15-9-2023
Đây là tôi đang nói tới những người làm trong công tác phòng cháy, chữa cháy, những người làm ra luật và thi hành luật PCCC và đã từng được nhìn những sai phạm trong xây dựng, trong việc cho thuê nhà nhưng ngậm miệng ăn tiền.
Các vị biết thừa họ vi phạm nhưng tại sao ngần ấy năm các vị lờ đi để những sai phạm lù lù to tướng ấy tồn tại?
Đổi lại các vị đã cầm bao phong bì dày và nặng? Các vị hãy hiểu rằng những đồng tiền các vị dùng để ăn chơi, để nuôi con cháu ấy dính đầy máu, nước mắt, nó ám từng tiếng kêu khóc tuyệt vọng của các nạn nhân trước khi lìa cõi đời.
Những phong bì ấy chính là thủ phạm gián tiếp gây ra cái chết của gần 60 con người tội nghiệp kia. Đêm nay tôi mệt, buồn ngủ díp mắt nhưng hình ảnh các nạn nhân co quắp của một gia đình đã khiến tôi tỉnh ngủ và viết bài này.
Đừng nói là họ xây vụng trộm. Các đội quản lý về xây dựng của phường, quận thính lắm, không có chuyện làm trộm.
Vào năm 1995, tôi xây nhà, có đầy đủ giấy phép, vậy mà khi tôi đi vắng, một nhóm người nói là từ quận xuống, cần phải làm luật. Mẹ tôi tặc lưỡi đưa tiền. Vài ngày sau, một đội khác xuống cũng đòi làm luật, cũng từ quận và bảo mẹ tôi là bị lừa rồi, lần này mới là đội từ quận thật. Trong đầu tôi nghĩ: chúng mày là một cả thôi!
Tôi không biết thật giả ra sao, cãi nhau cũng mệt và cũng muốn nhẹ đầu nên lại tặc lưỡi đưa tiền. Vài năm sau, sửa tầng trên, mới xếp gạch, cát đầu ngõ là có cán bộ vào hỏi. Tôi bảo tôi không nâng tầng, chỉ sửa thôi, không tin cứ lên mà xem. Chắc vì trời mùa hè nóng nên vị cán bộ phường ngại nên bảo: Thôi, không cần lên! Mấy ngày nữa anh lên phường làm việc. Tôi không lên, rồi cũng [không] thấy cán bộ hoạch hoẹ gì thêm.
Nhà tôi là đất làng, người dân ở lâu đời nên có tiêu chuẩn làm sổ đỏ, ấy vậy mà phải đóng mấy triệu lót tay để được lấy. Về sau hỏi ra thì nhiều người làng đã lấy rồi, sổ đỏ đã nằm ở phường nhưng phải chờ tôi đưa tiền, cán bộ mới trả.
Là người dân Việt Nam, không ai lạ gì cái trò đưa phong bì để cho việc được nhanh, đỡ phiền phức. Phong bì là bước đầu tiên tiếp tay cho tham nhũng, nó thường như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng chính phong bì là bắt đầu của tội ác, nó uốn cong luật, nó khiến kẻ có tiền được ưu tiên, nó khiến cán bộ thành một lũ khốn nạn, nhiều việc phải cố gây khó dễ, đưa phong bì mới chịu làm cho nhanh.
Các Dư luận viên đừng gào lên chửi nhé, nếu định chửi thì hãy nhớ lại đại án Việt Á và Giải Cứu đi, nhớ thì cất tạm cái lưỡi đi, đừng dùng bừa bãi vội.
Các vị quản lý xã hội, đừng tỏ vẻ than khóc cho các nạn nhân. Nếu thực sự thương xót họ thì phải làm ngay những việc cần thiết. Rà soát thật kĩ khắp nơi xem chỗ nào có sai phạm về phòng cháy chữa cháy thì sửa ngay. Thấy dấu hiệu đưa phong bì là kỉ luật cán bộ ngay và luôn.
Những người làm kinh doanh khách sạn, quán xá, hãy làm tốt theo quy định và cương quyết không dùng phong bì cho xong việc. Tôi biết là khó nhưng nếu không làm đúng thì cái sai của các bạn sẽ phải trả bằng mạng người.
Xin được tỏ lòng thương xót tới các nạn nhân, xin được chia buồn với những người mất thân trong thảm hoạ kinh hoàng vừa xảy ra.
Còn chúng ta, những người còn sống đã học được nhiều gì và cần làm gì để ngăn chặn những thảm hoạ tương tự xảy ra?
Thương quá thôi! Những con người khốn khổ, vì thiếu thốn mà phải sống ở một nơi không an toàn. Mất mát lớn quá, nỗi đau lớn quá. Chúng ta, những người sống không bao giờ được quên họ, không bao giờ được quên nỗi đau đớn kinh hoàng mà họ hay linh hồn của họ đang phải chịu.
Suy cho cùng, cái chết của họ có một phần lỗi của chúng ta. Chúng ta thoả hiệp với cái xấu, chúng ta nhắm mắt đưa phong bì cho lũ ngợm vô lương tâm, chúng ta tặc lưỡi chấp nhận làm một điều xấu để tiết kiệm thời gian, để cuộc sống được nhẹ nhàng hơn…
Học giả Nguyễn Duy
Xin đốt nén nhang tiễn đưa người chết cháy
Một đám tang năm mươi sáu oan hồn
Một đại trùng tang. Đại chấn thương. Đại thảm
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” (*)
Đại nạn này không thiên tai địch hoạ
Ta – chính Ta gây thảm hoạ cho Mình.
Xác người thành tro. Lửa cháy nhà đã tắt
Ngùn ngụt lòng ngọn lửa đốt ruột gan.
Một thảm sát? Ai là thủ phạm?
Lại đèn cù?
Ai?
Ai?
Ai?
Không ai?…
Thủ phạm cháy không phải là ngọn lửa
Tội thui dân không phải chỉ một thằng.
Một đám cháy nhe răng nhiều mặt chuột
Một giáo án cộng đồng. Một trừng phạt. Một quốc tang.
SG, đêm 16.9.2023
Phong bì xưa quá rồi, vả lại nhỏ quá, làm sao đủ chứa ?! Ông ko thấy người ta toàn dùng samsonite với lại túi vải của ngân hàng để đựng tiền sao ? KKK
GS Lê
Đánh cờ nước một thể hiện trình độ của người chơi cờ. Sự cố xảy ra mới họp để rút kinh nghiệm, đây là cách điều hành của không ít quan chức ở ta thời nay. Lẽ nào cứ để hàng vài chục nạn nhân phải rời bỏ cõi đời bởi lửa, người ta mới ngồi lại để rút kinh nghiệm, để tìm cách khắc phục. Quan chức Hà Nội điều hành và quản lý thành phố như người đánh cờ nước một thì buồn cho dân thủ đô lắm lắm.
Dăm năm trước, khi đám cháy ở quán Karaoke Nguyễn Phong Sắc cướp đi 13 sinh mạng, ngành văn hóa và ngành cảnh sát cùng lãnh đạo thành phố mới ngồi họp với nhau bàn cách quản lý dịch vụ Karaoke trong thành phố sao cho an toàn, vậy mà chỉ mấy năm sau vụ cháy quán Karaoke tại phường Quan Hoa lại cướp đi sinh mạng của 3 chiến sĩ cảnh sát. Hình như người ta ngồi lại với nhau sau mỗi sự cố chỉ là để xoa dịu lòng dân chứ không phải ngồi để tìm biện pháp tìm cách giữ an toàn cho các quán Karaoke.
Năm 2018 khu nhà trọ gần viện nhi bị cháy, hai vợ chồng lên chăm con bị chết cháy, khoảng 15 ngôi nhà bị thiêu rụi, chủ quán trọ rẻ tiền phải ra hầu tòa. Ngành xây dựng thành phố cùng các ngành chức năng có liên quan cũng đã ngồi cùng nhau rút kinh nghiệm và tìm giải pháp ngăn chặn những vụ cháy tương tự.
Thế mà, hôm qua ngày 13 tháng 9 đã xảy ra cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ cướp đi sinh mạng của 56 người. Đau xót cho gia đình những người tử nạn, người dân thủ đô cũng như người dân cả nước bàng hoàng, đau xót chen lẫn chua chát về vụ cháy này. Ai phải chịu trách nhiệm về vụ án kinh hoàng vừa xảy ra, bắt giam rồi truy tố chủ nhân của chung cư rồi kết tội người này xây dựng chung cư không bảo đảm an toàn về cháy nổ thì quá dễ, nhưng chủ chung cư có phải là người duy nhất cần phải bắt giam và truy tố hay không lại là điều cần bàn. Xây một ngôi nhà 9 tầng 1 tum ắt phải được cơ quan chức năng của thành phố duyệt thiết kế và cấp phép. Một chung cư 9 tầng 1 tum không có lối thoát hiểm, không có phương tiện chống cháy nổ mà vẫn được cấp phép thì tội của người ký cho phép xây dựng còn nặng hơn chủ chung cư.
Một chung cư có 45 căn hộ vi phạm quy định phòng cháy mà vẫn cho phép bán và cho thuê thì lãnh đạo cấp phường, cấp quận phải chịu trách nhiệm, ít ra là phạm tội vô trách nhiệm gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Nếu ở ta có văn hóa từ chức thì lãnh đạo phường Khương Đình, lãnh đạo quận Thanh Xuân và lãnh đạo thành phố Hà Nội phụ trách xây dựng và quản lý đô thị đã từ chức, nhưng vì văn hóa từ chức ở ta chưa có nên việc cách chức rồi truy tố những quan chức liên quan đến chung cư vừa bị cháy là hợp lý và hợp lòng dân.
Đổ lỗi cho dân, đổ lỗi cho cấp dưới là việc thường thấy ở ta thời nay. Ngồi lại rút kinh nghiệm rồi để đó không ai phải chịu trách nhiệm thì những tai nạn thảm khốc như vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ rất có thể còn xảy ra. Phải tìm ra ai là người cấp phép xây dựng và cho phép bán và cho thuê chung cư mini tại phố Khương Hạ, chính những kẻ này mới là là thủ phạm gây ra cái chết đau lòng của 56 người vô tội. Quan chức điều hành và quản lý xã hội chỉ có trình độ như người đánh cờ nước một thì buồn cho dân nhiều lắm.
Bài viết này xin thay cho một nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất tại chung cư mini Khương Hạ.
Nguồn Mạng
Ngay cả việc muốn có một tờ giấy để điền vào những chi tiết cần, đặng có thể chủng ngừa covid, trưởng ấp cũng chờ dân nộp từ một tới hai trăm ngàn thì mới phát giấy . Nếu không đưa tiền, người dân cứ chờ dài cổ ra mà chẳng bao giờ tới lượt . Táng tận lương tâm đến thế mà chúng vẫn cứ sống sờ sờ ra đó, chẳng ai làm gì sất .
Đặng Đình Mạnh
Nghịch lý: Đất nước không có chiến tranh, không có khủng bố, không có thiên tai, ngay trong thời bình, sống giữa thủ đô, nơi mà cơ quan chính quyền dầy đặc, nơi mà cán bộ ăn lương sống nhung nhúc, nơi được trang bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ và y tế với mật độ cao nhất, hiện đại nhất… thì chỉ trong một buổi tối, hơn cả trăm đồng bào thương vong, trong đó, quá nửa nạn nhân tử vong một cách tức tưởi?
“Nhà chung cư của con cháy rồi, hai cháu chết rồi, con cũng chết đây bố ơi”. Rồi im bặt, tiếng tút tút trong chiếc điện thoại cứ kéo dài mãi, khô khốc… Tương tự vậy ở một ngôi nhà khác “Con không thở được nữa”. Rồi im bặt, tiếng tút tút trong chiếc điện thoại cứ kéo dài mãi, khô khốc…
Đó là vài câu nói hiếm hoi sau cùng trong cuộc đời của người con trai với cha mình vào đêm hỏa hoạn 12/09 định mệnh ngay giữa thủ đô. Lúc này, mái đầu bạc đang khóc mái đầu xanh và bao nhiêu gia đình đang phủ vành tang trắng khóc thương người thân đột ngột, tức tưởi buông tay rời xa cuộc sống này.
Ngẫm xem, cái đêm định mệnh, ngoại trừ tòa nhà 9 tầng sơn trắng, hình khối hộp ngún lửa và khói đen tràn vào ngập phổi làm nạn nhân ngộp thở, thì xung quanh đấy, vẫn là bầu khí quyển trong lành cho hàng triệu cư dân Hà Nội hít thở. Thật trớ trêu, sinh tử cách nhau chỉ sau bức tường 10cm oan nghiệt như vậy.
56 con người tức tưởi buông tay cuộc đời, thậm chí, nhiều người không trăn trối được câu cuối “…con cũng chết đây bố ơi” hoặc “…con không thở được nữa” như hai anh con trai trút lời cuối, từ biệt với bậc sinh thành qua chiếc điện thoại. Cả cha, cả con, cứ ngỡ sống ở thị thành là sinh đạo, mà ai ngờ đã trở thành tử lộ!
Lúc đầu, tin tức 20 người chết trong cơn hỏa hoạn đã làm rúng động xã hội, vì tuy không quen biết, nhưng sinh mạng người đều quý giá như nhau, vì họ đều đang là anh chị em, con cháu của một gia đình nào đó đang rất trông tin họ. Nhưng tin tức không dừng lại ở đó, khi con số nạn nhân tăng dần, 30, 40 và rồi là 56 người chết, làm nỗi thương cảm cũng tăng dần đến bàng hoàng. Đồng bào mình với nhau… Đã không trông mong thì lại càng không muốn tin là sự thật. Sự nghèn nghẹn từ cổ họng làm chúng ta muốn tức thở, không chỉ vì sự thương cảm và cả sự uất ức vào dân tộc khốn khổ này!
Nếu là một chính quyền lương hảo có trách nhiệm, đã không để tồn tại những căn chung cư xây dựng trái phép như vậy. Nếu quản lý đô thị có trách nhiệm, đã không để tồn tại những con hẻm nhỏ không thể cứu hỏa như vậy. Nếu công an phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm, đã buộc chủ nhà phải làm lối thoát hiểm, phải trang thiết bị chữa cháy, có phương án chữa cháy nơi hẻm nhỏ và kịp thời đến cứu hộ hiệu quả. Nếu cơ quan cấp phép kinh doanh nhà thuê có trách nhiệm, đã kiểm tra ấn định số người tối đa được cư trú… để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người dân, thì thảm cảnh đã không xảy ra và nếu có hỏa hoạn, thì cũng đã không gây mức thiệt hại về người đến mức kinh hoàng như thế.
Và nếu, chỉ cần một trong những cái nếu vừa nêu có trách nhiệm, thì đã không có cái đêm 12/09 định mệnh của 56 đồng bào, gây tang thương cho gia đình họ.
Chúng ta có thể dẫn ra hàng tá câu hỏi về trách nhiệm như vậy để thấy rằng dân tộc ta đã xấu số như thế nào khi phải sống trong một thể chế chính trị vô trách nhiệm, bất tài, bất lực đến thế.
56 đồng bào tử vong, nếu chỉ cho rằng họ là nạn nhân của trận hỏa hoạn là chưa thật sự thấy nguyên nhân tử vong của họ, mà thực tế, họ là nạn nhân của một chế độ vô trách nhiệm và đó mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Vì một lẽ đơn giản, chế độ nào đi nữa, thì chẳng có trách nhiệm nào lớn hơn sự bảo đảm an toàn của người dân.
Nếu không, sao có thể giải thích được nghịch lý: Đất nước không có chiến tranh, không có khủng bố, không có thiên tai, ngay trong thời bình, sống giữa thủ đô, nơi mà cơ quan chính quyền dầy đặc, nơi mà cán bộ ăn lương sống nhung nhúc, nơi được trang bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ và y tế với mật độ cao nhất, hiện đại nhất… thì chỉ trong một buổi tối, hơn cả trăm đồng bào thương vong, trong đó, quá nửa nạn nhân tử vong đột ngột một cách tức tưởi?
Giải thích đi, những kẻ được đồng bọn xưng là “Hồng phúc của dân tộc” (?!)
Tiên sư hồng phúc…