Cúng cô hồn và “cô hồn sống” Rằm tháng Bảy

Lâm Bình Duy Nhiên

2-9-2023

Cúng cô hồn được cho là một nghi thức lâu đời, gắn liền với văn hoá thờ cúng của người Việt.

Lâu đời nhưng cũng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Người Việt vốn dĩ chịu nhiều ảnh hưởng bởi văn hoá Trung Hoa nên cũng không lạ khi chia sẻ nhiều nghi lễ, nghi thức thờ cúng như họ.

Trên phương diện tâm linh, cúng cô hồn còn có ý nghĩa an ủi một phần cho những linh hồn khốn khổ của những người chết oan, sống lang thang không nơi nương tựa, không người thờ phụng. Đó là thời khắc những oan hồn cũng được thờ cúng, hưởng hương hoa bởi người tại trần gian. Bên cạnh đó, người ta cũng mong xua đi vận hạn, gạt bỏ những xui xẻo, điềm gở để mang về bình an cho bản thân và gia đình người cúng.

Cúng cô hồn thường diễn ra nhiều lần trong năm vào các ngày mùng 2 và 16 âm lịch mỗi tháng và ngày rằm tháng 7 hằng năm. Tháng bảy âm lịch là tháng cúng cô hồn, là thế.

Theo ký ức, thời đói khổ của những năm đầu 1980, tại Sài Gòn, cúng cô hồn nhiều nhưng đơn sơ và giản dị. Nhiều gia đình chú trọng phần nghi lễ. Đồ cúng không nhiều. Giấy áo, giấy tiền vàng mã, ít tiền, hoa tươi, xôi chè, thế là đủ. Gia chủ còn đọc bài văn khấn cúng lễ cô hồn một cách chỉnh chu và nghiêm túc.

Tất cả khác xa với mâm cúng cô hồn ngày nay. Thịnh soạn, linh đình, tiền thật, thậm chí cả tiền đô. Bánh trái, hoa quả đắt tiền. Heo, gà quay cả nguyên con. Nước uống, rượu bia cũng được đem cúng. Gia chủ xem đó là một dịp, không chỉ để chia sẻ với những oan hồn vất vưởng đâu đó, mà họ còn muốn “chia sẻ” với cả những “cô hồn sống” đang chực chờ, la hò, gào hét, chỉ đợi gia chủ cúng xong, là lao vào giựt đồ cúng.

Thậm chí, chưa cúng xong đã bị giành giật, thậm chí cướp luôn trên tay gia chủ!

Họ, những gia chủ giàu có, lắm tiền, xem mâm cúng cô hồn như dịp để phô trương sự giàu có hơn người của họ, của xã hội!

Cúng cô hồn gắn liền với giựt cô hồn. Thời buổi khó khăn, trước Đổi Mới, cả xã hội ăn bo bo trộn cơm thì cúng cũng chẳng có gì để giựt. Mà “cô hồn sống” thời đó có lẽ cũng còn chút lòng tự trọng, không lao vào đấm đá, chửi bới nhau để tranh đồ cúng như ngày nay. Chủ yếu là bọn con nít, ngây thơ, nô đùa, lượm vài cái bánh hay viên kẹo cho vui.

Cái tệ của một nghi thức gọi là nhân văn là cái cảnh “cô hồn sống”, không chỉ trẻ con, thanh niên mà cả người lớn, cũng kéo nhau đi săn cúng cô hồn mùa Rằm tháng Bảy. La hét, đập cửa rầm rầm, đòi gia chủ mở cửa để giựt cô hồn. Nhìn vô số những hình ảnh của những ánh mắt cứ như thể đang thèm khát, chết đói đến nơi của những kẻ đi giựt cô hồn, mới giật mình cảm thấy chua cay và đớn đau cho một xã hội đang dần dần lụn bại bởi những hủ tục bệnh hoạn. Có thể người ta không đói những ngày khác, nhưng cứ dịp cúng thì họ trở thành cô hồn, giành giật đồ cúng, như một trò chơi vô thức.

Có những băng nhóm chuyên đi săn lùng giựt cô hồn. Họ sắm sửa “đồ nghề”, vật dụng một cách chuyên nghiệp để cướp đồ cúng càng nhiều càng tốt, cho thoả lòng tham lam của họ.

Nghe những tiếng gào thét rợn người, những tiếng cười khoái chí hay chửi thề thô tục, thậm chí tranh giành hỗn loạn, đánh nhau, chỉ vì mâm cúng cô hồn, mới thấy nghi lễ văn hoá không còn nữa. Thay vào đó là một tệ nạn đang làm mất đi lòng tự trọng, nhân cách của con người trong một xã hội.

Chính quyền địa phương đã làm gì để ngăn cản, khuyến cáo người dân không tham gia vào những tệ nạn trên? Chắc chắn cũng chỉ cho có lệ. Họ cũng nhắm mắt, bỏ qua, thậm chí quan sát một cách có toàn tính. Mặc kệ, một đám đông cô hồn sống giành giật mâm cúng vẫn còn hơn một đám đông xuống đường đấu tranh đòi hỏi công bằng cho xã hội.

Thay đổi nhận thức của một đám đông, của một xã hội không giản đơn. Nhất là trong bối cảnh tù túng và mất tự do. Con người bị định hướng bởi những mưu cầu không gây phiền nhiễu và lo lắng cho bộ máy quyền lực chính trị. Đó mới là mấu chốt cho sự tồn tại của chế độ.

Đôi khi, họ cố tình để cho những tệ nạn ấy tồn tại như tạo một hình ảnh xấu, một hiệu ứng tồi đối với một bộ phận dân chúng hay vùng miền mà họ ngấm ngầm chê bai, ngược đãi.

Nhưng sớm muộn, một xã hội nhân bản và văn minh, dứt khoát không thể để tồn tại những hủ tục như nạn giựt cô hồn, vốn vẫn diễn ra hàng năm khắp nơi vào Rằm tháng Bảy.

Cái gì không hay, không đẹp nên mạnh tay cho nó vào dĩ vãng. Thuần phong mỹ tục của một xã hội mới không thể duy trì sự tồn tại của những “cô hồn sống” Rằm tháng bảy!

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. Thời Mắc Dịch

    Thi Sĩ: Nguyễn Duy.

    Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
    (ca dao)
    1.
    Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
    âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
    không có giấc mơ
    chỉ toàn ác mộng
    mập mờ như ngủ như thức
    người và ma lẫn lộn tù mù
    ta thu bóng ngồi uống trà với gió
    chén rượu suông cụng với chính hồn mình.
    2.
    Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than
    đứt ruột.
    tiếng thở dồn người chống dịch xả thân
    thắt ruột.
    tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von
    sốt ruột.
    tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi
    lộn ruột.
    3.
    Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
    thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
    mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
    cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng

    hồn vía quay quay cuồng cuồng
    đột quị con đường chen chúc sống
    chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương
    chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương
    chen chúc thở
    chen chúc lò thiêu xác.
    4.
    Có cái chết trống không như chết lậu
    không trống không kèn không đèn không nhang
    mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
    đau kiếp người sống chui chết chui.

    ta thành kính vấn an linh hồn lạc
    chỉ về Trời mới thật có tự do
    tự do nhẹ như gió
    tự do bềnh bồng như mây
    tự do trong như giọt mưa trong
    tự do nặng trĩu như lòng.
    5.
    Ta lăn lê gần hết đời người
    nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
    ta thèm khát vô tư như cỏ
    mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
    ta đã liều mình lao vào đạn bom
    trẻ liều chết nay về già liều sống.
    6.
    Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
    biết chăng con người sống để làm gì?
    giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
    tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?

    Bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
    bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?
    Dịch bệnh bung toang không hề hư vô
    là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?

    lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
    hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?
    con người hiền lương con người nhân đức
    gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!
    7.
    Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
    lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…

    Rằm tháng 7 năm Tân Sửu ngày 22/8/ 2021

    Nguồn Mạng.

  2. “Cô hồn sống” tởm nhất hiện nay chính là bọn thanh niên khỏe mạnh, béo tốt nhưng lại có giấy chứng nhận của các trại hủi, trại mù, trại di chứng mầu da cam… để đi tới mọi hang cùng ngõ hẻm móc túi dân dưới các chiêu bài này nọ. Ấy là chưa kể tới bọn cô hồn bám dai như đỉa vào những nạn nhân (trúng vé số, chẳng hạn)

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây