16-1-2024
Lời tác giả: Truyện ngắn này tôi viết 14 năm và đã đăng trên báo Tiền Phong, in lại trong các tập truyện “Lãng du” (NXB THỜI ĐẠI 2011) và được trao giải Văn học Thủ đô 2012; “Bước qua lời nguyền và những truyện khác” – NXB HỘI NHÀ VĂN 2014. Nó là chuyện xảy ra trong một gia đình.
Tôi phải nói rõ như vậy để loại trừ trước mọi suy diễn! Nay xin đăng lại hầu bạn đọc. Vì truyện khá dài nên tôi chia ra làm 3 kỳ để bạn đọc đỡ mỏi mắt.
***
Một hôm, có lẽ sau nhiều ngày mất ngủ, suy nghĩ, khiến tròng mắt trũng xuống, lão Thủ quyết định gọi thằng con trai trưởng vào phòng trà của lão nói chuyện.
Con trai lão là Đắc, ở với lão, vốn là dân làm ăn nên thường lảng tránh bố trong những buổi trà dư tửu hậu, tại đó lão Thủ thường kể lể về cuộc đời lão, nghe nhức hết cả đầu. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi thời có cái khổ và cái sướng riêng của nó. Đắc nghĩ như vậy. Bản tính anh cũng hiền lành, không thích bàn luận những chuyện trên trời dưới bể. Vì thế lần này anh cũng định tìm cớ bận việc hàng họ để thoái thác. Nhưng chính lão Thủ nghiêm mặt báo trước cho anh là lần này khác. Lần này không phải chuyện tán dóc, không phải chuyện làm ăn tầm thường, mà rất hệ trọng, liên quan đến danh dự của cả Đắc và con cháu anh sau này.
Nghe bố nói vậy Đắc đâm ra tò mò. Ngoài tiểu sử bản thân được thêu dệt thành huyền thoại, liệu ông cụ đa sự còn chuyện gì nữa đây. Thế là Đắc đành phải chiều theo bố. Không giống mọi khi, cứ nước rót ra là chuyện tuôn theo không tài nào hãm được, lần này, đã qua hai lượt trà mà lão Thủ chưa tìm được cách vào đề. Có cảm giác lão cứ bị vướng ở cổ. Mãi sau lão Thủ mới hỏi con trai:
– Con có thuộc lịch sử không?
Đắc tưởng ông cụ lại sắp ngụ ngôn, ngụ ý gì nên chỉ cười khẽ:
– Đủ để con biết mình là con Rồng cháu Lạc, vừa có cánh vừa có móng vuốt.
– Bố đang bàn với con một chuyện không nên đùa – Lão Thủ nói bằng thứ giọng đủ để Đắc ân hận vì thái độ của mình – Bố hỏi con vậy là có lý do của nó. Đời con người ta, dù chỉ sống trên thế gian vài ba vạn ngày, nhưng không phải vì thế mà không nghĩ xem lúc mình nằm xuống rồi thì thiên hạ nghĩ gì. Ngay cả một bậc minh quân như Lê Thánh Tông, công đức tưới khắp thiên hạ, mà vẫn còn lo bị hậu thế phán xét chuyện cốt nhục tương tàn, muốn được xem trước sử quan chép gì về mình, đủ thấy cái danh sau khi chết nó quan trọng nhường nào.
Lão Thủ chiêu một ngụm nước, vươn cổ nuốt xuống, rồi mới nói tiếp:
– Bố đương nhiên là không thể so với các bậc đế vương. Nhưng cuộc đời bố cũng đủ chuyện để thiên hạ bàn luận, bình phẩm. Hôm nay bố muốn con giúp bố thực hiện một việc. Chỉ có con mới giúp được, chứ nếu người khác cũng làm được thì tôi quyết không phiền tới anh.
– Chuyện của bố đương nhiên cũng là chuyện của con, việc gì bố lại khách sáo thế?
– Anh nói vậy vì anh chưa hình dung ra việc tôi nhờ. Nhưng đúng là việc này cũng có dính dáng đến anh. Trước vong linh mẹ anh chết thảm dưới bánh xe, anh hứa đi cho tôi yên lòng.
Nhắc đến mẹ, tự dưng Đắc chỉ muốn gào lên: Mẹ chết cũng có nguyên nhân từ bố, cứ nghe kể lể đến thối tai ra thì ai mà không phát điên. Mẹ thì can cớ gì mà bố không để mẹ yên. Nhưng anh vội nuốt xuống ý nghĩ ấy:
– Con hứa là việc gì bố yêu cầu con cũng làm hết sức.
– Tôi tin anh. Thực ra việc cũng không có gì ghê gớm lắm, nếu anh thực sự thông cảm với bố anh. Tôi định sẽ chết vào dịp này…
Đắc đang lơ mơ vì thực ra nghe bố nói nhưng anh không để tâm chú ý, bỗng giật thót mình khi nghe bố nói muốn được chết.
– Bố nói gì thế, con có nghe nhầm không đấy?
– Tôi nghĩ là anh nghe rõ cả. Nhưng tôi cũng cứ nhắc lại thật rõ ràng: Tôi-muốn-chết-vào-dịp-này.
Đắc quên là bố đang nói chuyện hệ trọng, cười ầm lên, nước mắt nước mũi chảy ra giàn giụa.
– Bố ơi, bố thương con cháu của bố với. Cho chúng nó yên thân làm ăn, học hành. Tối mắt tối mũi cả lại, sung sướng nỗi gì đâu. Ra đường là tai hoạ rình rập. Muốn kiếm được bát cơm cũng phải vắt óc, đối phó với đủ loại mưu mô. Còn thiếu những chuyện động trời bố nghe hàng ngày hay sao mà bố nghĩ ra thêm nhiều thứ rắc rối thế.
Lão Thủ ngồi im, nét mặt tỏ ra vô cùng thất vọng. Lão nhìn ra ngoài một lúc lâu mới nhẹ nhàng cất tiếng:
– Một việc như vậy mà con nghĩ bố đùa cho vui sao. Tôi biết là anh sắp nghĩ tôi bị điên. Người bình thường ai lại nói ra miệng điều đó. Nhưng chính vì thế mà tôi mới phải rào đón kỹ lưỡng với anh ngay từ đầu. Anh hứa việc gì anh cũng giúp nên tôi mới nói.
– Thế bố đã nghĩ luôn hộ con cách con giúp bố chưa? – Đắc nhìn lão Thủ một cách oán trách – Giúp cho bố mình chết khi đang khoẻ mạnh? Hô hô, đến quỷ sứ cũng không thể làm được – Đắc lại nhìn bố, lần này vẻ mặt đầy đau đớn – bố làm sao thế hả bố?
– Tôi chả làm sao cả, chính anh biết rõ mà. Chưa bao giờ tôi minh mẫn như lúc này. Chính vì anh không chịu nghe cho thủng mới làm chuyện thành ghê gớm thế. Tôi bảo tôi muốn chết chứ có bảo ngày mai anh đập cho tôi một nhát đâu. Tôi là bố anh làm sao tôi lại để anh mang tiếng vì cái chết của tôi.
– Vậy thì con chịu – Đắc chắp tay vái về phía bố – Chả hiểu bố muốn chết bằng cách nào.
– Việc đó anh khỏi lo. Tôi tự biết cách chết và sẽ rất nhẹ nhàng. Anh nghe đây. Người khôn không phải chọn thời để sống mà chọn thời để chết. Nói như ngôn ngữ của bọn trẻ bây giờ là cần một cái kết thúc đúng lúc. Tôi nghiên cứu kỹ lưỡng rồi. Với một người như tôi, anh thừa hiểu là không thể thiếu ân oán được. Tôi biết rất rõ điều đó. Nếu chết sớm từ mươi năm trước, chắc chắn chưa nhiều người hiểu tôi. Hiểu người nào đó phải có thời gian. Vả lại khi đó tôi cũng còn trẻ, chết thì cũng thấy tiếc đời.
Nhưng nếu lui lại vài năm tôi mới chết thì có đến quá nửa những người có thể nhớ tôi đều không còn cơ hội nữa. Hoặc họ chết trước tôi, hoặc họ quá già, dù không lú lẫn thì cũng bị coi là lú lẫn, nói gì cũng không ai tin. Thì anh cứ ngẫm từ bản thân anh cũng thấy điều tôi nói. Bố anh còn minh mẫn thế này mà anh còn chả tin nữa là.
Anh thử tưởng tượng xem, đời tôi lên rừng xuống bể, chinh chiến, tù tội đủ cả. Nằm gai nếm mật nào có kém gì ai, công trạng cũng đủ để làm vốn cho vài đời con cháu. Một người như vậy mà khi nằm xuống không có những người nhớ mình là ai, thì tủi hổ nhường nào. Nhưng nếu tôi chết vào đúng lúc này thì mọi chuyện khác hẳn. Tôi tính kỹ rồi, tôi chết vào lúc này là đẹp nhất, là được thời nhất. Sống thêm vài năm nhiều khi chả để làm gì. Ai mà chẳng đến lúc phải chết…
– Thôi thôi, bố đừng nói nữa. Bố càng nói một cách nghiêm túc thì con càng không nhịn được cười. Coi như chuyện này bố đùa con, chỉ hai bố con mình biết.
– Anh nói vậy thì tôi không nhờ anh giúp nữa. Nhưng việc tôi làm thì không thay đổi.
Lão Thủ làm động tác định đứng dậy, cho thấy lão không thay đổi ý kiến. Đắc vội kéo bố ngồi xuống.
– Thôi được, thế bố muốn con giúp làm việc gì?
– Anh giúp tôi tổ chức đám ma…
– Nếu bố chết thì việc đó đương nhiên là của con, việc gì phải để bố nhờ.
– Tất nhiên nếu chỉ có thế thì tôi cần gì phải mất nhiều lời như vậy với anh. Tôi muốn có vài sự khác biệt. Chẳng hạn sau khi tôi chết, anh chưa liệm vội, mà cứ đặt tôi nằm vào quan tài như khi tôi ngủ. Để cho thông thoáng, anh nhớ khoét cho tôi một lỗ nhỏ ở đầu quan tài, đừng để bất cứ ai biết, kể cả con cháu. Đủ 24 tiếng lúc ấy hẵng liệm tôi. Sau đó anh muốn làm gì là việc của anh. Anh đừng hỏi tôi lý do tại sao phải làm thế.
– Bố đã muốn thì con không thể không làm theo. Nhưng kể cả như vậy thì đấy cũng mới chỉ xong phần của người chết, còn phần của người sống. Chúng con sẽ phải làm gì?
– Thì cứ tổ chức tang lễ như mọi người. Thủ tục thế nào anh phải biết chứ.
– Thế bố có dặn lại thêm điều gì không?
– Tôi đang dặn anh những lời cuối cùng đó thôi.
Đắc rơm rớm nước mắt:
– Thế bố định chết thật ạ?
– Anh biết là cả đời tôi rất ghét nước mắt, anh đừng khóc nữa. Tôi không định chết thật thì tôi bày ra những chuyện đó làm gì. Thời điểm anh phát tang sẽ sau đây khoảng hai tuần. Việc chết của tôi do tôi tự liệu, không phiền đến bất cứ ai.
Đắc não nề bước ra khỏi phòng trà của bố. Nhìn mắt con ướt đầm, lão Thủ trong lòng đau xót lắm nhưng lại chỉ muốn phá lên cười. Màn kịch lão dựng lên bước đầu khá hoàn hảo. Lão chỉ chết giả vờ thôi, chết thử để xem thiên hạ nghĩ gì về mình. Lão sẽ biết ai đến viếng lão, ai không, ai thực sự thương tiếc, ai thương tiếc giả vờ, ai muốn lão chết từ lâu rồi… Cũng thú vị lắm chứ!
Lúc đầu lão cũng đã định bàn bạc kế hoạch ấy với Đắc, chỉ riêng với Đắc. Nhưng lão gạt ngay đi vì sợ Đắc không đủ từng trải để thủ vai, trước sau trò của lão cũng lộ. Trò tày trời này mà lộ thì những ngày cuối đời của lão sống không bằng chết. Lão muốn mọi việc phải y như thật, ngay cả con cháu lão cũng tưởng là thật, thì việc kiểm tra mới có ý nghĩa.
Lão có ba thằng con trai và hai đứa con gái. Hai đứa con gái coi như con người khác, không tính. Với lại chúng nó đang làm ăn với chồng bên Đông Âu, xa xôi ngàn trùng. Còn hai đứa em thằng Đắc chắc chắn thằng Đắc sẽ cho gọi tất cả về để bàn bạc. Thằng Đắc nhất định nói hết với chúng. Lão sẽ phải khó khăn để đóng tiếp vở kịch với hai thằng này. Tình huống xấu nhất là thằng con út sẽ khóc ầm lên hoặc quỳ xuống van xin bố. Lão chưa nghĩ ra cách gì để nó vừa tin là lão muốn chết thật, lại vừa không làm cho hàng xóm biết chuyện. Ngoài tình huống đó ra, lão Thủ đã có thể hoàn toàn yên tâm với phần còn lại của kịch bản. Ngay cả khi hạ màn kết thúc, lão cũng đã tính kỹ. Theo đó, vào lúc Đắc chuẩn bị liệm bố, lão sẽ bất ngờ lật sấp người trong quan tài. Người sắp đem chôn sống lại là chuyện đâu có gì hiếm. Trước lão cũng đã từng xảy ra hai trường hợp như vậy, mọi người đều biết cả.
(Còn nữa)