5-8-2023
Cuối tuần này mới rảnh ngồi dạo drama, mới đọc qua câu chuyện về cách một em hoa hậu trả lời khi được yêu cầu “kể tên 3 người nổi tiếng ở Bình Định“.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật: “… hoa hậu Ý Nhi tự tin trả lời tên của mình trước. Sau đó, cô kể tên nhà thơ Hàn Mặc Tử, rồi đến vua Quang Trung“.
Có nhiều người đã lên tiếng vụ việc này rồi, nhưng tui quan sát thì tui thấy học được hai chuyện.
Chuyện thứ nhất, là phải biết điều. Biết điều ở đây có hai khía cạnh, một là biết mình ở đâu, hai là biết nếu mình nói ra thì có ảnh hưởng gì tới những người thương yêu mình không.
Cái biết mình ở đâu thì liên quan tới một khái niệm gọi là peers của Tây hay phiên vị của Trung Quốc. Cái này bạn đừng tưởng chỉ có Việt Nam. Khái niệm peers ở Tây, nghĩa là ngang tầm mới được so sánh với nhau. Trung Quốc thì khái niệm phổ biến là phiên vị. Bạn có thể ngạc nhiên, đây không phải chỉ là thuật ngữ của giới sao Hoa ngữ, mà nó cũng chính là thuật ngữ dùng trong những event của giới kinh tài Trung Quốc.
Nói nôm na, bạn biết điều là bạn không tự cho mình ngang hàng với các bác ở level cao hơn nhiều, để biết những thứ gì tên bạn không nên để ngang tên với ai trong tình huống nào, ví dụ câu chuyện tai nạn của bạn hoa hậu ở trên.
Cái biết điều thứ hai là làm gì, nói gì phải suy nghĩ kỹ, đừng để tổn thương đến người yêu thương mình.
Ví dụ bạn hãy xem cụ Nguyễn Quang Thiều nói sau đây: “Hoa hậu Ý Nhi không có ý ngạo mạn gì trong câu trả lời đó. Cô chỉ là người chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng mà thôi. Rất nhiều người ở tuổi cô đã có những ứng xử rất văn hoá và hiểu biết. Sự thiếu hụt văn hoá làm cô trở nên kệch cỡm trước xã hội và vô lễ với tiền nhân. Ngày nay, hầu hết những đứa trẻ 4 tuổi cũng đã biết phải chào ai trước khi đi nhà trẻ về“.
Nếu ai nói mình như vậy, thì mình sẽ thấy đau lắm, vì nó xúc phạm tới người dạy dỗ mình, như cha mẹ, thầy cô. Bởi, ráng làm sao để mà mấy người đó tự hào chứ không phải khổ tâm vì mình. Cái đó cũng là biết điều.
Chuyện thứ hai, thì ngoài biết điều, cũng nên biết nhiều.
Cái vụ nói không đúng quê quán của vua Quang Trung với cụ Hàn Mặc Tử thì là bệnh chung của nhiều bạn, chứ không phải mỗi bạn hoa hậu này. Đó là cái bệnh chung của những bạn tin là thời này không cần học gì, nhớ gì, ông Google có hết. Khi mà đi gặp nhiều tình huống trực tiếp như thế này, thì không có Google gì kịp đâu. Người ta chỉ chực chờ bạn nói sai mà thôi.
Công bằng mà nói thì em hoa hậu này không phải cá biệt. Ở mấy cái clip trên mạng, nhiều bạn trẻ UK không biết cờ Canada, hay nhiều bạn US bảo Alaska hay New Jersey là một châu lục! Các thánh trẻ trẻ Trung Quốc không thể kể được tên ông thủ tướng đương nhiệm (chưa chắc các bạn trẻ Việt Nam đã biết ai là thủ tướng Việt Nam, nhưng chắc chắn là thuộc tên các idol của mình, trong mơ cũng có thể viết ra).
Các bạn có thể cãi là, cuộc sống các bạn thì liên quan gì đến ông Thủ Tướng kia? Hay biết 5 châu thì có lợi gì?
Đó là cái bẫy chết người. Bạn càng lên cao trong sự nghiệp, bạn cần có kiến thức nền cực rộng và nhiều. Như tui thường há hốc miệng ngồi nghe sếp tui nói về lịch sử Bristol và miền Nam nước Anh khi đi ăn với khách, và nghe khách làm so sánh từ đó với những vùng đất ở Mỹ, Pháp, Đức, Ý và cách mà họ quote (1) lại những số liệu kiến thức nền đó tự nhiên như hơi thở.
Hoặc nếu bạn thường nghe các cụ fund managers (2) lớn lớn tuổi trả lời phỏng vấn sẽ thấy trong đó là muôn vàn kiến thức lịch sử, địa lý mà các cụ ứng khẩu trả lời real-time (5 mins after news events thì không có cái gì để mà chuẩn bị đâu, nhất là lên show của anh Andrew Sorkin chẳng hạn) (3).
Quan trọng là biết mấy cái đó có lợi gì?
Tui đã từng đi ăn trưa với một bạn trẻ và khách mời của trường. Bạn ấy đã không trả lời được một cái building của trường có từ năm nào. Tui trước cũng không biết, đi với sếp nhiều, thấy sếp nói chuyện hay, nên về nhà tự học thêm.
Bạn biết lợi ích là gì không? Là bác hỏi tui câu đó hào hứng hỏi thêm và nói chuyện thêm với tui về uni, về đủ thứ. Đi về bác ấy cám ơn đã host một bữa ăn đáng nhớ và bác ấy offer give comments cho 1 paper của tui (4). Người như bác ấy có rảnh để comment paper (5) của bạn là một sự may mắn lớn.
Và quan trọng hơn, bác ấy nhớ tui là ai, trường tui đón tiếp bác ấy chu đáo trong những lần gặp sau, và nói với sếp. Sếp tui ghi nhớ và nói lại với tui là cụ rất happy, đương nhiên sếp cũng có ấn tượng tốt với việc tui làm.
Một cái lợi khác là khi bạn càng thăng tiến trong sự nghiệp, bạn sẽ càng tiếp xúc nhiều với những người không cùng trang lứa với những mối quan tâm từ lịch sử, âm nhạc, y học, .v.v mà không cùng thời với bạn. Như người ta thích nhạc Bolero, nhạc cổ điển, tranh, cũng có người là wibu v.v. Bạn thu hẹp mình vào cái vòng bạn bè xung quanh, bạn sẽ tự chấp người khác một tay khi cạnh tranh trong cuộc đời.
Bạn nào có thể đa tài, nói chuyện duyên dáng, biết nhiều thứ, thì đó là lợi thế. Như bạn hoa hậu này, nếu bạn ấy có thể nói chuyện rành mạch, quê hương, tiểu sử của vua Quang Trung, Hàn Mặc Tử và biết điều khôn khéo tránh nói tên mình ra (dù như ai đó nói là có thể bị chương trình “gài”) thì cái news hôm nay chắc khác rồi.
Cái điểm lợi khác, là khi bạn biết càng nhiều thứ, người ta càng có cái để chia sẻ, trao đổi thông tin với bạn. Hoặc người ta thấy bạn nói chuyện hợp gu, thì giới thiệu bạn khác. Cái network của bạn cứ vậy mà nhân rộng không ngừng, bạn trở thành một natural connector (6) giữa nhiều người.
Tất nhiên nhiều khi đời người chỉ cần giỏi một thứ là được, ví dụ bạn hỏi Messi mấy câu này có khi anh ấy cũng trả lời tào lao thôi. Nhưng anh ấy đá bóng siêu, và vậy anh ấy chấp người khác mấy chân cũng được.
Nhưng trên đời có bao nhiêu Messi? Bạn có chắc bạn là Messi không mà tính chấp người ta một tay, một chân?
Nếu bạn không chắc, thì thôi, hãy ráng biết điều và biết nhiều.
________
Ghi chú của Tiếng Dân: Trong bài, có nhiều chỗ tác giả xen tiếng Anh vào, để bạn đọc dễ hiểu, chúng tôi xin tạm dịch một số cụm từ như sau:
(1) Quote: Trích dẫn nguyên văn câu nói của ai
(2) fund managers: Những người quản lý quỹ đầu tư, tài chính…
(3) 5 mins after news events: 5 phút sau các sự kiện tin tức…
(4) offer give comments cho 1 paper: Đề nghị đưa ra nhận xét, góp ý về một bài báo khoa học/ bài luận…
(5) comment paper: Góp ý, bình luận hay nhận xét về bài báo khoa học/ bài luận… của tác giả
(6) natural connector: người kết nối tự nhiên với những người khác
“…hầu hết những đứa trẻ 4 tuổi cũng đã biết phải chào ai trước khi đi nhà trẻ về“ ( Trích NQT )
Khi ông Thiều so sánh thế này thì đau quá là đau cho cô nàng Ý Nhi có nhan sắc bên ngoài mà “lùn kiến thức” và “não ngắn” .
Một người “biết nhiều” thì được nhiều cái lợi hơn nggười không biết nhưng yêu cầu một
cô hoa hậu trẻ tuổi phải biết nhiều thì không phải dễ vì tùy thuộc vào nhiều điều kiện
như văn hoá (và chính trị), học lực (và giáo dục) v.v. Ngay một giáo viên dù có trình độ
về học lực mà còn không biết Tự Lực Văn Đoàn là cái gì thì nói chi hoa hậu !
Do đó, nếu truy ra được cái gốc phát sinh thì lý luận sẽ thuyết phục hơn nhiều chăng ?
Mấy nhỏ đẹp thường hay chăm chút và làm dáng, đi học thì cố làm mọi cách để người ta chú ý đến mình, tan học chỉ ngồi mơ nên đầu tuy có não nhưng nó bị bại, không hoạt động.