11-1-2023
Tiếp theo Phần 1
Hàng ngày tôi đi qua mấy cái khẩu hiệu to lừng lững treo ngang trên những con phố nhỏ với dòng chữ: “Nhân dân khu phố… quyết tâm giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa“. Khi phải chịu đựng giọng ca karaoke chấn động lòng người, ngửi mùi khói khét lẹt do đốt vàng mã, phải tránh những xác chuột khô đét trên mặt đường, tôi không thấy được cái quyết tâm được phô rất tốn kém đó. Chỉ thấy đám chuột hoan hỷ quần đảo trong các hộp đựng rác styropor không có nắp bên vệ đường, trong khi công nghiệp nhựa Việt Nam thừa sức cung cấp hàng triệu thùng rác có nắp, với giá thành rẻ hơn tiền thuốc chuột mỗi gia đình bỏ ra cả năm.
Hàng năm ngành xuất bản bán 3.000 tỷ đồng ấn phẩm văn hóa. Chia cho gần 100 triệu dân thì mỗi người mua 30.000 đồng sách báo. Trong khi đó trung bình mỗi gia đình trong số 25 triệu hộ đốt 120.000 đồng vàng mã/năm để mong cho gia tiên được mặc quần áo đẹp, đươc cưỡi ô-tô, được chơi iPhone nơi chín suối. (FB Ngô Thái Bình). Đó là chưa kể tiền làm các loại cổng chào để giữ vững danh hiệu văn hóa.
Cái vỉa hè tự xây, bị chiếm dụng, những xác chuột trên đường, khói vàng mã quyện trong âm hưởng karaoke… không chỉ nói lên ý thức của người dân, mà là biểu hiện của một chính quyền thờ ơ, buông lỏng, không có kỷ cương. Gã khổng lồ Google Map đã chới với khi vào Việt Nam vì nạn loạn số nhà, loạn tên phố. Riêng vùng tôi ở có đến 3 “Đường 53”. Không biết bao giờ mã vùng (ZIP-Code), vốn đã có từ lâu, mới được sử dụng chính thức để các chị bưu tá, các chú Grab đỡ khổ?
Ông Lê Văn Hiến, một trí thức cách mạng lão thành, bộ trưởng Bộ Tài chính từ năm 1946, tác giả cuốn “Ngục Kontum” [1] có cô cháu ngoại từng là hàng xóm của tôi ở Hà Nội. Giờ đây cô đang ở trong tòa biệt thự mà Nhà nước phân cho ông ngoại, cùng nhiều hộ khác. Từ năm 2011, tòa biệt thự này đã lên báo nhiều lần vì cô tố cáo các hành vi xây dựng trái phép làm hỏng ngôi nhà [2]. Cho đến nay những vi phạm đó vẫn không thể chấm dứt được vì luôn có người che đỡ. Hồi trẻ, tôi hay sang đây chơi nên vẫn còn nhớ tòa nhà đẹp, có mảnh vườn rộng ở phố Tông Đản. Tháng trước tôi đi xe máy qua và bị sốc vì tòa nhà xuống cấp thảm hại, lại còn bị bao quanh bởi một loạt nhà hàng cơi nới ra. Mảnh vườn đẹp đã biến mất.
Cô cháu than thở: Cung cách quản lý bần cố nông là vậy!
Vốn quý trọng bác Hiến, tôi thầm hỏi: Bác có biết rằng hy sinh của bác đã để lại nền quản lý bần cố nông đang đè nặng lên thế hệ con cháu?
Số phận của ngôi biệt thự nói trên trong hàng ngàn, hàng vạn trường hợp chỉ là một ví dụ cho vấn nạn loạn xây cất, loạn quy hoạch…
Trước kia, người ta đổ tội phá nát kiến trúc đô thị cho sự ấu trĩ, cho nhu cầu cấp bách phải đưa nhiều cán bộ từ nông thôn về tiếp quản thành phố trong điều kiện nọ kia. Nhưng ngày nay, khi xã hội đã phát triển hơn, nhiều gia đình đã khá giả mà nếp quản lý vẫn như cũ.
Việt Nam có vô vàn ngôi nhà hộp. Chúng chỉ rộng 3-4 mét mặt tiền, sâu khoảng 20-25m, tối hun hút nhưng cao đến 5-6 tầng. Trên những lô đất nhỏ như vậy, chỉ có xây nhà hộp mỏng tanh, xây sát ranh giới thì mới đủ diện tích để ở và cho thuê cửa hàng. Sau lưng cũng là mảnh đất hẹp và nông như vậy, nhìn ra mặt phố song song. Mảnh đất đó cũng được chủ nhà xây nhà hộp sát đến ranh giới, đến nỗi hai nhà đấu lưng vào nhau, không còn chỗ mở cửa sổ sau cho gió lùa vào. Máy lạnh của hai nhà thổi gió nóng và bắn tiếng ồn sang nhau.
Tôi hỏi một ông cán bộ: Tại sao khoanh lô đất nhỏ tý như vậy để bán cho người có tiền xây nhà? Tại sao không phân mặt tiền rộng ra 5-6m để khỏi phải nhô cao? Tại sao không chia các mảnh đất sâu 40-50 m để còn có vườn phía sau, để tránh cảnh nhà dựa lưng vào nhau, để còn có chỗ đỗ xe phía trước? Từ 130 năm trước Pháp đã làm như vậy mà.
Ông nói vòng vèo một lúc nhưng đại ý là: Để đáp ứng nhu cầu dân số đô thị tăng nhanh, để nhiều người có điều kiện xây nhà, rằng phân lô kiểu Tây chỉ giúp một số giàu hơn (tư sản) được xây nhà riêng.
Thì ra mấy ông tư bản mới vẫn quản lý theo kiểu cào bằng như thời bần cố nông. Ngày xưa cào bằng để tất cả cùng nghèo, nay cào bằng để người có tiền cùng được hưởng sự khó chịu của nhau, không ai khá lên được.
Chỉ cần đi vài trăm mét từ nhà tôi sang Phú Mỹ Hưng, nơi được “Tây” quy hoạch, mọi việc lại khác hẳn. Ở đó vỉa hè ra vỉa hè, nhà có vườn, không gian có chỗ thở, cột điện không có giàn cáp leo, mặt đường không có xác chuột… Trong khung cảnh như vậy chắc chắn không ai dám hát karaoke vào nửa đêm hay đem rác đổ ra đường.
Phát triển theo hướng chất lượng cao “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, không cào bằng, không úi xùi ắt tạo ra sự sàng lọc và kiểm soát, tránh được bần cùng hóa giới trung lưu. Ngoài việc nâng cao ý thức công dân, nó còn giúp giảm tốc độ đô thị hóa, không lôi kéo người nông thôn đổ xô ra thành thị. Hàng trăm ngàn người sống sót sau vụ Covid năm ngoái rời bỏ các khu ổ chuột ở thành thị chạy về quê là thất bại của chính sách đô thị hóa nông cạn. Tốc độ đô thị hóa không phải là chỉ số quyết định cho trình độ phát triển!
Tuy đô thị chất lượng cao đắt tiền hơn nhưng chắc chắn sống lâu hơn. Con cháu chúng ta, sau khi được mở mang tầm mắt, được khai sáng sẽ không chấp nhận những đường phố không có vỉa hè, sẽ không chịu đi bộ xuống lòng đường. Chúng sẽ không ở trong những ngôi nhà hộp bị bịt cửa sổ phía sau, sẽ không chịu dùng nước máy được hứng vào bể ngầm rồi bơm lên những thùng nhôm trên nóc nhà v.v. Khi đó chỉ có cách đập đi xây lại cả một khu phố. Hàng ngàn tỷ USD của nhiều thế hệ chắt cóp sẽ biến mất. Rẻ hóa đắt.
Tâm lý ham rẻ để phát triển nhanh, theo chiều rộng của ông cán bộ nọ không chỉ ngự trị trong quy hoạch đô thị mà trong mọi hoạt động kinh tế.
Cơn sốt công nghiệp rẻ tiền từng tàn phá đất nước này, khi các tỉnh đua nhau nhập về hàng loạt nhà máy đường, nhà máy xi măng, xưởng đúc thép từ Trung Quốc để rồi tất cả đều nằm đắp chiếu. Cơn sốt đó được nối tiếp bằng cơn sốt thủy điện. Khắp nơi mọc lên các nhà máy thủy điện nhỏ, rẻ tiền, với cái giá vô cùng đắt cho thiên nhiên. Và cho cả mạng sống của người dân ở phía dưới chân đập.
Tôi không phủ nhận những bước tiến mà Việt Nam đạt được trong “Xóa đói giảm nghèo”. Đường xá, điện lực và viễn thông vươn đến phần lớn nông thôn khiến đời sống nông dân được cải thiện đáng kể. Nhưng xóa đói dẫn đến tàn phá thiên nhiên là những bước tiến không thể khích lệ.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trước năm 1945 Việt Nam có 14 triệu ha rừng. Sau 30 năm chiến tranh, diện tích rừng năm 1975 chỉ còn 9,5 triệu ha. 14 năm hòa bình trong chế độ bao cấp đã thiêu hủy thêm 3 triệu ha, năm 1989 chỉ còn 6,5 triệu ha [3].
Từ khi đổi mới kinh tế, nhà nước giao đất rừng cho nông dân để xóa đói giảm nghèo và phủ xanh diện tích rừng. Thiếu hiểu biết về phát triển bền vững, ham bóc ngắn cắn dài, chính quyền đã khuyến khích hàng triệu nông dân trồng các loại cây công nghiêp, mà tệ hại nhất là cây keo để làm bột giấy.
Cây keo tuy chỉ cho 25-30 triệu đồng/ha/năm, nhưng sau 4-5 năm là nông dân có thu hoạch, sản phẩm được công nghiệp giấy bao tiêu ngay. Nếu mỗi gia đình được phân 4-5 ha để trồng keo, thì năm nào cũng đảm bảo có thu nhập ổn định, tuy chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, đủ để không chết đói. Vì vậy nông dân đua nhau phá rừng tự nhiên để trồng keo, tăng thu nhập.
Hậu quả là vô vàn cánh rừng tự nhiên bị đốt để trồng keo. Rừng keo phủ đến đâu, đa dạng sinh học biến mất đến đó. Chim, ong, bướm, côn trùng bỏ đi, đất bị xói mòn, bị bạc màu. Không có thảm thực vật giữ nước nên lũ lụt, hạn hán đe dọa cuộc sống ở dưới đồng bằng.
Trồng rừng đơn canh là cách hủy họa thiên nhiên nguy hiểm nhất. Nó nguy hiểm vì người dân nghĩ rằng mình đang trồng rừng, đang hỗ trợ công nghiệp và đang tự nuôi sống mình. Chính quyền thì có cách đề cao thành tích xóa đói giảm nghèo.
Nhiều nông dân hiểu rõ tác hại của “cơn sốt keo”. Nhưng nếu gõ từ “cây keo” trên Google, sẽ chỉ thấy các bài viết ca ngợi cây leo. Vậy nên trong 3,9 triệu ha trồng rừng mới, có đến 2,2 triệu ha keo lai!
Những người quyết vượt khó, trồng vườn rừng tự nhiên, hợp thổ nhưỡng, bảo vệ môi sinh luôn bị cô đơn.
Cái vỉa hè bị chiếm dụng, khấp khểnh theo từng mặt tiền không chỉ là chuyện của phố tôi. Nó là hình ảnh ngự trị trong mọi lĩnh vực của xã hội, là hậu quả của nền quản lý lạc hậu.
(Còn tiếp)
_____
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki
[2] https://dantri.com.vn/…/van-phong-chinh-phu-thuc-xu-ly…
[3] https://tongcuclamnghiep.gov.vn/…/tai-nguyen-rung-viet…
Bác này chỉ nhìn thấy một mặt, không thấy cái tổng quát. Vì bác không thích Vin Group nên lấy Phú Mỹ Hưng làm ví dụ. Như thế người ta tưởng rằng nước ngoài tốt hơn Việt Nam. Như thế cũng đúng, nhưng vấn đề thực chất ở đây là tư nhân quản lý tốt hơn nhà nước; Vin Homes, Times City của Vin Group ở Hà Nội cũng chẳng kém Phú Mỹ Hưng, so với Hà Nội cổ kính, thanh lịch thì văn minh gấp trên 10 lần. Còn vấn đề trồng keo, không phải ai trồng keo cũng phá rừng tự nhiên. Mà rừng tự nhiên còn đâu mà phá. Quê tôi, Bắc Giang, trước đây đồi trọc rất nhiều, cũng do không có ý thức và không biết quản lý, nhưng nhờ trồng keo nay thấy xanh khắp nơi. Các loại chim trước đây chỉ có trên rừng nay lại về. Rắn, rết, v.v. cũng nhiều.
Tuy chính sách có nhiều cái sai, nhưng sai nhất và khó sửa nhất là người dân. Người dân không có ý thức, không có kiến thức đừng đổ tội cho nhà nước. Tôi hay tranh luận với bạn tôi, một người nghiện chỉ trích nhà nước, và đưa ra tình huống thế này: lấy toàn bộ cảnh sát Đức sang cai trị dân Việt Nam xem đường phố có ngăn nắp, trật tự không. Chắc 10 lần cảnh sát Đức cũng bó tay. Nhưng nếu đổi cho dân Đức sang đây sống để cảnh sát Việt Nam cai trị xem có phóng nhanh vượt ẩu, đút lót cho cảnh sát không. Chắc cũng không. Hoặc nếu có thì phải mất vài thế hệ.
Vậy, nên chỉ trích người dân trước. Nhiều người hiện đang là dân, đang chỉ trích nhà nước, nhưng nếu đổi bên thì cũng thế thôi. Có lẽ nên đề cao đạo Khổng, xây dựng một nền giáo dục, một xã hội kiểu phong kiến – đế quốc.
Hãy nhớ chủ trương” trí Phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” để “bần cố nông làm nòng cốt “,rồi cải cách ruộng đất,đánh Tư sản,cải tạo công thương,đánh bọn xét lại,…Tất cả những việc làm đó ĐÃ TIÊU DIỆT MỌI TINH HOA TRÍ TUỆ CỦA DÂN TỘC !
=> Bấy giờ nòng cốt BẦN CỐ NÔNG lãnh đạo,chỉ dạy cho dân- nhất là giáo dục với phong trào bổ túc cấp bách vài tháng một lớp để có chứng chỉ BỔ TÚC LỚP 7 rồi thành giáo viên cấp1,cấp 2,cấp 3 chỉ sau 1 tháng,2 tháng, 3 tháng trong phong trào 7+1; 7+2; 7+3 những năm đầu,sau đó thì 7+1; 7+2; 7+3 là 1 năm ,2 năm, 3 năm cho đến tận đầu thế kỹ 21! “Nền giáo dục ưu việt xhcn” đã đào tạo ra biết bao vị lãnh đạo, bao anh hùng tướng lĩnh, và giáo sư tiến sĩ đông như quân Nguyên hôm nay!
Tôi không đồng ý với ý kiến này. Đào tạo, giáo dục là cần thiết. Trong điều kiện thiếu thốn, gấp rút thì lấy người lớp trên dạy người lớp dưới là thực dụng và hợp lý. Vấn đề chính nằm ở chỗ tuyển dụng / trọng dụng người tài; đó là ngày xưa, lúc mới giành chính quyền. Nay phải thêm vế trọng dụng và trả công xứng đáng người tài. Cụ thể thế này, người lớp 4 dạy người lớp 3 là vấn đề giáo dục, không phải vấn đề trọng dụng người tài, cứ tiến hành; cuối cùng thì cả hai người đều nâng cao kiến thức nhờ cách làm hiệu quả, nhanh, tiết kiệm. Chuyện tuyển dụng không hế liên quan. Ai có tài, có đức thì phải được trọng dụng, bất kể nguồn gốc, giai cấp trình độ. Sai lầm lớn nhất là tư tưởng Mao-ít, đề cao nông dân, là đề cao chính quyền công nông. Sai lầm nối tiếp sai lầm nữa là đúng ra nhà nước công nông chỉ có nghĩa là nhà nước phục vụ quyền lợi giai cấp công, nông một cách tốt nhất (bất kể ai làm giám đốc, cứ mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các ông, bà công nhân, nông dân là được), nhưng lại được cắt nghĩa là để cho giai cấp công, nông lãnh đạo.
Tôi không phủ nhận những bước tiến mà Việt Nam đạt được trong “Xóa đói giảm nghèo”.
Hê Hê Hê tôi lại nhìn thấy rõ đấy là “Treo đầu dê bán thịt chó”, cái vò có vẻ như có xoá đói lấp đi vẻ nghèo, nhưng con cháu phải đi ăn chực ăn xin người ta khắp thế giới, tùy theo gốc của từng người mà hình thức nô lệ cho phương tây hiện ra khác nhau. Tương lai sẽ không còn cơ hội cho đất nước thoát khỏi phân thân làm tôi tớ, phân dân chầu chực ăn nhờ ở đậu nhà người ta, vì vốn liếng gốc cho sức tự phát triển vượt lên đã bị cày nát rôi. Hêt hy vọng, hoàn toàn tuyệt vọng trong thân phận tầm gửi tại xứ người. Vì những cái đầu ác qủy tham, tàn, độc, hại.