Đồng hương đồng khói…

Thái Hạo

14-5-2023

Trên báo Người Lao Động, một chủ nhà trọ (có khoảng 50 người ở nhiều tỉnh khác nhau thuê ở) kể rằng: nội trong dãy trọ của ông thôi cũng có đến dăm cái hội đồng hương, có hội chỉ 2 người! Họ để ý nhau, dò xét nhau, chê bai nhau, và cuối cùng là chửi nhau, đánh nhau.

Việt Nam có lẽ là cường quốc về “hội đồng hương”: nào là đồng hương tỉnh, đồng hương huyện, đồng hương xã, lũy thừa lên có lẽ phải đến hàng vạn. Việc chính của các hội này là mỗi năm cố gắng tập hợp lại ăn nhậu một lần, rồi kéo nhau đi tăng 2 tăng 3, tăng 4…; xong thì ai về nhà nấy, năm sau lại làm một trận nữa. Cứ thế, và hết.

Có lẽ “hội đồng hương” là một đặc sản Việt Nam, vì hình như Tây chẳng có cái hội ấy. Chúng ta đều biết người Trung Quốc ở Việt Nam từ mấy trăm năm đến nay đều có các hội quán. Thoạt nghe thì có vẻ giống “hội đồng hương” đậm đà bản sắc văn hóa kiểu ta; nhưng không, tổ chức và hoạt động của nó khác hẳn.

Hội quán người Hoa ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới là những cơ sở có tính chất tôn giáo/tín ngưỡng, nhưng quan trọng hơn đó là những tổ chức xã hội với hoạt động thiết thực và có ý nghĩa to lớn đối với công việc buôn bán, làm ăn và giữ gìn văn hóa. Họ có Bang trưởng/hội trưởng, thường xuyên hội họp, “hoạch định chính sách”, giải quyết các vấn đề phát sinh và thúc đẩy ảnh hưởng ở nơi tha hương. Chính vì những hội quán này mà người Hoa ở đâu cũng nổi tiếng đoàn kết, buôn bán giỏi và giàu có.

Hội đồng hương của ta thì được xây dựng trên “lòng tự hào” để ngạo nghễ và lắm lúc để chứng tỏ…ta rất đông. Rồi làm thành thanh thế cục bộ, đặc biệt là trong các vụ đánh lộn nơi đất khách.

Bên cạnh “hội đồng hương” là “hội học sinh”, cũng trùng trùng điệp điệp, và chả biết làm gì ngoài mỗi năm “họp lớp” một lần để… nhậu. Tôi từng bị add vào mấy cái nhóm kiểu nầy trên zalo, tò mò coi họ nói chuyện gì. Áo lớp, quỹ, và ăn nhậu, hết. Tuyệt nhiên không ai chia sẻ về phương pháp giáo dục con cái hay những vấn đề nhức nhối trong nhà trường; những chuyện xã hội nước sôi lửa bỏng hằng ngày ảnh hưởng trực tiếp tới miếng cơm manh áo hay quyền lợi của mình, họ cũng chẳng bao giờ màng tới.

Hội đoàn dân sự là hạt nhân, là cơ sở trọng yếu làm cốt lõi cho một xã hội, ở đó sẽ cất lên tiếng nói và đòi hỏi các quyền dân sự, quyết định chiều hướng vận động và tốc độ văn minh của cái xã hội ấy; nhưng ở ta thì ngoài lập ra để tự hào một cách tội nghiệp thì niềm vui duy nhất của nó là đánh chén.

Vụ lùm xum giữa cái Hội đồng hương nọ với một cô ca sĩ mấy ngày qua khiến tôi tò mò muốn biết vì sao lại có một cái hội đồng hương “mạnh” đến thế. Thấy cách đây mấy năm, trong một đợt đại hội, họ quyên góp được tới 33 tỉ đồng để làm từ thiện. Tốt quá. Lên báo tìm hiểu thì thấy các nhân vật chủ chốt của Hội này phần lớn là quan chức cấp cao đương quyền hoặc đã về hưu, và cuộc “gặp gỡ” là với các doanh nhân đồng hương thành đạt. Tiền nhiều và thanh thế lừng lẫy cũng phải thôi.

Nhưng xem cái cách mà người ta giải quyết vụ lùm xum mới thật cám cảnh. Một thỏa thuận mồm thiếu chuyên nghiệp với ca sĩ, vì trục trặc mà không tiến hành được, thế là cái ông trưởng ban (?) tung tin lên mạng xã hội, đưa ra con số 86 triệu mà chẳng có bằng chứng gì, lôi kéo hàng nghìn bình luận chửi bới, xúc phạm và hạ nhục người khác. Chưa chứng minh được ca sĩ xấu xa như thế nào nhưng đã tự vạch chiếc áo văn hóa lên cho thiên hạ “xem lưng”. Thật cám cảnh.

Từ xưa, người Việt đã có một cách nói rất thú vị, là “đồng hương đồng khói”, giống như hiện tượng “iếc hóa”, để thể hiện tính suồng sả, cười cợt, chả lấy gì làm nghiêm trang và coi trọng cả. Thế hóa ra, từ rất lâu rồi, người Việt mình đã cảm nhận và nhìn thấy được cái sự nhiêu khê và nhạt nhẽo của mấy cái hội thường nhân danh quê quán “địa linh nhân kiệt” này rồi ư? Hai cái chữ “hương khói” thật thần tình, tài, tài đến thế là cùng!

Bình Luận từ Facebook