Nga và Trung Quốc đang thách thức trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo

Wall Street Journal

Cù Tuấn, dịch

23-2-2023

Tổng thống Mỹ Biden vẫy tay khi rời sân khấu tại khu phức hợp Lâu đài Hoàng gia ở Warsaw, nơi ông nói, ‘Không thể xoa dịu sự thèm ăn của kẻ chuyên quyền’. Ảnh trên mạng

Tóm tắt: Chuyến thăm Kyiv của Biden và bài phát biểu của Putin cho thấy hai bên đang lao vào cuộc chiến lâu dài ở Ukraine. Trong khi đó Trung Quốc cũng bắt đầu tăng cường uy thế.

Một loạt các sự kiện nổi bật trên trường quốc tế đã phơi bày tình trạng nguy hiểm của mối quan hệ giữa các cường quốc khi Nga và Trung Quốc thách thức trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo và làm khả năng đối đầu giữa các nước này có thể xấu đi hơn nữa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Ba rằng Nga sẽ đình chỉ việc tham gia vào hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Matxcơva và Washington, một dấu tích của cấu trúc an ninh đã giúp duy trì hòa bình trong nhiều thập kỷ.

Với tình hình căng thẳng tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh Lạnh, lời đe dọa không kiểm soát vũ khí hạt nhân của ông Putin trong một bài phát biểu ở Matxcơva được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Biden tới Ukraine và tuyên bố sẽ “ủng hộ không ngừng” cho Kiev trong cuộc chiến mà ông Putin coi là mang tính sống còn đối với Nga.

Đổ thêm dầu vào lửa: Trung Quốc, nơi có nhà ngoại giao hàng đầu, Vương Nghị, đã chọc tức Mỹ tại một hội nghị an ninh ở Đức trước khi đến Matxcơva hôm thứ Ba để gặp các quan chức Nga và, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, có khả năng đề xuất một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.

Những diễn biến này báo hiệu sự căng thẳng lớn hơn đối với hệ thống quốc tế khi Washington và các đồng minh của họ phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Quốc gia này đã cung cấp một huyết mạch kinh tế quan trọng cho Matxcơva, và một nước Nga theo chủ nghĩa phục thù đang tìm cách đàm phán lại việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

Phát biểu trước đám đông hôm thứ Ba tại Warsaw, ông Biden nói “Không thể xoa dịu sự thèm ăn của kẻ chuyên quyền. Chúng ta phải phản đối họ”.

Nga và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc làm suy yếu sự thống trị của Mỹ đối với trật tự thế giới, vốn có thể đánh giá là đã được củng cố bởi sự đoàn kết của phương Tây đối với Ukraine. Một thỏa thuận giữa hai bên sẽ tái tạo mối quan hệ đối tác chống phương Tây thời Chiến tranh Lạnh của họ với một điểm khác biệt đáng kể, đó là Bắc Kinh chứ không phải Matxcơva sẽ là đối tác chiếm ưu thế.

Viễn cảnh hai cường quốc chuyên quyền đang thống trị vùng đất Á-Âu xích lại gần nhau sẽ mang đến rủi ro cho Bắc Kinh. Việc có thể sẽ buộc các nước châu Âu hiện đang hy vọng duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc phải có những động thái dứt khoát hơn đối với Washington, nơi mà họ phụ thuộc vào để bảo đảm an ninh. Nếu điều đó xảy ra, sự cạnh tranh địa chính trị giữa phương Tây (cùng với các nền dân chủ châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc) và trục Matxcơva-Bắc Kinh sẽ trở nên vững chắc hơn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cuối tuần trước cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang xem xét gửi vũ khí đến Nga, một bước tiến mà ông nói sẽ gây ra “vấn đề nghiêm trọng” trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ cho biết, Bắc Kinh chưa giao vũ khí sát thương cho Matxcơva nhưng các nhà phân tích phương Tây cho rằng, làm như vậy sẽ cho thấy một quyết định ở Bắc Kinh rằng lợi ích chiến lược của họ nằm ở việc Nga không bị đánh bại ở Ukraine, làm tăng khả năng tiếp tục kéo dài cuộc chiến.

Theo ước tính của phương Tây, Nga đã chịu tổn thất từ 200.000 lính trở lên thiệt mạng và bị thương, và thiệt hại về trang thiết bị của nước này quá nặng nề khiến Nga bị hạn chế khả năng tiến hành chiến tranh.

Thề sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến mà ông đổ lỗi cho phương Tây, ông Putin nói với các nhà lập pháp Nga hôm thứ Ba rằng, ông sẽ từ chối hợp tác trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới. Tuy nhiên, ông đã không rút khỏi hiệp ước và các quan chức Nga khác đã nói rõ rằng Matxcơva sẽ tiếp tục tuân thủ các giới hạn cốt lõi của hiệp ước về số lượng đầu đạn cũng như tên lửa và máy bay ném bom mang chúng.

Hiệp ước New Start giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược được Mỹ và Nga triển khai ở mức 1.550 và cho phép các cuộc kiểm tra tại chỗ.

Chính quyền Biden cho biết vào tháng trước rằng, Nga đã vi phạm hiệp ước khi từ chối cho phép thanh tra và từ chối yêu cầu gặp mặt Mỹ để thảo luận về những lo ngại về việc tuân thủ của họ. Các quan chức Mỹ cho biết, họ đang tìm cách làm rõ liệu ông Putin hiện có ý định mở rộng phạm vi không tuân thủ của Nga hay không bằng cách giữ lại dữ liệu về lực lượng hạt nhân của Nga và không thông báo những thay đổi về tình trạng và vị trí của vũ khí chiến lược được điều chỉnh trong hiệp ước.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Ba rằng, Matxcơva sẽ tiếp tục tuân thủ “các hạn chế về số lượng đối với vũ khí tấn công chiến lược”. Bộ này nói thêm rằng, Nga cũng sẽ tiếp tục cung cấp thông báo về các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, điều này sẽ mang lại một chút ổn định chiến lược, các quan chức hiện tại và trước đây của Mỹ cho biết.

Mặc dù vậy, bài phát biểu của tổng thống Nga là một dấu hiệu cho thấy việc kiểm soát vũ khí đang bị ảnh hưởng bởi sự đối kháng của hai bên đối với cuộc xâm lược Ukraine của Matxcơva và việc đàm phán một thỏa thuận tiếp theo cho New Start, hết hạn vào tháng 2 năm 2026, có thể là một việc khó khăn.

Rose Gottemoeller, người từng là trưởng đoàn đàm phán của Mỹ về hiệp định New Start, cho biết: “Tôi bi quan về triển vọng hạn chế hơn nữa đối với vũ khí tấn công chiến lược, mặc dù đôi khi trong khỏi khủng hoảng thì con người lại có động lực mới”.

Thêm một lưu ý đáng lo ngại khác, Trung Quốc đã từ chối, không chịu tham gia vào các cuộc thảo luận về kho vũ khí hạt nhân khiêm tốn nhưng đang phát triển của mình.

Sau khi thăm Kyiv, ông Biden đã tới Warsaw để hội đàm hôm thứ Ba với các nhà lãnh đạo từ cái gọi là Bucharest Nine, tất cả các quốc gia bị Liên Xô chiếm đóng trong Chiến tranh Lạnh và hiện đang lo sợ nhất là chủ nghĩa bành trướng của Nga. Ông cũng đã gặp Tổng thống Moldova, Maia Sandu, người đã cáo buộc Matxcơva âm mưu lật đổ chính phủ thân phương Tây của bà, một cáo buộc mà Nga bác bỏ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tập Cận Bình tìm đủ mọi cách để Hoa Kỳ và Châu Âu sa lầy ở Ukraina, trong khi đó thì nó ngồi ngoài xem tình thế và hưởng lợi từ việc mua dầu và ngũ cốc. Hôm khai mạc thế vận hội ở Bắc Kinh thì Tập và Putin ký kết và ôm nhau bảo tình đồng chí keo sơn nhưng khi Putin lâm nạn thì Tập phớt lờ, này xem ra nước lại rất đục nên Tập gởi con cò Vương Nghị sang Mạc Tư Khoa lập lại lời thề lần thứ 2 là tình hữu nghị vững như bàn thạch. Chỉ có thằng khùng mới tin lời cộng sản, Putin bây giờ cũng vặt vẹo sắp chết đuối nên thấy cọng rơm tưởng cái phao.

  2. Bài học lịch sử cho thấy thời Nixon thì Mỹ tìm cách liên kết với Tàu cộng để làm
    suy yếu khối CS. và kết qủa đáng mừng cho hoà bình thế giới là chủ nghĩa CS.
    sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, chấm dứt xung đột tư bản – cs.và kết thúc cuộc
    đối đầu căng thẳng thường xuyên trong chiến tranh lạnh.
    Còn tình hình hiện nay thì vai trò “sen đầm quốc tế” (luận điệu CS) hay cảnh sát
    trưởng (từ ngữ thường dùng) của Mỹ có vẻ không dứt khoát, khi mạnh khi yếu
    bấr thường, thậm chí Mỹ muốn thoái thác hay phủ nhân, do đó thế giới trở thành
    bất ổn vì nổi lên 2 tên đầu sỏ Nga Tàu với tham vọng hất cẳng Mỹ. Theo thiển ý
    thì lẽ ra Mỹ phải lặp lại chính sách thời Nixon là ai mới là đối thủ chính và “nặng
    ký” cần phải “chiếu tướng” trước để may ra có thể tránh những căng thẳng đang
    leo thang hết sức nguy hiểm !

Comments are closed.