Gió Bấc
22-6-2023
Đọc các bài diễn văn long trọng loằng ngoằng từ trung ương đến địa phương trong đợt kỷ niệm 98 năm ngày “báo chí cách mạng” Việt Nam, dân đen chợt giật mình. Hóa ra cái ông cụ non 100 tuổi này không có hoặc đang thiếu cái gọi là văn hóa. Cái mồ ma ông Nguyễn Ái Quấc quả là thiếu sót, đẻ ra tờ Thanh Niên, khai tử nền báo chí không cách mạng để khai sinh nền “báo chí cách mạng” Việt Nam mà quên xây dựng văn hóa báo chí. Vậy mới hiểu vì sao hàng hàng lớp lớp thế hệ nhà báo cách mạng tiền bối như Trần Dân Tiên, CB, Hoàng Tùng, Thép Mới, Hữu Thọ… thiếu đến như thế!
Khổ cho các ông lãnh đạo ngày nay, từ ông Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương tới Thủ Tướng Chính Phủ đều lớn tiếng chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa và nhà báo văn hóa. Các Hội Nhà Báo, cơ quan báo chí thì ráp nhau ký kết xây dựng cơ quan báo chí văn hóa. Vui thiệt, trong xứ “thiên đường” ở đâu cũng có văn hóa. Gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, giờ đến lượt báo chí văn hóa.
Văn hóa báo chí là cái giống gì?
Xin đừng nghĩ đây là chuyện tiếu lâm đùa cợt. Xin khẳng định đây là tin có thật, “báo chí cách mạng” cả nước đồng loạt đăng tải. Tại Hội nghị giao ban báo chí nhân kỷ niệm 98 năm Ngày “báo chí cách mạng” Việt Nam (21-6-1925 — 21-6-2023), diễn ra ngày 20-6 tại Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhắn nhủ, “các lãnh đạo báo chí chú trọng hơn đến việc xây dựng môi trường văn hóa trong các tòa soạn và người làm báo có văn hóa, để có được một nền báo chí liêm chính, nhân văn và chuyên nghiệp”. Hội nghị long trọng này do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức (1).
Toàn chức sắc cây đa cây đề, lãnh đạo cấp cao cả, chứ không phải loại tấu hài như Tiếng cười sân khấu hay Gameshow Thách Thức Danh Hài đâu nhé!
Đây cũng không phải là ý tưởng mới bộc phát, mà từ chủ trương, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cuối năm 2021. Chủ trương này đã triển khai từ trung ương đến địa phương. Điển hình là sáng 21/4 /2023, tại Hà Nội, Tạp chí Người làm báo, Tạp chí Cơ khí Việt Nam và Tạp chí Giao thông Vận tải cùng 10 đơn vị tạp chí tổ chức Diễn đàn và lễ ký kết thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam” (2).
Nhanh nhẩu hơn, theo kiểu Miền Nam đi trước về sau, tháng 9 năm 2022, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức hội nghị ký kết xây dựng cơ quan báo chí văn hóa. Hội Nhà báo Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; cùng các tổng biên tập, đại diện liên chi hội các cơ quan báo đài (3).
Khốn khổ thay, ngoài chữ nghĩa rổn rảng, khẩu hiệu chính trị to đùng quá quen thuộc, thì quý chức sắc tối cao không định nghĩa cái văn hóa “báo chí cách mạng” cụ thể là như thế nào, khác với văn hóa bác xe ôm chạy đúng tuyến đúng giờ, bà bán xôi phải thơm ngon, bổ rẻ ra sao.
Phải nói đúng ý, đúng giọng, đúng điệu cấp trên
Xem đi xét lại tại hội nghị ở TP.HCM thì thấy mỗi ông Thanh Hùng – ủy viên Liên chi hội Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, kể được chuyện cụ thể là: “Thời gian qua không gian mạng xuất hiện các câu chuyện rất đáng suy nghĩ, như nhiều nhà báo đăng tải các bài viết và cho rằng nó mang tính cá nhân, không thể hiện ý chí tòa soạn. Nhưng người đọc sẽ nhìn nhận đó là quan điểm của nhà báo trong một cơ quan báo đài. Đây là một trong các vấn đề mà đài luôn quán triệt rất cụ thể và phổ biến rộng rãi quy tắc đến đội ngũ phóng viên“.
Có thể dịch nôm na quy tắc này từ tiếng Việt sang tiếng Việt là, văn hóa của nhà báo cách mạng là không được viết theo ý riêng, phong cách riêng của cá nhân mà phải đúng ý, đúng giọng, đúng điệu của cấp trên. Quy tắc này không mới, có chăng là sợi dây thòng lọng dài xuống tận cá nhân nhà báo.
Xưa nay 800 tờ báo vốn chỉ có 1 tổng biên tập nên đều nói đúng ý cấp trên không sẩy một ly. Chuyện cho đăng thì đồng loạt đăng, chuyện buộc gỡ thì đồng loạt gỡ, như vụ tấm hình Thủ Tướng Phạm Minh Chính bắt tay Tổng Thống Ukraine là điển hình. Hay 800 tờ báo đều đăng tin CA truy tìm ba ông luật sư bào chữa cho Tịnh Thất Bồng Lai nhưng khi cả thế giới đăng tin họ đã sang Mỹ chuẩn bị tố cáo vụ việc với Liên Hiệp Quốc thì “báo chí cách mạng” đồng loạt nín như nín đ…
Rõ ràng văn hóa “báo chí cách mạng” xã nghĩa cao gấp ngàn lần báo chí không cách mạng của bọn “tư bản thối nát”, chuyện gì cũng có thể đăng báo bình luận đủ điều, nào là con Tổng Thống Biden ra tòa nhận tội, Bộ Quốc Phòng Mỹ tính sót tiền viện trợ cho Ukraine tới 5 tỷ đô…
Phụng sự cho đại gia
“Báo chí cách mạng” xưa nay vốn là công cụ tuyên truyền, cờ đèn kèn trống cho đảng, nhà nước, cả hệ thống chính trị, thì nay có thêm nét văn hóa mới là phục vụ cho các đại gia.
Chiều 19-6, tại hội trường Hội Nhà báo TP.HCM đã diễn ra lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và Hội Nhà báo TP.HCM. Theo chương trình hợp tác giai đoạn 2023-2025, Hội Nhà báo TP.HCM sẽ hỗ trợ kết nối VRG với các cơ quan báo chí TP.HCM trong việc truyền thông các chương trình, hoạt động của VRG và các đơn vị trực thuộc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (4).
Không chỉ ở cấp địa phương mà ở cấp trung ương cũng có những hợp đồng hợp tác đình đám giữa cơ quan báo chí văn hóa cách mạng với các đại công ty. Ngày 27/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức Lễ ký thỏa thuận về chương trình hợp tác toàn diện giữa hai bên. Mục đích của việc ký kết nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác thân thiện, tích cực, hiểu biết lẫn nhau, trên tinh thần trách nhiệm và có tính xây dựng cao, hỗ trợ nhau cùng phát triển giữa Báo Nhân Dân và Vietnam Airlines (5).
Đối với báo chí không cách mạng, các doanh nghiệp vừa là nguồn tin, vừa là độc giả, vừa là đối tượng được thông tin. Quan hệ giữa cơ quan báo chí, nhà báo và doanh nghiệp dễ có những xung đột lợi ích ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan và sự liêm chính. Vì vậy, từng tờ báo đều có những quy ước rất chặt chẽ cách ứng xử của tờ báo, nhà báo với các doanh nghiệp. Thậm chí có báo quy định cấm nhà báo nhận quà tặng, tham dự tiệc tùng hoặc phải trả tiền khi ăn uống trong lúc quan hệ công việc.
Nhưng với “báo chí cách mạng”, việc ký kết hợp đồng “tình thương mến thương” xả láng với các đại gia là văn hóa đoàn kết, được khuyến khích và nâng lên thành “ný nuận”. Bài viết “Báo chí và doanh nghiệp: Gắn bó, hợp tác và chia sẻ” đăng trên TẠP CHÍ CỘNG SẢN đã hùng hồn cổ xúy “Trong thế giới hiện nay, phát triển kinh tế là một trong những yếu tố then chốt quyết định sức mạnh quốc gia. Các hoạt động từ kinh tế, ngoại giao, quân sự,… suy cho cùng cũng nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích quốc gia, trong đó lớn nhất là lợi ích kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc phản ánh các hoạt động kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp, các doanh nhân là một trọng tâm của báo chí. Báo chí, từ trong bản chất nghề nghiệp và đặc thù hoạt động của mình, luôn luôn là người bạn của doanh nghiệp trên con đường phát triển” (6).
Mối quan hệ thân thiết và những hợp đồng giữa “báo chí cách mạng” và doanh nghiệp này đã lý giải vì sao trước khi bị lộ, báo chí đã dành cho test kit Việt Á và các chuyến bay giải cứu, những lời có cánh. Hiện nay, Vietnam Airlines ôm nợ hàng chục ngàn tỉ, không ai tìm hiểu nguyên nhân, mà có nhiều ý kiến đề nghị dùng ngân sách, cơ chế, chính sách để giải cứu. Những cánh rừng hàng trăm ngàn ha cao su chứa biết bao nước mắt, mồ hôi của người dân bị cướp đất, mãi mãi là điều bí mật.
Chống tiêu cực “nhân văn”
Thủ tướng Phạm Minh Chính đâu chịu thua kém cụ Tổng, cũng thể hiện sự quan tâm và tài lý luận chỉ đạo văn hóa “báo chí cách mạng” trong bài phát biểu “Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong các khẩu hiệu nổ long trời lở đất, có ý rất mới là “Không né tránh những vấn đề tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo quy định của pháp luật để đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng” (7).
Lý luận và chữ nghĩa của lãnh đạo “anh minh” rất vi tế, phải hiểu những hiển ngữ, ẩn ngữ và cả những điều nghịch ngữ thì mới liễu tri, liễu ý. Nếu chỉ hiểu cạn theo hiển ngữ là toi.
Bác Tổng nói “Chống tiêu cực không có vùng cấm” thì phải hiểu thêm là không cấm nhưng có những vùng phải tránh, không đươc va vào. Thủ Tướng nói “Không né tránh những vấn đề tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng…”, thì phải hiểu chuyện tiêu cực 10 hãy đăng 0,1. Muốn đăng phải xin lệnh cấp trên. Thấy trên không trả lời thì liệu thần hồn mà dừng lại.
Đây là quan điểm mới mẻ mà nhiều cây bút mải mê chống tiêu cực như Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Hoài Nam phải vào tù vì chưa tiếp thu được văn hóa này. Đặc biệt, nhà báo Nguyễn Hoài Nam với hơn 30 giải thưởng điều tra chống tiêu cực và bản án hơn 30 tháng tù vì phạm điều 331. Đã thi hành án xong, Nguyễn Hoài Nam vẫn còn ấm ức.
Trong số đó, đề tài điều tra: “Nghi vấn quỹ đen ở cục Đường thủy nội địa năm 2018, là đề tài tôi phải bỏ công sức trí tuệ, tiền bạc trong 20 tháng mới có đủ chứng cứ để xử lý 18 người đã rất tinh vi bắt tay nhau bòn rút ngân sách . Tôi chia sẻ để các đồng nghiệp và mọi người hiểu vì sao tôi phải quyết tâm đấu tranh để bảo vệ nó khi bị chính cơ quan công quyền xâm hại”.
Trong vụ án này Nguyễn Hoài Nam thu được hình ảnh, âm thanh, bút tích hành vi hối lộ, tham nhũng hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp và quan chức Cục Đường Thủy Nội Địa và giao cho các cơ quan chức năng, nhưng ông này đẩy qua ông kia, cuối cùng xử nhẹ như phủi bụi. Nam tố cáo cả các cơ quan tố tụng bao che và cuối cùng Nam bị lãnh án tù. Nam ngậm ngùi than: “Làm nhà báo (nhất là nhà báo điều tra) thì phải đấu tranh với cái xấu, cống hiến vì đam mê chỉ mong xã hội tốt đẹp hơn nhưng ĐẤU TRANH THÌ TRÁNH ĐÂU ĐƯỢC. Nhân ngày ‘báo chí cách mạng’ Việt Nam, chúc đồng nghiệp chân cứng đá mềm” (8).
Trấn áp dân đen
Văn hóa nhân văn khác của “báo chí cách mạng” theo chỉ đạo của Thủ Tướng “anh minh” là phải biết ngoan ngoãn, dũng cảm nói theo nguồn tin của cấp trên, công an cung cấp nhằm buộc tội, trấn áp, làm nhục những đối tượng mà đảng, chính quyền cần trừng phạt, bất chấp sự thật, bất chấp tính phi lý, phi pháp. Báo chí là của đảng, nhà nước là của đảng, pháp luật là công cụ của nhà nước cai trị dân đen. Công lý là quyền lực của đảng mà dân phải cúi đầu vâng chịu.
Thí dụ trong vụ thảm sát Đồng Tâm, cứ điên cuồng đưa tin buộc tội những con cháu cụ Kình đã dùng thau nhựa múc xăng đổ xuống giếng trời đốt ba cán bộ công an cháy thành than.
Hay trong vụ oan án Tịnh Thất Bồng Lai mới đây, cả hai phiên tòa sơ, phúc thẩm chỉ có thể cáo buộc vu vơ theo điều 331, nhưng “báo chí cách mạng” vẫn lập thêm công lớn, rất “nhân văn” là tung tin làm nhục họ bằng bản án dư luận về hai tội lừa đảo và loạn luân.
Báo Pháp Luật TP.HCM, tờ báo từng mang bản sắc cấp tiến, đấu tranh cho bị cáo không bị còng, không mặc quần áo tù trước phiên tòa, đã đăng bài viết hoàn toàn theo ý muốn của công an “Khởi tố vụ án lừa đảo ở Tịnh thất Bồng Lai, xem xét tội loạn luân”. Trong bài có những tình tiết ngây ngô, phi lý, chẳng đâu dính vào đâu như: “Để có căn cứ giải quyết tố cáo ông Lê Tùng Vân và những cá nhân sinh sống tại hộ Cao Thị Cúc có hành vi giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các mạnh thường quân, ngày 24-9, Cơ quan An ninh điều tra đã ra Quyết định trưng cầu giám định ADN với 27 người (17 mẫu người lớn, 10 mẫu trẻ em) tại tịnh thất Bồng Lai” (9).
Vì sao phải giám định ADN để giải quyết đơn tố cáo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản? Đã 6 tháng sau khi báo đăng, vẫn chưa có vụ khởi tố nào về hai tội danh trên. Bài báo vẫn tiếp tục lan truyền, nhả chất độc trên mạng.
Văn hóa, liêm chính, nhân văn của “báo chí cách mạng” Việt Nam là như thế đó!
_______
Chú thích:
5- https://nhandan.vn/ky-ket-hop-tac-toan-dien-giua-bao-nhan-dan-va-vietnam-airlines-post750206.html
9- https://plo.vn/khoi-to-vu-an-lua-dao-o-tinh-that-bong-lai-xem-xet-toi-loan-luan-post705860.html
Thưa tác giả, văn hóa của báo chí cách mạng không phải bây giờ mới có, bây giờ mới xây dựng, mà đã hình thành ít nhất là từ bài báo “Địa chủ ác ghê ” của Hồ Chí Minh viết năm 1953. Đến nay, do tốt chăm bẵm phân gio nên mới rộ lên đấy thôi