Gia tăng xuất khẩu lao động và cải thiện thứ hạng về tệ nạn… ‘buôn người’ (Phần 1)

Blog VOA

Trân Văn

26-1-2023

Muốn biết Mỹ dựa vào đâu và đánh giá như thế nào về tệ nạn “buôn người” ở Việt Nam thì cần đọc “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nội dung báo cáo sẽ giúp mỗi người tự thẩm định, phía Mỹ có “khách quan, chính xác” hay không.

Kinh tế suy thoái, thất nghiệp tràn lan và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam loay hoay không biết làm gì để cải thiện tình hình giúp tất cả các giới, đặc biệt là thanh niên, các thành phần yếu thế thoát ra khỏi tình trạng càng ngày càng bế tắc. Đó là lý do trong vài năm gần đây, các viên chức hữu trách ở nhiều cấp thi nhau tán dương xuất khẩu lao động (XKLĐ) [1] , xem XKLĐ như phương thức tối ưu để… “phát triển kinh tế, xã hội” (2) và quan trọng nhất là giúp giảm bớt bất bình, duy trì… “sự ổn định chính trị”.

Tuy nhiên, với các đặc điểm như đã biết về hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, cho dù gia tăng XKLĐ có thể tạo ra nguồn thu khổng lồ từ kiều hối (3), giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn, hỗ trợ “xóa đói, giảm nghèo” tốt hơn nhưng song hành với gia tăng XKLĐ là việc liên tục bị các chính phủ, các tổ chức quốc tế lên án vì dung dưỡng “buôn người” (4), khó tránh khỏi việc bị chế tài. Giải quyết mâu thuẫn này tất nhiên là trách nhiệm của giới hữu trách nhưng hiểu tường tận quan niệm của thiên hạ về “buôn người” có thể giúp những cá nhân đã hoặc đang tham gia vào “sự nghiệp” XKLĐ sử dụng các phương thức hỗ trợ từ bên ngoài Việt Nam để chống bị lạm dụng…

***

Dựa trên “Đạo luật Bảo vệ nạn nhân của tình trạng buôn người” (TVPA), mỗi năm, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người”. Căn cứ kết quả khảo sát về thực trạng và cách thức giải quyết tệ nạn, mỗi năm, mỗi quốc gia sẽ được xếp vào một trong ba loại: “Loại một” bao gồm những quốc gia mà chính phủ tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA nhằm xoá bỏ tệ nạn buôn người. “Loại hai” bao gồm những quốc gia mà chính phủ không tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn của TVPA nhưng có nỗ lực đáng kể nhằm tuân thủ những tiêu chuẩn đó.

Trong “loại hai” có thêm “loại 2 cần theo dõi” nếu: Số lượng nạn nhân của các hình thức buôn người nghiêm trọng ở mức đáng kể hoặc đang gia tăng đáng kể. Không thấy bằng chứng về việc gia tăng nỗ lực chống các hình thức buôn người nghiêm trọng từ năm trước đó, trong đó có gia tăng điều tra, truy tố và kết án các hành vi buôn người, gia tăng giúp đỡ các nạn nhân và càng ngày càng ít chứng cứ cho thấy các viên chức có dính líu đến các hình thức buôn người nghiêm trọng, hoặc việc xác định một quốc gia đang có những nỗ lực đáng kể để tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu dựa trên các cam kết của quốc gia đó sẽ thực thi thêm các biện pháp trong năm kế tiếp. “Loại ba” là những quốc gia mà chính phủ không tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu và không cho thấy nỗ lực đáng kể nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn đó.

TVPA liệt kê nhiều yếu tố để có thể dựa vào đó xếp một quốc gia vào “loại hai” hoặc “loại 2 cần theo dõi”, hay “loại ba”. Thứ nhất, mức độ về điểm xuất phát, trung chuyển hay điểm đến của các hình thức buôn người nghiêm trọng. Thứ hai, mức độ không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA và mức độ các viên chức tiếp tay cho các hình thức buôn người nghiêm trọng. Thứ ba là những biện pháp để thực thi các tiêu chuẩn tối thiểu phù hợp với các nguồn lực hiện có và phù hợp với năng lực giải quyết hoặc xoá bỏ các hình thức buôn người nghiêm trọng.

Việc phân loại các quốc gia trong những “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” còn phụ thuộc vào việc quốc gia đó có trì trệ trong việc cải thiện thứ hạng hay không. Chẳng hạn nếu quốc gia nào bị xếp vào “loại hai cần theo dõi” trong hai năm liền và vẫn bị xếp vào “loại hai cần theo dõi” ở năm tiếp theo thì sẽ bị xếp vào “loại ba”. Trong “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” mới nhất (2022), Việt Nam bị xếp vào “loại ba”. Hậu quả của việc bị xếp vào “loại ba” khá… đa dạng: Chính phủ Mỹ có thể dừng hoặc rút lại các chương trình hỗ trợ không vì mục đích nhân đạo hoặc không liên quan đến thương mại.

Những quốc gia bị xếp “loại ba” có thể sẽ không được hỗ trợ để viên chức tham gia các chương trình trao đổi giáo dục và văn hoá. Theo quy định của TVPA, chính phủ của các quốc gia bị xếp vào “loại ba” còn phải đối mặt với nguy cơ bị những trừng phạt khác, sẽ phải đối diện với việc Mỹ phản đối các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới cấp các khoản hỗ trợ, trừ hỗ trợ vì mục đích nhân đạo, có liên quan đến thương mại và các khoản hỗ trợ liên quan nhất định đến phát triển (5).

***

Cách nay khoàng mươi ngày, ông Nguyễn Minh Vũ – Thứ trưởng Thường trực của Bộ Ngoai giao Việt Nam đã có buổi hội đàm với bà Kari Johnstone, Quyền Giám đốc Văn phòng Theo dõi và chống mua bán người (J/TIP) của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Hà Nội. Ông Vũ khẳng định: Phòng, chống mua bán người luôn là một trong những ưu tiên của phía Việt Nam. Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, nhất là trong lĩnh vực hoàn thiện chính sách pháp luật. Sắp tới, Việt Nam sẽ sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người. Ông Vũ đề nghị: Phía Mỹ có đánh giá khách quan, chính xác về những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người và đưa Việt Nam ra khỏi “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” năm 2023, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ (6)…

Muốn biết Mỹ dựa vào đâu và đánh giá như thế nào về tệ nạn “buôn người” ở Việt Nam thì cần đọc “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người” năm ngoái (2022) của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nội dung báo cáo sẽ giúp mỗi người tự thẩm định, phía Mỹ có “khách quan, chính xác” hay không. Tuy nhiên đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Khi XKLĐ đã cũng như đang là xu thế, thậm chí được một số viên chức hữu trách nâng lên thành…. “nhiệm vụ trọng tâm”, hiểu quan niệm của thiên hạ về “buôn người” sẽ giúp những cá nhân và gia đình có thân nhân tham gia XKLĐ, tham gia “phòng, chống mua bán người” để không bị bất kỳ phía nào “đè đầu, cưỡi cổ”… Đó sẽ là phần tiếp theo của bài viết này.

Chú thích

(1) https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/thu-nhap-nghin-do-khi-di-lao-dong-tai-nhat-ban-han-quoc-20220826091827373.htm

(2) https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/gan-14000-lao-dong-di-nuoc-ngoai-nua-ti-usd-chay-ve-nuoc-moi-nam-20220915230447191.htm

(3) https://thanhnien.vn/kieu-hoi-ve-tphcm-dat-hon-66-ti-usd-post1544292.html

(4) https://www.dw.com/en/how-eu-police-disrupted-vietnamese-human-trafficking-rings/a-64013468

(5) https://vn.usembassy.gov/vi/bao-cao-tinh-hinh-buon-nguoi-nam-2011/

(6) https://dangcongsan.vn/thoi-su/phong-chong-mua-ban-nguoi-luon-la-mot-trong-nhung-nhiem-vu-uu-tien-cua-viet-nam-629981.html

Bình Luận từ Facebook