Giới nhân học Việt Nam có cần lên tiếng?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

15-6-2023

Biểu ngữ phản đối và các tác phẩm nghệ thuật “occupy” trước cửa Vancouver Art Gallery để lên án lịch sử xấu hổ của chính quyền Canada liên quan đến chính sách sắc tộc. Ảnh: FB tác giả

Những chỉ trích “vô tri” có tính phân biệt chủng tộc dành cho người Thượng nói chung gần đây (‘bọn thất học’, ‘lì lợm không chịu học tiếng Việt’, ‘không chịu “khai sáng”’, “mọi”…) rất phổ biến và dễ tìm thấy trên Tiktok lẫn Youtube mấy ngày hôm nay.

Ủng hộ hay không ủng hộ, cốt lõi của các biểu hiện này phản ánh (và có thể dựa trên) phần nào góc nhìn của giới nghiên cứu nhân học Việt Nam suốt nhiều thập niên kể từ 1975 (và cần nói rõ là trước 1975 cũng không khá hơn mấy).

Sử dụng góc nhìn Nhân học chủ nghĩa Marx (Marxist anthropology), dù có thể hiện sự đoàn kết sắc tộc nhất định, giới nghiên cứu nhân học Việt Nam vẫn xếp hình thái kinh tế xã hội của người Thượng (cũng như các dân tộc thiểu số khác trên khắp Việt Nam) vào hình thái cộng sản nguyên thủy (primitive communism).

Nói cách khác, họ cho rằng đây là hình thái kém phát triển, lạc hậu và không phù hợp cho mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Quan trọng nhất, góc nhìn này khẳng định nhu cầu cần phải “khai sáng” cho các nhóm dân tộc thiểu số để tiến lên con đường “hiện đại xã hội chủ nghĩa” (Socialist Modernity).

Chúng ta có thể tìm đọc một vài tài liệu cũ (và khá kín) của một số tác giả nhân học có tiếng nói của thế hệ trước như Đặng Nghiêm Vạn để thấy điều này.

Ví dụ, để lý giải và bảo vệ cho chính sách tái định cư hàng triệu người Kinh lên Tây nguyên sau năm 1975, ông khẳng định rằng chính sách này không đơn giản là tái cơ cấu lực lượng lao động trên toàn quốc, mà là bù đắp khoảng trống/sự tụt hậu về thời gian ở Tây Nguyên để hoàn bị cho con đường xây dựng đi lên xã hội chủ nghĩa của khu vực.

Khoảng trống về thời gian mà ông nói tới ở đây, là khoảng trống giữa “cộng sản nguyên thủy” (bị áp cho người Thượng) và thực tiễn hiện đại, phát triển gần quá độ XHCN (được cho là bản chất của xã hội người Kinh).

Nói cách khác, đây là cách tiếp cận bình mới – rượu “nấu lại chút xíu” của diễn ngôn “Mission civilisatrice” khét tiếng.

***

Đưa ra một vài góc nhìn ở đây không phải để phủ nhận hoàn toàn quan điểm kể trên. Về cơ bản thì mình cũng tin vào sự tuyến tính của hiện đại hóa, như một nhà Marxist thực thụ.

Tuy nhiên, vì từng chịu sự tấn công của một số nhóm nhân học Việt Nam với kiểu chỉ trích rất kỳ cục là: “Thằng đấy được đào tạo từ mấy quốc gia thực dân, đàn áp người bản địa (ý chỉ Vương quốc Anh, Canada) nên nó a, b, c, d…”, nên mấy hôm nay mình vẫn cố chờ xem những nhóm này phát biểu và có sự bức phá nào về mặt tư tưởng không.

Mình cũng được nghe là đạo diễn trẻ của một bộ phim về người dân tộc thiểu số gần đây đã bị một số nhóm tương tự chỉ trích, mạt sát rất nhiều.

Đáng tiếc là, khi mặt đối mặt với thứ “Quyền lực” mà họ thường chỉ trích về chính trị phương Tây, đối diện trước sự hùng hổ của các nhóm “thực dân di cư” cầm dao phay đi bắt “khủng bố” hiện nay, có vẻ họ chọn sự im lặng.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Cái mà người Thượng cần nhất là một không gian sinh tồn cho riêng họ. Nhưng đó chính là thứ họ đã, đang và sẽ tiếp tục bị tước đoạt. Phải có một thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược, trong nhận thức về người Thượng (cả phía chính quyền lẫn người dân), đi cùng với đó là một chính sách căn cơ ngay từ bây giờ để khôi phục không gian sinh tồn cho họ, thì may ra vài thế hệ nữa cuộc sống bình yên mới thực sự trở lại Tây Nguyên, với cả người Kinh lẫn người Thượng.

    [Người của rừng]
    Buổi chiều trời kéo âm binh xám xịt dưới hốc mắt ông lão ngồi bó giò trước cửa căn nhà tạm công trường.
    Căn nhà vách tôn gỉ mái lợp lá dừa nước khô lênh khênh trên mô đất hoang lùi sâu, sâu mãi, sâu mãi, hun hút trong quầng mây thâm tím.
    Lão nhướng mắt nhìn xa, xa, xa mải mê về phía cội rễ rừng già, có tiếng suối, tiếng ông hổ gầm gừ và quầng mây đại ngàn thuở xa xưa tổ tiên lão dựng làng phát rẫy.
    Lão mất gốc rồi. Đôi bàn chân đã đi quá xa. Ánh mắt đã quá mòn. Xứ sở lụi tàn.
    Lão phu hồ già bập khói thuốc vẽ vòng tròn mắt cú ướt nhoèn. Lão chết dần đến thắt lưng.
    Bụng lép xoắn quẩy hai lớp da nhăn nheo càng dúm dó khi ý nghĩ lão vừa chớm quay nhìn về phía tương lai hun hút.
    “Sao ta lại ở đây? Ta sẽ về đâu?” – khói thuốc xoay vòng thành dấu hỏi.
    Đoàn xe bồn lừng lững tiến lại, từ xa đã kéo còi ầm ĩ, chúng như tất cả những kẻ thô bỉ khác, luôn biết cách áp chế người ta bằng thân hình khủng khiếp và cái miệng to tổ bố gầm ghè.
    “Bãi đất này, cỏ cây kia, ếch nhái và cả những kẻ như lão già này nữa, tất cả sẽ nằm bẹp dưới gạch vữa bê-tông của ta, cao ốc, biệt thự sẽ mọc lên và các ngươi phải biến mất” – ống khói đen ngòm phụt liên hồi từ miệng con quỷ nhe nanh cười ác độc.
    Tôi chộn rộn uất ức.
    “Ta chết đến thắt lưng rồi. Xứ ta chết đến cổ rồi. Đất ta chết hẳn rồi” – ông lão thầm thì và bình thản thả khói thuốc bay theo làn gió sông Sài Gòn xế bóng.
    “Mưa, ta vào nhà đi” – ông lão bất chợt giục tôi, lần này ông nói rành rọt và không có hạt nước nào đi cùng.

    Nguồn FB NĐK

  2. Trong trại súc vật đứng hạng 3 thế giới về sự bịt miệng người dân thì ai dám lên tiếng, thầy Đặng Đăng Phước dám, và bị xử 8 năm tù. Thánh Rắc Hành, không nói gì, chỉ rắc hành, bị xử 5,5 năm. Lúc này, ai tới DakLak mà mặc đồ rằn ri, coi chừng cũng bị bắt đi tù, dù không vi phạm gì.

  3. Nước Nga, từ chế độ chuyên chế nông nô tiến thẳng lên chế độ chuyên chế cộng sản ( tuyên giáo nói chữ là “chuyên chính vô sản ” ) hơn một thế kỷ nay rồi, mà cái văn minh dân chủ phổ quát của nhân loại giúp nhân loại tiến tới phồn vinh thịnh vượng có len lỏi được vào đầu óc người dân Nga đâu.
    Họ vẫn gọi xã hội dân chủ tự do là phồn vinh giả tạo, là thế lực thù địch, lăm le mang vũ khí hạt nhân ra xóa sổ cái xã hội văn minh ấy.
    Cái đám người Việt ăn cơm Nga mặc áo Nga nhao nhao lên ủng hộ cái nhóm tân phát xít Mạc tư khoa man rợ đang xua quân sang xâm lược Ukraine ấy. Chúng có tôn trọng sự lựa chọn của người Ukraine hay không?

Comments are closed.