Dự báo các chuyển biến quan trọng trên chính trường quốc tế trong năm 2024

Đỗ Kim Thêm

6-1-2024

Năm 2024 được dự đoán là sẽ có nhiều sự kiện gây biến chuyển quan trọng đến chính trường quốc tế, chiến tranh và hòa bình, hành động về khí hậu và các nền dân chủ.

Nhưng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 chắc chắn sẽ là một sự kiện ảnh hưởng nổi bật nhất trong năm vì sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế trên toàn cầu của Mỹ. Sau đây các dự báo chính:

Ngày 13/1: Bầu cử tổng thống Đài Loan

Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 ở Đài Loan sẽ được tổ chức vào ngày 13/1. Tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn thuộc đảng Democratic Progressive Party (DPP) đã thắng cử hai lần kể từ năm 2016, nên không thể tái tranh cử theo luật định. Do đó, đảng DPP đề cử Phó Chủ tịch Lại Thanh Đức ra tranh cử. Quốc Dân đảng (Koumingtan, KMT) đối lập đề cử Đô trưởng Tân Đài Bắc là Hầu Hữu Ích (Hou Yu ih) và đảng Nhân dân Đài Loan (Taiwan People Party) giới thiệu Kha Văn Triết (Ko Wen Je) làm ứng cử viên.

Các cuộc tranh luận gây nhiều thu hút trong giới cử tri và truyền thông Đài Loan, xoay quanh các chính sách năng lượng, quốc phòng và phát triển kinh tế. Nổi bật nhất trong chủ đề quan hệ quốc tế là nguy cơ xâm lăng của Trung Quốc và mức yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn trong tương lai.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, ứng cử viên Lại Thanh Đức dẫn trước cuộc đua nước rút với 36%.

Có nhiều dự đoán cho là, nếu thắng cử, ông Lại cũng sẽ không dám liều lĩnh tuyên bố rằng Đài Loan sẽ giành được độc lập dân tộc trước Trung Quốc vì lo sợ Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách cưỡng chế về mặt quân sự, kinh tế và chính trị đối với Đài Loan. Vị tân tổng thống sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/5/2024.

Ngày 24/2: Kỷ niệm hai năm chiến tranh Ukraine

Ngày 24/2/2022, quân đội Nga bắt đầu xâm chiếm Ukraine. Cho đến nay cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn.

Theo Liên Hiệp quốc (LHQ) ước lượng, mức độ thiệt hại vật chất tàn khốc với khoảng hơn 150 tỷ đô la, nhưng không thể xác định tình trạng thương vong của hai phía. Tính đến cuối tháng 12/2023, khoảng 3,7 triệu người Ukraine tị nạn trong nước và 6,3 triệu ra nước ngoài, phần lớn là Ba Lan và các nước khác trong Liên Âu.

Liên Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga, nhưng kết quả còn hạn chế. Nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Anh và Canada đang cung cấp vũ khí quốc phòng và viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Tương lai chiến cuộc khó đoán vì không bên nào đang chiếm ưu thế trên chiến trường và cũng không có thiện chí đàm phán. Vị thế của Ukraine đang suy yếu khi phương Tây giảm mạnh hỗ trợ quân sự. Putin biết tận dụng lợi thế này để kéo dài tình hình chưa rõ ràng. Gần đây, Putin hé lộ tin là cuộc chiến sẽ kéo dài trên năm năm. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là Putin đang chờ đợi liệu xem Trump có thắng cử vào tháng 11 hay không mới có hành động phù hợp.

Ngày 17/ 3: Bầu cử tổng thống Nga

Tại Nga, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17/3/2024. Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ tái tranh cử và muốn đắc cử trong nhiệm kỳ thứ năm. Triển vọng thắng cử của Putin được xem như là chắc chắn.

Năm 2020, Nga tu chỉnh hiến pháp với kết quả là Putin không phải rời nhiệm sở năm 2024 và vẫn có thể cầm quyền cho đến năm 2036.

Hiện nay, chính quyền Nga gia tăng mức độ đàn áp đối với dân chúng và phe đối lập. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khiến cho nhiều phương tiện truyền thông độc lập và các nhà báo bất đồng chính kiến lần lượt ra nước ngoài.

Ngày 18/3/2014: Nga sáp nhập Crimea

Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một hiệp ước sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga.

Trước đó, từ ngày 27/2/2014, các lực lượng vũ trang Nga đã chiếm các cứ điểm chiến lược Crimea của Ukraine. Việc sáp nhập được bắt đầu bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Cho đến nay, cả hai việc trưng cầu dân ý và sáp nhập đều không được quốc tế công nhận. Cùng năm đó, Nga bắt đầu một cuộc chiến ở miền đông Ukraine và bất ổn còn kéo dài.

Ngày 4/4/1949: Khối NATO thành lập

Năm nay kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương, tức khối NATO. Ngày 4/4/1949, mười hai quốc gia đứng ra thành lập NATO và nhiệm vụ là răn đe quân sự đối với các nước thuộc Hiệp ước Warsaw. Hiện nay, khối NATO gồm có 31quốc gia và Phần Lan là nước gia nhập mới nhất.

Sau khi quân khủng bố Hồi giáo tấn công Hoa Kỳ ngày 9/11/2001, khối NATO, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, lần đầu tiên đã kết hợp việc hành quân để xâm chiếm Afghanistan.

Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra vào tháng 7/2024 tại thủ đô Washington D.C.

Ngày 7/4/1994: Cuộc diệt chủng ở Rwanda

Ngày 7/4/2024 đánh dấu 30 năm kỷ niệm ngày người sắc tộc thiểu số Tutsi bị diệt chủng tại Rwanda. Chỉ trong vòng vài tuần, người sắc tộc Hutu cực đoan đã giết chết hơn 800.000 người Tutsi, người Hutu ôn hòa và giới đối lập.

Sau nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cộng đồng quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Pháp mới bắt đầu can thiệp vào tháng 6. Các hồ sơ pháp lý về các vụ diệt chủng này đến nay vẫn chưa hoàn tất.

Ngày 21/4/2019: Zelensky đắc cử Tổng thống Ukraine

Ngày 21/4/2019, cách đây 5 năm, trong cuộc bầu cử vòng hai tổng thống Ukraine, ứng viên Volodymyr Zelensky thắng cử với 73% số phiếu, đánh bại đối thủ là đương kim Tổng thống Petro Poroshenko.

Sau khi cuộc chiến bùng nổ vào tháng 2/2022, Zelensky được cộng đồng quốc tế ủng hộ và trở thành biểu tượng kiên cường trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, gần đây ông bị giới đối lập trong nước lên tiếng chỉ trích về tài lãnh đạo.

Cuộc bầu cử quốc hội lẽ ra phải được tổ chức vào tháng 10/2023 và bầu cử tổng thống vào tháng 3/2024. Cả hai đều bị hoãn lại vì cuộc chiến còn tiếp diễn.

Ngày 23/5/1949: Kỷ niệm 75 năm Luật cơ bản Đức được ban hành

Ngày 23/5/1949, Đạo luật cơ bản (tên gọi khác của Hiến pháp Đức), được ban hành nhằm quy định một trật tự chính trị mới cho Cộng hòa Liên bang Đức. Luật này được xem như một biện pháp tạm thời cho hoàn cảnh đặc biệt của đất nước và dự trù sẽ được thay thế bằng một bản hiến pháp sau khi nước Đức thống nhất.

Năm 1990, sau khi Đông Đức sụp đổ, Luật này được áp dụng cho toàn bộ nước Đức thống nhất. Các nguyên tắc cơ bản về dân chủ và phân quyền, tự do cá nhân như tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp được tiếp tục tôn trọng.

Ngày 11/ 6: Hội nghị Tái thiết Ukraine ở Berlin

Đức sẽ tổ chức hội nghị tái thiết hậu chiến cho Ukraine tại Berlin từ ngày 11 đến ngày 12/6/2024. Các chủ đề chính của hội nghị sẽ được thảo luận là điều kiện khuôn khổ cho việc tái thiết, cải cách quan hệ với Liên Âu, điều kiện ưu đãi đầu tư và rà phá bom mìn.

Tại hội nghị các nhà tài trợ ở London vào tháng 6/2023, các quốc gia phương Tây đã cam kết chuẩn chi tái thiết cho Ukraine với kinh phí khoảng 411 tỷ đô la.

Dựa trên sự thiệt hại tính đến cuối tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và chính phủ Ukraine vào tháng 8/2022 đã cùng ước tính chi phí tái thiết và phục hồi nền kinh tế Ukraine ở mức 350 tỷ đô la.

Ngày 26/7: Thế vận hội Olympic tại Paris bắt đầu

Thế vận hội Olympic Mùa Hè sẽ được tổ chức tại Paris từ ngày 26/7 đến ngày 11/8/2024. Sau năm 1900 và 1924, đây là lần thứ ba Pháp sẽ đảm nhận tổ chức sự kiện lớn này tại Paris và dự kiến sẽ đón trên một triệu rưỡi du khách quốc tế tham dự. Dịp này sẽ là một nguồn thu khổng lồ cho ngành du lịch, nhưng cũng là một nguy cơ tiềm tàng cho các vấn đề an ninh quốc gia.

Gần đây, việc chuẩn bị cho Thế vận hội đã bị lu mờ vì có những nghi ngờ liên quan đến tham nhũng được phát hiện. Do đó, từ tháng 6/2023, giới hữu trách Pháp đã tiến hành điều tra và khám xét trụ sở của Ban Tổ chức ở Paris.

Kỷ niệm ngày 1/8/1914: Thế chiến thứ nhất bùng nổ

Ngày 1/8/1914, 110 năm trước, Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Cuộc chiến được đánh dấu là một “thảm họa nguyên thủy” của thế kỷ XX và định hình cho tiến trình của lịch sử hiện đại.

Franz Ferdinand, người thừa kế ngai vàng của Đế quốc Áo-Hung, bị một người theo chủ nghĩa dân tộc cuồng tín Serbia mưu sát tại Sarajevo vào ngày 28/6/1914.

Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia vào ngày 28/7/1914. Ngày 1/8/1914, Đế chế Đức tuyên chiến với Đế quốc Nga, hai ngày sau đó là Pháp liên minh với Nga. Đối với Đức, chiến tranh bắt đầu khi quân đội Đức xâm lăng Luxembourg ngày 2/8 và Bỉ ngày 3/8.

Trong chiến tranh, Áo-Hung và Đế chế Ottoman đã chiến đấu về phía Đức, trong khi Pháp, Anh, Nga và sau đó là Ý và Hoa Kỳ chiến đấu ở phía đối phương. Thế chiến kết thúc với khoảng 17 triệu người thiệt mạng.

Kỷ niệm ngày 1/9/1939: Thế chiến thứ hai bùng nổ

85 năm trước, Thế chiến thứ hai bắt đầu với việc Đức xâm chiếm Ba Lan vào ngày 1/9/1939. Dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler, Đức đã bắt đầu một cuộc chiến hủy diệt với ý thức hệ chủng tộc của Đức Quốc xã.

Cuộc chiến mở rộng toàn diện trên toàn cầu trong sáu năm, giết chết hơn 60 triệu người, đặc biệt nhất là khoảng sáu triệu người Do Thái khắp châu Âu đã bị Đức Quốc xã sát hại.

Quân đội Đức đầu hàng ngày 8/5/1945 và cuộc chiến kết thúc. Với Hiệp định Postdam 1945, bốn cường quốc chiến thắng, Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô, đã chia Đức thành bốn khu vực chiếm đóng.

Ngày 7/10/1949: CHDC Đức thành lập

Với việc ban hành “Hiến pháp Cộng hòa Dân chủ Đức”, Đức tự thành lập một nhà nước thứ hai và quy định chế độ xã hội chủ nghĩa mang tên CHDC Đức vào ngày 7/10/1949.

Từ tháng 7 năm 1946, chính quyền quân sự Liên Xô tại Đức (SMAD) đã chỉ thị cho giới lãnh đạo đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa Đức (SED) soạn thảo một “Hiến pháp Đế chế” cho toàn nước Đức.

Ngược lại, tháng 3 năm 1949, Hội đồng Nghị viện của ba khu vực ở phía Tây chuẩn bị thông qua Luật cơ bản cho Cộng hòa Liên bang Đức.

Do đó, việc thống nhất nước Đức dưới sự lãnh đạo của phe xã hội chủ nghĩa không khả thi. Để thích nghi với tình thế, với sự chấp thuận của Liên Xô, SED đã thành lập nhà nước Đông Đức. Vào ngày 16/ 5/1949, cuộc bầu cử Đại hội Nhân dân Đức được tổ chức tại các khu vực do Liên Xô chiếm đóng và Đông Berlin với kết quả là, Wilhelm Pieck đảm nhận chức vụ tổng thống, Otto Grotewohl thủ tướng.

Năm 1961, chế độ SED đóng cửa biên giới với phương Tây bằng cách bắt đầu xây dựng Bức tường Berlin. Năm 1989, chế độ sụp đổ cùng với Bức tường Berlin.

Ngày 7/10: Kỷ niệm một năm ngày Hamas tấn công Israel

Diễn biến chiến cuộc ở Trung Đông trong năm 2024 thật khó lường, nhưng theo nhiều dự báo, cuộc chiến sẽ còn diễn ra ác liệt trong các tháng đầu năm. Nguy cơ xung đột rộng lớn hơn có thể xảy ra khi Israel sẽ tiếp tục đáp trả cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7/10/2023 của Hamas.

Trước ý chí báo thù sắt đá của Israel, công luận quốc tế phản đối càng kịch liệt hơn, lý do là người dân Gaza đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp tại các trại tạm cư. Áp lực quốc tế gia tăng cũng nhằm hạn chế phần nào thời gian và cường độ của cuộc chiến.

Hiện nay đang có nhiều cuộc trao đổi về tình hình giữa nhóm bán quân sự Hồi giáo Hezbollah do Iran hậu thuẫn và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở biên giới Lebanon-Israel. Các cuộc tấn công ủy nhiệm của các phe phái được Iran hậu thuẫn đang trở nên táo bạo và phổ biến hơn.

Việc Hoa Kỳ ủng hộ Israel trong cuộc phản công tại Dải Gaza đã làm tổn hại uy tín của Washington. Hình ảnh Mỹ như một quốc gia bảo đảm về nhân quyền và luật pháp quốc tế khó có thể phục hồi trong ngắn hạn, cho dù giọng kiên quyết trước đây, nay có phần thay đổi.

Bước sang năm 2024, Mỹ và các đồng minh cần đạt được sự cân bằng giữa các biện pháp trả đũa và ngăn chặn trong các cuộc tấn công ủy nhiệm, để tránh cho cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể xảy ra.

Những gì tiếp tục diễn ra ở Israel cũng sẽ được quyết một phần nào bởi cuộc bầu cử địa phương, sẽ được tổ chức ngày 24/2/2024. Nếu Thủ tướng Binyamin Netanyahu và một chính phủ cực đoan tiếp tục nắm quyền, Israel sẽ không còn nhiều hậu thuẫn ngoại giao.

Ngày 5/11: Hoa Kỳ bầu tổng thống và quốc hội

Ngày 5/11/2024, cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 60 sẽ diễn ra ở Mỹ. Cựu Tổng thống Donald Trump muốn tái tranh cử cho đảng Cộng hòa; Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đang cân nhắc việc tái tranh cử cho đảng Dân chủ. Các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 3/2024 và sẽ quyết định xem ứng cử viên nào sẽ tranh cử. Vào tháng Tám, hai đại hội sẽ chung quyết định việc đề cử ứng viên.

Hiện nay, Trump được cử tri yêu chuộng. Chính sách và tính cách riêng của ông phù hợp hơn trong thời đại mang màu sắc dân túy. Nhưng thực tế ngược lại, Trump đang đối mặt với 91 cáo buộc hình sự trong bốn vụ kiện. Hậu quả các phán quyết toà án sau tháng 3 năm nay sẽ có tác động nhất định cho triển vọng tranh cử. Theo một cuộc thăm dò mới nhất, gần 1/4 số người ủng hộ Trump tin rằng ông không nên ứng cử nếu bị kết án.

Nhưng không vì thế mà Biden sẽ gặp thuận lợi hơn trong việc thu phục cử tri. Công luận nhận thức rằng ông đã quá già, tình trạng lạm phát còn cao và dòng người nhập cư không suy giảm. May mắn cho ông Biden là cuộc điều tra luận tội sẽ không có tác dụng xấu vì không có chứng cứ nào quy kết cho ông có liên quan tới việc các giao dịch kinh doanh của con trai ông.

Hoa Kỳ cũng sẽ bầu Quốc hội vào ngày 5/11, tất cả các ghế ở Hạ viện và một phần ba số ghế ở Thượng viện sẽ được bỏ phiếu. Hiện tại, Thượng viện nằm trong tay đảng Dân chủ, trong khi Hạ viện đa số thuộc đảng Cộng hòa chiếm. Tình hình ngược lại có thể xảy ra sau tháng 11.

Ngày 9/11/1989: Kỷ niệm 35 năm Bức tường Berlin sụp đổ

Trong buổi tối 9/11/1989, hàng ngàn người dân Berlin đã đổ xô đến biên giới và cuối cùng Bức tường Berlin sụp đổ.

Trước đây, biên giới được các pháo đài canh mật cao độ và đã chia thành phố thành Đông và Tây trong 28 năm. Trước khi sụp đổ, người dân Đông Đức xuống đường biểu tình chống chế độ và ồ ạt chạy sang phương Tây tỵ nạn khi biên giới Áo – Hung mở cửa.

Nhằm tạo ổn định tình hình, giới lãnh đạo đảng SED đã công bố luật du lịch mới, nhưng không có hiệu lực và hàng ngàn người tiếp tục đổ xô đến các biên giới. Cuối cùng, giới an ninh biên phòng chịu nhượng bộ và mở cửa biên giới Bornholmer Strasse tại Berlin Wedding. Ngay sau nửa đêm, tất cả các cửa biên giới ở Berlin đều đồng loạt mở.

Ngày 3/10/1990 người Đức tổ chức buổi lễ mừng thống nhất đất nước lần đầu tiên.

Ngày 11 đến 24/11: Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 29

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 29 (COP29) sẽ diễn ra tại Azerbaijan từ ngày 11 đến ngày 24/11/2024.

Tại Hội nghị CIO 26 ở Dubai năm 2023, cộng đồng quốc tế đã đồng thuận thành lập một quỹ bù đắp cho các thiệt hại do khí hậu gây ra ở các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm nay, một Bảng Sơ kết “Dự trữ toàn cầu” về việc thực hiện Thỏa thuận Khí hậu tại Paris sẽ được thảo luận. Lần đầu tiên, tài liệu chung quyết của Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc sẽ chính thức kêu gọi việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Ngày 31/12/2019: Những ca nhiễm corona đầu tiên ở Vũ Hán

Cuối năm 2019, một căn bệnh phổi mới không rõ nguyên nhân đã xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Ngày 31/12/2019, lần đầu tiên trước Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bắc Kinh thông báo sơ khởi về diễn biến của tình hình và một tuần sau mới xác nhận là Virus corona “SARS-CoV-2” sẽ gây bệnh tử vong và lây lan ra ngoài biên giới.

Đại dịch trở thành một cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu, với những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và xã hội.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Curioser, curioser

    Vợ cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa nộp 300.000 đô la, tương đương hơn bảy tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả cho chồng

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây