Học để làm gì?

Hiệu Minh

17-7-2023

Đây là câu hỏi có giá billion (ngàn tỷ) đô la vì sinh viên Mỹ đang nợ ngần ấy. Nếu học xong không biết làm gì, một ngàn tỷ kia thật pha phí.

Nhớ tác giả Trần Văn Tuấn nhận định rằng, 90 triệu người Việt học để làm quan. Của đáng tội, tôi thấy khá đúng.

Chả hiểu bây giờ các bậc cha mẹ khuyên con học để làm gì. Nhưng ngày xưa, những năm 1960, tôi được đấng sinh thành nhắc nhở, con cố học giỏi để làm cán bộ, “một người làm quan, cả họ được nhờ”, bố mẹ đỡ đầu tắt mặt tối.

Thỉnh thoảng họp phụ huynh, bố tôi vui, tên con được xướng trên hội trường, vì con là học sinh tiên tiến, các cụ tràn trề hy vọng. Mấy năm du học, cả nhà tin đứa con sẽ làm nên, nhất là khi bảo vệ xong PTS ở Bulgaria (1987).

Nhưng rồi thời bao cấp nghèo khó, giấc mơ của hai vợ chồng già sau lũy tre làng cứ lụi dần, vì con về thăm quê, vẻ ngày càng đói hơn, quần tích kê mông, xe đạp rách nát lốp, mặt hom hem thiếu đói.

Đôi khi mẹ còn dúi vài cân gạo lên sau xe, khi quả trứng, rồi ước ao, con cố phấn đấu vào đảng, thế nào cũng làm quan, ánh mắt bà cứ sáng lên.

Hai cụ không biết rằng, chức “quan” cao nhất của tôi ở Viện Tin học là chủ tịch Công đoàn, chuyên lo ma chay, cưới xin, thăm các bà đẻ, các chị bị sảy thai, rong kinh.

Các cụ than, con nhà người ta, có đứa không tốt nghiệp cấp 3, chẳng đi đâu, thế mà xe đón xe đưa, làm quan gì ở huyện, ở tỉnh, mỗi dịp tết đến, nhà cứ nườm nượp. Rồi tự an ủi “con sãi ở chùa lại quét lá đa”, người xưa cấm sai.

Đúng là nhìn người chức quyền hiện nay rất giầu có, học để làm quan là giấc mơ Việt, cứ làm sếp sẽ có phong bì, ăn cắp ăn trộm dễ như chơi. Giấc mơ có thật, ở mọi ngõ ngách làng quê.

Nếu ai đó nói, học để làm người thì các cụ sẽ thở dài, làm người ai chả làm được, làm quan mới khó. Đi học mà không nên vương tướng, đổ cơm cho chó còn hơn.

Giấc mơ làm quan của người Mỹ

Người Mỹ hay bất kỳ một dân tộc nào cũng vậy, nếu được tự lựa chọn làm quan, chắc ai cũng thích. Rất hiếm người thích làm quân.

Luck đi học trường làng có bài luận “Em sẽ làm gì nếu được làm Tổng thống một ngày”. Bài của Bin “Nếu em là Hiệu trưởng, em sẽ làm gì”. Đó là những gợi mở cho tuổi thơ ấu muốn trở thành lãnh đạo.

Họp phụ huynh, gặp bạn bè, cha mẹ cũng hay khoe, con làm lớp trưởng, trưởng nhóm, ánh mắt cứ sáng rực. Có người cố tình cho con đi học muộn chút, vì trong lớp, đứa lớn tuổi hay thành team lead (trưởng nhóm), mầm mống lãnh đạo tương lai.

Nhưng với thời gian và sự hiểu biết, tuổi thơ ấy chẳng còn nghĩ đến chức Hiệu trưởng hay Tổng thống, dù giấc mơ thành lãnh đạo thế giới cũng rất đáng trân trọng, nhưng nói chung, không phải em nào ra trường cũng thành lãnh tụ.

Nói chuyện với các bạn Mỹ, hầu hết đều nói, các cháu học gì là tự lựa chọn, bố mẹ không can thiệp nổi. Có cháu học siêu về tin học, bỗng xin bố mẹ đứng tên vay vài chục ngàn của ngân hàng, mở gara sửa xe hơi. Cháu bảo, ở Mỹ, có 320 triệu người sở hữu 350 triệu xe hơi. Học được nghề này không bao giờ thất nghiệp. Vào Harvard tốn cả nửa triệu đô, ra trường chắc gì đã xin được việc.

Ở đâu cũng thế, có quân, có tướng, có lãnh đạo, có cấp dưới, có trí thức, có công nhân, có dân thường. Toàn tướng cả, lấy ai làm quân.

Người Mỹ bàn về mục đích của học hành và giáo dục

Người Mỹ cũng băn khoăn giống Việt Nam ta, mục đích giáo dục là gì. Trải qua mấy thế kỷ, vẫn tiếp tục hỏi, học để làm gì. Học làm người hay học để học tiếp, học để kiếm tiền, học để xây dựng… CNXH Hoa Kỳ. Hỏi 100 người về mục đích đi học có 101 câu trả lời.

Cách đây gần một thế kỷ (1930 – Good Citizenship: The Purpose of Education – người công dân tốt – mục đích của giáo dục), đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt từng nói, đây là câu hỏi luôn đau đầu các học giả, giáo viên, các chính khách, các trí thức.

Năm 1934, người ta đã bàn về mục đích của giáo dục, đó là dạy cho thế hệ trẻ những thứ họ cần để tự phát triển, một cách hệ thống để tham gia vào xã hội, đó là cách tiếp cận từ thời Hy Lạp cổ đại đến thế giới hiện đại (1930).

Năm 1948 Martin L King cho rằng, chức năng của giáo dục là dạy người ta suy nghĩ liên tục và có cách nhìn phê phán. Tuy nhiên, nếu giáo dục chỉ dừng lại với tìm ra sự tiện lợi cho mình thì đó là sự nguy hại của xã hội. Tội ác lớn nhất là trang bị cho con người những lý do để hành động mà không quan tâm đến đạo đức. Tri thức chưa đủ, mà tri thức cần với nhân cách, đó là nền giáo dục hoàn chỉnh.

Tới năm 1957, quan niệm rõ ràng hơn trong các trường tại Mỹ, đó là dạy con người sống có đạo đức, sáng tạo, lao động năng suất cao… trong một xã hội dân chủ.

Năm 1964 giáo dục chuyển từ mục đích tạo ra xã hội biết đọc biết viết thành một cộng đồng học để tự học.

Tới năm 1991, người ta đã tổng kết, từ thời cổ đại, giáo dục luôn là mục đích tạo ra con người theo đúng nghĩa, phát triển trí tuệ, phục vụ những yêu cầu của xã hội, đóng góp vào kinh tế, tạo ra nguồn lao động, chuẩn bị cho thế hệ trẻ những bước tiến thân, nhằm thúc đẩy một xã hội hay một chế độ chính trị.

Vĩ thanh

Có lần cu Bin hỏi, con đi học để làm gì. Lão Cua nghĩ về ông bà ở Ninh Bình đã khuất núi từng khuyên, học để kiếm cái nghề, nuôi thân, nuôi gia đình, không về nhà xúc gạo của mẹ nghèo, và đừng về VN làm quan để ăn cắp rồi ra tòa như mấy hôm nay. Thế là thành công lắm rồi.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Dân mình nên học để khi có bằng tiến sĩ thì viết giáo trình cho ngành khác . Nhà văn thì viết giáo trình cho ngành Toán, ngành Toán, vì có tư di lô dít, viết giáo trình cho ngành nào cũng được, ngoài ngành Toán . Oh, để chửi chính ngành của mềnh nữa . Như Tiến sĩ Văn chửi vung xích đế ngành văn, giáo viên văn thì chửi những ai trọng văn … Cứ thế mà xoay tua .

  2. Sao cứ nêu vấn đề và comment linh tinh?
    Té ra cách nay 1/4 thế kỷ, UNESCO đã nêu mục đích học tập cho thế kỷ 21 là: Học để biết, để làm, để chung sống, để tồn tại
    mà VN ta cứ lơ tơ mơ… bàn dông dài

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây