Ngôn ngữ hình sự thời công an trị (Phần 3)

Nguyễn Thông

16-6-2023

Tiếp theo Phần 1 và Phần 2

Nói tiếp về từ “đối tượng”, như đã kể, ngoài việc để chỉ những người, nhóm người được các tổ chức chính trị (đảng), chính trị xã hội (đoàn, đội, hội, mặt trận) để ý nhằm kết nạp, trong rất nhiều năm, nhất là thập niên 60 – 80 ở miền Bắc, thì nó được dùng để nói về người đang được yêu, bất kể trai hay gái.

Thêm nghĩa nữa cũng rất phổ biến trong chính quyền cộng sản, nhất là vào thời hậu chiến, từ “đối tượng” để chỉ những nhóm người được ưu tiên, gọi là “đối tượng chính sách”. Ném biết bao xương máu vào cuộc chiến ý thức hệ nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, sau khi chiến thắng, bên thắng cuộc đã bù đắp cho phe mình bằng sự ưu tiên. Họ gọi đó là công bằng, nhân văn, nhân đạo, uống nước nhớ nguồn. Nhưng cần nói rằng, đã ưu tiên thì sẽ vứt bỏ quy định chung, thứ quy định mà tất cả mọi người đều phải tôn trọng.

Đối tượng chính sách của chế độ này nhiều lắm. Ngay cán bộ cũng là thứ đối tượng chính sách, càng cao, càng to thì chính sách càng đặc biệt. Khi xưa, những cửa hàng Tông Đản, Nhà Thờ, bệnh viện Việt Xô, chỗ chôn Mai Dịch… đều là thứ đặc quyền, đặc lợi dành cho đối tượng chính sách. Họ công khai chứ không thèm giấu diếm. Cứ như đó là thứ luật đã được thông qua mà không cần bàn cãi, buộc dân phải chấp nhận.

Ngay cả bây giờ, họ tự định ra ai được đi xe gì, bao nhiêu triệu, nhiêu tỉ, về hưu còn được hưởng thứ chi chi, nhà bao nhiêu mét vuông…, tất cả đều được quy thành chính sách cho đối tượng chính sách.

Làm gì có thứ làm cách mạng không vụ lợi, chỉ vì tổ quốc, vì nhân dân, chứ không vì mục đích nào khác như họ ca ngợi, tuyên truyền. Nếu đúng thế, tại sao sau khi xong việc, thành công rồi, không trở về với cuộc sống vốn có của mình đi, lại chiếm nhà, chiếm đất, chiếm tiền nhiều vậy.

Nói đâu xa, sau ngày 30.4.1975, những nhà cách mạng không vụ lợi ấy đã tự cho mình quyền chiếm đoạt nhà cửa, biệt thự, đất đai của bên thua cuộc. Lớn xơi kiểu lớn, nhỏ ăn kiểu nhỏ. Ông hàng xóm nhà tôi bảo đó là ăn cướp, chứ làm gì có trong sạch chỉ biết vì nước vì dân. Vì nhà, vì đất thì có.

Ngay cả những ông cao giọng nhất cũng chiếm biệt thự, ở chán chê rồi được hóa giá rẻ như bèo, bán như cho, rồi bán lại với giá hàng nghìn cây vàng. Có ông còn bắt dẹp cả cây xăng gần nhà để đảm bảo an ninh trật tự cho… gia đình mình. Những chuyện ông to, bà nhớn, đối tượng chính sách đòi đặc quyền, đặc lợi kiểu ấy, người ở Sài Gòn chả mấy ai không biết.

Hồi tôi vào đời, đi dạy học, trúng ngay cái trường dành cho đối tượng chính sách. Nhiều đối tượng ưu tiên lắm, kể đến tối chả hết. Có lúc tôi buộc phải nhớ, nào là 3 khu vực, 9 đối tượng, cứ thế mà thực hiện. Học ở trường này phải là một trong những đối tượng sau đây: bản thân là bộ đội, thương binh, thanh niên xung phong, cán bộ; con của cán bộ, gia đình cách mạng, liệt sĩ, thương binh; người dân tộc thiểu số; người ở vùng xa xôi biên giới hải đảo…

Từ “đối tượng” dùng để chỉ những người thuộc diện như vậy. Chứ người bình thường, con em nhà bình dân, dù có học giỏi tới mấy cũng không chen được vào đây. Lại càng không bao giờ có loại đối tượng xấu theo cách dùng của công an như đối tượng trộm cắp, đối tượng cướp giật, đối tượng tội phạm, xì ke ma túy, giết người, đối tượng bị truy nã…

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Làm gì có thứ làm cách mạng không vụ lợi, chỉ vì tổ quốc, vì nhân dân, chứ không vì mục đích nào khác như họ ca ngợi, tuyên truyền. Nếu đúng thế, tại sao sau khi xong việc, thành công rồi, không trở về với cuộc sống vốn có của mình đi, lại chiếm nhà, chiếm đất, chiếm tiền nhiều vậy.” (Trích NT)
    – CNXH đẻ ra “chủ nghĩ công thần”. Sau khi lớn mạnh, “chủ ngĩa công thần” làm cha CNXH .

  2. Tên bài nên đổi là “Bàn về hai chữ ĐỐI TƯỢNG” cho khỏi lan man sang ngôn ngữ bạo lực.
    Ngôn ngữ bạo lực là đặc trưng của chủ nghĩa Mác Lê, chứ không riêng của Công An

Comments are closed.