3-12-2023
Tranh treo không phải tranh treo nhưng là tranh treo. Nghĩa là tranh treo không phải tranh được treo. Tranh treo nghĩa là tranh không được treo. Tức thị là tranh treo.
Như là án treo.
Cuộc triển lãm tranh gò đồng chân dung văn nghệ sĩ của nhà thơ – nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) khai mạc chiều 2/12/2023 đã bị “tranh treo” như vậy.
Ông mang từ Hải Phòng lên 184 bức xin phép bày triển lãm. Nhưng Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội xét duyệt đã chỉ cấp phép cho treo 154 bức, còn 30 bức là “tranh treo”. Trong đó có người được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Trần Đức Thảo), Giải thưởng Nhà nước (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Duy); có những người nổi tiếng như Phan Khôi (đã được tỉnh Quảng Nam đặt tên đường tại tỉnh lị Tam Kỳ), Trương Tửu (Hội Nhà văn Việt Nam vừa kỷ niệm 110 năm sinh), Dương Tường, Nguyên Ngọc, Vũ Thư Hiên, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập… Nhìn vào đây thì thấy Nhà nước đã thua Hà Nội, Hà Nội đã thua một Sở của mình. Và người dân Thủ đô thấy mình bị xúc phạm tư cách Thủ đô.
Dư luận bức xúc muốn biết nguyên nhân 30 bức “tranh treo” này. Lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội đã căn cứ vào đâu để loại chúng khỏi cuộc bày tranh của tác giả Phạm Xuân Trường? Họ đã cấm bằng văn bản chứ không phải nói miệng, đó là việc đúng quy định. Nhưng họ đã lấy quy định nào để cấm 30 tác phẩm không được treo? Nếu lãnh đạo Sở không trả lời được thì lãnh đạo Hà Nội phải có trách nhiệm giải đáp câu hỏi này cho tác giả triển lãm và 30 nhân vật trong tác phẩm.
Tôi cho là họ không có căn cứ nào cả mà chỉ là NGU DỐT và CẬY QUYỀN, căn cứ vào sự việc nực cười xảy ra ngay tại lúc khai mạc triển lãm. Trong danh sách “không cấp phép” treo tác phẩm có bức Phùng Quán. Nhưng tại phòng tranh đúng lúc khai mạc vẫn có bức đó. Thì ra ban tổ chức không biết Phùng Quán là ai nên đã đưa nhầm bức Phùng Quán treo vào chỗ một bức được treo. Khi thấy các văn nghệ sĩ xôn xao thì họ mới phát hiện treo nhầm nên đã vội tháo ngay đem cất. Và trám vào khoảng trống ấy một bức khác. Vậy đấy.
Cũng xin nhắc: Triển lãm chân dung gò đồng văn nghệ sĩ của Phạm Xuân Trường đã được ông bày lần đầu năm 2018 tại Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918 – 1982). Khi đó chỉ có 8 bức “tranh treo”, tức là Sở VH-TT Hải Phòng chỉ loại 8 bức trong số 108 bức xin phép.
Năm năm sau cuộc ở Hải Phòng, một năm sau cuộc hô hào chấn hưng văn hoá toàn quốc, ngay giữa Thủ đô, nhà thơ – nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường bị cú “tranh treo” vào 30 tác phẩm gò đồng của mình! Anh đã rất đau vì điều này. Càng đau hơn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt BCHTƯ ký ban hành nghị quyết số 45 của Hội nghị Trung ương 8 về phát triển đội ngũ trí thức cả số lượng và chất lượng.
Cá nhân tôi trong cả hai cuộc bày tranh của người anh văn chương đồng Phạm đồng Xuân đều nằm trong danh sách “tranh treo”. Tôi thương anh Phạm Xuân Trường và tôi là một công dân, một người làm nghề văn, nên tôi có yêu cầu muốn biết tại sao bức gò đồng Phạm Xuân Nguyên cùng 29 bức khác đã bị “tranh treo”. Chúng tôi không có tội gì cả. Chúng tôi là những con người tự do ở một đất nước luôn hô hào độc lập tự do.
Không ai muốn tai nạn để được nổi tiếng. Nhưng chúng tôi cần được biết ai và vì lý do gì đã khiến chúng tôi bị “tai nạn” thành ra “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ thế này.
P/S. Tin mới nhất (12h, 3/12/2023): Một nhà báo nhắn cho tôi là Sở nó đùn đẩy không trả lời.
HỌC GIẢ BÙI CHÍ VINH
Thiên hạ đẩy ta về một phía
Phía ngàn năm không có mái nhà
Lạy Chúa, đất trời đâu có chật
Lẽ nào thiếu thốn chỗ dung ta
Bình sinh ghét nhà cao cửa rộng
Ai đẻ ra lại thích chửi thề
Nhưng thiên hạ ưa trò lều chõng
Thôi thì nói tục chỉ ta nghe
Rượu áp phê là trời nhỏ xíu
Chụp, bỏ vào bàn tay lắc chơi
Thiên hạ muôn đời thèm Văn Miếu
Ta chỉ cần chỗ ngã lưng thôi…
NGUỒN MẠNG
ĐÁNG XẤU HỔ
Tác Giả L T V
Quyết định của Sở VHTT Hà Nội cấm treo 31 bức tranh đồng chân dung các văn nghệ sỹ trong một cuộc triển lãm bị cộng đồng mạng lên án dữ dội.
Vì sao xảy ra sự việc lẽ ra không được phép xảy ra tại ngay thủ đô – trung tâm Văn hoá của cả nước như vậy?
Nếu trong ban giám đốc Sở VHTT Hà Nội có người có tầm văn hoá – đồng nghĩa có tầm hiểu biết văn học và sự tiến bộ chính trị xã hội thì sự việc cấm trên khó xảy ra.
Sở VHTT Hà Nội lẽ ra phải có dàn lãnh đạo có tầm văn hoá khá nhất trong 63 sở VHTT cả nước mà còn như vậy, thì có nên đặt lại vấn đề về việc cơ cấu, chọn lựa nhân sự lãnh đạo ngành văn hoá – ngành mà cụ Hồ coi trọng hàng đầu, bao năm qua và hiện nay ra sao?
Chấn hưng văn hoá không bằng tiền chứ đừng nói đến 350.000 tỷ, mà cần tầm nhìn tổ chức nhân sự tuyển chọn con người lãnh đạo văn hoá và thiết lập đường lối văn hoá.
Hãy tổng rà soát toàn bộ lãnh đạo bộ, thứ trưởng VH và giám đốc, phó giám đốc 63 sở VH cả nước xem họ xuất thân thế nào, tầm văn hoá cơ bản về thế giới và QG ra sao, trình độ hiểu biết và cảm nhận VH ra sao, chúng ta sẽ biết chấn hưng VH bắt đầu từ đâu và nên thực hiện ngay như thế nào.
Đó là chưa kể nhiều nước văn minh, tiêu chuẩn của một chính khách, một lãnh đạo QG, một thị trưởng thủ đô hoặc đô thị lớn trước hết phải là nhà văn hoá lớn.
Trở lại sự kiện nóng 31 bức chân dung bị lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cấm treo, thể hiện trình độ hiểu biết, đọc, cảm nhận giá trị tác phẩm văn học và thời cuộc chính trị của họ quá non nớt.
Tiêu chuẩn để một văn nghệ sĩ được tôn trọng, tôn vinh hay không, không phải ở những giải thưởng của họ, họ thuộc thành phần được đảng cầm quyền ca ngợi tin dùng hay không, mà ở tác phẩm họ đóng góp cho nền văn học nước nhà có giá trị nhân văn, có tinh thần dân tộc, yêu nước, có giá trị nghệ thuật, có giá trị ngôn ngữ, có giá trị chân thực và nâng cao thẩm mỹ hay không?
Với các thước đo ấy thì các nhà văn Phan Khôi, Trương Tửu, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Nguyên Ngọc, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Dương Tường, Tạ Duy Anh, Hoàng Quốc Hải…đã cống hiến tài năng của họ cho những giá trị được nhân dân bao năm qua đón nhận, trân quý.
Rõ ràng sự việc lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội can thiệp thô bạo và không trên nền tảng pháp luật khi ra lệnh cấm treo 31 bức chân dung VNS trên là một sự việc khó chấp nhận. Sự phản ứng dữ dội của công chúng yêu văn học nước nhà là tất yếu và cũng là sự trưởng thành về ứng xử văn hoá của công chúng.
Trước sự việc này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – chủ tịch Hội Nhà văn VN cảm thấy: nỗi buồn và sự thất vọng. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa phó chủ tịch Hội Nhà văn VN phải phẫn nộ thốt lên: dở hơi và đáng xấu hổ!
NGUỒN MẠNG