22-11-2023
Đầu năm 1994, khi đang còn làm hợp đồng ở Trường viết văn Nguyễn Du, lương 100.000 đồng tháng, tôi liều mạng nghe xui khôn xui dại vay toàn bộ số tiền 30 triệu đồng của người thân, mua một căn chung cư dạng “ổ chuột”, ở phố Tân Mai.
Ngay cuối năm ấy tôi đón vợ và con gái từ Cao Bằng xuống.
Lúc ấy tôi cũng vừa được biên chế làm giảng viên sau khi trải qua một cuộc thi công chức nên tiền lương của tôi tăng lên 400.000 đồng. Tuy vậy cũng chỉ đủ cho một nửa tháng ba người sống bóp mồm bóp miệng, ấy là chưa kể trung bình mỗi tháng tôi còn phải trả nợ một triệu đồng tiền vay mua nhà. Rồi còn tiền học phí nghề làm đầu của vợ, tôi cũng phải đi vay.
Để bù lại, tôi phải làm bất cứ việc gì. Tôi đã từng – qua người quen – đăng ký một chân quét rác đêm ở chợ tạm Tân Mai, với thù lao 300.000 đồng mỗi tháng, danh nghĩa là xin cho vợ làm nhưng tôi định chính tôi sẽ làm. Tôi là nhà văn, có đi quét rác cũng không sao. Mà chắc gì thân phận nhà văn đã hơn một gã quét rác! Cũng coi như mình đi thực tế. Với lại quét về đêm nên không phải đối mặt với người quen. Tôi lại là người có khiếu hài hước, hay tự thích bôi bác mình nên mọi việc sẽ rất nhẹ nhàng.
Nhưng ngay cả việc bèo bọt đó cũng không dễ kiếm. Chúng tôi chậm chân nên đã có người khác xí trước mất.
Đúng lúc vợ tôi có thể hành nghề gội đầu với hy vọng đỡ đần thêm cho tôi, thì cô ấy phát hiện ra mình có thai. Khi nghe vợ thông báo, tôi không tỏ ra mừng rỡ nhưng cũng không hề phiền lòng. Vợ tôi bảo cứ thong thả, để cô ấy kiểm tra lại rồi sẽ tính. Vì phải thức đêm viết báo nên bệnh dạ dày của tôi, bị đau từ hồi còn trong quân ngũ, từng xuất huyết hai lần, lại có dịp phát tác. Tôi gầy ốm tong teo, y như một cái mắc áo di động. Đó là lý do khi biết vợ tôi có thai, đa số bạn bè khuyên tôi không nên để. Tức là bỏ nó đi, chờ khi nào sức khoẻ tốt, kinh tế khá giả hơn thì hẵng tính đến chuyện đẻ tiếp.
Những lời khuyên ấy đều hết sức chân thành, đều xuất phát từ lòng thương tôi. Thậm chí có người còn bảo: “Bây giờ giải quyết đơn giản lắm, vừa mới bị, chỉ 15 phút là xong”. Tôi làm sao lại không biết điều đó cơ chứ. Tôi còn biết kỹ hơn họ vì tôi đã từng đọc những tài liệu loại ấy từ rất sớm, do tò mò và cũng là để phục vụ việc viết lách… Tôi biết rằng chỉ cần đưa vợ tôi đi một lúc là mọi chuyện lại đâu vào đấy. Bản thân vợ tôi cũng không biết phải quyết định thế nào. Cô ấy chỉ chờ ý kiến của tôi.
Nhưng tôi chưa định nói gì. Lòng tôi đã quyết nhưng chưa nói thành lời với vợ. Tôi linh cảm đứa con sắp tới của tôi nhất định phải được làm người! Tôi nghe thấy tiếng nói từ trong sâu thẳm tâm can mình như vậy. Tôi chỉ không diễn đạt được dưới dạng ngôn ngữ thôi.
Không chờ được do sợ già ngày mới đi hút sẽ nguy hiểm, vợ tôi quyết định lên tiếng trước. Cô ấy hỏi tôi nên thế nào, thì tôi đáp: “Còn thế nào nữa, chửa thì đẻ. Anh thích có một đứa nữa”. Được lời như cởi tấm lòng, vợ tôi bấy giờ mới bộc bạch: “Em cũng nghĩ như vậy”.
Thế là chúng tôi quyết định giữ cái thai lại. Điều đó đồng nghĩa với việc vợ tôi không tiếp tục làm đầu nữa, vì sợ ngày nào cũng tiếp xúc với thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Những đồ nghề tôi vay tiền của nhà thơ Dương Thuấn để mua, mới sử dụng được chưa đầy hai tháng, nay phải xếp vào xó. Xếp xó vĩnh viễn vì vợ tôi không bao giờ trở lại nghề gội đầu nữa. Có những thứ đồ nghề của cô ấy, tôi dùng cho đến tận bây giờ.
Đêm đầu tiên ở lại trong khoa sản bệnh viện Bạch Mai chờ vợ đẻ, ngoài trời mưa tầm tã, tôi cứ ngồi hết chỗ này đến chỗ khác, nhìn những bà chửa khệ nệ đi lại, trong đó có vợ mình. Khoảng 10 giờ, tôi gặp một bà hộ lý đi từ phòng sản phụ ra. Tôi chỉ kịp thấy bà nhỏ nhắn, mặt nhẹ nhõm và bà cứ nhìn tôi. Lúc đó vợ tôi đang đi đi lại lại. Bỗng bà đến bên tôi hỏi nhỏ: “Đưa vợ đi đẻ à?”.
Tôi đáp cho qua: “Vâng ạ”.
“Nó kia à?” – Bà hướng về phía vợ tôi.
Tôi lại hờ hững đáp: “Vâng!”
Thú thực trong thâm tâm tôi nghĩ, chắc bà hộ lý này lại mơi dịch vụ gì đây. Vì thế khi bà quay lại phòng sản phụ rồi trở ra ngay, tôi không có hứng thú theo dõi xem bà định làm gì. Chợt bà vẫy tôi bảo: “Lại đây!”.
Tôi và vợ tôi theo bà vào phòng sản phụ. Bà chỉ cho tôi chiếc giường bỏ không, bảo: “Cho vợ chồng mày vào đấy mà ngồi tạm. Nếu không có ai đẻ thì cứ ngủ luôn, qua đêm. Nhớ mắc màn vào kẻo muỗi nó đốt và kẻo ai đó phát hiện ra cái bụng trống kia. Bởi vì giường trong phòng này chỉ dành cho người đẻ rồi. Hiểu không?”
Tôi cảm ơn bà trong sự hối hận vì đã trót nghĩ xấu về bà. Tôi mắc màn như lời dặn của bà hộ lý. Vợ tôi ngồi tựa lưng vào thành giường, còn tôi nằm đổi đầu, ngay phía chân vợ. Xung quanh tôi tiếng trẻ sơ sinh khóc choe choé, tiếng những bà sản phụ rên la vì đau, tiếng rì rầm của những người đến trông bệnh nhân, tiếng xé vải, tiếng lau chùi… nghĩa là đủ thứ âm thanh không hề dễ chịu tí nào. Thêm vào đó là mùi máu, mùi băng gạc, mùi thuốc tẩy… cũng kinh hãi không kém.
Vậy mà chả hiểu sao tôi lại có thể ngủ ngon lành trong cái căn phòng dành cho người đẻ ấy mới thật kỳ lạ. Đúng ra tôi đặt người xuống là lỉm đi ngay.
Nửa đêm tôi choàng tỉnh dậy, ngơ ngác không hiểu mình đang ở đâu mà lắm người đến thế. Tôi thấy vợ vẫn nửa nằm nửa ngồi, miệng xoa xuýt khe khẽ, mặt nhăn nhó, mới nhớ ra là mình đang trong buồng sản phụ. Cô ấy cười như mếu: “Sao mà em phục anh thế, ngủ ngon như ở nhà mình, chẳng còn biết vợ đau đớn ra sao”.
Đáp lại lời vợ, tôi hớn hở kể: “Này, anh vừa nằm mơ thấy bà nội đấy. Bà ăn mặc toàn đồ lụa là vàng óng, như bà hoàng ấy. Anh hỏi bà sao bà lại đến đây, thì bà bảo, tao đến thăm vợ chồng mày. Rồi bà quay sang một cái nong to tướng, nơi có lúc nhúc cả bầy trẻ con đang nằm trần truồng, thò tay nhón một đứa, bấm vào dái tai kéo lên, y như xách con mèo ấy. Bà còn giơ cao cho anh xem rõ cái chim, thấy anh có vẻ ưng ý bà mới bảo con chúng mày đây nhé. Nói rồi bà thả thằng cu vào giường nhà mình em ạ, thằng cu hẳn hoi, anh còn nhìn rõ cái ngẩu của nó mà”.
Tôi kể lại cho vợ đúng những gì tôi thấy trong giấc mơ mà không hề thêm bớt. Tưởng vợ tôi sẽ phát cáu vì tôi vô tư ngủ, bỏ mặc cô ấy đau đớn một mình, bây giờ lại phải nghe tôi kể về giấc mơ hão huyền bằng thứ giọng hớn hở rất không đúng lúc. Tôi tưởng vợ tôi phải gắt um lên: Anh thôi đi…!
Nào ngờ cô ấy rất chăm chú nghe và khi tôi kết thúc thì cũng hớn hở theo, bảo: “Thế à? Vậy thì em chả việc gì phải lo nữa, đã có cụ về đỡ cho rồi”. Tôi bèn tiện tay nhặt cái quạt giấy vợ tôi vừa bỏ xuống giường, viết ngay cái tên con trai Tạ Chu Quý vào nan quạt. Vợ tôi thấy vậy cũng phải bật cười.
Từ khi tôi đưa vợ vào viện cho đến khi vợ tôi lên bàn đẻ, cả thảy ba ngày. Đã có tới 17 ca đến sau nhưng lại đẻ trước, toàn con gái. Sang ngày thứ ba vợ tôi mới được chỉ định lên bàn đẻ. Nhưng cô ấy nằm ở tư thế đẻ đã lâu mà vẫn chưa đẻ. Tôi vẫn không hề thấy lo lắng mặc dù cố làm ra vẻ như vậy cho đúng với hoàn cảnh. Thậm chí tôi còn làm một việc giống như đùa cợt là gọi điện cho anh Đắc Bái, hoạ sỹ báo Sinh viên Hoa học trò, nhờ anh sang khu tập thể trường Công đoàn, bảo cô em gái tôi xuống ngay khoa sản của bệnh viện Bạch Mai.
Lát sau em gái tôi đạp xe đến. Nhìn thấy nó, tôi bảo: “Cô là con mèo (em gái tôi sinh năm 1963), xuống đuổi con chuột gan lỳ này ra giúp tôi với”. Hai anh em tôi ngồi chờ trên chiếc ghế băng. Tôi bèn kể cho em gái tôi về giấc mơ tối qua.
Em gái tôi ngồi nghe nhưng không nói gì. Lát sau có tiếng trẻ khóc và có tiếng bà bác sỹ gọi: “Người nhà đâu?”. Em gái tôi nhanh nhảu chạy vào rồi hớn hở chạy ra: “Sướng nhất bác, mười điểm nhé”. Rồi nó thì thầm: “Này, dái tai thằng bé có vết tím đen như bị ai bấm vào xách lên ấy. Cái bố này mơ kinh quá!”.
Lúc tôi được vào thăm con, tôi vạch tai nó xem và thấy đúng là có vết tím đen thật. Vợ tôi cũng tận mắt thấy điều này. Phải mất một tuần sau thì vết tím đen ấy mới biến mất.
(Còn nữa)