7-8-2023
(Nhân vụ án Nguyễn Văn Chưởng)
Trong số các tác phẩm lừng danh của Kafka, tôi bị ám ảnh nhất là tiểu thuyết “Vụ án”. Hình như ông là một Gio An Tẩy giả trong văn chương, loan báo trước cả trăm năm về sự xuất hiện của những điều hãi hùng của một thế giới trong đó con người bị nghiền nát bởi quyền lực. Dưới đây là đoạn kết trong “Vụ án”:
“…Còn có chuyện kháng án chăng? Còn có những lập luận bác bỏ mà người ta chưa nêu ra chăng? Nhất định thế. Cái lôgích dù không lay chuyển được thế nào đi nữa, nó cũng không cưỡng lại được một con người đương muốn sống. Viên quan tòa anh chưa gặp bao giờ ở đâu? Tòa án tối cao anh chưa đến bao giờ ở đâu? Anh giơ hai bàn tay và căng các ngón ra.
Nhưng một trong hai đứa vừa túm lấy cổ họng anh; đứa kia thọc dao vào tim anh và ngoáy ngoáy hai lần. Đôi mắt đã lờ đờ, nhưng K. vẫn còn nhìn thấy hai đứa chụm đầu vào nhau cúi xuống sát mặt anh để quan sát cảnh chót.
– Như một con chó!-Anh nói, như để gửi lại nỗi nhục nhã ở đời“.
(Bản dịch của Phùng Văn Tửu)
Nhưng nếu Kafka đang sống và chứng kiến những gì vẫn ngày ngày diễn ra xung quanh chúng ta, ông sẽ thấy cái kết ấy thua xa cái kết mà ông chỉ việc coppy rồi dán vào, như dưới đây (Thay vào đoạn hai gã đàn ông phối hợp chọc dao vào cổ K.):
“…Tòa án Nhân dân thành phố…thông báo cho thân nhân người bị kết án K., biết:
Thân nhân người bị kết án K. có quyền làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình gửi Chánh án Tòa án nhân dân…để được xem xét giải quyết. Đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình về mai táng, an táng phải ghi rõ họ, tên địa chỉ người nhận tử thi và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân nơi cư trú; quan hệ với người bị thi hành án; cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.
Thời hạn gửi đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình đến Tòa án nhân dân …chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo này”.
Cái kết của Kafka gây cảm giác rùng rợn, trong khi cái kết sau thì tạo ra sự ghê rợn, ghê sợ cùng nỗi ám ảnh vĩnh viễn về sự tan rã tuyệt đối của văn hóa và lương tâm, để hoàn tất quá trình “hóa thú”.
Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”
Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).
Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.
Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.
Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.
Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.
Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.
Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.
FB NĐK
HỌC GIẢ BÙI CHÍ VỊNH
Trong bộ đội khi tấn công một tên chỉ huy tham ô đàn áp lính
Là đã bị chụp mũ “mưu sát cán bộ, cướp đoạt chính quyền”
Năm 25 tuổi tôi đã từng nằm quân lao với tội danh như vậy
Nên chuyện ngậm máu phun người vốn là chuyện tất nhiên
Vì thế tôi không mơ hồ gì việc có người muốn Nguyễn Văn Chưởng quy tiên
Với lý do duy nhất là phạm nhân nhận tội
Xin lỗi, những thằng xử Nguyễn Văn Chưởng chỉ cần một ngày nằm ở nhà giam
Hứng tra tấn là mẹ cha không nhìn nổi
Quan tòa mà ở tù thì quan tòa cũng phải nói
Không khai man cũng khai đại, miễn khỏi bị đòn
Không giết người cũng sẵn sàng nhận dối
Sẵn sàng nhận mình là hung thủ ác ôn
Sẵn sàng nhận mình là hung thủ cho xong
Bất chấp hệ thống tư pháp được lập đầu danh trạng
Ở một xứ sở đầy ma quỷ cô hồn
Ai đang sống cũng chờ ngày lãnh án
Hỡi những kẻ nắm cán cân công lý mà tâm hồn chai sạn
Làm ơn một lần trong năm thở hơi thở con người
Làm ơn ngưng ngay việc tử hình Nguyễn Văn Chưởng
Để bia miệng ngàn đời không nguyền rủa tanh hôi…
NGUỒN MẠNG.
Nếu tiếc cho Kafka cái gì thì đó là Kafka chưa nhìn ra được loại người như Tạ Duy Anh . Nhưng hổng sao . Tuy Kafka hổng nhìn ra được týp người của Tạ Duy Anh, những writers khác đã thành công hơn hẳn . Zinoviev thành công hơn cả, mô tả từ quá trình hình thành cho tới từng đặc tính . Thật ra, Zinoviev mô tả mẫu hình Tạ Duy Anh qua lời 1 người bạn riệu của mình, & gọi mô hình Tạ Duy Anh là 1 thứ quái đản quỷ quái mà những xã hội tương tự đã sản sinh ra . Cái gì cũng 1 ít, can đảm nửa vời, đạo đức 1 chút, nghĩa khí 1 tẹo … đủ để dân thường tròn xoe mắt, tự hào nếu được quen . Nhưng ông bạn riệu của Z lại nhìn ra bản chất, & kinh ngạc trước hiện tượng này
Quá hay. Vụ án hôm nay sẽ là bài học cho mai sau, mong sớm chấm dứt những người bị án oan. Để cuộc sống còn có niềm tin