Phản ứng của các bên nhân 7 năm phán quyết Biển Đông

Nghiên cứu Biển Đông

18-7-2023

Nhân kỷ niệm 7 năm Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ra phán quyết cuối cùng (12/7/2016 – 12/7/2023), một số quốc gia trong và ngoài khu vực đã có các tuyên bố thể hiện lập trường với phán quyết nói riêng và Biển Đông nói chung.

1. Philippines

– Giống năm 2022, BTNG Philippines Enrique A. Manalo đã ra tuyên bố kỷ niệm phán quyết. Tuy nhiên, bản tuyên bố năm nay có một số khác biệt so với năm ngoái: (i) Không khẳng định phán quyết là chung thẩm (final); và (ii) không còn gọi phán quyết và UNCLOS là “mỏ neo kép (twin anchors) – thay vào đó Philippines gọi phán quyết là “ngọn hải đăng” dẫn được cho cộng đồng quốc tế và tuyên bố “sẽ tiếp tục biến kết quả tích cực của phán quyết thành lợi ích”.

– Ngoài BNG, Bộ Tư lệnh phía Tây của quân đội Philippines (Wescom, lực lượng phụ trách Trường Sa) cũng ra tuyên bố khẳng định vai trò của phán quyết. Bên cạnh đó, Philippines cũng khai trương một chuyên trang về phán quyết do BNG quản lý.

2. Trung Quốc

– Cả ĐSQ Trung Quốc tại Manila và NPN BNG Trung Quốc đều có phát ngôn liên quan tới phán quyết. ĐSQ Trung Quốc tại Manila tái khẳng định lập trường của Trung Quốc với phán quyết; chỉ trích Mỹ là thế lực đứng sau vụ kiện và thúc đẩy đồng minh khơi gợi vụ việc lên mỗi năm. Trong khi đó, khi được hỏi về tuyên bố của Philippines và Mỹ kỷ niệm 7 năm phán quyết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12/7, NPN BNG Trung Quốc Uông Văn Bân cũng phản bác phán quyết và chỉ trích Mỹ, nhưng tránh chỉ trích trực tiếp Philippines. Ông Uông cũng tuyên bố lập trường của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia trên thế giới.

– Ngoài ra, ĐSQ Trung Quốc ở Canada và Anh – hai nước có ra tuyên bố về phán quyết ở cấp độ Bộ Ngoại giao – cũng ra tuyên bố chỉ trích. Tuy nhiên, ĐSQ Trung Quốc tại Mỹ và Nhật Bản không có động thái tương tự.

3. Các nước phương Tây và các nước tầm trung tại Ấn – Thái

– Nhật Bản ra tuyên bố ở cấp cao nhất (Bộ trưởng Ngoại giao, tương tự 2022), tiếp theo là Anh (cấp NPN chính phủ), Canada và Mỹ (cấp NPN BNG. Năm 2022 Canada chỉ có phát ngôn ở cấp ĐSQ dù năm 2021 có tuyên bố ở cấp BNG). Bên cạnh đó, Úc, Pháp và các nước EU cũng có tuyên bố ở cấp độ đại sứ/đại sứ quán tại Philippines. Dù không đưa ra tuyên bố chính thức, Đại sứ Ấn Độ tại Manila Shambhu Kumaran tham dự sự kiện kỷ niệm phán quyết do Viện Stratbase ADRi tổ chức và khẳng định lại lập trường của Ấn Độ với phán quyết, thể hiện qua tuyên bố chung Ấn – Philippines ngày 29/6.

– Trừ Ấn Độ, nội dung các tuyên bố nhìn chung không có nhiều khác biệt với các năm trước: Một số nội dung chính có thể kể đến như khẳng định ý nghĩa phán quyết, kêu gọi các bên tuân thủ hay khẳng định lại chính sách của các nước về Biển Đông…

4. Các nước Đông Nam Á

– Tại Đông Nam Á, ngoài Philippines, đến nay chỉ có Việt Nam có phát biểu nhân kỷ niệm 7 năm phán quyết. Trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 15/7, NPN BNG Việt Nam nêu rõ chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các Bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam cũng một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS.

5. Nhận xét

– Nhìn chung, phản ứng của các bên có phần dày đặc hơn so với dịp kỷ niệm 6 năm phán quyết hồi năm ngoái. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, đại sứ quán của các nước thành viên EU tại Philippines ra tuyên bố kỷ niệm phán quyết. Động thái này thể hiện châu Âu ngày càng quan tâm tới Biển Đông nói riêng và Ấn – Thái nói chung. Tuy nhiên, dường như EU vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung hoàn toàn khi ĐSQ Hungary không tham gia tuyên bố với các nước EU khác.

– Hiện nay có ba nhóm phản ứng: (i) ủng hộ phán quyết; (ii) không ủng hộ rõ ràng nhưng cũng không phản đối; và (iii) kịch liệt phản đối. Một điểm đáng chú ý trong thái độ của Trung Quốc là nước này chỉ trích Mỹ rất gay gắt, chỉ trích cả một số nước phương Tây ủng hộ phán quyết nhưng có thái độ mềm mỏng hơn với Philippines, tương tự chính sách được Trung Quốc áp dụng trong thời gian qua.

Độc giả NCBĐ nghĩ sao về vấn đề này?

Bình Luận từ Facebook