Làm bạn với con, giải pháp tốt nhất!

Đoàn Bảo Châu

27-12-2022

Mấy tuần trước, có một vụ học sinh nhảy lầu nhưng truyền thông không dám động tới. Nguyên nhân là bởi gia đình rầy ra khi nhà trường cho điểm Văn Minh thấp.

Tôi cho rằng lờ đi không phải là cách tốt, mà nhận diện, phân tích, đối mặt, tìm cách giải quyết vấn đề một cách trung thực, nghiêm túc mới là cần thiết. Có ý kiến cho rằng không nên viết về chủ đều này bởi trẻ em có thể bắt chước nhau và cha mẹ của những cháu bé ấy thêm đau lòng.

Trẻ em không đọc những bài viết của chúng ta rồi bắt chước hành động tiêu cực, bọn chúng quá bận rộn với việc học hành, với những mối quan tâm riêng, lũ người lớn chúng ta quá chán với chúng, chúng để ý làm gì?

Cha mẹ của những cháu bé có hành động tiêu cực cũng vậy, vết thương của họ quá lớn, việc đã xảy ra rồi, họ vào đọc làm gì? Bài viết dạng này dành cho những bậc cha mẹ đang bị stress với việc học hành của con cái và thực sự cần những góc nhìn khác.

Khi đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống, những góc nhìn khác, bao quát hơn rất cần thiết để mỗi người không bị rơi vào bế tắc, tuyệt vọng.

Cuộc sống luôn đầy rẫy những bài học cần phải học, nhiều bài học có thể rất chát, rất đắng nhưng con người vẫn phải học. Việc làm bố chẳng hạn, tôi cũng phải học nhiều.

Trước kia tôi thường nói với các con là cuộc sống trẻ con dễ dàng, chỉ lo học, rồi chơi, chứ người lớn căng thẳng với gánh nặng mưu sinh, nhưng rồi tôi nhận ra rằng suy nghĩ của mình rất thiển cận và sai lầm.

Đối với đứa trẻ thì vài điểm xấu, nhận xét tiêu cực của thầy cô giáo, cảm giác thua kém bạn bè, lời khiển trách của bố mẹ đã là một gánh nặng tâm lý nặng nề. Chúng ta nhìn những việc ấy nhẹ nhàng bởi ta đã đi qua thời gian ấy và tâm lý của ta mạnh mẽ, trưởng thành hơn bởi đã va chạm nhiều.

Giả sử chúng ta bị sếp, đồng nghiệp chê trách, xa lánh, bị ném đá trên mạng xã hội, chúng ta cũng sẽ bị stress khi chưa được chuẩn bị tâm lý. Bão tố có thể không làm gãy gục một cây cổ thụ bởi rễ đã bám sâu nhưng một cơn gió hơi mạnh lại có thể làm bật gốc một cái cây non nớt.

Khi những đứa trẻ stress, trầm cảm, sự căng thẳng tâm lý bị đẩy quá sức chịu đựng, chúng có thể làm những điều dại dột khiến cha mẹ ân hận cả đời. Vấn đề là người lớn không bắt mạch được điều gì đang diễn ra trong tâm lý những đứa trẻ và hành động theo cảm tính, theo kinh nghiệm hạn chế, thiếu sáng suốt để có thể chọn ứng xử thông minh hơn.

Khi những đứa trẻ thiếu nụ cười, chúng ta cần để ý. Khi những đứa trẻ tỏ ra mệt mỏi, chán nản, chúng ta cần lưu tâm. Khi những đứa trẻ không muốn nói chuyện với chúng ta, chúng ta nên lo ngại.

Suy cho cùng, học mà không mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ thì học để làm gì? Điểm số quan trọng gì khi tuổi thơ bị mất đi, khi tâm hồn những đứa trẻ không cảm thấy cuộc sống này đẹp và đáng sống? Các danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc của hệ thống giáo dục này có ý nghĩa gì khi mà số lượng học sinh giỏi, xuất sắc quá lớn nhưng những đứa trẻ thì ngô nghê trong đời thường, mấy câu cảm ơn, xin lỗi, những hành vi lễ nghĩa trong cuộc sống còn không biết?

Điều vô cùng quan trọng, quan trọng bậc nhất trong mối quan hệ với con cái là chúng có sẵn sàng cởi lòng tâm sự với chúng ta hay không?

Khi chúng đóng kín, xa cách chúng ta, ấy là chúng ta đã thất bại và chúng ta phải cẩn thận. Chúng ta cần mềm mại hơn, dịu dàng hơn trong cách tiếp cận. Quá trình gây dựng lòng tin từ trẻ lại phải bắt đầu và chính chúng ta phải học lại cách làm cha làm mẹ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cha mẹ không thể là bạn của con cái.
    Ta có câu “Cha mẹ nói ngoa, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”, đấy mới là cái tệ. Cha mẹ là người có “quyền” thường dẫn đến “độc đoán”, “tao nói mày phải nghe” … và đòi hỏi, đôi khi là vô lý, đối với con cái.
    Điều then chốt là công minh.
    Con người sinh ra mỗi người có năng lực riêng, đòi hỏi quá mức, không ai làm được, kèm theo sự so bì, con nhà người ta thế nọ, con nhà người ta thế kia, còn con nhà mình thì … thực đúng với câu “bì phấn với vôi, bì l… con đĩ với môi anh thợ kèn”.
    Cha mẹ có lỗi thì giảm nhẹ, con cái có lỗi thì thổi phồng. Chó nằm ngang lối đi, cha mẹ giẵm phải quát “cái con này nằm vướng lối”, con cái giẵm phải “mày không có mắt à mà giẵm phải nó”. Cha mẹ lỡ tay làm vỡ bát “thôi, vỡ mất rồi”, con cái làm vỡ “mày làm thế à” … và vô vàn chuyện “nhảm nhí” của các bậc cha mẹ. Và nặng nề hơn cả là xỉ nhục con cái, trẻ sẽ nảy những suy nghĩ không hay.
    Việc ưa xỉ nhục người khác để thể hiện mình hay mình giỏi, mình là kẻ mạnh … là một cái tệ. Cha mẹ, thày cô, đôi khi lúc trẻ, đi học cũng kém, chả hơn ai, nhưng mắng mỏ con em học kém như “đúng rồi”…
    Chuyện của Tây:
    Ông bố nhìn bảng điểm của con trai học lớp 4 nói:
    -Con trai yêu quý, bằng tuổi con, Isaac Newton luôn đứng đầu lớp.
    Cậu con trai nhìn ông bố và nói:
    -Thưa cha, bằng tuổi cha, Theodore Roosevelt là tổng thống Hoa Kỳ!!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây