Trùm cuối hay một tiến trình chính trị mới?

Tâm Chánh

2-1-2023

Nếu ướm phát biểu của ông Võ Văn Thưởng mới đây, rằng phải tạo sức ép từ chức, để lý giải việc trung ương “xử lý” ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam, thì có thể thấy cuộc đốt lò đã bước đến một chuyển biến mấu chốt: liệu đảng có thể qui trách nhiệm chính trị đến đâu những quan chức lãnh đạo?

Truyền thông chính thống chỉ thông báo, trung ương nhất trí cho thôi các chức vụ lãnh đạo đảng của ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. Còn, không có một giải thích nào, để hiểu rằng các ông ấy từ chức hay bị xử lý.

Dư luận như được để mặc tình giải thích theo chủ ý ở đâu đó rằng, đó là một kết quả xử lý từ các đại án tham nhũng phát sinh từ trận dịch covid 19 vừa rồi.

Thậm chí người ta đã “bỏ nhỏ”, như thể đã “sờ” vào tới trùm cuối, cốt để hạ cơn căm phẫn của dân chúng.

Có thể trung ương chưa giải thích vì chờ sẽ phải trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường đã được triệu tập.

Dù cho là thế nào thì số phận chính trị của hai nhân vật lãnh đạo ấy đã được định đoạt.

Cần lời giải thích chính thức vì nó sẽ cung cấp manh mối để hiểu đâu là diễn biến đốt lò luôn đầy kịch tính trong chính trường hơn mười năm qua.

Mức độ phá các đại án tham nhũng đang ngày càng gieo trước dư luận câu hỏi, liệu có đốt hết nổi củi?

Hay áp suất dữ dội của lò đã phát ra cảnh báo, tới lúc phải tháo bớt củi ở đáy nồi?

Căng thẳng, không phải vì càng đánh án tham nhũng thì mức độ tham nhũng ở cấp cao càng xuất hiện, thậm chí xuất hiện như một bè đảng, và phổ biến xuyên suốt trong nhiều ngóc ngách cầm quyền.

Căng thẳng còn có vẻ như việc ráo riết truy đuổi trùm cuối cũng tiệm cận với những rủi ro chính trị không phải dễ khống chế.

Không ai có thể phủ nhận tác động của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới việc hình thành ý chí chống tham nhũng trong toàn bộ hệ thống chính trị. Không ai trong đảng có được vị trí trung tâm quyền lực để có thể thi triển đủ kiểu võ công giải quyết nạn tham nhũng như ông Trọng có được. Ông Trọng đã kiên nhẫn và cật lực hành xử lợi thế đó, nhưng kết quả dường như chỉ mới định tính được niềm tin có thể đánh được tham nhũng.

Trong một khung cảnh thực tế nào đó, tham nhũng cũng “ngán” lửa lò ông Trọng.

Nhưng có lẽ chưa thể hình dung rằng đã ngăn chận được, hay cơ bản hơn, là phòng chống được tham nhũng.

Phải thừa nhận dưới thời trị vì của ông Trọng, chống tham nhũng đã chuyển biến, từ một khẩu hiệu thành một sinh hoạt thường xuyên, trong chừng mực nào đó, định hình như một kỉ luật nghiêm túc trong đảng. Nhưng cũng chỉ là mới thấy được từ đánh án tham nhũng.

Ngay trong việc trừng phạt, tội phạm được phát hiện ngày một nhiều hơn, mức độ nguy hại ngày một cao hơn cũng đang đặt ra thực tế phải thiết đặt công lý thế nào. Chẳng hạn, các quan chức bị qui tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chưa xác định rõ được chứng cớ cụ thể “ăn” bao nhiêu, với quan chức đã qui được tội “ăn” hàng triệu đô la thì mức “khoan hồng đặc biệt” nào được áp dụng và ai được áp dụng?

Thực tế đặt ra một hiện thực đơn giản, những quan chức từng đương nhiệm trung ương, như Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Trần Đình Thành… gặp nhau trong trại giam, liệu có thảo luận với nhau về mức hình phạt mà mình bị áp khác nhau, do có trường hợp được nhận hay không được nhận “khoan hồng đặc biệt”?

Đó mới chỉ là trong nhóm hành vi tội tham nhũng với nhau, cùng là cấp trung ương quản lý như nhau, chứ chưa nói đến mức độ áp dụng pháp luật có thể khác nhau (đang khá phổ biến) ở 63 tỉnh thành. Cũng chưa nói gì đến việc thiết lập công lý giữa loại tội phạm tham nhũng hay các loại tội phạm khác.

Thực tiễn đó khiến cho có thể bẻ lái, tiếp cận kỳ họp bất thường của trung ương và của quốc hội ở một góc nhìn khác, không thể chăm bẵm truy tìm ai là trùm cuối.

Dường như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi động một tiến trình chính trị mới, thực hiện chủ trương khuyến khích việc chủ động từ chức vì trách nhiệm.

Có một thực tế cố hữu là, trong nền chính trị hiện hành, thật không dễ qui trách nhiệm chính trị cho các cá nhân lãnh đạo. Ông Trọng đã từng thất bại trong việc qui trách nhiệm một số bê bối cho nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lần này có thể là một chuyển biến, ông qui được trách nhiệm cho hai phó thủ tướng phụ trách là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Có thể là do các vụ việc trong lần này có mạnh mối rõ ràng hơn, nhưng cũng có thể thấy, hai ông phó thủ tướng cũng ít “bản lĩnh chính trị cá nhân” hơn thủ trưởng cũ Nguyễn Tấn Dũng của mình.

Để trung ương cho “thôi” trong một chừng mực ít nhiều mập mờ, hẳn phải là một tiến trình thương lượng chính trị không dễ dàng, mà nhất định phải có sự hợp tác của cá nhân hai vị lãnh đạo đương nhiệm ấy. Có thể mức thương lượng chấp nhận là một tiến bộ trong văn hoá chính trị cầm quyền của đảng, đổi lấy những rắc rối nào đó có thể đối với cá nhân hai cán bộ đó của đảng.

Kỳ vọng tạo ra sức ép để lãnh đạo từ chức vì trách nhiệm đang có vẻ là một mục tiêu chính trị có phần linh hoạt hơn, ngay cả so với truy tìm ai cố ý làm trái.

Điều đó cũng có nghĩa đừng quá chờ đợi kết quả của cuộc truy tìm ai là trùm cuối tham nhũng.

Đối phó với nạn tham nhũng Việt Nam đang không chỉ cần một trung tâm quyền lực dám đánh và dám thắng, mà ngày một cần kíp hơn là, một ban lãnh đạo dám hiện thực hoá những ý tưởng cải cách căn bản hệ thống phân bổ và sử dụng quyền lực, vốn đã xuất hiện nhiều năm nay trong tiến trình đổi mới.

Như kinh nghiệm cải cách kinh tế thôi, cái gì của dân trả lại cho dân.

Không có nhiều lựa chọn thí nghiệm, thể nghiệm để chần chờ mãi đâu.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN


  1. Chúc hai Phó Thủ tướng về vườn chẳng tiếc cổ vũ Thế hệ Trẻ vững bước vào Tương lai
    ***********************

    Quân tử báo cừu, thập niên bất vãn
    Quân tử báo thù mười năm vẫn còn chưa muộn
    – Hũ tục Tàu

    Cốt tương Tàu thấm thù dai tận xương tủy
    Quân tử báo thù Thế kỷ vẫn còn tầm truy
    Bình minh hóa Hoàng hôn còn Cơ thạch
    Thành bùn bô xít cỗ máy Chệt hóa sụp suy
    Chúc hai Phó Tể tướng về vườn chẳng tiếc
    Guồng máy tham nhũng bán Nước lạy quỳ
    Làm Người tử tế cổ vũ Thế hệ Trẻ
    Nối nghiệp Tổ tiên Tiền nhân vinh quy

    https://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  2. https://www.youtube.com/shorts/BZrKs3FrHeI

    Chí sĩ Ngô Kỷ – Người đi giữa Hai Thế kỷ + Chiến binh không hề mỏi mệt giữa Hai Thời Chiến tranh Lạnh
    *******************

    Con hơn Cha là nhà có Phúc
    Tục ngữ Việt Nam

    Bất khuất thủy trung ổn định kiên cường
    Hiếu thảo với Mẹ Việt Nam + Quê Hương
    Hải Âu không mỏi cánh Đôi bờ Việt-Mỹ
    Chấp cánh nối Biển Đông – Thái Bình Dương
    Đấu tranh vì Đồng hương – Đồng bào – Tổ Quốc
    Nhiệt tình chân thật lý tưởng kiên định lập trường
    Tài ngoại giao quan hệ với bao đời Tổng thống Mỹ
    Cùng bao chính khách giúp Đồng bào – Đồng hương
    Sáng kiến lập Chiến dịch H.O. cứu hàng vạn Chiến hữu
    Có mặt mọi phong trào đấu tranh kiên trì kiên cường
    Vượt qua bao vòng Kim cô oán thù dị nghị oan nghiệt
    Giương cao Hoàng kỳ bất diệt trên Đất Mẹ nhiễu nhương
    Bên Chiến hữu Lý Tống – Võ Đại Tôn – Việt Dũng -…
    Đứa con Viễn kiến Xứ Quảng giờ vượt cả Tâm trí trường
    Tầm vóc Chí sĩ Phan nơi Paris đầu Hai mươi Thế kỷ
    “Con hơn Cha là Nhà có Phước” xây Hạnh phúc cho Quê Hương

    https://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  3. Làm tổng bí đến ba nhiệm kỳ, vất điều lệ đảng vào sọt rác, mánh khóe mưu mô tập trung quyền lực vào tay, mạnh mồm rêu rao chống tham nhũng, nhưng thảm hại thay, cái lò tôn của Trọng Lú ngày càng méo mó. Tham nhũng ngày càng trắng trợn, quy mô ngày càng hoành tráng.

    Cách đây mười năm, ai có thể tưởng tượng được những đại án kiểu Việt Á, giải cứu lại có thể diễn ra công khai, với một quy mô rộng lớn như đã thấy ? Tất cả đều diễn ra dưới thời của Trọng Lú.

    Trùm cuối là đây chứ là đâu. Nó là con voi trong phòng. Người ta không thể, không dám hay không muốn nhìn thấy nó ?

    Rõ ràng những cái quy trình, quy tắc, quy hoạch để chọn lâu la nầy đàn của Lú chỉ làm cho bộ máy tham nhũng phình to ra, ăn bạo hơn. Tham nhũng chỉ có trầm trọng hơn chứ đâu có giảm thiểu chút nào. Và chính những bộ sậu Võ Văn Thưởng, Tô Lâm, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hồng Diên… đang là chỗ dựa vững chắc cho cái ghế của Lú. Cái bóng của lũ người này đã phủ kín bộ máy tham nhũng hiện thời, từ những tham nhũng vặt của những nhân viên công quyền, công an trở đi.

    Kẻ phải từ chức ngay, chính là Trọng Lú !

Comments are closed.