Chạy chức (Kỳ 3)

Phạm Đình Trọng

27-11-2023

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

3. Vụ đảng viên, chi cục trưởng chi cục Kiểm Lâm Yên Bái sáng sớm ngày 18.8.2016 xách cặp chứa súng ngắn vào cơ quan tỉnh uỷ, bắn chết bí thư tỉnh uỷ, bắn chết uỷ viên thường vụ, trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, rồi tự sát ngay trong cơ quan tỉnh uỷ, biến cơ quan tỉnh uỷ ngạo nghễ tung bay lá cờ búa liềm cộng sản thành một pháp trường thê lương, đẫm máu, là cơn địa chấn trong đời sống xã hội của Yên Bái và của cả nước. Cơn địa chấn làm lung lay, rạn nứt niềm tin của người dân vào những người cộng sản, vào đảng cộng sản cầm quyền.

Chi cục trưởng Kiểm Lâm đương nhiên là uỷ viên thường vụ trong đảng uỷ chi cục Kiểm Lâm. Ba đảng viên cộng sản đều có cấp uỷ đảng cao chết thê thảm ở ngay cơ quan tỉnh uỷ, là mất mát lớn của đảng cộng sản cầm quyền. Mất lãnh đạo hàng đầu của đảng bộ tỉnh. Mất uy tín, thanh danh cả một tỉnh uỷ. Phơi bày sự mất đoàn kết sâu sắc trong đảng bộ tỉnh. Phơi bày đạo đức suy đồi, bản lĩnh yếu kém, nhân cách thấp hèn của đảng viên. Và điều nghiêm trọng hơn cả là phơi bày sự lãnh đạo quá yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ của cả ban lãnh đạo tỉnh uỷ Yên Bái.

Máu của ba đảng viên có cấp uỷ đảng cao trong đảng bộ tỉnh Yên Bái lênh láng ở cơ quan tỉnh uỷ sáng ngày 18.8.2016 còn bi thảm, khủng khiếp hơn nhiều lần máu mười ba yếu nhân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị Pháp chém đầu ngày 17.6.1930.

Máu mười ba đảng viên lãnh đạo Quốc Dân Đảng bị Pháp chém đầu ở Yên Bái ngày 17.6.1930 là dòng máu yêu nước trong mọi trái tim Việt Nam, dòng máu viết lên trang sử vàng Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam yêu nước đều kiêu hãnh thấy như có dòng máu của mình hoà trong dòng máu mười ba đảng viên Quốc Dân Đảng. Còn máu ba đảng viên cộng sản lênh láng ở cơ quan tỉnh uỷ Yên Bái sáng ngày 18.8.2016 cũng là máu người Việt Nam nhưng là dòng máu ô nhục, dòng máu hận thù đồng chí, đồng đảng cộng sản, dòng máu làm hoen ố trang sử đảng bộ cộng sản Yên Bái và trang sử đảng cộng sản Việt Nam.

Đảng viên còn tin vào lí tưởng cao đẹp của đảng, còn tâm nguyện phấn đấu cho lí tưởng cộng sản thì không thể lạnh lùng giết hại lãnh đạo đảng như vậy. Cuộc bắn giết kinh hoàng trong nội bộ đảng bộ tỉnh Yên Bái phơi bày sự sụp đổ, phá sản lí tưởng cộng sản trong đảng viên, trong tổ chức đảng bộ tỉnh, là một trang đen tối của lịch sử đảng bộ tỉnh Yên Bái, là thất bại nặng nề, đau đớn của tổ chức đảng và bộc lộ sự tắc trách, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, không làm tròn bổn phận trước đảng bộ Yên Bái và trước ban chấp hành trung ương của cả ban lãnh đạo đảng bộ Yên Bái.

Trong những kết luận đề nghị thi hành kỉ luật tổ chức đảng và đảng viên cao cấp những năm gần đây, uỷ ban Kiểm Tra Trung Ương đảng cộng sản luôn nhắc đến một khuyết điểm hàng đầu dẫn đến phải kỉ luật tổ chức đảng và cá nhân đảng viên ở vị trí lãnh đạo là buông lỏng lãnh đạo.

Với nguyên tắc đảng lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, buông lỏng lãnh đạo không phải chỉ là năng lực yếu kém của người đứng đầu tổ chức đảng mà còn là năng lực yếu kém của cả tập thể đảng uỷ lãnh đạo đảng bộ. Rõ ràng năng lực lãnh đạo của tập thể đảng uỷ Yên Bái quá yếu kém, không quản lí, lãnh đạo đảng viên, buông lỏng lãnh đạo trong thời gian dài, mới để đảng viên suy thoái đến trống rỗng lí tưởng cộng sản, để tổ chức đảng mất đoàn kết trầm trọng, dẫn đến đảng viên nã đạn vào đầu, vào ngực bí thư tỉnh uỷ và trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ.

Máu đổ ở cơ quan tỉnh uỷ Yên Bái sáng ngày 18.8.2016 là thất bại thảm hại, là khuyết điểm, sai trái nghiêm trọng của tập thể ban lãnh đạo tỉnh uỷ Yên Bái. Sai trái có tên buông lỏng lãnh đạo. Ngoài bí thư tỉnh uỷ đã chết thì cả ban thường vụ tỉnh uỷ Yên Bái không thể trốn tránh trách nhiệm về sai trái nghiêm trọng đó và người còn sống phải chịu trách nhiệm lớn nhất là uỷ viên thường vụ, phó bí thư tỉnh uỷ Phạm Thị Thanh Trà.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Phó Bí thư tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, tại lễ tang Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường. Nguồn: Báo DV

Nhưng tổ chức đảng đã ưu ái, bỏ qua trách nhiệm về sự buông lỏng quản lí dẫn đến mất mát quá lớn cho đảng của phó bí thư tỉnh uỷ, kiêm chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà. Không những vô can, phó bí thư tỉnh uỷ Phạm Thị Thanh Trà còn được thăng chức lên chiếc ghế bí thư tỉnh uỷ đang bỏ trống, rồi như một đảng viên cấp cao trong sạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lại tái nhiệm uỷ viên trung ương đảng khoá XIII, được đưa lên nắm quyền lực quốc gia, thăng tiến mau lẹ. Chỉ sau sáu tháng ngồi ghế thứ trưởng liền tót lên bộ trưởng bộ Nội vụ.

Chỉ có quyền năng chạy chức thần thánh mới có thể chạy chức cho một phó bí thư tỉnh uỷ quản lí đảng viên một đảng bộ địa phương, một đảng bộ cấp tỉnh để đổ vỡ thảm hại, lại được giao quản lí bộ máy chính quyền cả nước.

Đảng viên cộng sản trong đảng uỷ Yên Bái bắn giết nhau đẫm máu ở ngay cơ quan tỉnh uỷ, để lại trong lòng người dân sự ngao ngán, thất vọng, mất lòng tin vào đảng cầm quyển, để lại trong lịch sử đảng vết nhơ lớn.

Lòng tin của người dân vào đảng cầm quyền chỉ được cứu vãn khi những thất bại được nhìn nhận, khi có người chịu trách nhiệm và được xử lí nghiêm khắc. Trang sử đảng chỉ quang minh khi cả những vết nhơ, những yếu kém, thất bại cũng được trung thực và dũng cảm nhìn nhận và tập thể đảng uỷ chịu trách nhiệm có đủ sự trung thực và nghiêm khắc nhận trách nhiệm và nhận kỉ luật để mất mát, thất bại không lặp lại.

Đề bạt, cất nhắc người năng lực và phẩm chất yếu kém phải chịu trách nhiệm về những thất bại, mất mát lớn là che giấu, lấp liếm sai trái, càng gây thất vọng, mất lòng tin cho người dân, càng tạo ra khoảng tối trong trang sử của đảng cộng sản cầm quyền và càng duy trì, bảo tồn mầm mống những tai hoạ tiếp theo.

Dù sai lầm yếu kém lớn đến đâu, dù thất bại nặng nề thế nào, được xử lí thoả đáng thì sai lầm, thất bại mới thực sự kết thúc và người dân cũng cho qua, cho vào quên lãng của quá khứ để nhìn nhận hiện tại. Nhưng buông lỏng, yếu kém trầm trọng trong lãnh đạo đảng bộ, quản lí đảng viên, dẫn đến máu đổ lênh láng ở tỉnh uỷ Yên Bái, mà uỷ viên thường vụ, phó bí thư tỉnh uỷ vẫn vô can, vẫn thênh thang lên chức lên quyền thì vụ đổ máu thê lương ở cơ quan tỉnh uỷ Yên Bái chưa thể kết thúc. Thì trong mắt đảng viên đảng bộ Yên Bái và trong ghi nhận của người dân cả nước, tên tuổi, hình ảnh, chân dung, sự nghiệp đảng viên cộng sản Phạm Thị Thanh Trà mãi mãi đóng đinh lại ở vị trí uỷ viên thường vụ, phó bí thư tỉnh uỷ Yên Bái, đóng đinh lại trong trách nhiệm buông lỏng lãnh đạo để đảng viên, xa rời lí tưởng cộng sản, đảng viên chứa chất hận thù với tổ chức đảng đến mức đánh đổi cả mạng sống để giết chết người đứng đầu tỉnh uỷ và trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ.

Chỉ có quyền năng thần thánh của tổ chức đảng trung ương mới có thể chạy chức cho một cán bộ đảng lãnh đạo, quản lí đảng viên một đảng bộ không xong, để đảng viên trong đảng bộ bắn giết nhau, máu đảng viên hoen ố cả cơ quan đảng, làm chấn động đời sống xã hội cả nước, làm mất lòng tin của người dân vào đảng cầm quyền, phơi bày trước người dân cuộc đấu đá đẫm máu giành chức quyền trong đảng.

Với quyền năng thần thánh, tổ chức đảng trung ương có thể đặt bất cứ ai vào bất cứ vị trí quyền lực nào. Nhưng dù thần thánh, tổ chức đảng cũng không thể tạo ra năng lực tương xứng cho con người yếu kém được tổ chức đảng trao quyền lực.

Ở vị trí quản lí bộ máy chính quyền cả nước, quản lí lãnh thổ hành chính quốc gia nhưng không có năng lực, không đủ tầm quốc gia, không nhìn ra việc cần làm. Chỉ thấy những việc sự vụ hành chính. Chỉ biết đi theo lối mòn, lại làm những việc trong quá khứ đã làm nhiều lần và thất bại ê chề là chia cắt, sắp xếp lại đơn vị hành chính quốc gia.

Trong quá khứ, những người lãnh đạo quốc gia chỉ có quyền lực chính trị và quyền lực hành chính mà không có quyền lực trí tuệ, không có quyền lực văn hoá nên không nhận biết được hồn lịch sử và hồn dân gian của mỗi vùng đất. Chỉ có sự ngạo nghễ ra tay sắp xếp lại giang sơn để thể hiện quyền uy, quyền lực chính trị, quyền lực hành chính đã nhiều lần tuỳ hứng chia tách, sát nhập, lắp ghép cơ học đơn vị hành chính tỉnh, huyện trên cả nước, gây biến động, rối loạn cơ học rất lớn trong tổ chức đơn vị hành chính. Tạo thêm lỗ thủng rất lớn cho túi tiền teo tóp của ngân sách quốc gia phải chi khoản ngân sách lớn cho sự ra đời các đơn vị hành chính mới. Tạo ra sự xung khắc, lục đục, đấu đá triền miên trong việc lắp ghép gượng ép đội ngũ quan chức quản lí đơn vị hành chính mới.

Mỗi con người ngoài thể xác với chiều cao, cân nặng làm nên vóc dáng hình hài, còn có con người văn hoá với thế giới tâm hồn và kiến thức văn hoá xã hội làm nên giá trị đích thực của con người đó. Số đo chiều cao, cân nặng mỗi con người chỉ là con số cơ học, chỉ là vật chất, chỉ có sức sống hữu hạn trong không gian. Thế giới tâm hồn và kiến thức văn hoá xã hội mới là tầm vóc, là giá trị đích thực của mỗi con người, mới có sức sống vô hạn trong thời gian.

Diện tích đất đai và dân số mỗi đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã cũng chỉ là con số cơ học, chỉ là phần vật chất, thể xác vô hồn. Cội nguồn lịch sử cộng đồng dân cư, hồn folklore, nét đặc sắc văn hoá dân gian, phong tục tập quán trong sinh hoạt, trong đời sống do lịch sử để lại và tình yêu máu thịt của cư dân với mảnh đất mang hồn cốt ông bà tổ tiên mới là phần hồn của một địa danh.

Địa hình tự nhiên và điều kiện sống tự nhiên đã tạo ra cho mỗi vùng đất một cộng đồng dân cư con đẻ của vùng đất đó. Cộng đồng dân cư lại tạo hồn dân dã và tạo khí thiêng lịch sử cho đất. Mỗi vùng đất có một lịch sử hình thành, có một cộng đồng dân cư tạo nên lịch sử vùng đất, tạo nên khí thiêng của đất và tạo nên hồn dân gian của cộng đồng. Đó là cơ sở xác đáng và bền vững, là căn cứ cần thiết tạo nên đơn vị hành chính của một vùng đất thuận tự nhiên, hợp lòng người, bảo tồn được khí thiêng lịch sử và hồn văn hoá của cộng đồng dân cư trên vùng đất đó.

Chung cội nguồn lịch sử, chung cội nguồn văn hoá dân gian, chung tình yêu với mảnh đất cha ông, chung cả tên gọi mảnh đất thân thương là chất keo kết dính dân cư sống lâu đời trên mảnh đất đó, tạo nên sự ổn định, bền vững của một địa danh. Chỉ căn cứ vào con số cơ học, diện tích và dân số, phá vỡ cội nguồn lịch sử, phá vỡ cội nguồn folklore là phá vỡ sự ổn định, bền vững của địa danh đó.

Diện tích đất đai là vật chất vô hồn có thể băm vằm chia cắt, lắp ghép tuỳ thích. Nhưng lịch sử cộng đồng dân cư, văn hoá dân gian, tình yêu của người dân với miền đất, ngay cả tên đất mang hồn dân dã quê kiểng của người dân thì một chính quyền thực sự có văn hoá, có kiến thức quản lí hành chính quốc gia và biết quí trọng giá trị nhân văn không thể tuỳ hứng, tuỳ tiện chia cắt, lắp ghép.

Địa hình tự nhiên và điều kiện sống tự nhiên đã hình thành trên khắp thế giới những đơn vị hành chính dù có cái vỏ vật chất nghịch lí là diện tích đất đai nhỏ xíu mà có số dân khổng lồ nhưng lại có cái lõi hợp lí của địa hình tự nhiên, của lịch sử và văn hoá cộng đồng dân cư khai phá, hình thành, viết lên tên vùng đất đó.

Không thể máy móc, duy ý chí, phi lịch sử, phi nhân văn, xoá bỏ đơn vị hành chính của lịch sử rồi tuỳ tiện đưa ra những con số cơ học về dân cư, về diện tích đất đai để tạo ra những đơn vị hành chính theo con số dân cư và diện tích đất đai tưởng là hợp lí về con số cơ học, về hình thức nhưng lại xoá mất giá trị thiêng liêng của vùng đất đó. Xoá mất cái hợp lí của tự nhiên. Xoá mất từ tên gọi đến lịch sử và văn hoá của tên gọi đó.

Những đơn vị hành chính thuận tự nhiên, hợp lòng người đã tồn tại ổn định, bền vững, đã trở thành di sản thiêng liêng của cha ông, của lịch sử. Tên gọi những đơn vị hành chính từ cha ông, từ lịch sử để lại, đã trở thành tên gọi của tình yêu, của niềm tự hào, là tên gọi quê hương, thân thiết, ruột thịt như tên cha, tên mẹ, tên người yêu.

Căn cứ con số cơ học về diện tích đất đai và dân số để rồi lại chia cắt, sát nhập tạo ra đơn vị hành chính mới, tạo ra những tên đất mới vô hồn là đánh phá vào cội nguồn văn hoá dân gian ngàn đời của mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và máu người dân lao động sáng tạo trên mảnh đất đó, gây tốn kém tiền bạc, bất ổn xã hội vô cùng to lớn và lâu dài.

Triều nhà Nguyễn kéo dài 143 năm là một triều đại có công rất lớn trong mở đất về phía Nam và mở biển về phía Đông. Suốt thế kỉ 19, triều Nguyễn cùng người Việt cả nước không phải chỉ mang gươm mà còn mang máu, nước mắt, mồ hôi và hồn folklore của nền văn minh sông Hồng đi mở cõi. Sang thế kỉ 20, quyền lực nhà nước và quyền lực trí tuệ văn hoá của những khoa bảng ở vị trí quản lí quốc gia triều Nguyễn mới xác lập, định hình rất lịch sử, rất thuận tự nhiên và thuận lòng người đơn vị hành chính quốc gia từ làng xã đến huyện, tỉnh.

Những đơn vị hành chính quốc gia thuận địa hình tự nhiên, thuận điều kiện sống tự nhiên, thuận lịch sử hình thành và thuận lòng dân đã hình thành ổn định từ cuối triều nhà Nguyễn đến nay. Thời Pháp cai trị chỉ có đôi lần thay đổi cục bộ nhỏ lẻ ở một, hai địa phương. Chỉ từ mấy chục năm nay, những quan chức công nông quản lí quốc gia mới dồn dập chia tách, sát nhập vô tội vạ đơn vị hành chính quốc gia.

Những đảo lộn chia tách sáp nhập đơn vị hành chính liên tục và bất tận, không do nhu cầu đời sống xã hội, không có căn cứ khoa học, chỉ do ý chí của người có quyền lực muốn thể hiện vai trò quản lí quốc gia và muốn để lại dấu ấn cá nhân người có quyền trong lịch sử nhà nước công nông. Những chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính tuỳ tiện chỉ mang lại sự ngơ ngác cho người dân, chỉ thêm gánh nặng cho ngân sách và tạo ra sự lục đục, bất ổn âm thầm nhưng gay gắt, bất tận trong bộ máy nhân sự quản lí lãnh thổ quốc gia.

Chia tách, sáp nhập tuỳ tiện đơn vị hành chính quốc gia không có căn cứ khoa học, không do đòi hỏi của thực tế đời sống xã hội, chỉ bộc lộ người quản lí bộ máy hành chính quốc gia chỉ có quyền lực hành chính mà không có quyền lực trí tuệ.

Vừa ngồi vào ghế bộ trưởng bộ Nội Vụ, bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà liền thể hiện quyền lực hành chính, trình Quốc Hội dự thảo sắp xếp lại đơn vị hành chính quốc gia triệt để hơn những lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính quốc gia trước đây đã làm lu mờ lịch sử, mất mát hồn dân gian nhiều mảnh đất đầy bản sắc folklore quí giá.

Trước đây chỉ chia tách sáp nhập cấp tỉnh cả nước và một số huyện. Nay chia tách sáp nhập tới quận, huyện, phường, xã. Tổ chức hành chính quốc gia lại bắt đầu một chu kì biến động cơ học về tổ chức đơn vị hành chính quốc gia và bất ổn sâu xa trong đời sống tình cảm của người dân với mảnh đất quê hương.

(Còn hai kỳ tiếp theo)

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Phạm T.Thanh Trà có lẽ là một loại “đàn bà dễ có mấy tay” như Hoạn Thư hay như
    bác ở trên nói là bà “huy động hết công suất vốn tự có” hay nói nôm na là vì “vốn
    tự có của bà to” không phụ nữ nào sánh kịp, do đó mà từ phỏ bí thư một tỉnh khó
    nghèo, bà ta được Trọng lú bốc lên ngồi ngất ngưởng ở ghế bộ trưởng nội vụ.
    Thật là thời đại HCM nên thăng quan tiếm chức thần tốc ! thần tốc ! thần tốc !

  2. Trong đảng của anh Chọng nhung nhúc những giòi mà anh ấy vì đui nên không thấy, má có thấy cũng bỏ mặc vì anh ấy sợ mất đảng, phải thừa nhận là anh Chọng là một tay điên loạn nhất trong đám điên loạn, người ta yêu nước thì vào tù còn cái đảng làm mất nước thì lại ôm vào lòng. Chọng bị iểm bùa lú của bọn tàu.

  3. Phạm Thị Thanh Trà tồn tại và phát triển được là do biết huy động hết công suất vốn tự có. Thị rời địa phương lên trung ương để bổ xung cho lũ cẩu quan nhơ nhớp với những Tô Lâm, Nguyễn Hồng Diên, Nguyễn Hòa Bình, Đào Ngọc Dung…nhung nhúc quanh tổng Trọng.
    Một ê kíp cầm quyền với những khuôn mặt như vậy chỉ làm cho thể chế này thêm nặng mùi.

  4. Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp lưu manh đá cá lăn dưa. Việc chúng thù hằn bắn giết nhau không là chuyện hiếm. Các quan to chức lớn bị quăng từ lầu cao xuống chết thẳng cẳng không khiến người đời ngạc nhiên.
    Phạm Hồng Thái và các đồng chí của ông là những anh hùng liệt sỹ, sử vàng mãi mãi lưu danh.
    Còn lũ quan lại thối nát bắn giết nhau, có ai muốn bới ra đâu.

  5. Trích,
    “Cơn địa chấn làm lung lay, rạn nứt niềm tin của người dân vào những người cộng sản, vào đảng cộng sản cầm quyền.”
    @
    Có mấy người dân còn có “niềm tin” vào CS, con người và đảng cầm quyền, hở ông ?
    Tg nên thay ý trên bằng “niềm tin của cb, đv vào đảng CS” nghe nó ít mơ mộng viễn vông hơn.
    Một lần nữa tôi thấy vẫn đúng khi đã viết “chất CS vẫn còn chảy trong huyết quản của ông”

    Trích,
    “Máu của ba đảng viên có cấp uỷ đảng cao trong đảng bộ tỉnh Yên Bái lênh láng ở cơ quan tỉnh uỷ sáng ngày 18.8.2016 còn bi thảm, khủng khiếp hơn nhiều lần máu mười ba yếu nhân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị Pháp chém đầu ngày 17.6.1930”
    @
    * Không tưởng tượng nổi tác giả lại đem so sánh vụ thanh toán nhau vì mâu thuẫn tranh giành địa vị chức quyền hoặc tình tiền của một dúm cán bộ CS ở Yên Bái
    với cuộc khởi nghĩa đẫm máu của các nhà yêu nước QDĐ dưới lãnh đạo của người liệt sĩ đáng kính Nguyễn Thái Học.
    Thật sự là không nên chút nào, nếu không muốn nói là một xúc phạm!

    * Lý do, nguyên nhân tại sao xảy ra vụ thanh toán giữa mấy cán bộ trung cấp kia lại có tính giang hồ sắt máu đến thế là điều nhà nước CS giấu tiệt. Nhưng dựa vào một số yếu tố ta có thể mường tượng tại sao.

    Kiểm lâm liên quan cây rừng, đốn hạ cổ thụ trái luật pháp nhưng được quan các cấp im lặng cho phép và hổ trợ phương tiện; đường dây tiêu thụ gỗ lậu qua cửa quyền quan đầu tỉnh; thanh toán mờ ám, không vừa lòng tỷ lệ ăn chia, phản bội cướp cạn, chơi xấu nhau…đưa tới mạng đổi mạng trả thù v.v..

    Bắn chết một loạt 2 viên chức đầu tỉnh kiểu thí mạng, hậu quả có 3 xác chết, tất nhiên không phải chuyện ghen tuông tình cảm song phương, cũng không tranh giành chức quyền,
    mà chỉ có thể là mâu thuẫn ăn chia liên quan một vụ thông đồng chung nhau phạm pháp nhưng bị cấp trên lật lọng, lừa đảo, cướp đoạt.
    Ít nhất có thể suy đoán khả dĩ bi kịch là thế.
    Nhưng dứt khoát không có chuyện xung đột lý tưởng chính chị chính em gì ở đây!

    * Vậy thì sao có thể đem vụ ô nhục nầy ra so với sự hy sinh thiêng liêng của 13 liệt sĩ Yên Bái, cho dù tác giả có dài dòng giải thích bên dưới.
    Bản thân sự mang ra so sánh giữa một chuyện chó chết với sự hy sinh oanh liệt của những nhà yêu nước “dù không thành công nhưng vẫn thành nhân” đã là một phạm thượng;
    không có câu chữ dài dòng nào biện bạch được !

    (Mục đích của cuộc khởi nghĩa Yên bái là lật đổ chính quyền thuộc địa của Pháp để xây dựng một nước Việt Nam theo chính thể cộng hòa. Vì lực lượng còn yếu, cuộc khởi nghĩa đã thất bại; đảng viên của VNQDĐ bị truy nã, giam cầm và hành hình. Các lãnh tụ Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính bị Pháp áp giải từ Hà Nội lên Yên Bái xử trảm cùng với 11 người khác sáng sớm ngày 17 tháng 6 năm 1930.)

    Chuyện “Liệt sĩ Yên bái lên đoạn đầu đài”, cùng với chuyện “Trưng Nữ Vương gieo mình tuẫn tiết trên dòng sông Hát”, là một trong những trang sử xưa đau thương, một thời ghi nhớ trong đầu trẻ thơ trên ghế nhà trường, nay hầu như rất nhiều người đã lãng quên.
    Vì thế, tưởng cũng nên vắn tắt nhắc lại, nhân sự hy sinh thiêng liêng của người xưa bị đánh đồng với một vụ thanh toán nhau quá đổi thô bỉ!
    Trích,
    “…uỷ ban Kiểm Tra Trung Ương đảng cộng sản luôn nhắc đến một khuyết điểm hàng đầu dẫn đến phải kỉ luật tổ chức đảng và cá nhân đảng viên ở vị trí lãnh đạo là buông lỏng lãnh đạo.”
    @
    Ngay trung ương đảng còn buông lỏng để xảy ra đủ thứ chuyện tày trời không muốn nhắc lại thêm nhàm chán;
    gần đây nhất là chuyện đảng xúm nhau chạy tội cho mụ xẫm TmLan…
    thì sá gì chuyện cao-bồi đỏ ở địa phương YB đơn phương “đấu súng” chút ít mà tg phải lo lắng than thở cho cơ đồ xhcn đang như “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ” nầy!

    Ghi chú nhỏ:
    “Với nguyên tắc đảng lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách” :
    Chỗ nầy hơi bị nói lắp.
    * Nguyên văn là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”

Comments are closed.