Vấn nạn của thể thao nước nhà

Phúc Lai

16-1-2024

Sự việc vận động viên (VĐV) Phạm Như Phương, “cô gái vàng thể dục dụng cụ” (TDDC) Việt Nam đang dậy sóng mấy hôm nay, nhất là khi cháu gái lên TikTok nói huỵch toẹt ra những vấn đề – không muốn nói là vấn nạn của thể thao nước nhà. Nếu là người không quan tâm nhiều đến thể thao thành tích cao, nghe cháu nói, chắc chắn sẽ choáng. Chẳng hạn, cháu nói các vận động viên sau khi được tuyển trạch đưa về nuôi nhốt, không được học hành tử tế trở nên “ngu” – chuyện này thực ra là hết sức bình thường.

Cách đây mấy năm chúng tôi cũng đã có kế hoạch cho thằng con vào tập trong đội chuyên nghiệp và nếu OK sẽ hướng tới Seagames 2021 ở Việt Nam. Sau khi cân nhắc, nhất là nhìn cách huấn luyện cho các cháu vận động viên nước nhà theo kiểu ăn xổi, chín ép, vắt chanh kiệt nước, chạy theo thành tích một cách phi khoa học (trình độ có hạn nên không biết cách nâng cao thành tích bằng khoa học mà ép sức mạnh, ngay cả ép sức mạnh cũng rất phi lý: Yêu cầu tập đại khối lượng, áp dụng cường độ cao trong thời gian kéo dài…).

Câu chuyện của cô gái Ánh Viên được chia sẻ trên báo chí về nội dung tập mỗi ngày bơi giáo án đến 22.000 mét, trong khi Katie Ledecky bơi chuẩn bị cho giải vô địch thế giới vẫn đi học ở trường đại học, mỗi tuần tập 5 buổi (5 ngày) mỗi ngày 8.000 mét, đáng nhẽ ra phải đặt được cho mỗi người Việt một câu hỏi to đùng.

Không có cách nào nâng cao thành tích, các huấn luyện viên Việt Nam ép vận động viên theo kiểu cực hình. Trong khi đó chính họ cũng không có ý thức học hỏi nâng cao trình độ, ngoại ngữ số người biết một chút, đếm trên đầu ngón tay.

Quay lại với Phạm Như Phương, cháu đã sắp hết tuổi, nói chính xác là đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp thi đấu, nên việc giải nghệ là đúng. Hãy nhìn những câu chuyện của các vận động viên lứa đàn anh, đàn chị của cháu, sẽ thấy thái độ của nền thể thao nước nhà với các cháu như thế nào. Ánh Viên, Huy Hoàng… khi đi các giải quốc tế đều bị ép đăng ký rõ nhiều nội dung để cầu may có được huy chương, mà không đếm xỉa đến nội dung sở trường…

Điều cuối tôi muốn nói là, lại giống như ca sĩ Trọng Tấn trước đây “vi phạm kỷ luật”, lần này cháu Như Phương cũng lại bị nâng cao quan điểm về chuyện “đi nước ngoài không xin phép”. Chuyện này nói lên đặc điểm của thể thao thành tích cao Việt Nam là “nuôi nhốt trả lương” (tất nhiên mức lương so với thu nhập chung của xã hội là chết đói), vận động viên bị nhốt đến mức không còn cơ hội học tập đúng như Như Phương nói, ra một lũ ngu. Nhưng những người quản lý thể thao lại được quyền kỷ luật vận động viên nếu “vi phạm kỷ luật” như trên.

Ảnh chụp màn hình

Đã đến lúc trả lại cho thể thao cái cách tồn tại và phát triển như thế giới: Xây nhà ít thôi, thêm nhiều sân vận động và bể bơi, sân tennis và bóng rổ… Tham quá rồi con người cũng ôm tiền mà chết. Thể thao đỉnh cao phải dựa trên nền thể thao đại chúng, từ đó chọn ra vận động viên giỏi mới cho nó đi nước ngoài nước trong mà bồi dưỡng… thay vì nuôi nhốt 200 cháu, nay chỉ tập trung cho 20 cháu không hơn à…

Trong khi đó ngành thể thao đang sử dụng truyền thông bẩn “đánh” cháu Như Phương bằng những câu nhận xét mất dạy (ảnh trên).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây