. Cần quy định và yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc niêm yết bảng giá, bảng nội quy và các yêu cầu về xuất phiếu thu cũng như văn hóa ứng xử giữa người thu phí và tiểu thương. Hiện tại, hầu hết các chợ quê đều chưa thực hiện những việc đáng ra là phải làm này. Để thả nổi cho tình trạng quản lý và thu phí một cách tùy tiện như đang diễn ra ở hầu hết các địa phương như hiện nay, chính quyền các cấp là người chịu trách nhiệm chính. Cần nhanh chóng lập đoàn giám sát, thu thập thông tin và có hành động lập tức để chấn chỉnh nề nếp tại tất cả các chợ trên cả nước. Phải có chế tài để xử lý mau chóng các ban quản lý chợ vi phạm.

Việc thu phí không bảng nêm yết, không phiếu thu với những mức giá tùy tiện như hiện nay đã gây ra không những thiệt hại cho tiểu thương và người dân mà còn làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, làm xói mòn các giá trị văn hóa, làm đổ vỡ các giá trị truyền thống… Tình hình này không thể tiếp diễn, và nó thuộc về trách nhiệm của chính quyền chứ không ai khác – một khi người dân đã phản ánh.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây