Không thể dùng ‘bạo lực cách mạng’ để bịt miệng nhân dân

Blog VOA

Trân Văn

15-4-2023

Dẫu hệ thống tư pháp (công an – khởi tố, điều tra, kiểm sát – truy tố, tòa án – xét xử) cùng nhất trí rằng ông Thắng đã “chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhưng rất nhiều công dân của Cộng hòa XHCN VN lại không đồng tình với việc hệ thống tư pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam thực thi “pháp chế XHCN”.


Ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, Kỹ sư xây dựng – một trong những người thường nêu ý kiến cá nhân về những vấn đề đáng phải bận tâm – vừa bị Tòa án thành phố Hà Nội tuyên phạt sáu năm tù vì “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam(1).

Đáng chú ý là dẫu hệ thống tư pháp (công an – khởi tố, điều tra, kiểm sát – truy tố, tòa án – xét xử) cùng nhất trí rằng ông Thắng đã “chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) nhưng rất nhiều công dân của Cộng hòa XHCN Việt Nam lại không đồng tình với việc hệ thống tư pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam thực thi “pháp chế XHCN”.

Đó là lý do tuần này, mạng xã hội Việt ngữ xảy ra tình trạng mà ông Thông Đặng gọi là “đỏ đèn” và nhấn mạnh đây là “hiện tượng cực kỳ thú vị” vì “thường thì những người tôi follow trên facebook có những quan tâm khác nhau nên bài viết của họ không trùng nhau về chủ đề, còn khi trùng nhau về chủ đề thì đôi lúc họ lại tranh cãi rất nảy lửa, đến độ tôi nghĩ họ khó có thể tìm được tiếng nói chung về bất cứ vấn đề gì, vậy mà đối với vụ Nguyễn Lân Thắng, tất cả đã có một sự đồng thuận tuyệt đối. Sự đồng thuận này nói lên nhiều điều, là hiếm thấy và thật đáng quý(2).

Ông Thông Đặng đã lược thuật ý kiến của nhiều người, thuộc nhiều giới khác nhau như Nguyễn Ngọc Chu, Chu Mộng Long, Mạc Văn Trang, Hoàng Dũng… các Giáo sư, Tiến sĩ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Đỗ Trọng Khơi, Lưu Trọng Văn, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Thụy Hưng, Nguyễn Quang Lập, Huỳnh Ngọc Chênh, Thái Hạo, Tạ Duy Anh, Phạm Lưu Vũ, Trần Thanh Cảnh, Thái Bá Tân, Bùi Chí Vinh, Đoàn Bảo Châu,… để chứng minh sự đồng thuận tuyệt đối đó là Nguyễn Lân Thắng vô tội và không thể nào sử dụng “bạo lực cách mạng” để bịt miệng nhân dân.

***

Trong số những bạn đồng hành của Nguyễn Lân Thắng, có người như Nguyễn Chí Tuyến viết thế này: Này người anh em, chỉ vài giờ nữa là họ đưa người anh em ra “xử kín” với tội danh “chống nhà nước”. Nghĩ tới mấy từ này là tôi lại bật cười. Tôi cười vì họ có đầy đủ mọi thứ trong tay, họ có cả hệ thống quyền lực trong tay mà sao lại e dè, rón rén đến như vậy. Phàm ở đời, chỉ có làm việc gì khuất tất mới phải “kín”, chứ đường đường chính chính ai lại thế, phỏng ạ!

À mà thôi, việc họ cứ để họ diễn. Mình nói về chuyện của mình thôi. Ta sinh ra không phải là anh em (theo huyết thống) mà chỉ là những người xa lạ trong xã hội. Vậy ta quen biết nhau từ khi nào nhỉ? À, khà khà, mùa hè đỏ lửa 2011. Nhoắng cái đã gần 12 năm rồi đấy, chưa đầy một tháng nữa là tròn 12 năm. Người ta nói 60 năm cuộc đời, lục thập hoa giáp. Vậy là cũng một giáp, 1/6 cuộc đời rồi, chưa lâu nhưng cũng chẳng ngắn, nhỉ! Quan trọng là trong thời gian đó chính là quãng đời sôi động, đầy ắp những cung bậc cảm xúc với biết bao sự kiện dồn dập cuốn chúng ta vào khiến chúng ta có khi còn chẳng kịp nhìn lại.

Gặp nhau trên những đường phố Hà Nội, rồi tiếp theo là những Văn Giang, Dương Nội, Hà Nam, Formosa, Đồng Tâm… những chuyến lên rừng và xuống biển, những đồn công an, những sân bóng đá. Quá nhiều chuyến đi, quá nhiều kỷ niệm, kể sao cho hết được, phải không người anh em. Những cuộc chém gió, những vụ cãi cọ chê nhau “ếch nhựa” hay sao không mặc áo “tàng hình” ha ha ha.

Tất cả những việc chúng ta làm, tuỳ vào góc nhìn và quan điểm mà người đời gọi chúng ta là những kẻ ngu ngơ, ngốc nghếch, ngang ngược hay ngạo nghễ. Mặc kệ đời, cái quan trọng là chúng ta được sống như chính con người của chúng ta. Người đời đặt câu hỏi: Làm vậy để làm gì? Danh tiếng? Tiền bạc? Lợi ích? Thật khó trả lời trọn vẹn, người anh em nhỉ. Chỉ biết rằng chúng ta làm vậy chỉ vì chúng ta sống đúng với lương tâm, trách nhiệm và nhận thức của mình để cảm thấy trong lòng thanh thản. Cái khó nhất chẳng phải là chiến thắng chính bản thân mình, là đối diện với chính bản thân mình, phải vậy không!

Nhiều người nói, chúng ta như châu chấu đá xe, chẳng làm nên cơm cháo gì được đâu. Ồ, chúng ta có đấu đá ai, tranh giành gì của ai đâu nhỉ. Chúng ta chỉ hành động theo lương tâm mách bảo, nói ra những suy nghĩ, những khát khao, những ước vọng chẳng nhẽ cũng không được sao? Hay cứ phải âm thầm mà sống, lầm lũi mà sống, bịt tai, bịt mắt lại mà sống. Sống như vậy đâu phải là sống. Thôi kệ, mỗi người một nhân sinh quan, mỗi người có lựa chọn sống của riêng mình. Chúng ta đã lựa chọn con đường đầy chông gai và gian khó thì cùng nhau vững bước đi đến cuối con đường, vậy thôi!

Tôi vừa mới ngẫm, chúng ta giống như những con đom đóm nhỏ nhoi, xin tặng người anh em: Đom đóm lập loè sáng tự thân. Giúp cho ai đó những khi cần. Đồng không quạnh vắng đêm mù mịt. Mong đủ giúp người chẳng vấp chân… Có lẽ với chúng ta, những xung đột về quan điểm sống giữa các thành viên trong đình mà tôi vẫn nói vui là “cuộc chiến quanh mâm cơm” là trở ngại tiêu tốn nhiều sức lực của chúng ta nhất. Vậy nên, chỉ cần được nghe “sinh ra đã là anh em” và “chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con mình”, thế là đủ, phải không người anh em!

Anh chị em chúng ta, những ai vướng vòng lao lý, về phần đối với gia đình đành thất lễ với người thân. Không báo hiếu khi cha già, mẹ héo và không được đồng hành cũng như chứng kiến những đứa con của mình khi chúng lớn lên từng ngày. Đó là những thiệt thòi mà chúng ta phải gánh chịu. Mong người thân của mỗi chúng ta hiểu và thông cảm phần nào cho chúng ta. À, bạn Đậu leo núi giỏi lắm nhé. Các bác còn chạy bở hơi tai mới theo kịp đấy. Sinh ra chưa phải là anh em nhưng đã bước chung con đường thì đồng cam cộng khổ cùng giúp nhau đi hết con đường! Thế nhỉ, người anh em! Trời sắp sáng rồi (4)!

Và có những người “suy nghĩ khác” với Nguyễn Lân Thắng đến mức bị ông Thắng hiểu nhầm rồi “block” như Dương Quốc Chính, viết thế này: Mình vẫn ủng hộ quyền được lên tiếng, được phản biện xã hội, chính sách, chính quyền của nhóm anh Thắng. Không thể bị bỏ tù vì những hành vi ôn hòa, nếu những hành vi đó được cho là bôi nhọ, xúc phạm, thì nên phải được xử lý từ nhẹ đến nặng. Từ xử lý hành chính, phạt tiền, để răn đe trước khi dùng những biện pháp cứng rắn, hình sự, nếu đối tượng tái phạm. Những hành vi ôn hòa này không cần phải cách ly khỏi cộng đồng.

Triết học Mác Lê có viết: mâu thuẫn là nguồn gốc vận động phát triển của sự vật hiện tượng. Mâu thuẫn chỉ có thể giải quyết bằng con đường đấu tranh. Vì vậy, chế độ muốn phát triển, tiến bộ thì ắt phải có những người đấu tranh, phản biện thì chính quyền mới có thể nhìn vào đó mà điều chỉnh hành vi, mới có thể trường tồn. Nếu chính quyền chỉ lo đàn áp mà không điều chỉnh thì ắt sẽ dẫn tới diệt vong. Đảng CSVN và chế độ hiện tại nếu không kịp thời điều chỉnh thì cũng chết cùng đại ca Liên Xô và Đông Âu rồi. Động lực để điều chỉnh đến từ nhiều phía nhưng động lực chính vẫn từ thành phần ngoài đảng, vì họ mới không bị ràng buộc để tự do phản biện. Thế nên “những thằng mặt giặc” này là rất có công với chế độ, hơn anh em bò đỏ chỉ biết bợ đỡ nâng bi chế độ nhiều, chỉ cần họ ôn hòa và có lý lẽ.

Nhiều anh em thiện lành hay bò đỏ cho rằng những thằng bất mãn, thất bại, mới sinh ra phản động. Nếu áp vào anh Thắng, anh Cù Huy Hà Vũ, anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, anh Lê Công Định, anh Trần Huỳnh Duy Thức… đều rất sai. Bởi vì rõ ràng họ có một nền tảng tốt về quan hệ gia đình, thậm chí đang có danh tiếng về chuyên môn, nên không thể bất mãn hay thất bại được. Đó là sự ngụy biện thô thiển để tấn công cá nhân thôi...

Dương Quốc Chính nhấn mạnh: Tóm lại, mình tôn trọng cả quyền ủng hộ hay không ủng hộ anh Nguyễn Lân Thắng. Nhưng ủng hộ hay không ủng hộ chỗ nào thì cũng phải có suy xét và nhận thức chính trị cho phù hợp. Mình thì đang đánh giá thuần lý tính vì mình không có quan hệ gì với nhóm anh Thắng, quan điểm cũng nhiều chỗ khác biệt. Nhận thức sai sẽ dẫn tới lựa chọn sai, làm ảnh hưởng đến xã hội, đến cả tương lai của con cháu mình. Thế nào là hành vi có ích cho đất nước thì không phải ai cũng có khả năng nhận thức được. Đừng tưởng cứ chăm chỉ tập trung vào chuyên môn là có ích cho đất nước. Nhiều khi chỉ là có ích cho bản thân mà thôi (5).

***

Quyết định khởi tố – truy tố và xét xử ông Nguyễn Lân Thắng theo hình thức “xử kín” (sẽ bàn riêng vào lúc khác) không chỉ có những phân tích phải – trái, thiệt – hơn như vừa dẫn. Phản ứng của công chúng thuộc giới bình dân đối với phán quyết sáu năm tù, theo sau là hai năm quản chế dành cho Nguyễn Lân Thắng cũng rất… bình dân. Phần lớn gói gọn trong tiếng chửi thề dành cho tòa án. Có thể vì thế mà mới đây, Lê Đức Dục nửa đùa, nửa thật trên facebook: Xin nhắc nhẹ anh em là tòa không có mẹ nha nha nha (6)

Chú thích

(1) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/bi-cao-nguyen-lan-thang-bi-tuyen-phat-6-nam-tu-vi-toi-chong-nha-nuoc-i689809/

(2) https://www.facebook.com/thong.dang.902/posts/pfbid02jjz1Jat91rb5Y4vbaqvaSyiBQJyJxTyCipcXXNMQg4oHFaNVEfvXcn6c7EegSWKQl

(3) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid0JpNU2KzfTZEhCDevHAErX7ZgJ3qpgrqUtkvMwdPJKhAFUpHtxeBR8pdMUUj4MpFpl

(4) https://www.facebook.com/son.thanh.549668/posts/pfbid02Dg1QjRADinQZcinzZ5Ljhg1RBNHs6bPLffED5ABFY2Q954HJXNUg5F8YN9sXBwrrl

(5) https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.kts/posts/pfbid02qoRPjXynfvdFGeY7gdt8goq6nvqUPrw3UjsKAF1ZPZisffHL8wB2WA34AqyRySmil

(6) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/pfbid0oixtqggjnqGCjNF39n7d6oKPZYURCrBf8CXRqpxS9vA3k3J9wVtS5EJk7kXZbXQ2l

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Các phiên tòa xử những người như anh Nguyễn Lân Thắng hay chị Phạm Đoan Trang không dựa trên cơ sở những gì gọi là công lý hay pháp quyền. Nó đơn giản chỉ là cách một chế độ cũ, một hệ thống cũ, một hệ giá trị cũ áp chế bạo quyền lên những con người mới, những vị sứ giả của tương lai, những vị thiên sứ báo tin mừng về một xã hội mới, một hệ giá trị mới đang âm thầm nhưng mạnh mẽ đâm chồi giữa chúng ta.

    “Tự do – dân chủ – pháp quyền”, những giá trị cốt lõi mà những người như anh Nguyễn Lân Thắng, chị Phạm Đoan Trang khao khát, có thể vẫn còn xa lạ với đời sống thường ngày của nhiều (thậm chí đa số) người dân Việt Nam bây giờ, nhưng đó lại là những giá trị hết sức thực tiễn, gắn bó mật thiết với cuộc sống mưu sinh hàng ngày cũng như tương lai bền vững của từng người dân và tất cả người dân.

    Các vị đại gia, quan chức mới bị xộ khám thời gian gần đây có lẽ chính là những người thấm thía nhất điều này. Bởi trong một hệ thống khác, ở một nơi khác, khi “tự do – dân chủ – pháp quyền” hiện diện đầy đủ, có thể họ đã không phải chịu cảnh ngục tù đày ải như ngày hôm nay.
    Họ trước đây, cũng như nhiều (thậm chí đa số) người dân Việt Nam bây giờ không hiểu (có khi còn lên án, thậm chí kịch liệt lên án) những giá trị cốt lõi mà những người như anh Nguyễn Lân Thắng, chị Phạm Đoan Trang khao khát, nhưng điều đó, cũng như chính các phiên tòa phi nghĩa đã xét xử anh Thắng, chị Trang, chỉ càng làm tôn thêm vẻ đẹp, sự rạng ngời của các anh chị mà thôi.

    Mạng Xã Hội

  2. Học Giả: Thái Bá Tân

    “Tôi long trọng xin hứa
    Trước bà con cộng đồng,
    Khi cộng sản sụp đổ
    Tôi là người xung phong

    Làm anh phụ hồ nhỏ,
    Làm việc không nghỉ ngơi,
    Xây tấm bia thật lớn,
    Lưu danh cho muôn đời

    Tên các quan cộng sản
    Đã cướp đất của dân,
    Để chúng bị ném đá
    Và nguyền rủa nghìn lần”.

    NGUỒN MẠNG.

  3. Thi Sĩ: Trần Mạnh Hảo.

    “……………………………

    Có nơi đâu trên thế giới này
    như Việt Nam hôm nay
    Yêu nước là tội ác
    biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt ?

    Các anh hùng dân tộc ơi !
    Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi !
    nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt !
    ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc ?

    sao vua Trung Hoa lại chiếm nước Trung Hoa :
    “ Bên kia biên giới là nhà
    Bên đây biên giới cũng là quê hương !”
    Thơ Tố Hữu năm nào từng xóa dấu biên cương !

    Đường ra biển dân tộc ta đang bị tắc
    Phải giành lại Hoàng Sa từ anh bạn Thiên triều
    tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt !
    Tổ Quốc yêu Người phải lấy máu mà yêu !”

    Trích từ Nguồn Mạng.

  4. Học Giả Thái Bá Tân.

    Người bất đồng chính kiến,
    Chỉ trích nhà nước mình
    Là những người yêu nước,
    Dám chấp nhận hy sinh.

    Lên tiếng nói phản biện
    Là biểu hiện tối cao
    Của tinh thần yêu nước,
    Yêu quốc dân đồng bào.

    Khi chính quyền sai trái,
    Mà người ta lặng thinh,
    Tức người ta đồng lõa
    Phản bội đất nước mình.

    Nguồn Mạng.

Comments are closed.