Làm gì trong tình thế này?

Kim Văn Chính

12-1-2023

1. Mọi người còn nhớ, các cuộc cách mạng đường phố làm lật nhào và tiêu tan cả mớ chính quyền độc tài và bất công ở Bắc Phi, Arab hơn 10 năm trước đều bắt nguồn từ cuộc cách mạng đường phố Tunisia. Cách mạng Tunisia lại được thổi bùng lên từ một cái chết tự thiêu tức tưởi của một thanh niên nghèo bán hàng rong bị cảnh sát nhiều lần ức hiếp. Nước tràn ly là vậy. Tức nước vỡ bờ là vậy. Mệnh đề, dân đẩy thuyền nhưng dân cũng lật thuyền được Nguyễn Trãi dạy bảo và Hồ Chí Minh nhắc lại nó là chân lý không phải chỉ dành cho các triều đại phong kiến mà còn đúng cho cả các triều đại hiện nay bất kể vỏ bọc hình thức bên ngòai là gì.

2. Gần 2 năm trước, mọi người cũng còn nhớ vụ chiến sỹ mới nhập ngũ Trần Đức Đô bị chết đầy khuất tất (xem ảnh) và đã được quân đội và hệ thống pháp y Việt Nam kết luận là do tự treo cổ. Vụ việc dần dần cũng yên, chiến sỹ Trần Đức Đô được an táng khá “hoành tráng”, nhưng tôi dám chắc là dư luận chưa bằng lòng với những gì quân đội và hệ thống tư pháp đã trả lời công luận…

Ảnh chụp màn hình

3. Mấy ngày qua dư luận mạng lại bùng lên vụ việc một em nữ sinh của Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP HCM (HUFLIT) đang được huấn luyện quân sự tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7, Quận 12, TP.HCM nhảy lầu tự tử. Một số tin tức mạng từ các em học sinh của Trường HUFLIT cho rằng em nữ sinh bị các quân nhân hiếp dâm tập thể, uất ức quá mà nhảy lầu tự tử. Trường Quân sự QK7 cũng đã phải có công văn giải thích vụ việc (xem ảnh), cho rằng em quẫn trí là do mâu thuẫn cá nhân trộm đồ của nhau…

Công văn của Trường QS Quân khu 7. Ảnh trên mạng

Tuy nhiên, tôi thấy vụ việc nếu chỉ giải thích bằng cái công văn và các biện pháp trấn an, cấm đoán các em sinh viên thì chưa thể “gói ghém” được. Cần nhớ đây là ở tại nội đô TP Hồ Chí Minh. Cần nhớ đây là vấn đề rất cơ bản của một xã hội văn minh, vấn đề an toàn cá nhân giữa một môi trường lực lượng vũ trang được dân nuôi, dân trả tiền để bảo vệ họ. Nó còn là vấn đề niềm tin vào xã hội, vào các giá trị cốt lõi của quốc gia. Chưa nói, sinh viên, nhất là sinh viên ở TP.HCM là lực lượng rất nhạy cảm, và cũng rất hiếu động và có truyền thống từ xưa về hoạt động xã hội… Sinh viên biết sử dụng mạng và các nền tảng truyền thông hiện đại tất nhiên giỏi hơn người lớn, giỏi hơn các cán bộ, chiến sỹ của Trường Huấn luyện Quân Khu 7.

Câu chuyện bi thương của em nữ sinh đang chờ các kết luận xác đáng. Nội tình quản trị và nền tảng đạo đức ở các đơn vị huấn luyện và trong quân đội nói chung có đáng báo động và cần khảo sát thực chất để có biện pháp tương xứng không? Quân đội ta, khác quân đội nhiều nước, là quân đội nhân dân, do dân, vì dân, luôn đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức dân sự là Đảng cộng sản. Do vậy, vấn đề quản trị và đạo đức của quân đội không còn là bí mật quân đội, là của riêng quân đội. Trách nhiệm công khai, giải trình bắt buộc phải có và sự liên đới trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo là đảng tất yếu phải đi theo…

Nhưng dù kết luận đi theo hướng nào, thì một vấn đề rất lớn trong giáo dục đại học là chương trình học quân sự ở các trường nên được bố trí về nội dung, hình thức như thế nào cho hiệu quả?

Bình Luận từ Facebook