Một số người Ukraine đón Giáng Sinh sớm hơn để đoạn tuyệt với Nga

AP

Tác giả: Renata Brito Hanna Arhirova

Cù Tuấn, dịch

26-12-2022

Linh mục ban phép lành cho các chiến sĩ Ukraine trong Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ tại một vị trí gần biên giới với Nga ở vùng Kharkiv, 24/12/2022. Ảnh; AP

BOBRYTSIA, Ukraine (AP) — Người Ukraine thường ăn mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng, người Nga cũng vậy. Nhưng không phải năm nay, hoặc ít nhất là không phải tất cả mọi người.

Một số người Ukraine theo Chính thống giáo đã quyết định đón Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, giống như nhiều người theo Thiên chúa giáo trên khắp thế giới. Vâng, điều này có liên quan đến cuộc chiến, và vâng, họ có lời ban phước từ giáo hội địa phương.

Ý tưởng kỷ niệm sự ra đời của Giêsu vào tháng 12 được coi là cực đoan ở Ukraine cho đến gần đây, nhưng cuộc xâm lược của Nga đã làm thay đổi nhiều trái tim và tâm trí.

Vào tháng 10, ban lãnh đạo Giáo hội Chính thống Ukraine, không liên kết với giáo hội Nga và là một trong hai nhánh của Cơ đốc giáo Chính thống ở nước này, đã đồng ý cho phép các tín đồ được cử hành lễ vào ngày 25 tháng 12.

Việc chọn ngày Giáng Sinh mới có ý nghĩa chính trị và tôn giáo rõ ràng trong một quốc gia có các giáo hội Chính thống giáo đối địch nhau, và là nơi mà những sửa đổi nhỏ đối với các nghi lễ có thể mang ý nghĩa mạnh mẽ trong một cuộc chiến văn hóa diễn ra song song với cuộc chiến dùng súng đạn.

Đối với một số người, việc thay đổi ngày tháng của Lễ Giáng Sinh thể hiện sự tách biệt với nước Nga, với nền văn hóa và tôn giáo của nước này. Người dân tại một ngôi làng ở ngoại ô Kyiv gần đây đã bỏ phiếu ủng hộ việc tổ chức sớm lễ Giáng Sinh.

Olena Paliy, 33 tuổi, cư dân Bobrytsia, cho biết: “Cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 là sự thức tỉnh và khiến chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không còn có thể là một phần của thế giới Nga nữa”.

Giáo hội Chính thống giáo Nga, nơi tuyên bố chủ quyền đối với Chính thống giáo ở Ukraine, và một số giáo hội Chính thống giáo Đông phương khác tiếp tục sử dụng lịch Julian cổ đại. Theo lịch này lễ Giáng Sinh muộn hơn 13 ngày, rơi vào ngày 7 tháng 1, so với lịch Gregorian được hầu hết các Giáo hội và thế tục sử dụng.

Giáo hội Công giáo lần đầu tiên áp dụng lịch Gregory hiện đại, chính xác hơn về mặt thiên văn vào thế kỷ 16, và những người theo đạo Tin lành và một số giáo hội Chính thống kể từ đó đã sắp xếp lịch của riêng họ để tính toán ngày Giáng Sinh.

Hội đồng cấp cao của Giáo hội Chính thống giáo Ukraine đã ra sắc lệnh vào tháng 10 rằng các lãnh đạo giáo hội địa phương có thể chọn ngày cùng với cộng đồng của họ, cho biết quyết định này sau nhiều năm thảo luận nhưng cũng xuất phát từ hoàn cảnh chiến tranh.

Ở Bobrytsia, một số tín đồ đã thúc đẩy sự thay đổi trong giáo hội địa phương, gần đây đã chuyển thành một phần của Giáo hội Chính thống Ukraine, vốn không có quan hệ gì với Nga. Khi một cuộc bỏ phiếu được thực hiện vào tuần trước, 200 trong số 204 người đã đồng ý với việc chọn ngày 25 tháng 12 là ngày mới để đón Giáng Sinh.

Đây là một bước tiến lớn bởi vì chưa bao giờ trong lịch sử của chúng tôi, chúng tôi có cùng ngày tổ chức lễ Giáng Sinh ở Ukraine với toàn thế giới Cơ đốc giáo“. Roman Ivanenko, một quan chức địa phương ở Bobrytsia, và là một trong những người thúc đẩy sự thay đổi, cho biết trong suốt thời gian chúng tôi bị chia cắt. Ông nói, với việc chuyển đổi, người dân đang “phá vỡ mối liên hệ này” với người Nga.

Như ở tất cả khu vực Kyiv, sáng Chủ nhật ở Bobrytsia bắt đầu bằng tiếng còi báo động, nhưng điều đó không ngăn cản mọi người lần đầu tiên tập trung tại nhà thờ để tham dự Thánh lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Cuối cùng, không có cuộc tấn công nào được báo cáo ở thủ đô cả.

Không kẻ thù nào có thể lấy đi ngày lễ vì ngày lễ xuất phát từ tâm hồn”, Linh mục Rostyslav Korchak nói trong bài giảng của mình. Trong bài giảng, ông đã nói các từ “chiến tranh”, “binh lính” và “ác quỷ” nhiều hơn cả từ “Jesus Christ”.

Ảnh: Người Ukraine tham dự lễ Giáng Sinh tại một Nhà thờ Chính thống giáo ở Bobrytsia, ngoại ô Kyiv, Ukraine, Chủ Nhật, ngày 25 tháng 12 năm 2022. Nguồn: AP

Anna Nezenko, 65 tuổi, đến nhà thờ ở Bobrytsia vào mỗi dịp Giáng Sinh kể từ khi tòa nhà được khánh thành vào năm 2000, luôn luôn vào ngày 7 tháng Giêng. Nezenko nói rằng, bà không cảm thấy lạ khi đến nhà thờ lần này vào Chủ Nhật 25/12.

Điều quan trọng nhất là Chúa được sinh ra trong trái tim”, bà nói.

Vào năm 2019, Thượng phụ Đại kết Bartholomew, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Chính thống Đông phương, đã trao quyền độc lập hoàn toàn, hay quyền tự trị, cho Giáo hội Chính thống Ukraine. Những người Ukraine ủng hộ việc công nhận một giáo hội quốc gia song song với nền độc lập chính trị của Ukraine khỏi Liên Xô cũ từ lâu đã tìm kiếm sự chấp thuận như vậy.

Giáo hội Chính thống Nga và nhà lãnh đạo của nó, Thượng phụ Kirill, đã phản đối quyết liệt động thái này, nói rằng Ukraine không thuộc thẩm quyền của Bartholomew.

Một nhánh lớn khác của Chính thống giáo trong nước này, Chính thống Giáo hội Ukraine, vẫn trung thành với Matxcơva cho đến khi chiến tranh bùng nổ. Giáo hội này tuyên bố độc lập vào tháng 5/2022, mặc dù nó vẫn nằm dưới sự giám sát của chính phủ. Giáo hội này có truyền thống tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây