Giáo dục – quan liêu và vô cảm với trẻ em

Thái Hạo

26-5-2023

Cuối năm học, thật lắm chuyện bi hài. “Học xuất sắc, nam sinh “bật khóc” trên bục giảng vì không có giấy khen” chỉ là một trong vô vàn thứ như thế.

Một bạn phóng viên gửi cho tôi bài báo có tiêu đề như trên, mở ra, thật bất ngờ, chuyện này xảy ra ở ngay chính quê tôi, Nghi Sơn (Thanh Hóa). Em học sinh này học giỏi, và còn là học sinh duy nhất thuộc khối 6 của trường đạt giải cao nhất toàn Thị xã trong kỳ thi học sinh giỏi môn toán.

Nhưng em vẫn không được giấy khen cuối năm, dù kết quả tổng kết cả năm đạt loại giỏi. Lý do thật lạ lùng: Do em học trước tuổi 1 năm (11 tuổi vào lớp 6), rồi lằng nhằng về giấy khai sinh, nên nhà trường không nhập dữ liệu điện tử cho em được! Và vì không nhập dữ liệu điện tử được nên không khen thưởng! Thế học sinh này rớt từ đâu xuống để đi thi học sinh giỏi của Thị xã? Còn nữa, việc không được khen thưởng này cũng không được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thông báo trước với phụ huynh và học sinh. Thật vô cảm.

Trường THCS Hải Hà nơi học sinh B.L. theo học. Nguồn: Báo Người Đưa Tin

Theo điều lệ trường học, học sinh được quyền học trước tuổi và cả học quá tuổi, vậy đâu có vướng mắc pháp lý gì về việc nhập học của em B.L để phải làm lại giấy khai sinh? Ngay cả việc gia đình không làm lại được giấy khai sinh cho em thì nhà trường cũng đâu cần phải đợi, sao không cứ ngày tháng thật của em mà nhập vào? Và nếu làm lại được giấy khai sinh thì có phải nhà trường đang tiếp tay cho sự dối trá?

Nhận học sinh vào học cả một năm trời, cho tham gia thi học sinh giỏi rầm rộ, rồi cuối năm thì vô thừa nhận. Hay thật!

Nhớ lại, ngày chúng tôi đi học, vì ở vùng quê nghèo và lạc hậu, lên đến lớp 5 rồi mà cả một lớp không ai có giấy khai sinh, sau đó cô giáo chủ nhiệm tự khai sinh cho luôn! Ngày sinh của tôi trong hồ sơ bây giờ là do cô giáo tự ghi, hầu hết chúng tôi đều thế cả mà vẫn đi học hết cấp này đến cấp khác, rồi ra trường đi làm, có sao đâu.

Nên nhớ, đi học là Quyền trẻ em đã được hiến pháp, Luật trẻ em, Luật giáo dục và Công ước quốc tế về quyền trẻ em khẳng định. Ngay cả một đứa trẻ vô gia cư nhặt được ở ngoài đường, không biết ngày tháng năm sinh quê quán thì cũng vẫn có quyền đi học như bao đứa trẻ khác. Hà cớ gì nhà trường này lại có lối ứng xử kỳ quặc như vậy?

Nay lấy lý do không nhập được dữ liệu điện tử để không khen thưởng cho một học sinh giỏi, “khiến em này tủi thân và bật khóc giữa lớp”, thì nhà trường này quá quan liêu và vô trách nhiệm.

Tôi vốn không khuyến khích chuyện đề cao và hám thành tích, nhưng bất bình với lối làm việc cẩu thả, thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm của cơ sở giáo dục này. Những đứa trẻ có khả năng đặc biệt mà học vượt thì không những không được làm khó các em mà ngược lại, phải hết sức trân trọng, bồi dưỡng và ươm mầm tài năng. Việc trường học nói trên đối xử thiếu nhân văn và trái giáo dục với một học sinh có thiên tư hơn người như thế, có thể khiến thui chột một tài năng và để lại những tổn thương, mặc cảm lâu dài cho em. Hậu quả là không thể lường hết được.

Mấy ngày qua, đã có đủ thứ chuyện bi hài cười ra nước mắt xung quanh ngày tổng kết năm học, giờ lại thêm việc này. Nhìn vào những người đang gánh vác nền giáo dục với mỹ từ “trồng người” nhưng quan liêu và vô cảm đến thế, mà không khỏi lo sợ cho những thế hệ tương lai…

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Dù sao nền giáo dục Đông Lào cũng trồng được những Đào Ngọc Dung, Bùi Văn Cường, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Hồng Diên…
    Rặt là những hiền tài cả đấy.

  2. Học sinh bên Campuchia có bị tình trạng này không nhỉ? Bên Campuchia, tài xế không gặp bất kỳ trạm thu phí BOT nào, giá thành ôtô, xe máy cũng rẻ hơn VN rất nhiều. Thế trẻ con bên Campuchia đi học, có phải đóng đủ thứ tiền đầu năm như trẻ bên VN không? Và trong dịch Covid 19 vừa qua, họ có tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân đầy “tự hào” và “ngạo nghễ” không nhỉ?
    Mà ông lãnh đạo Hunsen bên ấy có in sách của mình ra và dịch ra nhiều thứ tiếng để truyền bá tư tưởng vĩ đại của mình không nhỉ?

    • Rất chính xác . Việt Nam hãy học Cam học hỏi tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa vào Trung Quốc mà phát triển

  3. “đòm” hay “đoàng” thôi (tức là làm giáo dục, quan chức GD, mà như vậy thì đáng xử bắn).
    Chuyện kể: thầy Khổng Tử ở Trung Hoa dạy nhiều học sinh giỏi, trong đó có 3 người là Tử Lộ (chính trực, làm quan to), Nhan Hồi (xuất sắc, nhưng mất sớm), và Tử Cống (là bạn tâm giao, cùng thầy mở trường tư, kinh doanh phát đạt); thực ra nhiều đồng môn khác nối nghiệp thầy cũng mở trường tư nhưng trường của Tử Cống nổi tiếng nhiều học sinh theo học!!
    Cuối khóa, thầy Tử Cống băn khoăn không muốn trao bằng cho một người, vì e rằng không xứng đáng, sẽ ảnh hưởng danh tiếng nhà trường. Hiệu trưởng Tử Cống hỏi thầy Khổng Tử: người như vậy sau này làm kinh doanh có thể làm hại người khác không? Khổng Tử nói: đừng lo, cùng lắm là một ngành một nghề một doanh nghiệp thôi mà. Vậy nếu làm quan thì có hại dân hại nước không? Cũng đừng lo, vì nhiệm kỳ có hạn, vả lại chưa chắc đã làm quan to được. Rồi thầy Tử Cống hỏi thêm: nếu làm GD thì sao? Mở trường tư làm hiệu trưởng chẳng hạn (cạnh tranh với ta!!), hay là làm quan chức GD? Lúc này thầy Khổng Tử không thể bình tĩnh được nữa: nguy quá, như vậy di hại về sau lớn lắm, lại đến nhiều đời. Nhất định không được cho tốt nghiệp nhé! Hết.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây