Nikkei Asia
Cù Tuấn, biên dịch
15-7-2023
Tóm tắt: Phim ăn khách này đã mang đến hình ảnh một Việt Nam tươi mới, nhưng cũng tạo ra nguy cơ bùng nổ lượng khách du lịch không bền vững.
Cuối tháng 4, bộ phim hài lãng mạn mới “A Tourist’s Guide to Love” (“Hành trình tình yêu của một du khách”), do đạo diễn người Mỹ gốc Á Steven Tsuchida thực hiện, đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng phim nói tiếng Anh toàn cầu của Netflix. Bộ phim đã lọt vào top 10 của Netflix tại 89 quốc gia, giới thiệu một diện mạo mới của Việt Nam sau nhiều thập kỷ bị Hollywood đóng khung phim về thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Từ quan điểm này, “A Tourist’s Guide to Love” là một bước đột phá. Được quay hoàn toàn tại địa điểm ở Việt Nam vào đầu năm 2022, bộ phim mô tả Việt Nam, một quốc gia do Đảng cộng sản điều hành, như là một quốc gia hiện đại, hấp dẫn và đáng mơ ước.
Tuy nhiên, bất chấp bối cảnh chân thực của nó, “A Tourist’s Guide to Love” hoàn toàn phù hợp với kiểu làm phim nổi tiếng của Hollywood, trong đó phụ nữ Mỹ tìm thấy hạnh phúc và – thường là – tình yêu ở một địa điểm xa lạ. “Eat Pray Love” (Ăn, cầu nguyện, yêu”) (2010), phim hot toàn cầu đầu tiên khai thác việc tôn vinh quyền phụ nữ này, với sự tham gia của nữ diễn viên người Mỹ Julia Roberts trong vai Elizabeth Gilbert, người có một “năm nghỉ phép” để hành trình đến Ý, Ấn Độ và đảo Bali của Indonesia, nơi cô tìm thấy tình yêu với một người nước ngoài khác, do Javier Bardem thủ vai.
Phim của Tsuchida cũng theo mô hình tương tự, tập trung vào hành trình biến đổi của một phụ nữ Mỹ đau khổ (nhân viên điều hành du lịch Amanda, do Rachael Leigh Cook thủ vai), người tham gia một chuyến du lịch theo nhóm đến Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn về ngành du lịch địa phương. Cô bỏ công việc sang một bên để yêu hướng dẫn viên du lịch người Việt tên Sinh đầy lôi cuốn và phóng khoáng (do Scott Ly thủ vai).
Vấn đề với những bộ phim hài lãng mạn như “Eat Pray Love” là chúng hầu như không chạm đến bề mặt của cuộc sống thực ở những nơi mà chúng được lấy làm bối cảnh. Tôi nhớ mình đã ngồi trong rạp chiếu phim ở Ý vào năm 2013, cắn móng tay khi xem Roberts vật lộn với cách ăn mì ống sao cho đúng cách, với hình ảnh những chiếc Vespa bóng loáng và phong cách machi vui vẻ, tất cả hòa quyện để vẽ nên hình ảnh hời hợt nhất về quê hương tôi. Một thời gian sau, tôi phát hiện ra rằng bộ phim đã thể hiện sai về các đạo tràng yoga của Rishikesh, Ấn Độ và văn hóa chú trọng đến sức khỏe của Ubud, Bali, theo cùng một cách sai giống nhau.
“Eat Pray Love” – và cuốn hồi ký cùng tên của Elizabeth Gilbert mà nó được chuyển thể từ đó – tuy nhiên đã trở thành tài liệu gối đầu giường trước khi khởi hành cho những người lang thang và những người du mục kỹ thuật số trên khắp thế giới. Đặc biệt, bộ phim này miêu tả một Bali đáng mơ ước, an toàn và vô tư đã góp phần vào sự bùng nổ khách du lịch trên hòn đảo Indonesia này. Bali đã được hơn 16 triệu khách du lịch ghé thăm vào năm 2019, năm cuối cùng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến mọi người tạm thời ngừng hầu hết các chuyến du lịch.
Trước đây, các bộ phim bom tấn của Hollywood đã đạt được những tác động tương tự ở Đông Nam Á. “The Beach” (2000), do Danny Boyle đạo diễn từ tiểu thuyết năm 1996 của Alex Garland và có sự tham gia của Leonardo DiCaprio, đã giúp thúc đẩy du lịch ở các hòn đảo phía nam của Thái Lan – đặc biệt là Vịnh Maya, thuộc Quần đảo Phi Phi của Biển Andaman, nơi có nhiều bối cảnh cho các bộ phim.
Các bộ phim nước ngoài khác, không phải lúc nào cũng là phim Mỹ, cũng đã ảnh hưởng đến việc khách du lịch đến thăm các điểm đến dễ tiếp cận hơn của Thái Lan. Trong “The Hangover Part II” (2011), do Todd Phillips đạo diễn, Bangkok trở thành bối cảnh kỳ lạ cho một nhóm người Mỹ cố gắng giải cứu đám cưới của một người bạn trên hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket sau một bữa tiệc kết thúc đời độc thân ồn ào.
Một năm sau, bộ phim hài Trung Quốc “Lost in Thailand” (2012) của Từ Tranh trở thành phim Hoa ngữ có doanh thu cao nhất trong lịch sử Trung Quốc, khuyến khích nhiều người trong số 39 triệu khán giả Trung Quốc xem phim này đã đến thăm Thái Lan, nơi đón 11 triệu du khách Trung Quốc vào năm 2019.
Tác động của những du khách đến thăm sau khi có cảm hứng từ bộ phim trên rất quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan, nhưng không hoàn toàn tích cực. Ví dụ, bãi biển nổi tiếng ở Vịnh Maya đã phải đóng cửa từ năm 2018 đến 2021 để phục hồi sau tác động của gần hai thập kỷ phục vụ khách du lịch.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của phim “A Tourist’s Guide to Love” của Tsuchida, mặc dù có vẻ như nó đã tránh được số phận của Ticket to Paradise (2022), một bộ phim hài lãng mạn khác của Hollywood lấy bối cảnh ở Bali với sự tham gia của Julia Roberts và George Clooney, nhưng lại thất bại về doanh thu, dù nó có kịch bản tương tự như “Eat Pray Love”.
Các phương tiện truyền thông Việt Nam và các nhà điều hành tour du lịch đã cung cấp các chuyến du lịch có hướng dẫn viên đến các địa điểm quay chính của bộ phim. Nhưng các vấn đề có thể xảy ra nếu “A Tourist’s Guide to Love” kích hoạt một đợt bùng nổ du lịch khác do phim này gây ra.
Theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới, lĩnh vực khách sạn sử dụng hàng chục triệu lao động ở Đông Nam Á, bao gồm gần 11 triệu người ở Indonesia, gần 8 triệu người ở Philippines và khoảng 7 triệu người ở Thái Lan. Và theo nhà cung cấp dữ liệu Statista của Đức, du lịch đã đóng góp trực tiếp vào hơn 9% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam vào năm 2019. Vì vậy, việc đạt được sự cân bằng phù hợp cho du lịch bền vững là rất quan trọng đối với các nền kinh tế trong khu vực này.
Tuy nhiên, giống như những bộ phim hài lãng mạn của Mỹ, đã đến lúc ngành du lịch trong khu vực phải tái tạo lại chính mình, thay vì lặp lại những sai lầm trong quá khứ.