Ai đang bán dữ liệu cá nhân của bạn và con bạn?

Thái Hạo

18-10-2023

Bạn tôi đi làm cho một trung tâm tiếng Anh, ngày đầu đến nhận việc, quản lý giao: Mỗi ngày phải gọi được khoảng 70 cuộc gọi cho phụ huynh để giới thiệu, mời chào, thuyết phục đến trung tâm học. Anh bạn này hỏi lại, rằng nhân viên phải tự đi kiếm thông tin khách hàng để gọi hay trung tâm cung cấp; thì được trả lời: Data đã có sẵn. Lại hỏi, làm sao trung tâm có được data ấy? Trả lời: Mua. Nhưng không nói rõ là mua từ ai.

Lưu ý, dữ liệu khách hàng này là dạng đặc biệt, vì trong đó phải có thông tin về họ tên của con cái các vị, mấy tuổi, đang học lớp nào, trường nào…

Vậy, ai có thể có những thông tin dạng này để bán ra bên ngoài? Nhà trường, chắc rồi. Nhưng nhà trường có phải là người bán không? Tôi e là khó, vì đi mua như vậy thành lắt nhắt, bất tiện và có khi nguy hiểm nữa. Nhưng nếu các nhà trường chính là người bán thì mới thật kinh hoàng. Hi vọng điều đó không/ chưa xảy ra.

Vậy thì ai, ai có thể có dữ liệu khách hàng của học sinh một cách tập trung, đầy đủ và rộng lớn đến như thế? Phòng, Sở GD? Hay các app nhắn tin, các web quản lý và thông tin giáo dục kiểu VNEDU? Tôi không khẳng định được vì chưa có điều tra, nhưng mọi thứ đều có quyền bị nghi ngờ.

Những cái phần mềm như VNEDU tràn vào nhà trường và các trường ép phụ huynh dùng với khoản phí mỗi năm từ dăm chục đến vài trăm nghìn đồng vốn đã trở thành một thứ nạn trong nhiều nạn lạm thu trong giáo dục hiện nay. Ngoài sự vô lý thì nó có tham dự gì vào câu chuyện mua bán dữ liệu này không?

Ngành giáo dục, ngành công an cần điều tra để ngăn chặn tình trạng này.

Nhưng trước tiên, phụ huynh cần biết từ chối các dịch vụ kiểu này, vì thứ nhất nó vô bổ, tiếp tay cho nạn lạm thu; thứ hai nó có thể là nguồn gốc cho sự rò rỉ thông tin cá nhân của gia đình bạn. Một điều nguy hiểm và tối kỵ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nó không những đã bán data do người dùng bắt buộc phải khai báo, đôi khi nó còn thi thoảng cập nhật mã độc để lấy data trong máy của người dùng, đấy mới là câu chuyện. Cứ xem một số ứng dụng vì sao không mở rộng được trên thị trường toàn cầu là biết.
    Ví dụ, Cốc Cốc đã có lúc bị trình diệt virus thổi bay, phần mềm khai thuế của Viettel, BKAV “không tương thích với một số trình diệt virus …. Và lại còn cái tội khởi động cùng hệ điều hành, muốn gỡ bỏ triệt để lại cần một số thủ thuật, nếu không chỉ còn cách cài đặt lại hệ điều hành.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây