Trân Văn
23-11-2022
Các đại biểu quốc hội (ĐBQH) khóa 15 vừa nhất trí bổ sung “nơi sinh” vào trang chính của hộ chiếu cấp cho công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam (1). Mẫu mới của hộ chiếu vừa được phát hành hồi tháng 7 năm nay (tạm gọi là hộ chiếu… “mới xài”) giờ đã được thay bằng mẫu… “mới hơn”.
Bởi mẫu hộ chiếu… “mới hơn” vừa được các ĐBQH khóa 15 lựa chọn có “nơi sinh”, không giống với Khoản 3 – Điều 6 của Luật Xuất cảnh và nhập cảnh (Luật XCNC) từng được các ĐBQH khóa 14 thông qua hồi tháng 11/2019 (qui định về “thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh” trong Luật XCNC không đề cập đến “nơi sinh”) và thời gian phải xác lập, ban hành mẫu hộ chiếu… “mới hơn” mẫu hộ chiếu… “mới xài” quá ngắn (phải trước ngày 1/1/2023, nếu không, công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ không thể sử dụng hộ chiếu theo mẫu… “mới xài” ra vào nhiều quốc gia khác) nên việc sửa một phần Luật XCNC được Quốc hội khóa 15 thực hiện theo phương thức chưa từng có trong lịch sử lập pháp: Dùng Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 để… thể hiện ý chí của nhân dân rồi giao cho Bộ Công an tùy nghi sửa chữa các văn bản pháp quy có liên quan đến mẫu hộ chiếu!
Việc chỉnh sửa một bộ luật theo kiểu như vừa đề cập có nhiều điểm đáng bàn nhưng xin phép tạm gác sang một bên. Qua chuyện thay “nơi sinh” trong mẫu hộ chiếu cũ bằng mã số định danh (MSĐD) ở mẫu hộ chiếu… “mới xài” nhưng ba tháng sau phải bỏ để… tái bổ sung “nơi sinh”, kẻ viết bài này chỉ mạo muội lạm bàn về “sự nghiệp… số” ở Việt Nam.
***
Theo đề nghị của Bộ Công an, chính phủ đã sắp xếp cho ông Tô Lâm giới thiệu với các ĐBQH khóa 14 (2016 – 2021) Dự luật XCNC do Bộ Công an soạn thảo. Vào thời điểm đó (hạ tuần tháng 5/2019), ông Tô Lâm bảo với các ĐBQH rằng phải có Luật XCNC và đổi mẫu hộ chiếu vì đó là… “xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0” (2).
Mẫu hộ chiếu mới theo “xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0” có hai yếu tố liên quan đến “sự nghiệp… số” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam: Thứ nhất, có chip ghi chép và lưu trữ các thông tin cá nhân của người sử dụng hộ chiếu. Thứ hai, có MSĐD của người sử dụng hộ chiếu.
Dự luật XCNC trở thành luật thực định cho lĩnh vực XCNS từ tháng 11/2019 nhưng đến tháng 7/2022 – thời điểm cấp phát hộ chiếu mẫu mới – Bộ Công an vẫn chưa làm được hộ chiếu có chip điện tử, “sự nghiệp… số” của Bộ Công an gặp trắc trở đầu tiên nhưng chưa phải là cuối cùng.
Để đeo đuổi “xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, Bộ Công an xây dựng kho dữ liệu về thông tin cá nhân của công dân, áp cho mỗi công dân một MSĐD. MSĐD là chuỗi 12 số in cả trên căn cước lẫn hộ chiếu mẫu mới. Vì “nơi sinh” đã được… “số hóa” thành ba số đầu trong chuỗi MSĐD nên hộ chiếu mẫu mới không có “nơi sinh”.
Tuy nhiên nỗ lực… “số hóa” theo kiểu đó không giống ai nên trở thành bất khả thi bên ngoài biên giới Việt Nam. Chẳng viên chức hữu trách nào trong lĩnh vực di trú và hành chánh của những quốc gia khác thèm đối chiếu qui định về “số hóa” dữ liệu cá nhân do Bộ Công an ban hành để xác định đương sự sinh ở đâu.
“Cuộc cách mạng công nghệ 4.0” của Bộ Công an Việt Nam nói chung và ông Tô Lâm nói riêng rõ ràng là hết sức… “khó khăn, gian khổ” vì phần còn lại của nhân loại không… đồng điệu. Tại sao… “số hóa” là… “xu hướng tất yếu” mà Việt Nam vẫn phải bỏ mẫu hộ chiếu… “mới xài” đã được… “số hóa” để thay bằng mẫu hộ chiếu… “mới hơn” có “nơi sinh” viết bằng… chữ như mẫu hộ chiếu… cũ? Có thể vì dưới sự lãnh đạo của đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ, “sự nghiệp… số” của Việt Nam phải… vắn số!
***
Đầu thập niên 2000, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bắt đầu huyên thuyên về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ “sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Theo thời gian, ứng dụng CNTT được dán nhiều nhãn khác nhau: Kinh tế tri thức, Cách mạng công nghệ 4.0, Chuyển đổi số,… Tuy đã đổ rất nhiều tiền vào việc ứng dụng CNTT nhưng đến 2020, Việt Nam vẫn không đạt được mục tiêu đã đề ra: Trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại!
Đến giờ, những dấu ấn sâu đậm nhất trong quá trình thúc đẩy các hệ thống ứng dụng CNTT nếu không là các… đại án (Chẳng hạn vụ Trung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao, tận dụng yêu cầu giám sát các hoạt động… “số hóa” để khoác cho Công ty Đầu tư và Phát triển an ninh công nghệ cao tấm áo “bình phong” để “tổ chức đánh bạc, đánh bạc, sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hay vụ Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội, tận dụng… “số hóa” để giao cho Công ty Nhật Cường làm nhà thầu cho đủ loại dự án liên quan đến “số hóa”) thì cũng là những scandal như… hộ chiếu mẫu mới vì dùng MSĐD thay “nơi sinh” mà phải hủy.
“Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã được… gia hạn đến 2030 và cho phép… co giãn đến 2045 (4), đảng lại ban hành thêm nghị quyết (Nghị quyết 52-NQ/TW), chính phủ lại công bố chương trình mới (Quyết định 749/QĐ-TTg) nhằm “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số”… Nghị quyết 52-NQ/TW được BCH TƯ đảng ban hành hồi tháng 9/2019, Quyết định 749/QĐ-TTg được phê duyệt hồi tháng 6/2020 nhưng trong đợt dịch COVID-19 thứ tư hồi năm ngoái (2021), Việt Nam không tạo ra được ứng dụng CNTT nào cho ra hồn để theo dõi – phòng ngừa dịch bệnh trên toàn quốc (5). Không phải tự nhiên mà những người am tường hoạt động của lĩnh vực CNTT tại Việt Nam khẳng định, nếu lật lại hồ sơ chi tiêu cho các ứng dụng CNTT để theo dõi – phòng ngừa COVID 19 tại Việt Nam, chắc chắn sẽ có thêm một scandal nữa mà tính chất chẳng thua gì scandal Việt Á.
Đến giờ, “sự nghiệp… số” tại Việt Nam vẫn thế – vẫn tiến những bước mạnh mẽ nhưng… rất ngắn như thay đổi mẫu hộ chiếu… “mới xài” rồi hối thúc nhau sớm đổi sang mẫu hộ chiếu… “mới hơn”. Chẳng riêng hệ thống công công quyền, hệ thống chính trị như Quốc hội cũng… thích như thế cho nên trong kỳ họp vừa qua, dù chi phí cho một ngày hội họp được tính bằng tỉ đồng nhưng Quốc hội vẫn dành nhiều ngày để bàn về chuyện bán… “số” kiểm soát xe hơi, để băn khoăn xem có nên cấp biển có hai số cuối là 49 và 53 hay không! “Số” nào cũng là số và chỉ cần quan tâm đến số là có thể “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số” không theo nghĩa này thì theo… nghĩa kia. Vậy thôi!
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/quoc-hoi-dong-y-bo-sung-noi-sinh-vao-mau-ho-chieu-moi-4536304.html
(3) https://vietnam.diplo.de/vn-vi/dichvulanhsu/05-VisaEinreise/-/2547656
(5) https://www.vietnamplus.vn/nguoi-dung-roi-boi-vi-loan-ung-dung-phong-chong-dich-covid19/739348.vnp
Bỏ tiền ra nuôi mấy trăm con lợn ở trang trại Cuốc Hội thật lãng phí, nuôi lũ lợn này không thịt được, lỗ vốn.
côn an việt cọng ăn lương cao nhưng việc chính là bảo vệ an ninh trật tự thì bán cái cho nhân dân. làm việc gì cũng đòi tiền mới làm như làm cccd,mã số định danh, hộ chiếu, cấp bằng lái xe…