6-8-2023
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong các quyền nhân thân, là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác. Do đó, khi sử dụng hình ảnh của bất cứ ai cũng phải được người đó cho phép và đồng ý. Quyền này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Bộ luật Dân sự thì quy định khá rõ, tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự thì không quy định rõ về quyền hình ảnh, quyền sử dụng hình ảnh của các bị can, bị cáo – điều này khiến cho việc hiểu rõ về giới hạn quyền sử dụng hình ảnh của các cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội có những cách hiểu khác nhau và khiến cho việc bảo vệ hình ảnh cá nhân của bị can, bị cáo gặp nhiều khó khăn.
Một người chỉ được xem là có tội khi bị kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật, nên việc chụp, đăng tải tràn lan hình ảnh cá nhân một người khi họ chưa phải là tội phạm là một cách gián tiếp kết tội họ, gây áp lực cho chính những cơ quan tiến hành tố tụng vì người dân đã ra phán quyết trước họ rồi, đi ngược là điều rất khó khăn. Vì phục vụ sự hiếu kỳ của một số người mà người ta có thể hành xử một cách bất chấp nguyên tắc chung của luật pháp, và người chịu thiệt thòi không ai khác chính là những người bị sử dụng hình ảnh bừa bãi.
Nên nhớ rằng, ngay cả khi một người đã bị bắt, đã bị tuyên một bản án đã có hiệu lực thì quyền cá nhân đối với hình ảnh của họ cũng không đương nhiên bị tước đoạt. Bộ luật hình sự 2015, BLTTHS 2015 cũng như các văn bản pháp luật liên quan không tìm thấy bất kỳ quy định nào tước bỏ quyền của cá nhân đối với hình ảnh của bị can, bị cáo thậm chí ngay cả đối với người phạm tội. Khi phạm tội, người thực hiện hành vi chỉ bị hạn chế một số quyền cơ bản (như cư trú, đi lại, bầu cử…) chứ không bị tước quyền hình ảnh.
Vậy nên, nếu không có quy định rõ ràng, rành mạch, chi tiết về quyền, sử dụng quyền hình ảnh của các đối tượng tình nghi, bị can, bị cáo thì việc sử dụng hình ảnh của họ một cách tràn lan như lâu nay sẽ khiến cho những người bị sử dụng hình ảnh bị dư luận kết tội vĩnh viễn ngay cả khi họ không có tội hoặc có tội nhưng đã chấp hành xong hình phạt, đã được xoá án tích…
Trước mắt, khi luật chưa có sự sửa đổi, bổ sung, các luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ vẫn có thể căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự nhằm bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về hình ảnh cá nhân của họ để giảm thiểu các hậu quả xấu, lâu dài về sau. Trong một số phiên toà trước đây và mới nhất là phiên toà mới kết thúc ngày hôm qua tại thành phố Điện Biên Phủ, yêu cầu không sử dụng hình ảnh chính diện của thân chủ tôi đã được chủ toạ chấp nhận và nhắc nhở những người có liên quan nghiêm chỉnh thực hiện.
Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”
Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).
Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.
Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.
Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.
Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.
Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.
Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.
FB NĐK