Xung đột sắc tộc ở Tây Nguyên

Dương Quốc Chính

11-6-2023

Ảnh chụp màn hình

Tây Nguyên nguyên là hai nước Thuỷ Xá và Hoả Xá, đến thời Minh Mạng vẫn chỉ là thuộc quốc của Đại Nam. Có lẽ chúa rồi vua Nguyễn cũng không định xâm lược và sát nhập. Khi Pháp chiếm Đông Dương thì vùng này mới được nhập và An Nam (Trung Kỳ), vì người Pháp mới tận dụng được lợi thế về đất đai và tài nguyên ở đây, các đồn điền cafe, cao su… mới chỉ có từ khi người Pháp xâm lược. Có nghĩa là đây là vùng đất cuối cùng được nhập vào Việt Nam.

Đến giai đoạn Quốc gia Việt Nam, vùng này được quy chế tự trị dành riêng cho Hoàng gia, gọi là Hoàng triều cương thổ. Các lãnh đạo địa phương chỉ thần phục Quốc trưởng Bảo Đại. Đến thời VNCH, ông Diệm thống nhất quốc gia nên xoá bỏ Hoàng triều cương thổ, nhập vào VNCH.

Trong chiến tranh Việt Nam, dân Tây Nguyên vẫn có những nhóm chống quân cộng sản, chứ không phải trên dưới một lòng theo Việt cộng như sách báo chính thống viết đâu. Điển hình là vụ thảm sát Đắk Sơn, anh em Google để biết chi tiết, có cả ảnh. Đây là một vùng ở Đắk Lắk luôn. Tức là mầm mống xung đột nó có từ lâu đời rồi.

Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc thì tổ chức FULRO vẫn tồn tại ở Tây Nguyên đến 1992. Anh em Google tiếp để biết FULRO là tổ chức nào. Đại khái đây là tổ chức đấu tranh để giành độc lập cho các dân tộc Tây Nguyên, gồm cả người Chăm và Khmer. Có nghĩa là họ chống lại sự cai trị của người Kinh gồm cả VNCH lẫn Việt Nam cộng sản.

Năm 1999, nhà nước DEGAR được thành lập, đây là nhà nước tự xưng của người dân tộc ở Tây Nguyên. Thủ đô cũng ở Đắk Lắk. Google để biết chi tiết. Nhà nước này trên lý thuyết vẫn tồn tại, lãnh đạo lưu vong.

Mấy hôm trước, trùng hợp thay, có ông thày giáo cũng ở Đắk Lắk mới bị kết án vì kêu gọi dân chủ, nhân quyền trên Facebook. Nên mình mới bảo là vùng này rất nhạy cảm chính trị, nên dân mà ngo ngoe chống đối là bị dính án ngay. Hôm qua xảy ra vụ cũng ở Đắk Lắk, hiện chưa công bố nguyên nhân chính thức dẫn tới vụ khủng bô’. Nhưng nhiều người đồn đoán là tổ chức Degar đứng sau, cũng có người cho rằng chỉ là tranh chấp đất đai.

Mình tóm lược lại một số thông tin về sự nhạy cảm chính trị, nguy cơ ly khai của vùng này để mọi người hiểu bản chất của lịch sử xung đột ở vùng đất Tây Nguyên. Chuyện tương tự diễn ra khá phổ biến trên thế giới. Đặc biệt là ở các nước cộng sản hay độc tài thì nó diễn ra càng bạo lực hơn. Bên Tàu thì Tân Cương, Tây Tạng cũng không khác gì Tây Nguyên. Các vụ khủng bố rồi đàn áp đẫm máu diễn ra nhiều ở Nga, TQ vì nguyên nhân sắc tộc. Vùng Kosovo cũng vậy, đang tái diễn bạo lực.

Nói chung là việc cai trị những vùng đất mới có lịch sử, văn hoá, dân tộc quá khác biệt với các nơi khác là không hề đơn giản. Ở nhiều nước hay nhiều giai đoạn lịch sử thì các vùng đất này phải có quyền tự trị tương đối thoáng. Ngay ở TQ cũng có khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây giáp Việt Nam. Nga cũng có nước CH tự trị. Việt Nam hiện không có và đã từng có ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc (người Mèo).

Hiện tại chưa rõ nguyên nhân vụ vừa xong là gì, nhưng mâu thuẫn sắc tộc thường không được công bố là nguyên nhân chính thức, dễ bị lái thành mâu thuẫn thuần tuý hình sự.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Cái mà người Thượng cần nhất là một không gian sinh tồn cho riêng họ. Nhưng đó chính là thứ họ đã, đang và sẽ tiếp tục bị tước đoạt. Phải có một thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược, trong nhận thức về người Thượng (cả phía chính quyền lẫn người dân), đi cùng với đó là một chính sách căn cơ ngay từ bây giờ để khôi phục không gian sinh tồn cho họ, thì may ra vài thế hệ nữa cuộc sống bình yên mới thực sự trở lại Tây Nguyên, với cả người Kinh lẫn người Thượng.

    [Người của rừng]
    Buổi chiều trời kéo âm binh xám xịt dưới hốc mắt ông lão ngồi bó giò trước cửa căn nhà tạm công trường.
    Căn nhà vách tôn gỉ mái lợp lá dừa nước khô lênh khênh trên mô đất hoang lùi sâu, sâu mãi, sâu mãi, hun hút trong quầng mây thâm tím.
    Lão nhướng mắt nhìn xa, xa, xa mải mê về phía cội rễ rừng già, có tiếng suối, tiếng ông hổ gầm gừ và quầng mây đại ngàn thuở xa xưa tổ tiên lão dựng làng phát rẫy.
    Lão mất gốc rồi. Đôi bàn chân đã đi quá xa. Ánh mắt đã quá mòn. Xứ sở lụi tàn.
    Lão phu hồ già bập khói thuốc vẽ vòng tròn mắt cú ướt nhoèn. Lão chết dần đến thắt lưng.
    Bụng lép xoắn quẩy hai lớp da nhăn nheo càng dúm dó khi ý nghĩ lão vừa chớm quay nhìn về phía tương lai hun hút.
    “Sao ta lại ở đây? Ta sẽ về đâu?” – khói thuốc xoay vòng thành dấu hỏi.
    Đoàn xe bồn lừng lững tiến lại, từ xa đã kéo còi ầm ĩ, chúng như tất cả những kẻ thô bỉ khác, luôn biết cách áp chế người ta bằng thân hình khủng khiếp và cái miệng to tổ bố gầm ghè.
    “Bãi đất này, cỏ cây kia, ếch nhái và cả những kẻ như lão già này nữa, tất cả sẽ nằm bẹp dưới gạch vữa bê-tông của ta, cao ốc, biệt thự sẽ mọc lên và các ngươi phải biến mất” – ống khói đen ngòm phụt liên hồi từ miệng con quỷ nhe nanh cười ác độc.
    Tôi chộn rộn uất ức.
    “Ta chết đến thắt lưng rồi. Xứ ta chết đến cổ rồi. Đất ta chết hẳn rồi” – ông lão thầm thì và bình thản thả khói thuốc bay theo làn gió sông Sài Gòn xế bóng.
    “Mưa, ta vào nhà đi” – ông lão bất chợt giục tôi, lần này ông nói rành rọt và không có hạt nước nào đi cùng.

    Nguồn FB NĐK

  2. tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
    bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
    hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
    hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa.

    bao thế hệ siết rên trong gọng kềm nô lệ.
    chuyên chế dã man đục rỗng chí con người.
    cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi.
    tôi chưa thấy một đêm nào dài thế.

    không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
    lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
    khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
    biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”

    mày phải sợ mày ơi mày phải sợ,
    sợ nữa đi có sợ mãi được không,
    cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
    mày lại đẻ ra lũ cháu con “biết sợ”

    bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
    lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
    còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
    sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất

    tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
    cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể,
    vì người ta cần ánh mặt trời,
    tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!

    trích: tập thơ chính luận “Hãy Ngẩng Mặt”, người thơ Nguyễn Đắc Kiên.

  3. Theo tôi, đây có thể là xung đột quyền lợi có yếu tố sắc tộc thì đúng hơn chăng ?
    Xung đột quyền lợi về đất đai vốn là nguồn sống quan trọng của dân cư sống trên
    địa bàn này với một thiểu số cán bộ lợi dụng đặc quyền đặc lợi để chiếm đoạt như
    đã từng xảy ra ở nhiều địa phương như Thái Bình, ở Đồng Tâm v.v.
    Điều rất không may là bộ máy tuyên truyền của VC. đang hết sức “tung hỏa mù”,
    lèo lái dư luận đổ tội cho các đối tượng “thù địch” trong mục đích “chạy tội” !

  4. HỌC GIẢ: NGUYỄN DUY

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!
    _________________________

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

    Nguồn Mạng.

Comments are closed.