31-1-2024
Về vụ việc “học sinh trực cổng gập người chào ô tô” ở trường Trần Mai Ninh, dù anh Hoàng Tuấn Công đã tạm ẩn bài viết sau khi bà Hiệu trưởng đến gặp, trao đổi và hứa chấn chỉnh, nhưng trên mạng vẫn còn nhiều trang tải về và đăng lại các clip ấy.
Lướt Facebook, tình cờ thấy trang Hoàng Nghĩa Thắng có gần 200 bình luận, bấm vô coi mọi người nói gì. Thật bất ngờ, có rất nhiều nick tự xưng là học sinh trường THCS Trần Mai Ninh, dùng lời lẽ dữ dằn, có khi thô tục và hỗn hào để mắng chửi lại.
Tôi không rõ hành động này của các cháu có được ai gợi ý hay chỉ đạo hay không, nhưng trông thấy mà giật mình, lo và sợ. Nhất là thương, vì các cháu còn quá nhỏ để hiểu sâu vấn đề, rủi lại bị chính “người lớn” sai đi để “tác chiến” trên mạng như thế thì thật tai hại. Hy vọng sự lo lắng của tôi là không đúng với thực tế.
Ở sự việc “cúi chào ô tô” này có rất nhiều vấn đề cần được bàn bạc và làm sáng tỏ, nhưng tôi tạm gác sang một bên, chỉ nhân bình luận của nhiều cháu (xưng là học sinh Trần Mai Ninh) khi khẳng định ý nghĩa tuyệt đối của sự “cúi chào”, tôi muốn bàn đôi lời về cái nhận thức tưởng như là tốt đẹp hiển nhiên này.
***
Lúc còn đi dạy, trường chuyên nơi tôi làm việc cũng có quy định nghiêm ngặt về việc cúi chào thầy cô, khách khứa…, tóm lại là bất luận ai vào trường mà mình trông thấy. Sau một thời gian, đi đâu trong trường cũng gặp cảnh học sinh cúi chào mình. Oái oăm, những lúc đông học sinh đang có mặt mà đồng thời cũng có nhiều giáo viên xuất hiện rải rác thì các em cứ thế cúi đầu lia lịa. Một học sinh mà gặp liên tiếp mấy giáo viên trong một khoảnh khắc ngắn thì em đó cứ cúi hết bên này sang bên kia như con đông tây trong ruộng khoai mà tôi gặp hồi nhỏ. Đi trên hành lang vào lúc chuyển tiết mà gặp đoàn học sinh thì ôi thôi, chỉ nội việc gật đầu lại cũng đã muốn mỏi rơi cổ.
Đáng nói ở chỗ, lối chào hỏi này được sinh ra từ một mệnh lệnh có tính hành chính và bị đánh vào thi đua, thành ra dần dần học sinh cứ gật đầu như bổ củi trên sân trường, mà mặt mũi và ánh mắt thì vô hồn. Chào trở thành một nghĩa vụ, và lâu dần những cái cúi đầu thành chiếu lệ, máy móc, không hề có chút cảm xúc hay thái độ tôn trọng thật lòng nào. Cứ chào như những con robot.
Có một điều thú vị mà tôi quan sát thấy, đó là càng ngày càng có nhiều thầy cô giáo và các nhà trường ở nhiều nơi trong nước tự hào về “văn hóa chào hỏi” của học sinh trường mình. Họ khoe nó như một thành công và là điểm sáng chói lọi mà trường họ đã làm được. Tôi hình dung ra cái kiểu chào ở những trường mà tôi đã làm việc, bất giác rùng mình.
Tôi nói với học sinh của mình rằng, chào hỏi nhau đó là điều tự nhiên và đẹp đẽ trong văn hóa ứng xử chung của loài người. Nhưng chào cũng phải hợp cảnh và nhất là phải thật lòng và có ý nghĩa, chứ không phải bởi những mệnh lệnh và máy móc. Khi trông thấy một người mà các em quý mến và muốn chào thì tiến lại mà cúi đầu hay nói một câu hoặc làm một hành động nào đó. Trong trường hợp giáp mặt nhau thì chào nhau bằng ánh mắt, bằng nụ cười hay một cử chỉ phù hợp, chứ không nhất nhất phải gập đầu gập cổ như những cái máy như vậy.
Mỗi khi giáo viên bước vào lớp, theo “truyền thống” và quy định, cả lớp sẽ nhất tề đứng dậy và rồi thả người xuống ghế sau vài giây khi giáo viên đã chào lại hoặc ra hiệu cho ngồi xuống. Những hình ấy lặp đi lặp lại khiến tôi phát sợ, nên mỗi khi vừa vào đến cửa lớp, tôi phải ra hiệu ngay cho các em là “ngồi”, đừng đứng dậy theo lập trình nữa.
Một sự vui vẻ rôm rả của các em, và giáo viên bằng cái cười hay cử chỉ thân thiện, gần gũi của mình, đều có thể là sự chào hỏi đầy năng lượng dành cho nhau đầu mỗi tiết học, hà cớ gì cứ phải răm rắp như những cỗ máy vô hồn? Tôi phát khiếp lên với văn hóa chào hỏi trong nhà trường suốt những năm đi dạy và luôn phải tìm cách chống lại tình trạng gỗ đá ấy bằng các hình thức khác vui vẻ, tự nhiên và ấm áp hơn.
Mỗi dân tộc có một cách chào hỏi đặc trưng của mình, như người Tây thì bắt tay, người Nhật Hàn thì gập người, người Việt hay chào bằng các câu hỏi vu vơ hoặc một cử chỉ nào đó… Cái chào không phải ở hình thức, dân tộc nào cũng có sự giao tiếp mang màu sắc của riêng họ, và điều quan trọng là chào để tỏ ra thân thiện, tôn trọng, yêu mến…, xác lập một quan hệ lành mạnh giữa người và người, chứ không phải để thi hành một thứ công thức chết cứng, khô khốc và vô nghĩa nào đó.
Hành động gập người chào ô tô ở trường Trần Mai Ninh là máy móc, và cả phản cảm nữa khi nó diễn ra trong một tình huống mà sự đối lập trở thành tương phản chát chúa giữa một bên là học sinh đứng giữa gió rét với một bên giáo viên ngồi trong ô tô sang trọng lù lù tiến vào. Không ai chào cái ô tô bao giờ cả! Còn nói rằng giáo viên cũng hạ kính xuống để chào học sinh thì đó là sự chống chế rất vụng, vì trong những clip ấy tôi không hề thấy xe nào hạ kính xuống cả. Và nữa, đang lái xe vào cổng trường mà lại ngó ra để chào học sinh thì đảm bảo an toàn chỗ nào?
Thiết nghĩ, nếu các cháu học sinh ở trường THCS Trần Mai Ninh chỉ là tự phát mà đi “chiến đấu” với người lớn trên không gian mạng thì nhà trường cần giáo dục; còn nếu đây là sự “ra quân” từ một “chỉ đạo” nào đó thì phải nói là tai họa cho giáo dục. Tôi mong muốn sự tình này được làm sáng tỏ để có những chấn chính kịp thời, tránh biến những học sinh non nớt thành công cụ trong tay người lớn để thực hiện những mục đích ích kỷ của họ.
Xin có đôi lời nói riêng với các em học sinh trường Trần Mai Ninh. Các cháu nên thấu hiểu ý nghĩa của hành động chào hỏi và hãy xuất phát từ tình cảm của mình mà thực hiện và thực hiện sao cho linh hoạt. Các cháu còn tuổi ăn tuổi học, niềm vui lành mạnh là điều quan trọng nhất, không nên để những thứ hình thức xơ cứng làm cằn cỗi cảm xúc và sự trong sáng của mình.
Luôn học cách tôn trọng thầy cô giáo, nhưng các cháu cũng hãy nuôi dưỡng lòng tự trọng và những tình cảm quý mến chân thành, bởi đó mới là điều đẹp nhất trong tình thầy trò mà mình mang theo suốt những năm tháng sau này.
_____
Ghi chú: Tựa bài do Tiếng Dân đặt
Trong vĩ tuyến 17, trẻ con vẫn được dạy đứng khoanh tay chào người lớn, thưa gửi, chẳng cứ là thày giáo.
Ngoài vĩ tuyến 17, sau 1954, con tố bố, vợ tố chồng, cái môn khoanh tay, cúi người lễ phép chào hỏi đã bị loại khỏi xã hội. Lường Tú Tuấn sinh ra lớn lên, học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ngoài vĩ tuyến 17, ngạc nhiên với việc khoanh tay chào của trẻ con miền Nam, không những thế còn quy chụp là giả tạo, đời có thể hiểu được gốc gác và những cái sâu thẳm trong suy nghĩ, gần như là tiềm thức, của Lường Tú Tuấn.
Còn cái việc ở trường học kia, trẻ con khoanh tay cúi chào thày giáo, tốt thôi, nhưng mấy thằng thày giáo cứ lái xe đi thẳng, đấy mới là láo toét, thể hiện đúng sự ngang ngược của kẻ ăn trên ngồi trốc xứ Chiều Nay.
“người Nhật Hàn thì gập người”
Thì các hs chào theo kiểu Nhật Hàn hổng phải là “chào để tỏ ra thân thiện, tôn trọng, yêu mến…, xác lập một quan hệ lành mạnh giữa người và người” à ? Thái chào chắp tay lại như lạy Phật, có thể ở đây là 1 sự kết hợp hài hòa giữa Nhật & Thái .
Nhận định “Hành động gập người chào ô tô ở trường Trần Mai Ninh là máy móc, và cả phản cảm nữa”, so với đưa Nhật Hàn ra làm ví dụ, đv tớ, thiếu sự trung thực .
Chỉ lói thía lày, trong đầu mỗi “trí thức” nhà các bác có sẵn 1 bộ luật cho riêng mình, và mỗi người trở thành 1 thứ Javert cho cái bộ luật, tất nhiên, của riêng mình, trở thành 1 thứ “nô lệ của luật pháp”, cái thứ luật pháp của riêng mình . Có “trở nên một kẻ máu lạnh, một cỗ máy không có linh hồn, một con “chó nhà lai chó sói” chỉ biết săn đuổi và trừng phạt” chưa, có người đang théc méc rùi đấy
Không ai chào người ngồi trong ô tô cả muỗi ơi
Dân Việt có thể chứng tỏ mình lịch sự hơn người khác . So far, trí thức nhà mềnh nghĩ mình cái gì cũng hơn thiên hạ, Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Chu nghiên cứu mệnh Giời, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang biết rõ quy luật vận hành của vũ trụ . Chứng tỏ mình lịch sự hơn is the least & even better thing