Tranh luận này sớm muộn phải xảy ra, và nó nên xảy ra

Lê Nguyễn Duy Hậu

11-5-2023

Chắc bạn bè mình ai làm luật sư cũng hiểu trải nghiệm phải gọi điện thoại lên hỏi cơ quan Nhà nước về một vấn đề pháp luật nào đó. Thông thường nếu cơ quan Nhà nước biết người hỏi là luật sư thì sẽ… không trả lời, hoặc trả lời kiểu có như không như “về đọc lại điều XYZ” và kèm theo một câu kháy kiểu “luật sư mà không biết luật à”. Còn nếu luật sư giấu được thân phận (thông thường là giả làm doanh nghiệp) thì sẽ nhận được tư vấn chi tiết hơn. Tất nhiên, cũng có lúc may mắn thì bọn mình nhận được hướng dẫn chi tiết và cởi mở hơn của cán bộ mà không cần phải giả dạng.

Ít nhất đó là trải nghiệm của mình và nhiều bạn nữa. Ngoài ra cũng hiểu rằng việc giải đáp thắc mắc qua điện thoại không hẳn nằm trong chức phận của cán bộ Nhà nước, nhưng việc cởi mở với các câu hỏi hoàn toàn giúp giảm công việc cho họ khi không phải giải quyết các bộ hồ sơ không đúng. Thực tế thì đây là câu chuyện hai bên cùng thắng. Hiểu như vậy nên nhiều cơ quan đã tổ chức các bộ phận tuyên truyền để chuyên giải đáp thắc mắc, nhưng đây không phải là số nhiều.

Thực tế thì luật sư gọi điện hỏi cơ quan Nhà nước không phải vì luật sư không biết luật thành văn nói gì, mà đơn giản là họ gặp vấn đề y như những gì ông Mãi trình bày bên dưới. Trước khi gọi điện thoại hỏi thì luật sư cũng đã phải nghiên cứu vấn đề rất nhiều lần và có quan điểm của mình. Cái chính rằng họ không thể chắc quan điểm của mình có phù hợp với quan điểm của chính cán bộ giải quyết không. Mà việc nhiều cán bộ có quan điểm khác nhau, hay cùng một cán bộ có quan điểm khác nhau tùy theo ngày… không phải là hiếm ở Việt Nam. Vì vậy, vì lợi ích cao nhất của khách hàng, luật sư cũng phải hỏi.

Ảnh trên mạng

Nhưng mình cũng có một quan sát giống ông Mãi đó là nhiều khi câu trả lời, kể cả bằng văn bản, của cơ quan Nhà nước cũng… không giúp ích được gì. Câu trả lời rằng “về xem lại điều XYZ” hoặc “thực hiện đúng quy định pháp luật” là câu trả lời vừa lười biếng, vừa không hiểu bản chất của vấn đề. Không có một hệ thống pháp luật nào trên đời này có thể tự tin nói rằng luật của tôi rõ ràng, cứ đọc vào là hiểu, và không cần sự diễn giải. Trước đây, mình từng nghĩ một điều luật mà hai người đọc vào có hai ý kiến khác nhau là một điều luật dở. Nhưng bây giờ mình cho rằng một điều luật mà chỉ có hai cách hiểu đã là điều luật tốt lắm rồi vì thực tế là nó phức tạp hơn vậy nhiều. Các quốc gia giải quyết vấn đề này bằng cách trao cho một cơ quan cụ thể nào đó quyền diễn giải pháp luật và sự diễn giải là công khai và có thể tra cứu được – chẳng hạn như Mỹ là các cơ quan tư pháp. Nhờ đó mà các nhân tố khác trong hệ thống pháp luật cũng tự tin hơn khi áp dụng pháp luật. Ở Việt Nam, tuy quyền giải thích pháp luật nằm trong tay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp, nhưng cơ quan này lại quá ít khi sử dụng quyền lực này (trước 2005 hình như chỉ 1 lần, giải thích một điều khoản của Luật Thương Mại cũ, vài ngày trước khi nó hết hiệu lực) và thủ tục yêu cầu cơ quan này giải thích lại quá mất thời gian, rắc rối. Kết quả là các diễn giải mang tính bán chính thức dưới dạng công văn của các Bộ, ban, ngành phụ trách vẫn hết sức phổ biến (tuy nó không phải là văn bản pháp luật) và cực kỳ thiếu tiếp cận. Điều này dẫn đến việc nếu ai có công văn giải thích trong tay thì họ có lợi thế về mặt thông tin, và đây là điều rất không nên trong một môi trường pháp luật lành mạnh.

Nói dông dài nãy giờ là để mình bày tỏ rằng cái tranh luận dưới đây của Sài Gòn và Bộ KH&ĐT là sớm muộn phải xảy ra, và nó nên xảy ra. Mình tin rằng với thực tế Việt Nam, chỉ khi một vấn đề được đẩy lên đến tầm mức cơ quan Nhà nước tranh luận với nhau như vậy thì mới có động lực giải quyết, bất chấp việc vấn đề này đã tồn tại gần 20-30 năm nay.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “vấn đề này đã tồn tại gần 20-30 năm nay”

    Ah, dấu ấn của Tiến sĩ Nguyễn Đình Tụng .

    Thôi thì thế này, Đảng nên theo lời của Luật sư Đặng Đình Mạnh, Đổi Đúng như thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Đồng í . Mọi thứ đều rõ ràng; trắng-đen, tốt-xấu, đúng-sai, địch-ta, ban ngày-ban đêm … Chớ thời Xuyên Quyền Thế nhờ nhờ & nhầy nhụa bây giờ đủ làm thiên hạ ớn tới tận cổ rùi

    Nói gì thì nói, chỉ cần nghe theo lời khuyên của những người như Trịnh Hữu Long, Phạm Đoan Trang, Lê Nguyễn Di Họa … là dù gì cũng phải tôn trọng pháp luật, Thế là đủ gòi

  2. Tranh luận này sớm muộn phải xảy ra, và nó nên xảy ra!!!
    Đó là cái tên của bài.
    Theo bài viết này, đó là tranh luận để thống nhất cách hiểu Luật ở các nước CS từ 1917 đến nay.
    Khốn nỗi, ở các nước CS thì làm gì có diễn đàn để tranh luận về Luật do CS đặt ra?
    Ví dụ, quyền sở hữu (là quyền con người) khi CS “vận dụng” vào Luật Đất Đai thì dân (nuôi ĐCS) chỉ còn nhõn quyền sử dụng đất mà thôi.

    Liệu CS (mọi nước) có cho dân thảo luận thế nào là “tự do ngôn luận” hay không? Nhưng chúng cứ đưa tự do ngôn luận vào Hiến Pháp, đồng thời vẫn ban hành Luật trừng trị ai “lợi dụng quyền tự do ngôn luận”.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây