Không chỉ [những] người Thượng [sử dụng bạo lực] có lỗi

Huy Đức

14-6-2023

Bạo loạn có tổ chức, có vũ trang, lên tới hàng trăm người mà khi xảy ra vẫn để bị bất ngờ là một thất bại về an ninh, tình báo. Đặc biệt, là thất bại của, cái mà chúng ta thường nghe, “thế trận an ninh nhân dân”. Tuy nhiên, nếu coi sự kiện này là lý do phình thêm bộ máy an ninh thì lại có nguy cơ thất bại nữa.

Khi bạo lực đang được sử dụng thì sử dụng bạo lực để tạm thời chấm dứt nó là khó tránh. Nhưng bài học muôn thuở ở bất cứ đâu, bạo lực (đơn thuần) chỉ nuôi dưỡng thêm bạo lực.

“Ngã” ở đâu thì phải đứng dậy ở đó; đánh mất dân thì phải nỗ lực lấy lại từ dân.

Một trí thức có gia đình sống nhiều chục năm ở Tây Nguyên nhận xét rằng, “Sau sự kiện ‘nhà nước Đề Ga 2003”, giao thông, điện, y tế rất được nhà nước quan tâm, cuộc sống của người dân Tây Nguyên thay đổi vượt bậc. Nhưng, đất đai vẫn là một vấn đề lớn”. Ức chế không chỉ bị thu hồi đất. Theo ông, “Ở một số buôn làng, đồng bào bán hết đất cho người Kinh, thậm chí không còn đất để địa táng theo truyền thống cha ông họ”.

Chính quyền cơ sở, nhất là xã, rất khó xử. Đồng bào phá rừng, nếu mà ngăn họ thì họ không còn kế sinh nhai. “Tao đói, cán bộ có cho tao ăn ko?”. Nhưng, nếu làm ngơ, thì họ phá rừng, làm rẫy thuần thục tầm 5 năm, bán cho người Kinh, rồi lại tìm khoảng rừng mới, phá tiếp… Cứ thế, đồng bào các dân tộc lùi sâu, lùi sâu…

Nếu bỏ qua yếu tố văn hóa và lịch sử, chúng ta sẽ thấy thật vô lý, tại sao sau khi đã xài hết tiền bán đất, “Đồng bào” lại đổ lỗi, “Do người Kinh nên tụi tao mới khó khăn”.

Nhưng, Tây Nguyên ngày xưa là “vùng người thượng”. Kể từ khi Tây Nguyên nằm trong ranh giới quốc gia Việt Nam, Tây Nguyên trở thành “vùng kinh tế mới của người Kinh”. Ngày xưa, Tây Nguyên không chỉ là một lãnh địa mà còn là một thế lực. Họ sử dụng gỗ, ngà voi, sừng tê, kỳ nam, mật ong… để đổi lấy muối, gạo, vải vóc… và “nói chuyện phải quấy” với người Kinh.

Ngày nay, cùng khai thác những lâm sản ấy, người Kinh có lợi thế hơn nhiều. Người Kinh phá rừng đại ngàn bằng máy móc, vận chuyển gỗ và các sản vật quý hiếm bằng xe cộ… Người Kinh ở Tây Nguyên tự giao du với người Kinh ở miền xuôi. Người Thượng không còn công cụ và cơ hội để “nói chuyện” với người Kinh nữa. Không gian sống tại chỗ của họ bị thu hẹp, cơ hội ảnh hưởng ra ngoài, không còn.

Không chỉ có người Thượng ở Tây Nguyên, trong cộng đồng các dân tộc của quốc gia Việt Nam, nhiều dân tộc vừa có bản sắc hơn hẳn người Kinh vừa có tư chất thông minh không kém người Kinh. Nhưng cả người Thượng và hơn 50 dân tộc thiểu số khác luôn thua kém người Kinh cơ hội tiếp cận kinh tế, văn hóa cũng như chính trị.

Tối qua, VTV đưa phát biểu của ba thanh niên người dân tộc bị bắt trong vụ bạo loạn, họ đều có vẻ như chưa đến 30. Nhưng, một người trong số họ phải nói qua phiên dịch, hai người còn lại không nói sõi tiếng Việt.

Trong số 53 dân tộc ở Việt Nam, có 33 dân tộc có chữ viết riêng nhưng ngay từ khi vào trường, họ đã không được học bằng tiếng mẹ đẻ. Trong một quốc gia mà người Kinh chiếm 85,3% thì việc lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ chính là không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, chỉ tính riêng về ngôn ngữ, phải thấy, hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số đã thua kém người Kinh ngay từ khi mới ra đời.

Một nhà báo người Dao nói với tôi rằng, kể cả khi đi học và đi làm, để bằng được người Kinh, chị phải nỗ lực gấp 3 lần.

Sự kiện những người dân bản địa sử dụng bạo lực lúc 0:35 phút ngày 11-6-2023 ở Tây Nguyên mang màu sắc xung đột sắc tộc, văn hóa [bao gồm tôn giáo]. Nó vừa gây tội ác nhưng cũng chứa đựng những ẩn ức của những người cảm thấy bị thua thiệt trong mọi phương diện, bị dồn nén trong không chỉ một thế hệ. Việc tháo gỡ, vì thế, bạo lực cũng sai, tiền bạc cũng sai mà đối phó, sách lược cũng sai.

Nên hoãn việc sửa Luật Đất Đai cho đến khi thực sự tìm được những công cụ chính sách hóa giải các xung đột không chỉ giữa người Kinh với người Thượng mà còn phải hóa giải được các xung đột trong nội bộ người Kinh, trong nội bộ các gia tộc, gia đình.

Không thể cấm người dân tộc bán đất cho người Kinh hay cấm người Kinh mua đất của người dân tộc vì làm như thế là tước bớt quyền về tài sản của người dân tộc. Nhưng cũng không để quyền này phá vỡ các không gian sinh tồn của người dân tộc.

Đồng bào các dân tộc mạnh hơn khi họ sống trong một cộng đồng. Cộng đồng cần một “không gian sinh tồn”. Và, theo kinh nghiệm từ nhiều cộng đồng thiểu số trên thế giới, hành động tập thể [collective action] thường có kết quả bảo vệ “không gian sinh tồn” tốt hơn những nỗ lực cá nhân.

Nên xác lập sở hữu cộng đồng [“community ownership” hoặc “collective ownership”] về tài nguyên kể cả đất, rừng, nước, thuỷ sản, khoáng sản… trong “không gian sinh tồn” đó cho các cộng đồng dân tộc. Bằng cách này, vừa bảo vệ được “không gian sinh tồn” đặc thù vừa không hạn chế quyền tìm kiếm cơ hội khác, như mua đất, làm ăn… riêng lẻ, bên cạnh người Kinh của người dân tộc.

Nên thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận với tri thức bằng cách thiết lập chế độ giáo dục song ngữ. Học sinh cấp I được học các kiến thức phổ thông bằng tiếng mẹ đẻ, đồng thời, tiếng Việt là một môn học riêng. Từ cấp II, chương trình học chính bằng tiếng Việt nhưng phải có giáo viên bản ngữ trợ giúp đảm bảo các em theo kịp phần kiến thức phổ thông không được học bằng tiếng mẹ đẻ.

Cho dù trong thời đại ngày nay, các em có thể tìm kiếm các phương tiện nghe nhìn để tự học tiếng Việt. Môn tiếng Việt như là một ngôn ngữ thứ hai phải luôn được dạy cho đến khi các em đủ chuẩn vào đại học.

Ở những huyện xã, nơi có những cộng đồng người dân tộc thiểu số sống lâu đời, nên ấn định số lượng đại biểu HĐND người dân tộc không thấp hơn 40% [ngay cả khi tỷ lệ người dân tộc thấp hơn 40%] hoặc cho họ quyền phủ quyết một số chính sách liên quan. Thay vì áp dụng chế độ “Đảng cử dân bầu” với những đại biểu này nên để các cộng đồng đưa những người tiêu biểu, thực sự nói tiếng nói của họ vào các cơ quan dân cử [Trong số 499 đại biểu Quốc hội khóa XV có 89 đại biểu “Đảng cử” người dân tộc thiểu số].

Trong một quốc gia có 53 dân tộc thì bản sắc dân tộc phải là sự đa dạng, không thể “phát huy” chúng bằng cách “xây một nhà hát các dân tộc” ở Thủ đô. Áp đặt ngôn ngữ hay lấn át, xóa nhòa bản sắc thiểu số chỉ là sự đồng hóa, không những không thể hóa giải mà còn nuôi dưỡng mầm xung đột.

Đừng nghĩ đồng bào các dân tộc đương nhiên có nghĩa vụ biết ơn khi người Kinh đặt không gian sinh tồn của họ vào phần “bờ cõi” mà người Kinh “mở mang”. Đúng là họ chưa từng “độc lập” với tư cách một quốc gia. Nhưng ở trong quốc gia ấy, nếu người thiểu số “lép vế”, vừa phải chia sẻ với người Kinh không gian sinh tồn của mình, vừa không có cơ hội ngang bằng với người Kinh khi muốn vươn ra thì nếu họ có coi người Kinh như thực dân chúng ta cũng không nên trách họ.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Cái mà người Thượng cần nhất là một không gian sinh tồn cho riêng họ. Nhưng đó chính là thứ họ đã, đang và sẽ tiếp tục bị tước đoạt. Phải có một thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược, trong nhận thức về người Thượng (cả phía chính quyền lẫn người dân), đi cùng với đó là một chính sách căn cơ ngay từ bây giờ để khôi phục không gian sinh tồn cho họ, thì may ra vài thế hệ nữa cuộc sống bình yên mới thực sự trở lại Tây Nguyên, với cả người Kinh lẫn người Thượng.

    [Người của rừng]
    Buổi chiều trời kéo âm binh xám xịt dưới hốc mắt ông lão ngồi bó giò trước cửa căn nhà tạm công trường.
    Căn nhà vách tôn gỉ mái lợp lá dừa nước khô lênh khênh trên mô đất hoang lùi sâu, sâu mãi, sâu mãi, hun hút trong quầng mây thâm tím.
    Lão nhướng mắt nhìn xa, xa, xa mải mê về phía cội rễ rừng già, có tiếng suối, tiếng ông hổ gầm gừ và quầng mây đại ngàn thuở xa xưa tổ tiên lão dựng làng phát rẫy.
    Lão mất gốc rồi. Đôi bàn chân đã đi quá xa. Ánh mắt đã quá mòn. Xứ sở lụi tàn.
    Lão phu hồ già bập khói thuốc vẽ vòng tròn mắt cú ướt nhoèn. Lão chết dần đến thắt lưng.
    Bụng lép xoắn quẩy hai lớp da nhăn nheo càng dúm dó khi ý nghĩ lão vừa chớm quay nhìn về phía tương lai hun hút.
    “Sao ta lại ở đây? Ta sẽ về đâu?” – khói thuốc xoay vòng thành dấu hỏi.
    Đoàn xe bồn lừng lững tiến lại, từ xa đã kéo còi ầm ĩ, chúng như tất cả những kẻ thô bỉ khác, luôn biết cách áp chế người ta bằng thân hình khủng khiếp và cái miệng to tổ bố gầm ghè.
    “Bãi đất này, cỏ cây kia, ếch nhái và cả những kẻ như lão già này nữa, tất cả sẽ nằm bẹp dưới gạch vữa bê-tông của ta, cao ốc, biệt thự sẽ mọc lên và các ngươi phải biến mất” – ống khói đen ngòm phụt liên hồi từ miệng con quỷ nhe nanh cười ác độc.
    Tôi chộn rộn uất ức.
    “Ta chết đến thắt lưng rồi. Xứ ta chết đến cổ rồi. Đất ta chết hẳn rồi” – ông lão thầm thì và bình thản thả khói thuốc bay theo làn gió sông Sài Gòn xế bóng.
    “Mưa, ta vào nhà đi” – ông lão bất chợt giục tôi, lần này ông nói rành rọt và không có hạt nước nào đi cùng.

    Nguồn FB NĐK

  2. Vâng, không chỉ người Thượng có lỗi mà cả nhà nước CS.độc tài toàn trị cũng phải bị
    kết tội nặng hơn triệu lần khi xử dụng bạo lực, thưa tác giả !
    Bởi vì ví dụ con chó nếu bị dồn đến đường cùng thì nó phài cắn người để tự vệ nhưng
    như thế mà lên án nó cũng ngang với “thủ phạm” chủ động đuợc sao ? Công lý ở đâu ?

  3. Người dân tộc thiểu số bán đất tài sản riêng cho người Kinh , người Kinh bỏ tiền riêng mua đất của người dân tộc _ là quyền cá nhân của 2 bên ( của người dân nói chung ) . Kiểu mua bán này bình thường , chắc chắn không thể đụng chạm đến vấn đề cấp văn hóa ,dân tộc , địa lý , vì chắc chắn không nhiều , không lớn . Chỉ khi các công ty tư nhân , bán nhà nước hoặc nhà nước , làm thành 1 cuộc mua bán lớn , phong trào , làn sóng để xô đẩy người thiêủ số phải lùi sâu dần vào đất rừng , nhường đất cho người Kinh mà thôi . Người thiêủ số về mọi mặt tính bình quân vẫn lạc hậu, ấu trĩ hơn người Kinh quá nhiều . Cho nên , trách nhiệm ở đây _ phải nói là do nhà nước , cụ thể là Ủy ban dân tộc ( hoặc tên gì đó ) _không có 1 chính sách nào , nhìn nhận nào , nghiên cứu nào thực tế về vấn đề quy hoạch sắc dân , mới bảo vệ được mối quan hệ Kinh – Thượng , đa số -thiểu số , văn minh- lạc hậu . Td nghe nói ở các nước tiên tiến , xây nhà riêng là quyền mỗi người , nhưng thiết kế phải theo 1 số tiêu chuẩn nhà nước . Trong đó có 1 tiêu chuẩn mà người VN nghe phải lạ lùng :
    vườn và nhà bắt buộc phải cách nhau 1 khoảng tối thiểu để lấy chỗ thoát , chỗ chạy , chỗ hoạt động của các loại thú nhỏ như chuột , sóc , gián ,.. . . Người ta quy hoạch từng chi tiết nhỏ như vậy , để bảo vệ sinh thái , bảo vệ các loài ” yếu ” hơn loài người , không để tình trạng các loại thú nhỏ , do bản năng sinh tồn mà cắn , phá rào dậu , tường nhà . Ủy ban dân tộc đã bao giờ nghĩ đến những vấn đề tương tự như thế chưa ?

  4. Nghe đồn, Trần Đại Quang nhờ việc đàn áp ở Tây Nguyên 2004 nên thăng tiến.
    2016 Nguyễn Thị Hiền bị ma nhập, báo trước việc Trần Đại Quang chết tức tưởi khi đang tại vị. Sau đó Trần Đại Quang cúng vào chùa Vĩnh Nghiêm cặp đèn giá hơn 7 tỷ VND, sang Ấn Độ cầu cúng … nhưng bất thành …

Comments are closed.