Cướp chợ và câu hỏi “Chợ của ai”, cùng mấy vấn đề gửi đến chính quyền các cấp

Thái Hạo

10-2-2024

(Chợ Trường Sơn – tiếp theo)

Đã gần hết ngày mồng Một Tết, xin tiếp tục câu chuyện “cướp chợ” ở chợ Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa. Phần đầu đã đăng, xin xem ở đây.

I. Đoạn clip bên dưới (quay tại chợ Trường Sơn sáng 30 Tết) là tiếng “anh Long” đang chỉ tay và quát vào mặt những người bán cá: “Cút lên tê nhá, ngồi đây chết với tau. Con ni nữa, cho ngồi hôm nay nhá, còn cút lên tê nhá. Nhớ nhá!”. Cả một dãy những người phụ nữ bán cá không ai dám nói lại tiếng nào, mặt tái mét, cố cười gượng gạo lấy lòng.

Tôi ghé lại và hỏi họ: Ông kia là ai và tại sao lại đuổi các cô. Họ cho biết: Đó là ông Long, chủ chợ. Để bán cá ở chợ này, cách đây khoảng hơn một tháng họ đã phải nộp tiền chỗ ngồi 2 triệu đồng, nhưng vì ông Long xếp cho ngồi mãi trên góc xa không có khách mua, nên 30 Tết rồi họ mới mon men xuống đây ngồi để mong bán được chút hàng. Ông Long không cho và nói, nếu muốn ngồi đây thì phải đóng thêm 1 triệu nữa. Họ cũng cho biết, dù đã đóng tiền chỗ ngồi nhưng mỗi ngày đi chợ thì vẫn phải trả “tiền quét” (tức phí chợ), ngày thường là 20 đến 30 nghìn, ngày Tết là 100 nghìn.

Tôi nhìn “gian hàng” của mấy người bán cá này, chỉ thấy lèo tào mấy mẹt ngao, mực và ít cá, tổng tiền hàng không biết có nổi 1 triệu đồng không. Một cô bán cá cho biết, cô ở dưới Tĩnh Gia, cách chợ này khoảng 20 cây số, lên đây giữa mưa rét để cố bán, kiếm vài đồng về lo tết, mà người ta thu tiền quét nặng quá…

II. Xin hỏi chính quyền xã Trường Sơn và huyện Nông Cống mấy câu sau đây:

1. Chợ này là của ai, chợ nhà nước (tức của dân) hay chợ của ông Long?

2. Ông Long là người đã mua đứt chợ Trường Sơn hay là người trúng thầu thu phí chợ? Nếu là người thu phí chợ, vậy căn cứ vào quy định nào để ông ta thu tiền như cướp bóc giữa chợ mà không phiếu/ hóa đơn, không có niêm yết mức phí tại điểm thu tiền?

3. Chính quyền xã Trường Sơn và huyện Nông Cống có biết tình trạng thu tiền phí như trấn lột đã diễn ra nhiều năm nay tại chợ Trường Sơn hay không? Nếu không biết thì các vị có còn xứng đáng làm cán bộ để quản lý xã hội nữa không?

4. Để cho hành vi thu tiền trái với quy định do HĐND tỉnh ban hành diễn ra tại chợ Trường Sơn mang tính chất côn đồ, trấn lột như đã thấy trong các clip thì chính quyền xã và huyện này phải chịu trách nhiệm như thế nào?

III. Liên quan đến một ví dụ là nạn thu tiền tàn bạo tại chợ Trường Sơn, xin gửi đến chính quyền tỉnh Thanh Hóa mấy vấn đề sau:

1. Tôi được biết, chợ Trường Sơn (trước đây tên là chợ Nồn) đã có lịch sử cả trăm năm, nhưng chỉ trong vòng hơn mười năm nay thì đã bị chuyển vị trí 2 lần (tức đã lần lượt đặt trên 3 vị trí khác nhau trong hơn 10 năm nay). Đối với xã hội Việt Nam, đặc biệt là nông thôn, chợ không chỉ là một địa điểm buôn bán mà hơn thế, còn là một không gian văn hóa đặc trưng của làng Việt, cần được quan tâm để giữ gìn và phát triển, nhưng tại sao lại có việc chuyển chợ liên tục như thế?

Phải chăng, khi chợ đã rơi vào tay tư nhân thì nó đã bị biến thành một công cụ để thao túng thị trường đất đai? Dời chợ đến một chỗ mới, biến đất xung quanh thành đất vàng và bán đất, sau đó lại dời đi chỗ khác để thổi giá đất…? Ai là người đã tùy tiện cho phép bứng một không gian văn hóa trăm năm như chợ Trường Sơn (chợ Nồn cũ) đi đặt ở khắp nơi như thế?

Chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần điều tra tất cả những vấn đề có liên quan đến việc xoành xoạch di chuyển chợ ở xã Trường Sơn để làm sáng tỏ động cơ, mục đích và các vấn đề pháp lý khác.

Về nội dung liên quan đến một khía cạnh văn hóa của chợ Trường Sơn, tôi đã có bài viết đăng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam cách đây gần 1 năm rưỡi khi chưa hề biết đến nạn thu tiền phí như trấn lột ở chợ này, bài “Chợ Nồn, và yêu cầu thận trọng khi đổi tên các địa danh”. Mời tham khảo: https://nongnghiep.vn/cho-non-va-yeu-cau-than-trong-khi-doi-ten-cac-dia-danh-d333661.html

2. Lịch sử hình thành và tồn tại của chợ Việt là một nội dung quan trọng về mặt văn hóa của đất nước và đã có nhiều công trình khoa học công phu khảo cứu về đề tài này. Chợ không phải chỉ là một mảnh đất mà ở đó mọi người tập trung đến để mua và bán.

Cần lưu ý rằng, chính người dân địa phương là chủ thể của chợ, hiểu theo cả nghĩa vật chất lẫn kiến tạo văn hóa. Do vậy, không thể tùy tiện giao chợ vào tay tư nhân theo kiểu đấu thầu 50 năm rồi mặc cho những người này thao túng, tung tẩy, biến thành cây gậy trong tay họ để tróc nã tiền người dân và hủy hoại các giá trị nhiều mặt về cả phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, như cái cách mà chính quyền xã Trường Sơn đang làm và phó mặc cho người đàn ông tên Long kia công khai trấn lột những chủ thể của chợ là người dân.

Theo tôi, chính quyền Tỉnh (và không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa) cần phải có nghiên cứu và thái độ ứng xử phù hợp với các chợ truyền thống, đặc biệt là chợ quê. Để bảo đảm quyền chủ thể của người dân đối với chợ và không để chợ trở thành công cụ cho những nhóm lợi ích, thì cần trao chợ lại cho người dân để họ quản lý, bảo vệ, giữ gìn dưới sự giám sát của chính quyền.

3. Câu chuyện ở chợ Trường Sơn có thể là một điển hình đại diện (chứ không phải duy nhất) cho tình trạng chung của các chợ truyền thống ở khắp các huyện, xã. Vì vậy, chính quyền tỉnh cần có một cuộc rà soát và chấn chỉnh đồng bộ; đồng thời có một ứng xử phù hợp về cả cách quản lý, thu phí và giữ gìn không gian văn hóa đặc trưng này của làng quê Việt. Không thể tiếp tục thả nổi cho các địa phương tự ý “bán chợ” và đẩy những chủ thể đã xây dựng và kiến tạo nên của nó (là người dân) ra rìa rồi trở thành nạn nhân của những nhóm lợi ích.

Tất cả những việc trên là quan trọng, nhưng trước hết cần sớm làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương (xã, huyện) cũng như xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, lập lại sự an ninh và trả lại lành mạnh cho chợ Trường Sơn.

IV. Với người dân và những người buôn bán tại chợ thì xin lưu ý, ngày 7 tháng 9 năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 3351/2017/QĐ-UBND, trong đó quy định cụ thể mức phí phải nộp đối với người buôn bán cố định trong chợ (thì đóng theo tháng) lẫn vãng lai (5 nghìn đồng/ lượt). Xin đọc quy định chi tiết tại đây; và cố gắng ghi nhớ, lưu lại để thực hiện nộp phí và yêu cầu thu phí cho đúng: https://vbpl.vn/thanhhoa/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=125535

Cũng xin lưu ý, ban quản lý thu phí chợ thì phải có bảng phí niêm yết phí tại điểm thu, và phải có phiếu thu, đó là quy định. Bà con cần đối chiếu cách làm cụ thể của người thu phí với các quy định trên, để nếu thấy ở đâu làm không đúng thì thì phản đối, báo cáo lên cấp có thẩm quyền hoặc công bố thông tin lên truyền thông để phản ánh, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình cũng như giữ gìn môi trường chợ được văn minh, đúng pháp luật.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cho tớ được phép nhiệt liệt hưởng ứng Thái Hạo chiện này

    “chính người dân địa phương là chủ thể của chợ, hiểu theo cả nghĩa vật chất lẫn kiến tạo văn hóa”

    Rất chính xác . Đổi Mới đã lật đổ nền dân chủ chiên chính vô sản, lập nên chế độ độc tài toàn trị chiên chính tư bửn, mạo danh Cộng Sản, nên toàn bộ những thứ thuộc về sở hữu toàn dân đã bị tư hữu hóa . Và nếu truy dần lên, chắc chắn sẽ dính dáng hổng ít tới những bọn địa chủ, cường hào mới .

    Có thể đặt tên “Chủ Chợ Ác Ghê” cho thiên phóng sự này của Thái Hạo

    Chỉ mún phản biện 1 điều, “công trình khoa học công phu khảo cứu về đề tài này”. Hổng nên đề cập tới 2 chữ “khoa học”, its funny as Phúc khi đụng tới VN. Nội những gì TH đưa ra trong bài này, minus 2 chữ “khoa học” đã đủ thuyết phục độc giả rùi, nhất là độc giả BTD. Hổng cần phải dựa dẫm vô “khoa học”, nhứt là ở VN. Đọc tựa đề “hội thảo khoa học về nhà Cộng Sản Tôn Đức Thắng”, if i were ya, dont even wanna mention 2 chữ đó

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây