Khi phê bình nghệ thuật nhuốm máu không ghê tay

Khải Đơn

17-10-2023

Sạch sẽ, sạch sẽ, vô cùng sạch sẽ

Năm 2009, khi bộ phim Watchmen ra chiếu rạp, tôi cực kỳ mê. Tôi ngồi gần ba tiếng đồng hồ thấm hút hết những âm nhạc kỳ vĩ, hình ảnh cực đại, siêu anh hùng mang triết lý vĩ đại. Tôi đến rạp xem bộ phim ba lần vì mê không chịu nổi. Có hàng triệu khán giả giống như tôi, mê thật mê Watchmen.

Vì sự yêu mê nghệ thuật đó, chúng ta tha thứ cho một cảnh phim vô cùng tàn bạo. The Comedian gặp một phụ nữ Việt Nam có bầu, mặc áo bà ba trong quán bar. Cô gái có bầu với hắn. Cô cầm chai bia đập hắn. Hắn nã súng vào đầu cô.

Người phụ nữ Việt Nam mặc bà ba màu nâu, mang bầu, vô tội trong khuôn khổ phim, xuất hiện vài chục giây, được bắn nát mặt để làm tiền cảnh cho giả định: Nếu Mỹ thắng chiến tranh Việt Nam thì sao?

Từ giả định “Nếu Mỹ thắng chiến tranh Việt Nam…”, ta được xem tiếp cảnh Dr. Manhattan dùng siêu năng lực làm nổ tung những người đàn ông đội nón lá thành đống thịt. Thắng chiến tranh Việt Nam là phải giết hết bọn Việt Nam – một đống bầy nhầy.

Là khán giả, chúng ta lượng thứ cho giả định không hề lịch sử đó. Ta có rất nhiều lý lẽ biện minh cho sự quảng đại nghệ thuật của mình: Phim Mỹ mà, giả định mà, phim siêu anh hùng mà, hư cấu mà. Cục điện ảnh cũng độ lượng, họ cho chiếu gần hết những cảnh đó, chỉ cắt đi vài đoạn đối thoại nhỏ hơi gắt.

Đôi lần tôi xem lại bộ phim và rùng mình tưởng tượng ra cô gái mang bầu bà ba đó. Cô ấy giống tôi, một người phụ nữ Việt Nam có lẽ là vô tội. Đứa bé trong bụng chắc chắn là vô tội. Nhưng cả hai được dùng làm phông trang trí cho khung hình tôn vinh vẻ bạo lực hào sảng của Comedian và Dr. Manhattan – sức mạnh của vũ trang và bom nguyên tử – cỗ máy chiến tranh của Mỹ.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt đạt giải Pulitzer từng viết trong tác phẩm Nothing Ever Dies của ông: “Cuộc tranh đấu về ký ức không thể tách rời những khắc khoải đấu tranh giành lấy tiếng nói, sự kiểm soát, quyền lực, quyền tự quyết, và cả ý nghĩa của cái chết. Những quốc gia có cỗ máy chiến tranh khổng lồ không chỉ làm tổn thương quốc gia yếu hơn, mà chúng còn biện minh cho những vết thương gây ra cho thế giới. Cách mà nước Mỹ nhớ về cuộc chiến và ký ức chiến tranh, ở mức độ nào đó, cũng là cách thế giới nhớ về cuộc chiến này”.

Đoạn viết này của ông nói về cách “Cỗ máy chiến tranh” của nước Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành và xay nghiền sự thật sau khi cuộc chiến thật sự kết thúc trên bãi chiến trường. Bạn có thể nhớ lại vô số phim có hình ảnh Việt Nam ta từng xem, ở đó cô gái Việt Nam thường làm điếm, nói những câu ngu dốt, đần độn như trong phim hành động. Còn chiến tranh Việt Nam thì những người đi lại có vẻ là người Việt Nam thường man rợ, hung tợn, nói những câu vô nghĩa hay hú hét gì đó.

Vị anh hùng là người Mỹ, đóng vai chính, góc nhìn phóng từ sau khẩu súng, bóp cò giết chết kẻ khác. Mỹ có thể thua Việt Nam trên thực địa, nhưng người Việt Nam trên phim thì mãi ngớ ngẩn, mọi rợ, tục tằn.

Nhưng chúng ta, những khán giả đến từ phần thế giới có tham chiến đó, có ông bà, cha mẹ mình trong cuộc chiến, đã độ lượng và hào sảng tha thứ cho những khung hình tục tĩu đó. Tôi, cũng đã tha thứ cho khung hình cô phụ nữ mang bầu bị bắn bể mặt. Có thể vì tôi độ lượng nghĩ rằng “phim siêu anh hùng mà, hư cấu mà” dù cuộc chiến Việt Nam là lịch sử thật.

Rồi giờ ta thử nhìn xem bộ phim Đất Rừng Phương Nam bị đối xử trên mạng. Những nhà học thuật đem vài cái tên đám giang hồ Tàu ra làm lý do đòi “xử lý” bộ phim. Nhưng cũng những nhà học thuật đó không hề gợi ý được là phong trào yêu nước nào của Nam Bộ tồn tại thời gian đó, những Hòa Hảo, Cao Đài, quân Bình Xuyên của giang hồ Bảy Viễn (Bảy Viễn chính là người của Nghĩa Hòa Đoàn thời thiếu niên). Họ dùng “học thuật” và sự thù địch truyền kiếp Tàu – Việt, để làm luận giải rằng, đặt tên mớ hội đó là sai sự thật.

Có một sự thật khác, là ở Việt Nam, bạn sẽ khó được nghe nhắc đến tên Hòa Hảo, Cao Đài, hay Bình Xuyên. Chắc chắn những người làm phim biết họ không được đụng đến những cái tên này, dù đó là lịch sử, dù đó là những tôn giáo nội sinh và nhóm vũ trang đã đứng lên chống Pháp từ trước khi Việt Minh trở thành cái gì đó cần phải ca ngợi mãi mãi. Đó là những cái tên 100% sẽ bị kiểm duyệt xóa sổ và vì vậy, tất nhiên, chúng không bao giờ lên phim.

Một nhà báo tên Hà Quang Minh còn mạnh miệng viết, “Thực tế, Nam Kỳ sau phong trào Minh Tân và phong trào của Phan Xích Long thì có quá ít phong trào kháng Pháp so với Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì… nhà sản xuất đã quyết cách ly Việt Minh từ đầu. Trong thế không tìm ra được phong trào nào, nhà nhà sản đành dựa vào Tàu. Mà khốn nỗi dựa sai chỗ, dựa đúng anh em Nghĩa Hoà đoàn chuyên kinh doanh cờ bạc đĩ điếm và á phiện. Anh em Nghĩa Hưng đoàn thì chắc biên kịch chưa đọc ra“.

Quá dũng cảm cho một người hoàn toàn không hề biết lịch sử Nam Kỳ có gì, không hề biết quân đội của Hòa Hảo đã bảo vệ làng xóm và quê hương của họ và được sự ủng hộ của người dân ra sao, không hề biết giang hồ Bảy Viễn của Nghĩa Hòa Đoàn đã trở thành một tên tuổi chống Pháp lừng lẫy, không hề biết Cao Đài ở Tây Ninh đã bảo vệ quê hương, gia đình của họ ra sao.

Bộ phim “Đất Rừng Phương Nam” có lẽ đã trở thành tấm bia tấn công cho các nhà trí thức miền Bắc rất mù mờ về phong thổ và cách sống của Nam Kỳ. Đám người này diễn giải mọi thứ từ chiến tranh, xung đột thực dân, đến cách sống với thiên nhiên theo ý của họ, từ cái nhìn Bắc Kỳ thượng đẳng nhìn xuống thấy chỗ nào cũng quê, cũng dốt, cũng tầm thường trộm cắp. Họ nói rằng Nghĩa Hòa Đoàn là bọn giang hồ cướp vặt. Họ nói rằng Nam Kỳ quá ít phong trào kháng Pháp”, họ nói rằng đất Nam Kỳ thiên nhiên ưu đãi dễ sống chả cần làm ăn gì.

Cái vụ nhìn từ Bắc xuống chân Nam xong tỏ ra khinh bỉ có lẽ rất hợp với cụ Phạm Quỳnh xưa. Cụ vào Nam được các nhà trí thức, nhà văn hóa dắt đi tham thú, xong cụ về nhà một quyển tản văn đầy những đoạn thế này:

Thật thế, đất Nam Kỳ muốn mở mang cho hết sức, phải cần có người Bắc kỳ, Trung kỳ vào sinh cơ lập nghiệp trong ấy mới  được. Không những dân Nam Kỳ có ít người và cũng không có tính  chăm làm, nhưng hiện nay đã là thừa đủ ăn rồi, không cần phải làm nữa“.

Có thằng nào phải sống giữa những đồng nước mênh mông nửa năm, cá sấu từ rừng ngay dưới chân dưới mép nước, đỉa lềnh như bánh canh, xong mở mồm bảo dễ sống, thì xin hãy sống ở đâu đó chứ đừng thiếu tôn trọng như vậy với tâm thế sống hoàn toàn khác biệt.

Xong một sáng Phạm Quỳnh được ngồi “xà lúp” (thuyền máy) qua sông, thấy khách đi thuyền ăn mặc tươm tất, mang vali nhỏ, Phạm Quỳnh nhanh nhảu phán luôn: “Ngó bộ những người hành khách ngồi quanh  mình đầy, cũng đủ biết dân Nam Kỳ này không phải là một dân lao động cần cù, nếu có cái đặc tính với dân các xứ khác thì cái đặc  tính ấy chắc là tính lười vậy“.

Túm lại là Phạm Quỳnh vào Nam Kỳ chơi, được trí thức, địa chủ, nhà văn hóa, người nông dân thết đãi bằng sự chân thành hiếu khách, xong về nhà viết quả du ký chê cả miền vừa lười vừa dốt, dốt chữ Nho, lười không làm việc.

Cái tâm thế trí thức Bắc Kỳ nói về Nam Kỳ như vậy, 100 năm rồi có vẻ vẫn không gì thay đổi. Tôi kể lại chuyện này nghe thì thật phân biệt vùng miền và ti tiện. Nhưng tôi phải kể lại để thấy “ý thức hệ” mà các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà văng hóa đã dùng FB để vũ khí hóa chữ nghĩa và tấn công một bộ phim với cùng tâm thế đó.

Nhưng sự thù địch này không phải bắt đầu từ dân Bắc với dân Nam đâu. Có vô số các bạn miền Nam đã kết hôn, đã lập gia đình với các bạn miền Bắc, có vô số gia đình con trẻ nói tiếng trại trại vì mẹ Nam cha Bắc, cha Bắc mẹ Nam.

Sự hiềm khích này mà bắt đầu từ những đứa cầm bút, như Phạm Quỳnh, như Hà Quang Minh, Hà Thanh Vân, như những kẻ bảo phải xóa tên Thiên Địa Hội vì là ăn cướp chứ không yêu nước (nghe rành rọt gớm). Những người lãnh đạo xu hướng có chút chữ nghĩa, dùng chữ nghĩa hóa thành vũ khí, tạo kỳ thị, gây chia rẽ, coi rẻ những nhóm văn hóa mà chúng coi là thấp kém hơn mình.

Để không sa đà vào chuyện vùng miền, hãy cùng tôi quay trở lại phân cảnh Comedian bắn vỡ sọ cô gái Việt – và chú bé An theo Thiên Địa Hội chứ không phải Chính Nghĩa Hội.

Chúng là hai ví dụ cho thấy khán giả, nhà kiểm duyệt điện ảnh và người lãnh đạo khán giả đã rất độ lượng với giả thiết “Mỹ thắng chiến tranh Việt Nam” nhưng cực kỳ tàn bạo với thằng bé An. Thằng bé đó được làm từ một quyển tiểu thuyết (là hư cấu), Comedian cũng là nhân vật hư cấu. Nhưng An thì phải đúng với lịch sử, còn Comedian có bắn nát sọ người Việt cũng giải trí và đẹp hơn hẳn.

Có phải chúng ta đang dùng sự thù địch để nhấn chìm đối thoại văn hóa? Có phải chúng ta rất độ lượng cho người nước ngoài (người Mỹ) nhưng không thể độ lượng với một nhân vật tiểu thuyết hư cấu từ truyện tới phim?

Khán giả chúng ta đã dùng hơn 40 năm qua để rủa xả kiểm duyệt, chửi bới đứa cắt phim, cắt sách, cắt tác phẩm, nhưng khi có sức mạnh của mạng xã hội, chúng ta đã dùng chính vũ khí truyền thông đó làm thế lực kiểm duyệt mới để trấn áp những gì mình thấy ghét mà không cần màng tới đúng sai? không màng tới thể lọai là tiểu thuyết hay phi hư cấu? Không màng tới khao khát sáng tạo và vượt ra khỏi giới hạn của những bộ phim tiền tỷ cúng cụ làm xong xếp xó mà ta ngán ngẩm chửi bới mấy thập niên qua?

Có những nhóm đang vũ khí hóa kiểm duyệt vào tay họ để trấn áp đối thoại văn hóa khác biệt của một vùng miền khác họ. Là người thưởng thức văn hóa, bạn có muốn biến văn hóa thành vũ khí để chà đạp lên sáng tạo không? Bạn có dùng văn hóa lịch sử để bịt miệng những tác phẩm hư cấu khác với kỳ vọng của bạn không? Bạn có cho phép những kẻ dùng chữ làm vũ khí tấn công cả một vùng đất không? Chọn lựa đó là của bạn.

Nhưng bạn đừng quên ta đã độ lượng với người Mỹ thế nào khi coi Watchmen, Apocalypse Now… trong những phim đó, chúng ta là những cô gái Việt làm điếm, những chàng trai Việt mọi rợ, ngu đần.

Chúng ta đã rất độ lượng vì trân trọng sáng tạo điện ảnh. Ta có nên độ lượng như thế với Đất Rừng Phương Nam không?

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Nhà nước đặt hàng cho công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê sản xuất bộ phim Đất Rừng Phương Nam (Chính xác là: Quyết định số 1867/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt kịch bản Đất rừng phương Nam đăng ký kế hoạch sản xuất phim truyện do Nhà nước đặt hàng năm 2022) do thứ trưởng Tạ Quang Đông ký ngày 14 tháng 6 năm 2021.

    Thế là đã rõ, trách nào ông cục trưởng Vi Kiến Thành cố sức bảo vệ cho bộ phim này. Xem ra, cách hành xử này khá giống với việc chỉ định công ty Việt Á sản xuất kít xét nghiệm Covid thì phải. Liệu quả bom Đất Rừng Phương Nam có cuốn phăng nhiều quan chức cấp cục, cấp vụ cấp bộ của ngành văn hoá giống như quả bom Việt Á từng cuốn phăng hai ông bộ trưởng, dăm ông thứ trưởng và hàng chục quan chức cấp cục vụ của hai ngành y tế và khoa học công nghệ?

    Nhà nước đặt hàng cho các công ty tư nhân sản xuất hàng hoá cũng là điều bình thường trong thời buổi kinh tế thị trường. Thế nhưng, các hãng phim nhà nước cùng nhiều diễn viên ăn lương nhà nước đang khát việc mà bộ văn hoá lại đặt hàng để công ty Hoan Khuê sản xuất phim là điều bất thường.
    Phàm thì những sản phẩm nhất là sản phẩm văn hoá do nhà nước đặt hàng, việc xét duyệt chắc chắn phải cẩn trọng cả về kịch bản, về trang phục, về tính giáo dục của phim. Vậy mà, có quá nhiều sạn về lịch sử, về trang phục đã xuất hiện trong phim gây bức xúc không nhỏ với nhiều người. Nếu chỉ là loại phim giải trí tầm phào, không cần tính giáo dục thì ngành văn hoá có cần đặt hàng hay không?

    Ngày nay, phim giải trí tầm phào được nhiều công ty tư nhân sản suất, đâu cần ngành văn hoá phải đặt hàng, liệu có gì đó khuất tất trong công văn của thứ trưởng Đông?
    Khi mới đưa ra chiếu, nhà sản xuất nói dựa theo tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi, nhưng thời điểm xảy ra trong tiểu thuyết là năm 1945, còn thời điểm của phim là những năm 1920 đến 1930. Vậy là nhà sản xuất phim đã lợi dụng danh tiếng của Đoàn Giỏi để trục lợi, ngành văn hoá là nơi quản lý và xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền lẽ nào lại không biết điều này.

    Phim ảnh có quyền hư cấu, nhưng hư cấu đến mức nào nhất là những phim phản ánh lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc lẽ nào quan chức ngành văn hoá lại không biết. Hư cấu tới mức bóp méo lịch sử, làm cho người xem u mê không biết đâu là sự thật, đâu là hư cấu là điều không được phép. Một bộ phim có nhiều sạn lẽ nào cứ sửa sạn thành kẹo là sẽ hay. Đâu phải cứ bỏ chữ Rừng trong tên phim là đủ tính pháp lý, thay Thiên Địa Hội, Nghĩa Hoà Đoàn bằng hai tổ chức vu vơ nào đó là không có lỗi với lịch sử, là được duyệt lưu hành.
    Nghe lời giải thích bảo vệ phim Đất Rừng Phương Nam của một số quan chức văn hoá liệu chúng ta thấy họ có xứng đáng là những người quản lý ngành văn hóa nước nhà? Qua ông Nguyễn Văn Hùng bộ trưởng, người hùng dũng choán thảm đỏ của khách, ông thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói rằng ngành văn hóa cần 350.000 tỷ chấn hưng văn hóa nước nhà trong đó giúp các nhà văn, các nhạc sĩ, các họa sĩ tạo ra những tác phẩm tầm cỡ thế giới tôi đã thấy buồn. Càng buồn hơn khi đọc quyết định phê duyệt kịch bản phim Đất Rừng Phương Nam của thứ trưởng Tạ Duy Đông cho phép công ty Hoan Khuê sản xuất phim Đất Rừng Phương Nam.
    Lẽ nào đất nước ta thiếu người có tầm hiểu biết về văn hóa dân tộc, văn hóa nhân loại nên phải để những vị ít văn hóa như vậy điều hành và quản lý nền văn hóa nước nhà. “Văn hóa còn, dân tộc còn”, liệu với những người đứng đầu ngành như trên văn hoá Việt có còn hay không?

    Nguồn Mạng

  2. Mấy ngày gần đây thấy thiên hạ xôn xao bàn luận về bộ phim Đất Rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, cũng xin góp mấy lời bàn cho vui.

    Đối với đoàn làm phim.

    Nếu những người sản xuất bộ phim này nói rằng họ dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi thì họ mắc tội đem hàng nhái gắn mác hàng thật. Theo điều 192 khoản 2 của bộ luật hình sự, phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau:
    – Có tổ chức;
    – Có tính chất chuyên nghiệp.

    Nếu chưa được sự đồng ý của người thừa kế của cố nhà Văn Đoàn Giỏi mà lại sử dụng tên Đất Rừng Phương Nam để đặt tên cho bộ phim của mình sẽ bị xử theo điều 225 của bộ luật hình sự vì vi phạm bản quyền.

    Đối với cục diện ảnh và cá nhân ông cục trưởng Vi Kiến Thành
    Theo khoản 2 điều 192 của luật hình sự, người lạm dụng chức quyền cho phép lưu hành hàng giả bị phạt tù từ 05 tới 10 năm.

    Nhân đây cũng có mấy lời bàn khi đọc lời phát biểu của ông Vi Kiến Thành ngụy biện cho việc phát hành phim Đất Rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Đành rằng thơ, văn, phim chuyện hay phim truyền hình được quyền hư cấu, nhưng hư cấu tới mức nào lại là điều cần bàn. Hôm nay cục diện ảnh cấp phép cho phim Đất Rừng Phương Nam mới vì ông Thành cho rằng phim ảnh được phép hư cấu không đúng sự thật. Xin hỏi ông cục trưởng, ngày mai đoàn làm phim A dựng về cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ năm 1940 do các thành viên quốc dân đảng lãnh đạo, ngày kia đoàn làm phim B làm phim về cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái do hậu duệ của Lưu Vĩnh Phúc thủ lĩnh của quân cờ đen lãnh đạo liệu ông Vi Kiến Thành và cả ông bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có đủ gan cấp phép hay không?

    Phim ảnh là hình thức dạy Lịch Sử hữu hiệu nhất đối với lớp trẻ, những phim về thời cận đại dù có hư cấu cũng không thể xuyên tạc và bóp méo Lịch Sử. Phim ảnh đề cập tới Lịch Sử chống ngoại xâm của dân tộc cần phải trung thực, nếu sai nếu không thật hậu quả sẽ khôn lường. Tiếp tay cho những người làm phim vì lợi nhuận bóp méo lịch sử, phản ảnh sai về tập quán sinh hoạt, về văn hoá dù chỉ về một vùng miền nào đó là không được phép.

    Nguồn mạng.

  3. Cuối cùng rùi những người như Khải Đơn cũng nhận ra bộ mặt thật của Mỹ, hổng khác gì lắm những gì những người như Nguyễn Bá Chung, Lữ Phương, Vũ Hạnh & những người như họ nhận ra . Nguyễn Thanh Việt cũng bắt đầu nhận ra qua đoạn Khải Đơn vừa trích . Cũng nêu ra 1 sự thật, đó là: Chỉ khi nào diệt hết người Việt Nam, mới hết người Việt Nam theo lý tưởng Cộng Sản, theo chủ nghĩa Mác-Lê

    Cao Huy Thuần đã nhận định, hoàn toàn hổng sai lầm, là cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa rồi là “cuộc chiến trừng ác”, trừng trị cái ác . Phin Watchmen cho các bác thấy 1 viễn cảnh, may quá!, đã không xảy ra, đó là Mỹ-Ngụy thắng trong cuộc chiến vừa qua . Vì thế, cho những người vưỡn còn đang dùng những “thuyền nhân”, “cải tạo” này nọ để tố Cộng, những thứ đó hoàn toàn mang tính nhân đạo so với những gì đã có thể xảy ra nếu Mỹ-Ngụy thắng cuộc chiến vừa qua & “giải phóng” miền Bắc . Thui thì, theo lời Giáo Sư Nguyễn Trung, 1 người đấu tranh cho dân chủ, chúng ta nên khép lại quá khứ để chúng ta an tâm hơn khi hướng đến tương lai dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản .

    Mỹ aint the way 2go. Trong collective consciousness của Mỹ, qua những hình ảnh trong phin, dân Việt XHCN các bác vưỡn “thường man rợ, hung tợn, nói những câu vô nghĩa hay hú hét gì đó”. Tất nhiên, sự thật thường kinh khủng hơn . Nhưng trong ký ức tập thể của Mỹ, dân Việt các bác vưỡn là 1 thứ Cộng Sản, mà Cộng Sản, đv dân Mỹ, thường là dị hợm, kinh khủng, khủng khiếp lém lém lun .

    Ta về ta tắm ao XHCN ta các bác ạ . Nên hòa giải hòa hợp với những người đồng chính kiến, những người cùng máu đỏ da vàng . Chỉ mong mọi người có thế

  4. Trước hết, mình cứ nhận rằng dốt mình ( cho nó lành ! ) . Nhưng thú thật, mình chẳng hiểu nổi cái bà KĐ này viết cái gì ? Giống như những bài viết của bà í trước đây đăng trên baotiengdan, cứ lập lờ, lập là như thế nào ấy . Qua bài này, bà chửi những người phê phán phim ĐRPN chăng ? Bà bênh vực, ngợi ca phim này chăng ? Bà ca ngợi Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên chăng ? Mà những tổ chức nầy đã một mất, một còn với Việt minh. Nhưng Việt minh trong những thập kỉ 40, 50, 60 của thế kỉ trước đã từng khủng bố một cách tàn bạo những viên chức của chế độ VNCH . Chỉ cần họ làm việc cho chế độ cũ , từ trưởng ấp đến các viên chức xã, quận . . . nếu thiếu cảnh giác một chút là đêm tối bị lôi ra khỏi nhà và bị cắt cổ ( nhấn mạnh là “cắt cổ” ! ), kèm theo tờ giấy trên ngực “gây nợ máu với nhân dân” . Tuy , nhân dân chẳng thấy họ làm gì độc ác mà gọi là gây nợ máu .
    Câu cuối cùng bà ấy viết “Chúng ta đã rất độ lượng vì trân trọng sáng tạo điện ảnh. Ta có nên độ lượng như thế với Đất Rừng Phương Nam không?” . Giờ mới rõ .
    Mình mong nhà thơ Trần Đăng khoa có bài viết khi xem phim này. Vì, thiên hạ đồn rằng, ông ấy từng viết :
    “Ngồi buồn cởi cúc xem chim
    Còn hơn vào rạp xem phim nước mình “

  5. Thật Thánh Thiện và Sáng Suốt!!!
    Phim Hollywood, hễ người Nga là ngố và ác. Phim Tàu hễ cứ người Nhật là gian và hiểm … Còn Annamite dưới con mắt Tây lông thì khỏi phải bàn. Bảo rằng nghệ thuật không liên quan chính trị … là một cái gì đó quá xa xỉ.
    Một ví đụ, Bill Gates, một “nhà từ thiện”, khi diễn thuyết, hình ảnh biển Đông có đường Lưỡi Bò, dân Annamite vào kênh youtube của Bill phản đối ngậu lên, Bill coi như chó cắn ma, cứ để vậy xem sao. Đến nay nguyễn y vân.
    Cứ khai phóng thôi. Cứt cũng như rươi, ba bốn mươi cũng như hai tiền.

  6. Thiệt tình là tui dốt,đọc bài nầy chã hiểu gì,không hiểu luôn,mặc dù cố suy nghĩ tác muốn nói gì,nhưng nghĩ không ra,mong ai hiểu giải thích giùm cấm ơn.

Comments are closed.