Nhà giáo Lê Thị Dung và lệnh bắt giam trái pháp luật (Kỳ 2)

Trần Hồng Phúc

21-6-2023

Tiếp theo Kỳ 1

KỲ 2: KHỞI TỐ BỊ CAN, PHÊ CHUẨN KHỞI TỐ BỊ CAN TRÁI PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO LÊ THỊ DUNG

Theo phân công của nhóm luật sư, phần trình bầy quan điểm bào chữa về việc khởi tố bị can và phê chuẩn khởi tố bị can trái đối với nhà giáo Lê Thị Dung thuộc về luật sư Ngô Thị Thu Hằng. Tuy nhiên, do luật sư Hằng đang bận đi công tác ngoại tỉnh nên chưa thể dành thời gian để đăng tải toàn bộ quan điểm của mình về những vi phạm pháp luật này của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên và VKSND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vì vậy, thay mặt nhóm luật sư bào chữa của Công ty luật SMIC (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), tôi chỉ xin tóm lược tính trái pháp luật của việc khởi tố bị can, phê chuẩn khởi tố bị can đối với Nhà giáo Lê Thị Dung đã được công khai xem xét, đánh giá tại phiên tòa xét xử phúc thẩm các ngày 12 và 13/6/2023 như sau:

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 20 ngày 26/3/2022 đối với vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trung tâm GDTX (nay là Trung tâm GDNN-GDTX) huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An từ năm 2012 đến năm 2017 (BL 18).

Khi có Quyết định khởi tố vụ án số 20 này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên ban hành Quyết định khởi tố bị can số 42 cùng ngày 26/3/2022 đối với bị can Lê Thị Dung (khẳng định của Điều tra viên tại phiên tòa phúc thẩm) nhưng Quyết định số 42 này chưa từng có trên thực tế vì trong hồ sơ vụ án không tìm thấy chứng cứ này. Căn cứ thực tiễn tiến hành tố tụng, tranh tụng công khai tại phiên tòa phúc thẩm các ngày 12 và 13/6/2023, đủ cơ sở khẳng định không có Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 để VKSND huyện Hưng Nguyên thực hiện phê chuẩn nhằm khởi tố bị can đối với Nhà giáo Lê Thị Dung. Việc VKSND huyện Hưng Nguyên tiến hành phê chuẩn và ban hành quyết định phê chuẩn đối với một quyết định khởi tố bị can không hề có là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án xuất hiện một Quyết định khởi tố bị can số 43/QĐ-CSĐT (HS-KT-MT) ngày 26/3/2022 đối với bị can Lê Thị Dung (BL 23), nhưng Quyết định số 43 này lại không được VKSND huyện Hưng Nguyên phê chuẩn. Vì vậy, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/6/2023, khi bào chữa cho Nhà giáo Lê Thị Dung, tôi hoàn hoàn đồng tình với quan điểm bào chữa của luật sư Ngô Thị Thu Hằng về việc đánh giá chứng cứ liên quan đến việc khởi tố bị can và phê chuẩn khởi tố bị can đối với bị can Lê Thị Dung là thu thập, chứng minh trái trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS 2015.

Phải khẳng định rằng, trong vụ án này, Nhà giáo Lê Thị Dung bị khởi tố về một tội danh (quy định tại Điều 356 BLHS) nên chỉ có thể ban hành 01 quyết định khởi tố bị can đối với tội danh khởi tố đó. Đối chiếu hồ sơ vụ án cho thấy Quyết định khới tố bị can số 43 ngày 26/3/2022 đối với bị can Lê Thị Dung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không được VKSND huyện Hưng Nguyên phê chuẩn; còn Quyết định khởi tố bị can số 42 được VKSND huyện Hưng Nguyên phê chuẩn thì không có trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, về pháp lý, có thể thấy trong vụ án này KHÔNG CÓ QUYẾT ĐỊNH KHỞI TỐ BỊ CAN ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO LÊ THỊ DUNG HOẶC CÓ QUYẾT ĐỊNH KHỞI TỐ BỊ CAN ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO LÊ THỊ DUNG NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC PHÊ CHUẨN. Do đó, Nhà giáo Lê Thị Dung KHÔNG/CHƯA PHẢI LÀ BỊ CAN trong vụ án này, theo quy định tại Điều 60 BLTTHS 2015. Và khi không/chưa phải là bị can thì không thể áp dụng Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với nơi ở và nơi làm việc của bị can, cũng như đề nghị phê chuẩn của Cơ quan điều tra và các quyết định phê chuẩn của VKS cùng cấp liên quan đến các đề nghị phê chuẩn này.

Lý giải cho điều này, tại phiên tòa, Điều tra viên trả lời đại thể là do lỗi sơ xuất trong quá trình đánh máy. Cách trả lời này không thể chấp nhận được vì soi chiếu theo quy định của pháp luật, các số quyết định khác nhau là các quyết định khác nhau. Đặc biệt, kiểm tra, đánh giá công khai Biên bản giao nhận Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên cho Nhà giáo Lê Thị Dung lập hồi 13h55 ngày 28/3/2022 (BL 58) thì thấy số Quyết định khởi tố bị can số “42” được viết tay bằng mực màu xanh (phía dưới Biên bản này có chữ ký, ghi rõ họ tên của người giao là Điều tra viên Trần Võ Tùng và chữ ký, ghi rõ họ tên của người nhận là Nhà giáo Lê Thị Dung). Như vậy, số quyết định được điền viết tay thì không thể đổ lỗi sơ xuất do đánh máy được! Hơn nữa, việc khởi tố, bắt tạm giam một con người mà sơ xuất do lỗi đánh máy thì trách nhiệm của điều tra viên ở đâu?

Việc không thể chấp nhận được còn bởi quy trình điều tra, kiểm sát điều tra theo BLTTHS rất chặt chẽ. Nếu Điều tra viên sơ xuất thì không lẽ Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT là người được giao tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự cũng sơ xuất? Không lẽ Kiểm sát viên được giao kiểm sát điều tra vụ án cũng sơ xuất? Không lẽ Phó Viện trưởng được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự cũng sơ xuất?

Như vậy, có đủ cơ sở kết luận Quyết định khởi tố bị can số 43 ngày 26/3/2022 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên không được VKSND huyện Hưng Nguyên phê chuẩn là bất hợp pháp và Quyết định phê chuẩn đối với Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 của VKSND huyện Hưng Nguyên khi không có Quyết định khởi tố bị can số 42 cũng là bất hợp pháp.

Khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015 quy định: Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Áp dụng quy định này, khẳng định: Quyết định khởi tố bị can số 43 ngày 26/3/2022 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên không được phê chuẩn và Quyết định phê chuẩn của VKSND huyện Hưng Nguyên đối với Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 không hề có đều là các quyết định không có giá trị pháp lý và đều không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án. Và tài liệu không có giá trị pháp lý, không được dùng trong vụ án này thì Nhà giáo Lê Thị Dung không phải là BỊ CAN. Điều này dẫn đến hậu quả BẢN KẾT LUẬN ĐIỀU TRA ĐỀ NGHỊ TRUY TỐ, BẢN CÁO TRẠNG TRUY TỐ ĐỂ XÉT XỬ, CÁC BẢN ÁN SƠ THẨM VÀ PHÚC THẨM đều vi phạm pháp luật khi kết luận Nhà giáo Lê Thị Dung là BỊ CAN, sau này trở thành BỊ CÁO.

Lỗi vi phạm tố tụng này có thể nói đặc biệt nghiêm trọng như vậy, nhưng những người tiến hành tố tụng của vụ án này vẫn cho rằng đó chỉ là vi phạm tố tụng, không nghiêm trọng, không làm thay đổi bản chất vụ án. Suy cho cùng, chỉ có cái máy tính là có lỗi, nó cũng bị oan, khác gì Nhà giáo Lê Thị Dung?

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook