Linh Nghiệm của cuộc đời (phần 2)

Pro&Contra

Phạm Đình Trọng

4-3-2023

Tiếp theo phần 1

5. Mảnh vườn sưa ở làng biển Kẻ Mơ

Cuối năm khi vòm sấu cổ thụ trong bức tường cạnh cổng toà nhà 17 phố Lý Nam Đế, Hà Nội xào xạc hơi may thì vòm sấu ấy cũng xào xạc trong lòng tôi, gọi tôi về với nỗi nhớ hơi may Hà Nội. Hơn chục năm nay, cuối năm nào từ cái nắng chang chang của Sài Gòn đang giữa mùa khô tôi cũng tìm về Hà Nội đang xao xác hơi may.

Tôi đã có nhiều năm bầu bạn gần gũi với vòm sấu Hà Nội và vòm sấu Hà Nội đã lặng lẽ toả bóng vào hồn tôi. Là lính bảo đảm thông tin chỉ huy cho Bộ Tổng Tư lệnh, tôi đã ở hơn ba năm trong toà nhà Pháp xây từ đầu thế kỉ 20 trong thành cổ Cột cờ Hà Nội. Đường trong thành cổ ra cổng Cửa Đông, một bên hàng xà cừ lực lưỡng có tuổi đời cả trăm năm, một bên có hàng sấu non. Đi trên đường, tán lá sấu ngay trong tầm tay tôi với lên. Ngay trước cổng Cửa Nam thành cổ là hàng sấu trên hè phố Trần Phú, nơi chúng tôi vẫn đi về dưới tán sấu khi ra vào cổng Cửa Nam. Làm báo binh chủng thông tin, tôi đã cùng cơ quan chính trị binh chủng sơ tán đến nhiều nơi trên mảnh đất rợp bóng sấu, bóng xà cừ, bóng cơm nguội, bóng sưa… Những năm tháng sống ở phố Phan Huy Chú, phố Lý Thường Kiệt, ở Kim Mã, ở Hào Nam đã qua lâu nhưng đến nay vòm sấu phố Phan Huy Chú, phố Lý Thường Kiệt vẫn lao xao trong tâm tưởng tôi. Năm 1976, được Tổng cục Chính trị tập trung về lớp nhà văn quân đội ngay sau cuộc chiến tranh Nam Bắc, từ đoàn an dưỡng 235 ở Bình Xuyên, Vĩnh Phú dành cho thương bệnh binh chiến tranh từ mặt trận Tây Nguyên ra, tôi lại trở về Hà Nội. Năm đầu, hơn hai mươi nhà văn lính từ các mặt trận về Hà Nội phải ở trong dân. Tôi cùng Chu Lai từ Đông Nam Bộ ra ở nhà cụ Ban làng Khương Hạ, xã Khương Đình, ngoại thành. Bờ ao cạnh nhà tôi ở cũng có vòm xanh dày dặn và bền bỉ của sấu.

Và vòm sấu gắn bó, thân thiết với tôi nhất là vòm sấu bên trong tường bao và cạnh cổng toà nhà 17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, nơi tôi ở lâu nhất. Đã thuộc, đã nhớ những hàng sấu trên hè phố Hà Nội và cả những cây sấu trong vườn, bên bờ ao ngoại thành, tôi có thể bảo đảm chắc chắn rằng cây sấu thân thiết với tôi nhất nhưng người Hà Nội ít biết đến nhất vì cây ở sau bức tường, sau cổng toà nhà Điện ảnh Quân đội, 17 Lý Nam Đế, là cây sấu vâm váp, sức vóc, gốc đồ sộ, vòm lá sum suê nhất Hà Nội, cây sấu toả bóng bền bỉ nhất trong hồn tôi. Năm nào vòm sấu ấy cũng gọi tôi về với hơi may Hà Nội, với thăm thẳm hồn Hà Nội.

Về Hà Nội tôi đều ở khách sạn nhỏ, khuất nẻo, xa trung tâm nhưng gần bến xe buýt và người đầu tiên tôi liên lạc là Trần Huy Quang. Khi tôi lặng lẽ đến Quang, đôi khi gọi điện thoại. Nhắc đến điện thoại, tôi lại phải có thêm đôi dòng. Vì những bài viết thẳng thắn của tôi về hiện thực đất nước và hiện thực trong lòng người đăng trên những trang mạng lề dân, tôi trở thành một trong những nỗi bận tâm giám sát của cơ quan cảnh sát văn hoá. Số điện thoại thường dùng của tôi không còn là sở hữu của riêng tôi và sóng điện thoại tôi phát đi đã chỉ cho nơi giám sát biết sự di chuyển và mối quan hệ xã hội của tôi, gây ra những phiền toái, rắc rối cho tôi nên mỗi cuộc hành trình tôi đều phải thay máy, thay số điện thoại nhưng tôi cũng hạn chế cao nhất việc liên lạc điện thoại. Biết tôi ra Hà Nội, Quang đều lặng lẽ chạy xe máy đến tôi. Lặng lẽ vì biết tôi có tên trong black list của an ninh, bị giám sát trong các mối quan hệ xã hội, Quang không hẹn hò gì, cứ lặng lẽ đến.

Từ trái: Hoàng Quốc Hải, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Thị Hồng, Trần Huy Quang

Có lần Quang chở tôi đến nhà cặp đôi trí tuệ và tài năng, vợ chồng nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng ở phố Pháo Đài Láng. Những pho tiểu thuyết lịch sử ngàn trang của Hoàng Quốc Hải là những trang sách quí về một triều đại đầy biến động và một thời đại hiển hách, huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam. Những vần thơ đằm thắm yêu thương của Nguyễn Thị Hồng “Cuộc đời thì ngắn mà tình ta dài / Làm sao sống được khi mình lẻ loi” là những vần thơ đẹp về tâm hồn rộng lớn yêu thương làm nên sức bền của con người Việt Nam. Đồng cảm với những bài viết của tôi trên mạng xã hội lề dân, anh Hải dành cho tôi sự quan tâm và tình cảm quí mến, ân cần, thân thiết, còn chị Hồng chăm chút cho tôi và Quang được ăn bữa cơm đậm đà hương vị kinh kì Hà Nội.

Có lần Quang đến chở tôi trên xe máy tà tà lượn vòng quanh Hồ Tây, “bước đi một bước, giây giây lại dừng”, ngắm nhìn sương khói bảng lảng mặt hồ và chụp mấy tấm ảnh. Quang và tôi đã chụp ảnh dưới tán phượng vĩ từ trên cao la đà soi bóng xuống mặt hồ ở Đường Thanh Niên. Chụp ảnh bên gốc cau vua cao vút ven hồ phố Nguyễn Đình Thi. Xế trưa tạt vào nhà hàng nhỏ ở phố Yên Hoa bên hồ, thong thả ăn trưa và lắng lại trong không gian huyền thoại phủ Tây Hồ. Vài năm sau này ở tuổi gần tám mươi, Quang thay xe máy bằng xe buýt. Đi xe buýt đến tôi nhưng lần nào Quang cũng bảo tôi ở Hà Nội cần đi đâu đến lấy xe máy của Quang mà đi. Mạng xe buýt Hà Nội trải rộng khắp, đi lại khá thuận tiện và an toàn, tôi chưa cần đến xe máy của Quang.

Tháng Mười Hai năm 2018 về Hà Nội, tôi phôn cho Quang thì Quang bảo đang ở quê Kẻ Mơ, Quỳnh Lưu. Quang giục tôi về Kẻ Mơ với Quang. Quang nhắn tin chỉ đường cho tôi: Ra bến xe Nước Ngầm. Lên tầng hai. Tìm bàn bán vé xe Khoa Hoa. Mua vé đi chuyến 1 giờ 30 chiều. Xe chạy về tận cổng nhà Quang luôn. Không tìm thấy bàn bán vé xe Khoa Hoa thì điện thoại cho số 0969811475 sẽ có người mang vé xe đến.

Theo chỉ dẫn của Quang, chập tối 22.12.2018, đèn điện đã sáng đường làng Kẻ Mơ, tôi bước xuống ô tô Khoa Hoa thấy Quang đứng trước cổng chờ tôi. Vào nhà nhận ra ngay mùi thơm cá biển. Trên bàn nhỏ, đĩa cá biển rán, tô canh chua cá biển đang bốc hơi, toả ra hương vị hấp dẫn, ấm cúng. Từ hôm ấy, bữa cơm nào của chúng tôi cùng với mùi thơm rượu quê là vị thơm ngon, đậm đà của cá biển do chị gái Quang mang đến. Người chị mà ngày Quang lên đường nhập ngũ, chị khóc, nắm tay Quang và dặn: Cậu ra trận đừng chết nhá, phải sống mà về với chị. Nay chị ngồi trước cửa nhà bên đường làng, bán cá biển.

Ảnh: Tác giả chụp dưới bóng nhãn đầu nhà Trần Huy Quang tại làng Kẻ Mơ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nguồn: Phạm Đình Trọng

Khu đất gần ngàn mét vuông cạnh đường làng, tường xây bao quanh và hai cổng sắt. Một cổng mở ra đường làng thường xuyên khép kín. Một cổng mở ra lối ngõ láng xi măng dẫn ra đường làng luôn mở rộng và Quang thường dẫn tôi đi về qua cổng này. Toà nhà lớn trên nền cao, cửa luôn đóng im lìm gìn giữ một không gian thăm thẳm và tĩnh lặng của quá khứ, nơi thờ phụng tổ tiên. Trước nhà lớn, qua mảnh sân nhỏ là giếng nước và mảnh vườn hẹp. Cây lộc vừng bên cây ổi. Căn nhà nhỏ vuông góc với ngôi nhà lớn, cửa mở ra mảnh sân ngôi nhà lớn, lưng nhà quay ra cổng bên đường làng. Trong nhà chỉ có một chiếc giường đôi. Bàn làm việc bên cửa sổ nhìn ra cây nhãn ngoài đầu nhà. Bàn ăn và kệ bếp núc. Những ngày ở với Quang, tôi ngủ trên giường còn Quang ngủ trên tấm nệm dày ngả ra giữa nền nhà. Ngoài đầu căn nhà nhỏ, bên cửa sổ có bộ bàn ghế xi măng dưới bóng cây nhãn nhìn ra mảnh vườn trồng hơn hai chục cây sưa đã cao hơn hai mét.

Đang tiết đông chí, rét đậm nhưng ngọn gió từ biển Quỳnh Lưu hào hển thổi vào không tê tái, giá buốt như ngọn gió bấc ở vùng núi đá Cao Bằng, Bắc Cạn. Dù vậy, Quang vẫn lót hai miếng nệm trên ghế xi măng. Sáng nào chúng tôi cũng ngồi bên chiếc bàn xi măng dưới tán nhãn với hai li cà phê nóng nhìn ra phía mảnh vườn trồng sưa đón mặt trời lên từ biển. Buổi sáng đầu tiên, ngoài biển mặt trời bị vùi trong sương mù, màu xanh tán lá sưa cũng chìm nổi trong màn sương bảng lảng. Những buổi sáng còn lại của tôi ở Kẻ Mơ đều có nắng rực rỡ. Lá sưa rung rinh vẫy nắng. Nắng lọc qua tán nhãn, lung linh trên tóc, trên vai chúng tôi. Một buổi sáng lung linh nắng ấm tôi hỏi Quang về truyện ngắn Linh nghiệm gây tai hoạ cho Quang nhưng cũng dựng lên sừng sững tầm vóc tư tướng và tư thế nhà văn của Trần Huy Quang.

Quang bảo: Hồi mình mới vào lính đóng quân ở Hà Tĩnh phải ở nhờ nhà dân. Mình ở nhà thầy giáo làng. Gầm giường mình ngủ, chất đống những cây mía dóng dài mập mạp chỉ nhìn đã thấy ngọt lự. Trưa mùa hè bọn mình đi tập về, thấy quần áo lính lấm lem đất cát và ướt đẫm mồ hôi, thầy giáo ân cần bảo: Các chú lấy mía ăn cho đỡ mệt. Thầy kể về nguồn gốc đống mía để bọn mình yên tâm cứ ăn vô tư. Thầy cắm mấy ngọn mía trên vạt đất hoang chỉ để có mía cho hai đứa trẻ con thầy ăn. Không ngờ mía hợp đất, tốt quá, chật cây lớn, từ gốc mía cả chùm mầm mập mạp lại thúc lên. Từ một khóm mía lan ra cả vạt mía xanh um. Hai đứa trẻ con thầy ăn mía mãi đã chán, thầy có dóc mía, tiện đốt sẵn chúng cũng ít đụng đến. Mía ăn không hết, để lâu đường mía lên men chua loét phải bỏ đi. Đang sức ăn, sức xốc vác, cơm lính chưa đủ no. Trưa, chiều có thêm tấm mía không phải chỉ mát lòng mà còn chắc dạ.

Nhưng rồi gầm giường bỗng trống trơn, chẳng còn cây mía nào. Mình hỏi, thầy giáo bảo: Hợp tác xã thu hồi đất. Đất làng giờ thành đất hợp tác xã, đất tập thể, dân không được đụng đến. Lại hỏi: Hợp tác thu đất làm gì? Chẳng làm gì cả. Đất lại bỏ hoang thôi. Không cho dân trồng trọt, thu hoạch trên đất đó vì làm như vậy là dân lại nuôi mầm mống tư hữu, trở thành tư sản, không còn chủ nghĩa xã hội nữa!

Lần đầu tiên mình thấy sự vô lí của chủ nghĩa xã hội từ việc ông giáo làng không được trồng mía trên mảnh đất hoang. Sau này đọc sách mình lại gặp được một nhận định rằng triết học Mác coi con người là chủ thể xã hội nhưng lại coi hạnh phúc của con người là đấu tranh. Con người phải lao vào đấu tranh tiêu diệt con người khác biệt giai cấp để xây dựng chủ nghĩa xã hội không còn giai cấp tư hữu mới là hạnh phúc. Con người không tư hữu chỉ ở thời bầy đàn nguyên thuỷ. Qua thời bầy đàn nguyên thuỷ đã hàng ngàn năm, con người đã tách ra thành những cá thể tư hữu. Làm gì còn xã hội không có tư hữu nữa. Xã hội không có tư hữu chỉ là xã hội mông muội, là ảo tưởng, là hư vô. Đẩy con người vào bạo lực đấu tranh đẫm máu để đi đến xã hội hư vô, chủ nghĩa xã hội biến con người thành công cụ và biến hiện thực thành hư vô. Mình rất ấn tượng với từ hư vô nhưng hơi tiếc là không ghi lại đoạn văn nên không nhớ nhận định rất đúng chủ nghĩa xã hội hư vô đã biến con người thành công cụ ở sách nào. Nhưng suy cho cùng cần gì phải nhớ ở sách nào. Sách ghi lại sự phát hiện ra chân lí của cuộc sống. Đã là chân lí thì tồn tại mãi mãi trong trang sách cuộc đời và mình đã đọc được điều đó không phải chỉ ở trang sách giấy trắng mà còn ở cả trang sách cuộc đời.

Như chạm vào nỗi niềm dồn nén, nhấp li cà phê đã nguội, Quang lại bị mạch chìm suy tư cuốn đi: Chủ nghĩa xã hội đúng là hư vô. Mảnh đất cho màu xanh, cho trái ngọt là hiện thực. Mảnh đất hoang là hư vô. Người biết lao động sáng tạo là hiện thực. Kẻ ngu dốt chỉ ăn bám vào sự lao động sáng tạo của người khác là hư vô. Mình lại nhớ đến con người trung thực, tài năng Vua Lốp Nguyễn Văn Chẩn bị gạt ra khỏi vị trí lao động sáng tạo, không được làm ra những chiếc lốp bền và rẻ mang thương hiệu Nguyễn Văn Chẩn để cho những kẻ ngu dốt tham lam và giả dối làm giả sản phẩm Nguyễn Văn Chẩn tung ra chiếm lĩnh thị trường, thu lợi bất chính. Đấu tranh tiêu diệt tư hữu chính đáng để tạo ra tư hữu bất chính, đó là chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội vừa bất chính, vừa hư vô đã tạo ra đầy rẫy nạn nhân Nguyễn Văn Chẩn. Lĩnh vực nào cũng có những nạn nhân Nguyễn Văn Chẩn còn bi thảm hơn nhiều Nguyễn Văn Chẩn Vua Lốp.

Quang lặng đi khá lâu rồi chợt thốt lên: Mình và Trọng đều là lính đi qua cuộc chiến tranh khủng khiếp mà đến giờ nghĩ lại vẫn không hiểu vì sao mình còn sống trở về. Dù may mắn sống sót nhưng cũng thật bất hạnh khi bọn mình phải ném quãng đời quí giá nhất chiến đấu, hi sinh cho xã hội biến hiện thực thành hư vô, xã hội đồ giả, đồ đểu.

Xã hội bị một lí tưởng hư vô dẫn dắt làm cho tài nguyên giầu có của đất nước, tài năng sáng tạo vô tận của người dân cũng trở thành hư vô cứ ám ảnh Quang. Quang bảo trong nỗi ám ảnh đó dần hình thành lên bóng dáng nhân vật, hình thành đường dây dẫn dắt của truyện ngắn Linh nghiệm và Quang viết rất nhanh, chỉ một đêm.

Nhớ đến Linh nghiệm, nhớ đến những dòng dựng nhân vật chính trong Linh nghiệm không thể không nhận ra nhân vật có thật trong cuộc đời mà tên tuổi, hình ảnh và cuộc đời được nhắc tới hàng ngày trong đời sống xã hội, được thần thánh hoá thành giáo chủ linh thiêng trong đời sống của một tôn giáo:

Hinh là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân, không nghèo nhưng cũng chẳng giàu có gì lắm. Cha anh ta có đỗ đạt, đã từng làm quan nhưng tính khí thất thường, lòng đầy ham hố, quan trên không mặn mà gì nên đã bỏ quan, khi đi dạy học ở chốn kinh kỳ, khi ngồi bốc thuốc ở vùng sơn cước. Hinh thừa hưởng ở dòng họ và khí chất của vùng chôn rau cắt rốn cái nết cơ bản cần cho kẻ có hoài bão tham chính là tính đa mưu túc kế, lòng dạ thật không bao giờ lộ ra mặt, bạn bè cùng lứa không ai dám kết làm bằng hữu. Hinh sáng dạ, lại có chí, học đâu biết đó, hai mươi tuổi làm thơ chữ Hán, đọc Rút-xô, Mông-tét-ski-ơ bằng nguyên bản, nhưng Hinh chán học, chỉ nhăm nhăm một dạ xuất ngoại. Đạo học không có đường tắt, mà lập thân bằng con đường học vấn thì mù mịt, xa vời quá. Bằng văn chương thì chỉ khi thế cùng lực tận, bất đắc dĩ mà thôi.

Nhưng Hinh đâu phải là người dại dột, không bao giờ để phí chí khí, sức lực vào chuyện đàn bà. Vớ vẩn. Chiếm mười trái tim đàn bà đâu có khó nhưng một trái tim nhân loại thì phải vượt trùng dương. Hinh ngước cái nhìn mong đợi lên bầu trời, hoài vọng bóng dáng một con tàu, tìm kiếm một phép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi Thiện hoặc hơi hướng của miền Cực lạc để đưa về cho chúng sinh.” (Linh nghiệm)

Bằng ngôn ngữ suồng sã của tiểu thuyết hiện đại chứ không phải ngôn ngữ thành kính suy tôn, tụng ca của sử thi, của anh hùng ca mà hàng ngày vẫn tưng bừng rộn rã trên hệ thống truyền thông, người viết Linh nghiệm lạnh lùng cúi xuống nhìn nhân vật chứ không phải con mắt đắm đuối ngước lên thần thánh hoá nhân vật như những truyện, những thơ anh hùng ca của văn chương Việt Nam từ khi văn nghệ sĩ là chiến sĩ của đảng trên mặt văn hoá nghệ thuật.

Đọc Linh nghiệm kể chuyện Hinh, tôi cứ liên tưởng tới Số Đỏ kể chuyện Xuân Tóc Đỏ. Vũ Trọng Phụng bỗ bã, thân tình, bỡn cợt với Xuân Tóc Đỏ thì Trần Huy Quang cũng mỉm cười, vỗ vai, suồng sã với Hinh. Hinh mê sảng đi “tìm cái này” mà không biết cái này là cái gì cũng như Xuân Tóc Đỏ đầy hứng khởi đọc vè rao bán thuốc dạo mà không biết là thuốc dỏm hay thuốc thật. Xuân Tóc Đỏ vật vờ bụi đời, lang thang vỉa hè, tứ cố vô thân mà gặp vận may thành niềm tự hào dân tộc, thành danh dự quốc gia. Hinh thì chán học “chỉ nhăm nhăm một dạ xuất ngoại”. Học hành lởm khởm, dở dang, dù làm thơ chữ Hán cũng chỉ bằng vốn Nho học nửa vời, đọc Mông tét ki ơ bằng nguyên bản cũng chỉ với vốn chữ Tây học mót. Thân cô thế khó mà vô tình có được đám đông đi theo, vô tình có được thiên hạ.

Từ hình ảnh đám đông đi theo Hinh tìm kiếm niềm hi vọng mơ hồ không thể không nghĩ đến một đám đông khác đông hơn gấp triệu lần bị dẫn dắt theo đuổi lí tưởng cũng mơ hồ, hư vô như cái không có thật Hinh đang miệt mài tìm kiếm: “Cái đám đông ấy cứ như dòng nước trong lòng sông, trôi đi chứ không cạn. Người đến trước thất vọng ra về trước, người đến sau thất vọng ra về sau. ‘Tìm cái này’ là cái gì thì không ai biết, nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm, để họ trở thành một dòng nước.” (Linh nghiệm).

Đám đông theo Hinh trong Linh nghiệm là đám đông tự nguyện, khi tỉnh ra còn được tự quyết định số phận, dừng lại và tách ra. Còn đám đông trong đời thật bị tuyên truyền lừa dối và bạo lực áp đặt dẫn dắt đi theo lí tưởng mơ hồ thì bị trói chặt số phận, trói chặt cả cuộc đời vào cái hư vô! Người đọc càng cay đắng, đau xót nhận ra rằng đám đông trong Linh nghiệm chỉ uổng phí mất mát một đoạn đời, một thế hệ. Còn đám đông trong đời thật thì ê chề, đau đớn uổng phí cả cuộc đời, tủi nhục, mất mát nhiều thế hệ!

Dạo ấy Quang chưa biết đến máy vi tính để thẳng lưng ngồi gõ bàn phím. Phải cắm mặt vào trang giấy mà lia bút bi. Một đêm viết xong Linh nghiệm rồi cứ để trong tập bản thảo và quên đi. Mấy tháng sau, một chiều khoảng gần cuối tháng Sáu, năm 1992 mở cặp lưu bản thảo, chợt thấy, Quang liền mang đến trưởng ban văn xuôi Ngô Ngọc Bội, một người xuề xoà, mát tính. Không hi vọng được chấp nhận nhưng Quang trình Linh nghiệm ra để thăm dò, lắng nghe ý kiến, thái độ trong nội bộ báo. Ngồi sau chiếc bàn bề bộn bản thảo, Ngô Ngọc Bội cầm Linh nghiệm lướt nhìn qua rồi ngước nhìn Quang và bảo: Truyện của ông là ông đã đọc kĩ rồi, tôi khỏi đọc. Ông đưa trực tiếp cho Thỉnh duyệt sớm, kịp đi vào số tuần sau.

Quang vào phòng Tổng Biên tập, thấy Thỉnh đang thu giấy tờ nhét vào cặp sắp rời khỏi phòng. Cũng như trưởng ban văn xuôi, Hữu Thỉnh chỉ thoáng nhìn tên Quang trên bản thảo rồi nhìn thẳng vào mặt Quang còn chăm chú, nồng nàn và thắm thiết hơn cái nhìn của Ngô Ngọc Bội. Ngô Ngọc Bội nhìn Quang là cái nhìn thường tình với người đối thoại. Thỉnh nhìn Quang là cái nhìn vuốt ve, trìu mến của diễn viên đang nhập vai diễn cần biểu lộ tình cảm. Cái nhìn ấy như tiếng cửa miệng “tuyệt vời” mà Thỉnh vẫn thường vồ vập reo lên trong những cuộc gặp gỡ. Thỉnh kí vào bản thảo và bảo Quang đưa cho Hoàng Minh Châu, Phó Tổng Biên tập đang trực lãnh đạo báo đọc duyệt. Có chữ kí của Thỉnh thì cũng rất nhanh có chữ kí duyệt của Hoàng Minh Châu. Quang không ngờ Linh nghiệm được dễ dàng chấp nhận và đi qua cửa ải biên tập nhẹ nhàng, nhanh chóng như vậy để xuất hiện trên báo Văn Nghệ số 27 ngày 4 tháng bảy, năm 1992.

Trong khi từ Tổng Bí thư đảng cộng sản cầm quyền đến Hội đồng Lí luận và Ban Tuyên giáo Trung ương đều lên gân kiên trì học thuyết Mác Lê, kiên trì chủ nghĩa xã hội, trong khi cả bộ máy truyền thông khổng lồ đang ầm ầm chạy hết công suất thần thánh hoá con người, rước chủ nghĩa Mác Lê, rước chủ nghĩa xã hội về để cả nước rì rầm tụng niệm, cả nước sì sụp thờ cúng con người được thần thánh hoá thì Linh nghiệm xuất hiện trên tờ báo của Hội Nhà văn đã trở thành một vụ nổ núi lửa, một trận động đất chính trị kinh hoàng.

Lúc ấy dư luận xã hội đang ồn ào về tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách và Giám đốc NXB Văn học, nhà thơ Lữ Huy Nguyên, duyệt cho xuất bản tập thơ đang bị hành. Vụ Linh nghiệm nổ ra làm chìm nghỉm vụ Chân dung nhà văn và Lữ Huy Nguyên nhẹ nhàng thoát nạn, đủ biết vụ Linh nghiệm nghiêm trọng như thế nào.

Nhưng tiếng la hốt hoảng đầu tiên về núi lửa Linh nghiệm không phải cất lên từ các cung đình văn chương, báo chí, không cất lên từ các giáo sư, tiến sĩ trong bụng đầy thuật ngữ sáo rỗng về lí luận phê bình văn học và trong tư duy lổn nhổn thuật ngữ khô xác chính trị Mác Lê, luôn nghiêm trọng với trách nhiệm gác cổng toà nhà văn học xã hội chủ nghĩa, cũng không cất lên từ toà nhà thâm nghiêm của cơ quan cảnh sát văn hoá đầy quyền uy và bí hiểm mà cất lên từ viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi làm công việc giữ gìn trên nhung đỏ, trong tủ kính hòn đá mang về từ hang Pắc Bó, Cao Bằng, nơi lưu giữ câu chuyện thần thoại về một viên gạch sản xuất ở nước Pháp từ đầu thế kỉ 20, viên gạch nung nóng bọc giấy báo ở nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris.

Núi lửa Linh nghiệm phun trào ở toà nhà số 17 phố Trần Quốc Toản, Hà Nội nhưng sức nóng lại ngùn ngụt bốc lên ở Nghệ An. Rầm rộ những công văn của các cơ quan đảng, chính quyền và tổ chức chính trị từ huyện tới tỉnh Nghệ An tới tấp gửi về các cơ quan trung ương đòi xử lí thích đáng tác giả và báo Văn Nghệ đã hỗn láo xỉ nhục người dân Xô-Viết Nghệ Tĩnh, đã xúc phạm nặng nề mảnh đất quê hương cách mạng Nghệ An. Nếu trung ương không xử thì Nghệ An sẽ có cách xử nghiêm khắc, thoả đáng.

Qua tiếng la hốt hoảng của viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, qua những công văn đằng đằng sát khí của các cơ quan quyền lực và tổ chức chính trị Nghệ An cũng thấy được núi lửa Linh nghiệm đã đe doạ nhà nước xã hội chủ nghĩa, đã làm mất thiêng vị thánh của tôn giáo Mác Lê như thế nào. Nhưng cũng may thời thế đã khác.

Giống như vụ Nhân Văn – Giai Phẩm năm 1956, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán và hàng loạt nhà tư tưởng, nhà văn hoá Việt Nam bị treo bút, Trần Huy Quang cũng bị treo bút. Trần Dần, Lê Đạt… bị treo bút trong âm thầm, cô đơn, buồn thảm, kéo dài gần nửa thế kỉ. Trần Huy Quang bị treo bút trong lặng lẽ nhưng không cô đơn.

Một buổi sáng tôi đang ngồi với Quang bên li cà phê dưới tán nhãn đầu nhà Quang ở Kẻ Mơ thì một thầy giáo dạy văn trường Đại học Vinh đi ô tô đến đón Quang. Hôm đó tôi được ăn theo Quang trong chuyến đi chơi thành phố Vinh. Thầy giáo đó đưa Quang dạo quanh thành phố Vinh rồi ra ngoại thành, đến nhà hàng bên bờ sông Lam vắng lặng, yên tĩnh. Ở đây có thêm mấy nhà văn, nhà báo Nghệ An đến với Quang. Giữa sự quan tâm, vui mừng, hồ hởi dành cho Quang của những người làm công việc chữ nghĩa ở mảnh đất học Nghệ An, Quang vẫn lặng lẽ. Khi viết bài này, ngắm lại những tấm ảnh chụp Quang hôm đó, tôi mới nhận ra nỗi buồn sâu kín trong đôi mắt, trên gương mặt Quang.

Từ truyện ngắn đầu tiên của Quang được công bố ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1967 đến khi Quang dừng viết năm 2022, hơn nửa thế kỉ cầm bút Quang đã có hơn hai mươi đầu sách được xuất bản. Trong khi người người tấp nập vét tiền túi ra nộp cho nhà xuất bản để có vài tập thơ ngâm vịnh, vài tập truyện nhạt nhẽo trình cho Hội Nhà văn khi nộp đơn xin vào hội thì hơn hai mươi tập sách của Quang đều được xuất bản theo kế hoạch và tiền đầu tư của nhà xuất bản, không có tập sách nào Quang phải bỏ tiền ra in. Nhưng những tập truyện ngắn Chiếc áo màu lửa, Sự trắc trở đã qua…, những tập kí sự Người làm chứng, Thánh ca Truông Bồn…, những tiểu thuyết Nước mắt đỏ, Ngọn khói, Khúc hoàn lương, Cô gái Đồng Lộc… cũng giống như Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Rừng U Minh của Nguyễn Văn Bổng, Đường trong mây, Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải…, cũng chỉ là những giọng ca khoẻ khoắn, hùng hồn trong dàn đồng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những tập sách chỉ thể hiện tài năng của những chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận văn hoá văn nghệ của đảng chuyên chính vô sản mà thôi.

Chính Nguyễn Khải, nhà văn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt hai, năm 2000 cũng nhìn nhận những tác phẩm được giải của ông cũng chỉ là “Văn của một thời. Thời hết thì văn phải chết. Tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân” (Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất). Những tập anh hùng ca đồ sộ, cổ vũ, tụng ca con người lao vào bão táp cách mạng vô sản và chiến tranh giai cấp vì chủ nghĩa xã hội hư vô sẽ thành giấy lộn khi chủ nghĩa xã hội hư vô ở Việt Nam không còn tồn tại như từ năm 1991 đã vĩnh viễn không còn tồn tại Liên Bang Xô-Viết, thành trì của chủ nghĩa xã hội thế giới.

Quang buồn về điều đó ư?

Quang đâu chỉ có những tập sách “văn của một thời”. Mọi sự việc, mọi biến động sẽ qua đi nhưng những tư tưởng giúp con người nhận thức về mình và thế giới thì sẽ còn mãi. Truyện ngắn Linh nghiệm của Quang thức tỉnh con người đang u mê đi tìm cái hư vô, thức tỉnh con người bị tước đoạt những giá trị làm người trở về hiện thực, giành lấy những giá trị đích thực của cuộc đời thì sẽ còn mãi trong văn học sử Việt Nam và trong trang sử đất nước Việt Nam gian nan đi tới giá trị đích thực của xã hội loài người, xã hội dân chủ, văn minh. Linh nghiệm là tư tưởng, là tư cách nhà văn của Trần Huy Quang sẽ còn mãi với thời gian. Cả ngàn người vẫn vênh váo xưng tụng là nhà văn Việt Nam hôm nay, mấy ai có được tư cách nhà văn như vậy!

Chỉ có điều sau này khi đưa tin Quang mất, các báo chỉ nhắc đến, chỉ tán tụng, đánh giá cao những tập sách một thời của Quang mà không báo nào có một chữ, một dòng nhắc đến Linh nghiệm, không báo nào chỉ ra vóc dáng nhà văn Trần Huy Quang lừng lững trong Linh nghiệm.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook