Tại sao các môn nghệ thuật cứ phải là bắt buộc?

Chu Mộng Long

13-12-2023

Tôi ngạc nhiên khi có không ít ý kiến cho rằng, do các môn như nhạc, hoạ bị cho là môn phụ nên mới có chuyện học sinh coi thường các thầy cô dạy nhạc, hoạ. Từ coi thường đến tấn công các thầy cô giáo này là tất yếu.

Có lẽ các thầy cô này muốn nhạc, hoạ phải là môn chính cơ?

Tôi dám chắc học trò coi thường hay tôn trọng không phải ở vai trò chính, phụ của môn học. Bởi dẫu có là phụ thì kết quả học tập như hiện nay vẫn tính điểm trên tất cả các môn. Trượt một môn phụ vẫn có thể bị xếp loại yếu kém. Chẳng học sinh nào dám coi thường. Mà nếu “coi thường”, chỉ theo nghĩa không chịu đi học cua các “môn phụ” đó, đã có thể bị thầy cô trừng phạt, bằng sự chì chiết, đánh đòn hoặc cho điểm yếu.

Con tôi hồi bé không đi học cua nhạc, hoạ từng bị cô đánh đến bầm tím năm đầu ngón tay và bị hạ nhục giữa lớp.

Nhớ năm ngoái, báo đăng vụ cô giáo dạy nhạc ở Gia Lai, trừng phạt học sinh kiểu gì mà các phụ huynh phản ứng quyết liệt, buộc phải xử lí cô giáo. Tất nhiên nhiều trường hợp không xử ắt sinh loạn.

Tra chương trình phổ thông các nước như Âu, Mỹ tôi không thấy có quốc gia nào bắt buộc học sinh phải phát triển “toàn diện” như giáo dục của nước ta. Riêng các môn nghệ thuật, thuộc về năng khiếu, chỉ là môn lựa chọn. Học sinh có quyền lựa chọn theo sở thích, theo thiên hướng cá nhân. Trẻ đã chọn theo sở thích, thiên hướng cá nhân, chúng sẽ học bằng niềm vui, hứng thú. Làm gì có chuyện coi thường, đến mức xung đột với người mang lại hứng thú cho chúng?

Thời tôi học cũng có nhạc, hoạ, nhưng mỗi tuần một tiết. Chủ yếu là hát và vẽ để giải trí sau khi học các môn động não đến căng thẳng. Nay thì ngược lại, chính các môn có tính thư giãn này lại gây căng thẳng cho trẻ con. Học nhạc lý, học kỹ thuật như học ở nhạc viện, trường đại học mỹ thuật vậy. Học cái trừu tượng và quá sức đối với đại đa số không có năng khiếu, khi không đạt thì bị hạ nhục, ắt trẻ sẽ tấn công thầy cô như một triệu chứng tâm thần!

Tôi từng nghe con tôi nửa đêm ngồi lảm nhảm học thuộc bài thủ công khâu đột khâu vắt, thuộc nốt nhạc và các loại âm luật để trả bài mà tôi cũng phát điên lên, huống hồ là con trẻ.

Tôi nhắc lại điều tôi đã nói. Rằng ông Tổng chủ Nguyễn Minh Thuyết đưa ra chuẩn đòi trẻ phát triển toàn diện 5 phẩm chất, 10 năng lực, trong đó có cả năng lực nghệ sĩ, thử hỏi chính cá nhân ông đã đạt được bao nhiêu? Bản thân ông có thành nhà khoa học toàn diện, và thành ca sĩ, nhạc sĩ… không? Ông là giáo sư mà không đạt được, trong khi bắt con trẻ phải đạt được theo tưởng tượng hoang đường của ông, thì ông và các cộng sự của ông có bị điên hết không?

Thằng điên hiếp đứa không điên

Đứa không điên cũng bị điên cả đàn.

_______

Một số ảnh chụp màn hình bài trên báo Thanh Niên: Gia Lai: Phụ huynh treo băng rôn phản đối giáo viên dạy môn âm nhạc

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Tôi dám chắc học trò coi thường hay tôn trọng không phải ở vai trò chính, phụ của môn học” ( Trích ML )
    -Thưa, rất đồng ý với GS . Thầy có uy tín thì HS lớp 12 vẫn cứ nể phục thầy một phép, không có cảnh rượt đuổi loạn xà ngầu như cô giáo và HS lớp 7 . Chữ uy và chữ tín người thầy luôn phải có thì mới đứng lớp vững vàng . Cái uy để Hs nể phục , cái tín để Hs nghe theo, tin theo .
    Chính cái sự cưởng bức Hs học thêm mà thầy cô không còn uy tín nữa . Trước mắt, HS sợ bị trù dập nên phải đi học thêm . Nhưng sau đó, HS căm ghét vì các thầy dở nhiều chiêu bẩn , bần tiện để nắm chóp HS
    ( và cả khinh bỉ sau khi ra trường ) . Từ đó, bản chất người thầy bộc lộ cho HS thấy ai đáng trọng, ai đáng khinh .
    Trước 1975, ở mN, HS từ lớp đệ thất ( L.6 ) đến lớp đệ ngũ ( L.8 ) được học mỗi tuần một tiết nhạc, một tiết vẽ , hai tiết chữ Hán , lên đệ tứ
    ( L.9 ) vì phải dồn tâm sức cho kỳ thi Trung học Đệ I cấp ( thi tốt nghiệp PTCS ) nên không còn học những môn này . Các môn vừa kể gọi là môn nhiệm ý, HS nào cũng học rất say mê, không HS nào kêu chán đến độ phải đe dọa hay bắt buộc , thậm chí, HS còn cho rằng học chỉ một tiết thì quá ít ( chưa đã thèm ! ) . Sao giờ đây lại có thảm cảnh phải đe dọa, trừng phạt , bắt buộc . . .mà HS vẫn không thích học ?
    Ông Thuyết và các nhà soạn sách hãy nghiên cứu( để học tập ) triết lý giáo dục của chế độ cũ thử xem . Đừng tự ái, biết đâu các ngài sẽ thành công .

  2. Những kiến thức mà nhân loại đã tìm ra và được sử dụng như thế nào, có từ rất lâu rồi,vậy mà hiện tại Vn vẫn cứ loay hoay mãi cho cái công việc này. Bày đặt ra đủ mọi thứ, nhưng tất cả chỉ toàn là “râu ria “,và cái chính ,cái cần phải làm ,thì không làm do không có khả năng .Sản phẩm công nghệ hầu như không có, thử hỏi họ lấy kiến thức và kinh nghiệm ở đâu để viết sách giáo khoa, nhằm mục đích phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ? Giả sử nếu có viết được, thì sách của họ sẽ dẫn người ta đến đâu? Thùng rỗng kêu to, lúc nào cũng cách mạng 4.0 ,trí tuệ nhân tạo ,đi đầu đón tắt ,công dân toàn cầu… nhưng thực tế con người quá hư hỏng, coi cái chết như lông hồng, miếng ăn như quả núi….

Comments are closed.