12-11-2023
Không chỉ ông trời lấn biển mở đất mà chính người cũng liên tục ăn biển. Cách nay cũng chưa xa, gần nửa thế kỷ chứ bao nhiêu, những năm 80 trở về trước, người ta ít quan tâm tới đất ven biển. Từ Móng Cái Quảng Ninh lần theo bờ biển qua Hải Phòng, Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hóa vào tít tận Vĩnh Linh, rồi sau 1975 kéo tới tận Cà Mau, Rạch Giá, đất ven biển rất hoang sơ, chả mấy ai để ý, không bị những khu du lịch, rì sọt, khách sạn chia năm xẻ bảy, xâm chiếm như sau này.
Ông bạn tôi bảo, đến ngay cả Hoàng Sa, Trường Sa còn không được vào bản đồ, vào sách giáo khoa thì mấy vùng rừng ngập mặn, nước lợ, cửa sông, bãi bồi, ai mà thèm để ý. Nhắc vậy để thấy rằng, con cháu rất có lỗi với tiền nhân, tổ tiên, những người khai sơn phá thạch, lấn biển mở mang và bảo vệ bờ cõi, như cụ Nguyễn Công Trứ chẳng hạn.
Năm 1974, đám sinh viên chúng tôi đi thực tế ở Thái Bình, tôi và anh Nguyễn Ngọc Xuân người Ninh Bình cán bộ đi học được phó về Tiền Hải huyện biển, trụ ngay xã Đông Minh sát biển. Hơn tháng trời, hai anh em lặn lội khắp vùng, cả ruộng lúa lẫn đồng cói. Tối về ở nhà ông cụ Tại đã 90 tuổi, da đỏ đắn, tiếng oang oang, nhà ven đê trông ngay ra bãi biển. Hầu như xã nào cũng có đền thờ cụ thượng Trứ, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, vị thành hoàng của mọi làng, người đứng đầu cuộc khẩn hoang lấn biển mở mang đất đai ruộng đồng cho xứ Tiền Hải này. Cứ gặp đền thờ cụ thượng là anh Xuân lại vào khấn vái thành kính lắm. Anh kể, không chỉ Tiền Hải, Thái Bình, mà ngay Kim Sơn, Ninh Bình quê anh cũng đội ơn cụ lắm lắm về cái công khai phá.
Giờ ngồi nhớ lại, lẩn mẩn nghĩ chỉ một mình cụ Nguyễn Công Trứ làm việc hiệu quả bằng cả cái bộ Tài nguyên Môi trường thời nay. Chả biết có phải nhờ thành kính với cụ thượng không mà anh Xuân sưu tầm được rất nhiều thơ ca dân gian, riêng cụ Tại đã góp cho khoảng một phần ba, về làm cái khóa luận khá tày tặn nộp thầy Chu Xuân Diên. Từ khi ra trường chia tay nhau tới giờ, cả đám không đứa nào bắt liên lạc được với cán bộ đi học Nguyễn Ngọc Xuân người Ninh Bình nữa. (Ai biết tung tích cụ Xuân học khoa Văn, Tổng hợp khóa 17, xin chỉ giùm, đa tạ).
Lấn biển mở mang đất nước, làm lợi cho dân, tạo thêm di sản, như cụ thượng Trứ gây dựng, thì ai dám ý kiến ý cò. Lại có người đem vụ Quang Hanh hôm rồi so với cuộc khai phá đảo Tuần Châu của đại gia Đào Hồng Tuyển, hoặc nước UAE bên Trung Đông xây hẳn thành phố hoành tráng giữa biển, ngầm ý người ta cũng “đổ đất lấn biển” đó, sao không nói đi.
Đành rằng vụ khai phá đảo Tuần Châu cũng chưa hẳn đúng với luật di sản, cả việc lấp biển làm đường nối ra đảo, nhưng thời ấy ý thức về di sản thiên nhiên, bảo vệ di sản đâu có sâu đậm như sau này. Tôi đồ rằng vào thời điểm hiện nay, nếu Tuần Châu vẫn còn hoang sơ, thì cũng như Hạ Long, Bái Tử Long thôi, sẽ không có chuyện đô thị hóa “Tuần Châu trong mắt ai” bằng xi măng, bê tông, làm vĩnh viễn mất vẻ đẹp thiên nhiên vô giá mà ông trời ban tặng. Trong cuộc sống xô bồ, kim tiền, dục vọng, ăn chơi, nhảy nhót, lấn át tất cả, thì người ta chưa thấy tiếc cái đã mất đâu.
Cả nước này, 63 tỉnh thành, giả dụ mỗi tỉnh đều có thứ di sản đặc biệt như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long thì thiên hạ sẽ kệ, mặc đám Quảng Ninh và trung ương muốn làm gì thì làm, có nung vôi hòn gà hòn vịt, bịt hang Đầu Gỗ, san phẳng Bái Tử Long để phân lô bán nền cũng kệ. Khổ nỗi, nó độc nhất vô nhị, chẳng riêng ở Việt Nam mà cả thế giới.
Cần nói thêm rằng, Hạ Long (vùng lõi di sản) rất đẹp, hữu tình, hiếm có, nhưng Bái Tử Long (vùng đệm, vùng bảo vệ 2) cũng chả kém cạnh, một chín một mười. Chẳng qua nó hơi xa tỉnh lỵ nên bị thờ ơ thôi. Không hiểu sao nhà chức việc lại chỉ làm hồ sơ di sản cho Hạ Long, mà lạnh nhạt với Bái Tử Long. Mà cả cái khu vực biển đảo nhấp nhô thiên hình vạn trạng chỗ 10B Quang Hanh, Cẩm Phả, đang bị xâm lấn trắng trợn, cũng bị buông lỏng vậy. Nhẽ ra, tất cả phải được coi là di sản lõi, vùng bảo vệ 1. Đứa nào phạm vào, chặt tay. Xây vài dãy nhà ở đó cùng lắm chỉ lợi cho đám xôi thịt kim tiền ăn xổi ở thì, chứ cảnh quan quý giá thì vĩnh viễn mất, có tội với con cháu mai sau.
Nhà nước chưa coi (hoặc không coi) toàn bộ khu vực danh lam thắng cảnh này là di sản cần được bảo vệ thì không có nghĩa đó cũng là quan điểm của dân. Làm ngơ vụ Quang Hanh hoặc tìm cách che đậy nó, chính quyền sẽ tự vẽ nên bộ mặt thật của mình.
“hoặc nước UAE bên Trung Đông xây hẳn thành phố hoành tráng giữa biển, ngầm ý người ta cũng “đổ đất lấn biển” đó, sao không nói đi” ( Trích NT )
– Cái kiểu so sánh này cũng giống như, một anh nào đó mà bác từng nói đến, bảo rằng ở VN mà biết quái gì chuyện bên Ukraine mà bàn . So sánh như vậy thì cãi nhau tới sáng cũng không xong . Thà nói chuyện với đầu gối sẽ tốt hơn .