Chuyện lương thực, gạo (Kỳ 1)

Nguyễn Thông

19-1-2024

Ngẫm lại tiếng Việt ta, trải qua năm qua tháng có những từ, những cách nói gần như mất hẳn trong đời sống, nếu muốn tìm hiểu nó chỉ có thể lục tìm ở cuốn từ điển. Ví dụ, cùng nói về ăn, xưa có những từ ghép: ăn dè, ăn mặn, ăn độn, ăn vã… nay chả ai nhắc tới hoặc dùng theo nghĩa từng phổ biến nữa.

Cũng phải thôi, ngôn ngữ là hình chiếu của cuộc sống, nó phản ánh, thể hiện những gì có trong đời thực, nay đời thực không còn thứ ấy thì nó cũng lịm nhạt dần đi, sau biến thành tử ngữ. Khi người ta mặc quần jean, quần Tây thì không ai nhắc tới quần lá tọa, quần dây rút, quần ta. Phải chấp nhận thôi.

Đã kể ra thì cũng nên nói cho rõ. Ăn dè bắt nguồn từ chữ dè, dè sẻn. Chữ ấy thể hiện sự tiết kiệm, chi dùng hạn chế, hoàn toàn trái ngược với sự thả cửa, hoang phí. Ăn dè tức là ăn có mức độ vừa phải, thậm chí tằn tiện, thòm thèm. Cũng không hẳn do quá thiếu thốn thì mới ăn dè, mà có khi ăn hôm nay còn nghĩ tới ngày mai, lo tháng ba ngày tám đói kém, lo hạn hán, lụt lội, chiến tranh, lo cả khi đau yếu bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu hoang phí buông tuồng, khi sự ấy xảy ra lấy gì mà sống. Chi bằng cứ dè sẻn, kể từ miếng ăn.

Hồi tôi còn nhỏ, ở miền Bắc những năm thập niên 1950 – 1970, cơm không đủ, luôn đói, thèm cơm, nhiều khi chả ước gì, chỉ ao ước được ăn no. Tuy chưa tới mức phải dè… cơm, nhưng đám trẻ con luôn được người nhớn quán triệt rằng thức ăn (con tôm con cá, miếng thịt, quả trứng) phải ăn dè, có thế mới đủ “phương tiện” tải cơm vào bụng. Gặp nhau ngoài đường, chào hỏi nhau, nếu không bằng câu “đi đâu đấy” thì thường chào “ăn cơm chưa”. Cái đói thường trực đã lặn vào cả câu chào một cách hồn nhiên.

Có lần tôi thử ăn vã (chỉ ăn thức ăn, không kèm cơm) hẳn một con tôm giảo rang để tận hưởng miếng ngon xem nó ngon ra sao nhưng sau đó phải trả giá bởi và (lùa) miếng cơm không vào mồm nó cứ nhạt nhẽo khó nuốt. Người nhớn nhắc nhở ta điều nọ điều kia bằng kinh nghiệm đã trải qua, không phải không có lý của họ.

Thập niên 1980, có lần trà dư tửu hậu sau cuộc giỗ ở quê An Giang, tôi rụt rè nói với ông anh vợ rằng cơm nấu nhiều thế kia, đổ bỏ cho heo, phí lắm. Ổng cười bảo, mình không ăn thì heo nó ăn, gạo lúa ê hề, có thiếu thì chỉ thiếu tiền thôi chứ cơm nhằm nhò gì. Lại bảo, ngoải đói lắm, cơm không đủ no, sao kéo nhau vào giải phóng chúng tôi làm chi cho cực.

Ngược với ăn dè là ăn mặn. Nghĩa đen của ăn mặn là ăn nhiều muối, nhiều mắm. Mắm muối chứa vị mặn, anh nào ăn thứ đó nhiều hơn người khác thì bị chê ăn mặn, ngược với ăn nhạt/lạt. Dân vùng biển thường ăn mặn hơn người những vùng khác, có nhẽ ở biển sẵn muối. Hồi những năm 1960 trở về trước, người vùng núi cao thường ăn rất nhạt bởi muối hiếm, vận chuyển đường sá xa xôi, khó khăn. Ăn nhạt quá thì dễ bị phù, phù thũng, mặt cứ bệu ra, sưng bủng, da dẻ bợt như ngâm trong nước.

Dạo tôi học cấp 2, còn nhớ trong sách trích giảng văn học chọn bài “Bữa cơm thường trong bản nhỏ” của nhà thơ Chế Lan Viên, có câu “Muối lên rừng tay bưng tay đặt/ Bộ đội bác lên rừng công tác em thương”, muối quý lắm, từng hạt muối chẳng khác hạt vàng.

Truyện “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc viết về anh hùng Núp và dân làng Kông Hoa ở Tây Nguyên trốn lên rừng để đánh Pháp, không có muối phải đốt cả cỏ tranh khô lấy tro ăn thay muối. Nhà văn Nguyên Ngọc nổi danh lẫy lừng từ tác phẩm này. Nó được đưa vào sách “Trích giảng văn học” lớp 10 hệ 10 năm, cứ vài ba năm lại lấy làm đề thi tốt nghiệp, có lẽ chỉ sau “Nhật ký trong tù” và thơ Tố Hữu. Ở Cuba, trùm cộng sản Fidel Castro kết nghĩa anh em với ông Núp sau khi nghe tuyên truyền về cuốn “Đất nước đứng lên”.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây