Nguyễn Lân Thắng

Trịnh Hữu Long 

11-4-2023

Nguyễn Lân Thắng bắt đầu hoạt động xã hội năm 2011, khi mỗi vụ án chính trị là một sự kiện nóng, thu hút rất nhiều dư luận quan tâm. Giờ đây, khi anh chuẩn bị ra toà vào ngày mai trong vụ án chính trị của riêng mình thì câu chuyện của anh chìm nghỉm trong vô số dòng thác thông tin cuồn cuộn chảy trên mạng.

Án chính trị giờ đây trở thành chuyện cơm bữa. Mọi thứ đã tệ hơn rất nhiều so với năm 2011.

Rất nhiều luật lệ cũ cũng đang bị phá vỡ.

Không những các nhà bất đồng chính kiến như anh Thắng bị bỏ tù, mà giờ đây lãnh đạo các tổ chức NGO có đăng ký cũng xộ khám.

Các đại gia thét ra lửa một thời, tưởng như không bao giờ bị đụng tới, nay cũng lũ lượt kéo nhau vào tù, nhiều người còn chết trong trại tạm giam chứ không chờ được tới ngày xử án.

Rồi việc làm quan – một thời cũng tưởng như không bao giờ bị ai đụng tới và sẽ luôn luôn có thể ăn tiền trắng trợn rồi “hạ cánh an toàn” – nay cũng trở thành nghề nguy hiểm. Xin vào nhà nước, vào biên chế giờ đây không còn là lựa chọn đầy triển vọng như 20 năm trước nữa.

Xã hội đang thay đổi chóng mặt chỉ trong chục năm, hai chục năm. Một trật tự mới đã hình thành, xoá nhoà các ranh giới cũ.

Nhưng, có một loại ranh giới đã được nới rộng ra, đó là ranh giới ngôn luận, không phải vì chính quyền cho phép, mà vì rất nhiều người dân đã thực hành những ngôn luận chính trị mới.

Nguyễn Lân Thắng sẽ luôn được nhớ tới như một trong những người can đảm đứng vào giữa những ranh giới ngôn luận cũ và bằng tiếng nói quyết liệt của mình đã góp phần cơi nới không gian tự do cho chúng ta. Anh là một trong những gương mặt nổi bật nhất của một thế hệ nhà hoạt động.

Người ta sẽ nhớ rằng anh đã lăn xả chụp những bức hình đáng giá trong rất nhiều cuộc biểu tình, đã lặn lội về Văn Giang để chụp những khoảnh khắc lịch sử của cuộc cưỡng chế đất trong không khí khủng bố năm 2012, đã rong ruổi đi vận động quốc tế ở nước ngoài năm 2013, và bằng kênh Facebook của mình lên tiếng cho những người thấp cổ bé họng suốt hơn chục năm qua.

Tôi quen biết anh vì cả hai cùng bắt đầu hoạt động năm 2011 ở Hà Nội. Rất nhiều bức hình đẹp của tôi trong cuộc biểu tình đó là do anh chụp. Ngày anh ra toà, tôi biết nói gì đây? “Tự do cho Nguyễn Lân Thắng”? Cũng được nhưng nói nhiều thành sáo mòn. “Mong anh bình an”? Bình an làm sao khi ở trong tù. Tôi chỉ tin chắc là anh rất bình tâm.

Xưa người ta hay nói “chế độ có tồn tại được 5-10 năm nữa không mà tuyên án người ta chừng ấy năm?” Tôi không có cơ sở để đánh giá những tuyên ngôn ấy. Những người như Lân Thắng hay Đoan Trang biết việc họ làm là đúng. Có lẽ với họ chỉ cần vậy là đủ.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Các phiên tòa xử những người như anh Nguyễn Lân Thắng hay chị Phạm Đoan Trang không dựa trên cơ sở những gì gọi là công lý hay pháp quyền. Nó đơn giản chỉ là cách một chế độ cũ, một hệ thống cũ, một hệ giá trị cũ áp chế bạo quyền lên những con người mới, những vị sứ giả của tương lai, những vị thiên sứ báo tin mừng về một xã hội mới, một hệ giá trị mới đang âm thầm nhưng mạnh mẽ đâm chồi giữa chúng ta.

    “Tự do – dân chủ – pháp quyền”, những giá trị cốt lõi mà những người như anh Nguyễn Lân Thắng, chị Phạm Đoan Trang khao khát, có thể vẫn còn xa lạ với đời sống thường ngày của nhiều (thậm chí đa số) người dân Việt Nam bây giờ, nhưng đó lại là những giá trị hết sức thực tiễn, gắn bó mật thiết với cuộc sống mưu sinh hàng ngày cũng như tương lai bền vững của từng người dân và tất cả người dân.

    Các vị đại gia, quan chức mới bị xộ khám thời gian gần đây có lẽ chính là những người thấm thía nhất điều này. Bởi trong một hệ thống khác, ở một nơi khác, khi “tự do – dân chủ – pháp quyền” hiện diện đầy đủ, có thể họ đã không phải chịu cảnh ngục tù đày ải như ngày hôm nay.
    Họ trước đây, cũng như nhiều (thậm chí đa số) người dân Việt Nam bây giờ không hiểu (có khi còn lên án, thậm chí kịch liệt lên án) những giá trị cốt lõi mà những người như anh Nguyễn Lân Thắng, chị Phạm Đoan Trang khao khát, nhưng điều đó, cũng như chính các phiên tòa phi nghĩa đã xét xử anh Thắng, chị Trang, chỉ càng làm tôn thêm vẻ đẹp, sự rạng ngời của các anh chị mà thôi.

    Mạng Xã Hội

  2. Thi Sĩ: Trần Mạnh Hảo.

    Những ngày này
    Tổ Quốc là cá nằm trên thớt
    Tổ Quốc là con giun đang bị xéo quằn
    giặc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa

    Biển Đông bị bóp cổ
    Sóng bạc đầu nhe nanh sư tử
    biển đập nát bờ
    Hồng Hà, Cửu Long giãy giụa thở ra máu

    Tuổi trẻ mít -tinh
    đả đảo Trung Quốc xâm lược !
    Sông Bạch Đằng tràn lên phố biểu tình
    Sông Bạch Đằng bị bắt

    ải Chi Lăng theo tuổi trẻ xuống đường
    ải Chi Lăng bị bắt
    gò Đống Đa nơi giặc vùi xương
    sẽ bị bắt nếu biểu tình chống giặc !

    Có nơi đâu trên thế giới này
    như Việt Nam hôm nay
    Yêu nước là tội ác
    biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt ?

    Các anh hùng dân tộc ơi !
    Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi !
    nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt !
    ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc ?

    sao vua Trung Hoa lại chiếm nước Trung Hoa :
    “ Bên kia biên giới là nhà
    Bên đây biên giới cũng là quê hương !”
    Thơ Tố Hữu năm nào từng xóa dấu biên cương !

    Đường ra biển dân tộc ta đang bị tắc
    Phải giành lại Hoàng Sa từ anh bạn Thiên triều
    tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt !
    Tổ Quốc yêu Người phải lấy máu mà yêu !

    Nguồn Mạng.

  3. “Tôi long trọng xin hứa
    Trước bà con cộng đồng,
    Khi cộng sản sụp đổ
    Tôi là người xung phong

    Làm anh phụ hồ nhỏ,
    Làm việc không nghỉ ngơi,
    Xây tấm bia thật lớn,
    Lưu danh cho muôn đời

    Tên các quan cộng sản
    Đã cướp đất của dân,
    Để chúng bị ném đá
    Và nguyền rủa nghìn lần”.

    NGUỒN MẠNG.

  4. Sống trong xã hội rắn
    Mà có trái tim mềm –
    Thì đó là dũng cảm,
    Không phải sự yếu hèn.

    Giữa những người giả dối
    Mà anh sống thật thà –
    Đó không phải lập dị,
    Mà là sự thăng hoa.

    Giữa bầy cừu im lặng
    Mà một con kêu to –
    Thì đó là tiếng nói
    Đòi dân chủ, tự do.

    Tiếng kêu ấy quí lắm.
    Kêu hộ cho người dân.
    Ừ, có thể tự sát,
    Nhưng lúc này rất cần.

    NGUỒN MẠNG

  5. Sống trong xã hội rắn
    Mà có trái tim mềm –
    Thì đó là dũng cảm,
    Không phải sự yếu hèn.

    Giữa những người giả dối
    Mà anh sống thật thà –
    Đó không phải lập dị,
    Mà là sự thăng hoa.

    Giữa bầy cừu im lặng
    Mà một con kêu to –
    Thì đó là tiếng nói
    Đòi dân chủ, tự do.

    Tiếng kêu ấy quí lắm.
    Kêu hộ cho người dân.
    Ừ, có thể tự sát,
    Nhưng lúc này rất cần.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây