Đã và sẽ còn điên vì… điện? (phần 1)

Blog VOA

Trân Văn

20-2-2023

Chưa có bất kỳ phân tích thấu đáo nào về quản trị – điều hành EVN và lối quản trị – điều hành ấy tác động đến hoạt động của lĩnh vực điện năng cũng như kinh tế thế nào.

Chính phủ Nam Hàn vừa tổ chức thêm một hội nghị khẩn cấp nữa về kinh tế và dân sinh. Ở hội nghị khẩn cấp vừa diễn ra hôm 15/2/2023, ông Yoon Suk-yeol, Tổng thống Nam Hàn đã yêu cầu từ nay đến giữa năm, các cơ quan hữu trách của chính phủ phải giữ nguyên, không để những loại phí do chính phủ kiểm soát (đường bộ, đường sắt, viễn thông) gia tăng (1).

Giống như nhiều quốc gia khác, cả chính phủ lẫn dân chúng Nam Hàn đang loay hoay đối phó với lạm phát. Hồi đầu năm nay, giá điện tại Nam Hàn đã tăng thêm 9,5% (tăng thêm khoảng 0,01 Mỹ kim/mỗi kWh) so với năm ngoái. Với giá điện mới, người ta ước đoán, một gia đình bốn người sẽ phải trả thêm khoảng 3,2 Mỹ kim cho việc dùng điện. Lẽ ra giá ga cũng phải tăng nhưng chính phủ Nam Hàn quyết định bù lỗ để kềm giá ga cho tới sang năm vì lo ngại những thành phần yếu thế trong xã hội không kham nổi gánh nặng khi cả giá điện lẫn giá ga (loại năng lượng không thể thiếu trong mùa Đông vì ai cũng cần sưởi ấm) cùng tăng. Để lạm phát không tạo thêm quá nhiều khó khăn cho những thành phần yếu thế, song song với việc cho phép tăng giá điện, chính phủ Nam Hàn loan báo sẽ nâng mức trợ cấp chi phí về năng lượng cho những thành phần yếu thế lên 54 Mỹ kim (từ 100 Mỹ kim thành 154 Mỹ kim) và tùy gia cảnh mà nâng mức giảm tiền ga thêm 5 Mỹ kim đến 10 Mỹ kim/tháng.

Bởi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tác động bất lợi đến kinh tế, dân sinh, chính phủ Nam Hàn cũng đã cam kết cho các doanh nghiệp vay vốn để cải thiện hiệu suất sử suất năng lượng. Những đại doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn sẽ được hỗ trợ thay thế thiết bị có hiệu suất tiết kiệm năng lượng cao để cùng chính phủ thực hiện một dự án có quy mô quốc gia về tiết kiệm năng lượng (2).

Trong hội nghị khẩn cấp vừa mới được tổ chức ở Seoul, ông Yoon Suk-yeol tiếp tục lập lại yêu cầu mà ông đã từng đề cập nhiều lần: Phải giảm tối đa gánh nặng giá cả cho dân chúng. Phải kềm giữ phí trong những lĩnh vực thiết yếu như giao thông, viễn thông,… là để ổn định dân sinh. Ông Yoon kêu gọi doanh giới cùng tham gia với chính phủ trong việc ổn định giá cả, san sẽ gánh nặng của dân chúng…

***

Ở Việt Nam, ngoài việc cho tăng giá điện (từ 220 đồng/kWh đến 558 đồng/kWh) vào 3/2/2023, chính quyền không làm gì thêm trừ việc… bày tỏ sự lo ngại vì giá điện tăng có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát sự ổn định của kinh tế tế vĩ mô và cân đối các yếu tố lớn khác của nền kinh tế. Quan sát cách hành xử của cả quốc hội lẫn chính phủ, có thể thấy hai hệ thống này giống như… khách qua đường nên chỉ yêu cầu tính toán thận trọng!

Cho đến giờ, ngoài việc thường xuyên báo công (cố gắng kềm giữ giá bán điện dù chi phí đầu vào như than, dầu tăng cao, do đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của nền kinh tế như ổn định vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững) kèm theo… báo lỗ (riêng năm ngoái lỗ 31.360 tỉ đồng), ấn tượng duy nhất mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạo được nơi công chúng là… nỗ lực không mệt mỏi trong việc đề nghị tăng giá điện.

Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam, kế hoạch phát triển nguồn điện do EVN soạn thảo, chính phủ phê duyệt vẫn khăng khăng nhắm tới việc phát triển hệ thống nhà máy đốt than để phát điện. Ngoài chuyện môi trường sống bị hủy diệt, hệ thống nhà máy đốt than phát điện này là nguyên nhân khiến EVN lỗ nặng bởi giá than thăng thiên.

Cho dù EVN liên tục thua lỗ nhưng lương thưởng của các viên chức làm việc cho EVN luôn cao ngất ngưởng. Cách nay khoảng hai năm, một số cơ quan truyền thông chính thức tiết lộ, EVN đề nghị trả cho các viên chức lãnh đạo tập đoàn này khoản lương chừng 64 triệu đồng/người/tháng. Theo dự kiến, tổng số tiền EVN trả cho 14 cá nhân lãnh đạo tập đoàn khoảng 10,7… tỉ/năm (3)!

Hàng chục năm nay, chẳng riêng dân chúng, một số cơ quan truyền thông chính thức cũng bàn đi, tán lại chuyện lãnh đạo EVN được trả lương rất cao nhưng EVN năm nào cũng lỗ rất lớn và những khoản thua lỗ theo định kỳ đó đã đẩy giá điện lên cao, kích thích vật giá gia tăng, chất gánh nặng lên vai tất cả các giới nhưng các viên chức hữu trách không bận tâm, có người còn bảo đó là… kinh tế thị trường!

Bộ Công Thương Việt Nam từng yêu cầu EVN nhanh chóng hoàn tất báo cáo quyết toán chi phí sản xuất – kinh doanh điện 2022, đồng thời thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính 2022 của EVN để đoàn kiểm tra liên bộ (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam…) kiểm tra công bố công khai chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 (4) nhưng dù giá bán điện đã tăng vẫn chưa ai thấy báo cáo ấy tròn méo ra sao.

Đang đối diện với tình trạng thiếu đơn đặt hàng, thiếu vốn, mãi lực sụt giảm, lãi suất tăng và đủ thứ rủi ro khó lường khác, giờ lại thêm giá bán điện tăng nhưng doanh giới Việt Nam không còn cách nào khác ngoài chuyện chấp nhận. Nhấn mạnh năm nay cả thách thức và khó khăn sẽ lớn hơn nhiều, một số đại diện doanh giới đề nghị chính quyền và EVN tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin (5).

Chưa có bất kỳ phân tích thấu đáo nào về quản trị – điều hành EVN và lối quản trị – điều hành ấy tác động đến hoạt động của lĩnh vực điện năng cũng như kinh tế thế nào. Đến giờ, “minh bạch” về hoạt động của EVN vẫn chỉ là đề nghị chưa có hồi âm, điều duy nhất thiên hạ có thể biết là EVN dọa rằng, nếu không kịp thời tăng giá bán điện, khoản lỗ của năm nay (khoảng 93.000 tỉ đồng) sẽ gấp ba lần năm ngoái (khoảng 31.000 tỉ đồng). Một số chuyên gia tán thêm, đại loại, nếu doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh điện lỗ nặng thì không chỉ doanh nghiệp suy yếu mà và mức độ hấp dẫn về hiệu suất đầu tư cũng giảm, khả năng thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ khó hơn. Điều này có đúng không?

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=57682

(2) https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=57138

(3) https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/luong-lanh-dao-evn-tang-phi-ma-nguoi-lao-dong-o-coi-nao-46783.html

(4) https://www.vietnamplus.vn/tang-gia-dien-tinh-toan-muc-dieu-chinh-hop-ly-de-kiem-soat-lam-phat/845848.vnp

(5) https://diendandoanhnghiep.vn/tang-gia-dien-tranh-tao-ganh-nang-len-doanh-nghiep-239067.html

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nói đến điện thì nổi da gà! Tháng nào cũng đóng kg thiếu 1 xu! Vậy mà chỉ trễ vài ngày (cụ thể là 4 ngày) thì có giấy báo gửi đến hâm cắt điện lại còn bắt đóng lãi nữa chứ!?!?!? Chán bỏ xừ!!! Khi cúp điện bất tử có bồi thường kh???????

  2. “Chính phủ Nam Hàn vừa … ông Yoon Suk-yeol, Tổng thống Nam Hàn”

    Đọc lại tên nước mình dùm cái đồng chí 5C ui . Đúng là các bác vừa mới giác ngộ tư tưởng cho Nam Hàn, nhưng mới chỉ là thắng lợi bước đầu . Nam Hàn này vẫn là Nam Hàn đã từng gửi quân giúp Ngụy đục phù mỏ nhà các bác .

Comments are closed.