Bạo loạn làm nổi bật mức độ căng thẳng trên bình diện xã hội của Pháp

Financial Times

Cù Tuấn, dịch

2-7-2023

Tóm tắt: Việc cảnh sát Pháp bắn chết một thiếu niên đã đặt ra cho Emmanuel Macron một thách thức mới.

Ba đêm bạo loạn trên khắp nước Pháp, một lần nữa phơi bày những căng thẳng xã hội gay gắt của đất nước này vào thời điểm phân cực chính trị ngày càng gia tăng.

Các cuộc biểu tình mới nhất chứng minh rằng, các khu dân cư nghèo khó, đa sắc tộc của Pháp vẫn là một thùng thuốc súng, chứa đầy rẫy những cảm giác bất công, bị nhà nước bỏ rơi và phân biệt chủng tộc. Tình trạng hỗn loạn với những hành vi tội phạm, mặc dù gây sốc, nhưng vẫn chưa ở quy mô của năm 2005, khi hơn 10.000 xe hơi bị đốt cháy và hơn 230 tòa nhà công cộng bị hư hại trong một cuộc bạo động kéo dài ba tuần. Nhưng các nhà chức trách Pháp đang lo sợ rằng lịch sử sẽ lặp lại.

Tình trạng bất ổn của tuần này, giống như tình trạng của 18 năm trước, được châm ngòi do cái chết của một thiếu niên không phải da trắng, sau cuộc rượt đuổi của cảnh sát. Lần này có khác, với sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền tình trạng bất ổn. Phe cực hữu cũng mạnh hơn so với năm 2005. Và lần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chính phủ của ông đã tìm cách xoa dịu căng thẳng hơn là châm ngòi cho chúng bùng nổ.

Năm 2005, Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Nicolas Sarkozy mô tả những thanh niên tham gia gây náo loạn tại các khu nhà ở ngoại ô Paris là “cặn bã” và cần bị “loại bỏ”. Vài ngày sau, hai thiếu niên, một người Mauritanie, một người gốc Tunisia, bị điện giật chết khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp điện ở ngoại ô phía đông bắc thủ đô. Sarkozy và thủ tướng Dominique de Villepin đứng về phía cảnh sát và cho rằng hai thiếu niên này là kẻ trộm.

Ngược lại, Macron mô tả vụ cảnh sát bắn một cậu bé 17 tuổi gốc Bắc Phi khi cậu lái xe ô tô rời đi tại Nanterre, phía tây bắc Paris, là “không thể bào chữa” và “không thể giải thích được”. Các cảnh sát liên quan đã bị đình chỉ nhiệm vụ, bị bắt và bị điều tra về tội giết người.

Macron đã bị các đối thủ cánh hữu và công đoàn cảnh sát tấn công vì vi phạm giả định vô tội – và bị buộc tội phản bội cảnh sát. Nhưng sự cần thiết phải có sự can thiệp của Tổng thống đã trở nên rõ ràng, khi một đoạn video về vụ nổ súng xuất hiện trên mạng xã hội, rõ ràng trái ngược với lời tường thuật ban đầu từ các nguồn cảnh sát, rằng viên cảnh sát đã nổ súng vì tính mạng của anh ta đang gặp nguy hiểm. Không tỏ ra dung thứ cho bạo lực của cảnh sát là bước đầu tiên cần thiết để có thể khôi phục trật tự công cộng.

Một số chuyên gia cho rằng, vụ nổ súng hôm thứ Ba là do một đạo luật được thông qua vào năm 2017, trước khi ông Macron lên nắm quyền. Điều này dường như trao cho cảnh sát nhiều quyền hơn để được bắn vào một chiếc ô tô nếu những người ngồi trong xe không tuân thủ mệnh lệnh của cảnh sát và khiến tính mạng của một sĩ quan gặp nguy hiểm.

Những người chỉ trích Macron muốn lập luận rằng, ông ấy đã nuông chiều một lực lượng cảnh sát làm sai chức năng, cùng với Bộ trưởng Nội vụ theo đường lối cứng rắn là Gérald Darmanin. Họ tính toán rằng, nếu chính phủ làm khác đi sẽ rơi vào bẫy của phe cực hữu. Nhưng có rất nhiều bằng chứng gần đây về những thiếu sót của cảnh sát: Sử dụng vũ lực quá mức trong các cuộc biểu tình chống chính phủ; bạo lực phân biệt chủng tộc, chẳng hạn như vụ đánh đập dã man một nhà sản xuất âm nhạc da đen bị camera ghi lại; trật tự công cộng kém cỏi, như đã thấy ở trận chung kết Champions League năm ngoái; sự suy giảm lòng tin với cư dân bản địa, điều này có thể được đảo ngược khi chuyển sang dùng cảnh sát là người trong cộng đồng. Cảnh sát có nguồn lực kém nhưng cũng được đào tạo kém. Mức độ ủng hộ phe cực hữu cao trong giới sĩ quan cũng đáng lo ngại.

Bạo loạn là một lời nhắc nhở về các vấn đề kinh tế và xã hội, đã ăn sâu vào các quận nghèo hơn của Pháp và di sản lâu dài của sự thờ ơ của chính phủ. Đã có những thành tựu kể từ khi Macron lên nắm quyền vào năm 2017, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp nói chung và thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên đã giảm. Nhưng tình trạng nghèo đói, tội phạm, phân biệt chủng tộc và hiệu quả giáo dục kém kéo dài, đòi hỏi sự quan tâm và nguồn lực của chính phủ nhiều hơn, ngay cả khi tài chính công eo hẹp. Kế hoạch Quartiers 2030 mà Macron đã hứa dành cho những khu vực này, còn chậm tiến hành.

Không có vấn đề nào trong số này biện minh cho việc bạo lực tràn lan. Một số thanh niên đánh nhau với cảnh sát trên đường phố sẽ cảm thấy tức giận chính đáng; những người khác sẽ chỉ tận hưởng cảm giác hồi hộp — và thậm chí còn thích chia sẻ nó trên mạng xã hội. Nếu các cuộc bạo loạn tiếp tục kéo dài, chính phủ Pháp sẽ càng khó cưỡng lại việc thực hiện một cách tiếp cận nặng nề hơn. Nếu tình trạng bất ổn lan rộng, nó chỉ có thể giúp ích cho phe cực hữu, phe có động lực chính trị và mọi lợi ích trong việc tạo ra các hỗn loạn dân sự.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhận định nói chung là hợp lý nhưng không được chặt chẽ bởi vì bài báo, cố tình hay vô
    ý, đã coi thường hậu qủa kinh tế tệ hại trong phạm vi toàn cầu do Covid gây ra đại dịch
    khắp thế giới 4 năm qua và chính điều đó mới “bóp cò” cho bạo loạn bùng nổ ?
    Pháp là nước có dân nhập cư đông nhất mà dân Hồi giáo có đến 5 triệu người, do đó số
    người này luôn có lý do để bất mãn vì đa số dân nhập cư không phải giàu có gì, lại trở
    nên khó khăn hơn vì bị ảnh hưởng của kinh tế Pháp, cũng ảm đạm như các nước khác
    nên vụ bắn chết thiếu niên kể trên là đông cơ kiểu… “giọt nước tràn ly” chăng ?

Comments are closed.