Thục Quyên
17-11-2022
Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc ngày 11/10/2022 đã bỏ phiếu chấp nhận Việt Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (HĐNQLHQ), nhiệm kỳ 2023-2025.
Sự kiện này đã làm số đông những người Việt tranh đấu cho nhân quyền thất vọng và hoang mang, làm tê liệt những sáng kiến hoạt động của họ.
Đúng ra, nếu hiểu về cách tổ chức của HĐNQLHQ, chia các quốc gia vào từng khu vực vì phải dựa trên một sự phân bố công bằng về mặt địa lý, cũng như sự cấu kết của các nước thiếu dân chủ trong nhóm Châu Á-Thái Bình Dương, thì phải thấy rõ là điều này không thể tránh được. Nhất là vì Việt Nam còn là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Nhà cầm quyền Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động của “Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài”
Song song với những lời khoe khoang, rằng “Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao“, thì nhà cầm quyền VN rất e ngại vì Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ đòi hỏi các thành viên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền (HRC) phải duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cũng như đảm bảo quyền tự do ngôn luận và lập hội, đồng thời cải thiện hợp tác với các cơ chế nhân quyền quốc tế.
Trong Thế giới Tự do thì vấn đề nhân quyền cũng không đứng một mình mà liên quan mật thiết đến ngoại giao và nhất là kinh tế, mối quan tâm hàng đầu của nhà cầm quyền CSVN.
Trong những năm gần đây, số người dân trong nước bất đồng ý kiến bị bắt và kết án lên rất cao và nhà cầm quyền CSVN biết rằng, sẽ chỉ còn phải đối đầu ít nhiều với khối người Việt sống tại hải ngoại đang là công dân của các nước tự do, quan trọng nhất là ở Mỹ, những người mà họ không dễ thẳng tay bắt bớ, bịt miệng.
Mục tiêu nhắm vào là “người Việt Nam ở nước ngoài”
Từ tháng 2/2019 “Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài” (UBNHvề NVNN) trực thuộc Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam để “thực hiện chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước, cũng như tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài”. Những mục đích quan trọng nhất là:
– Tổng hợp, đánh giá tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vận động, thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài để sử dụng thực hiện các hợp tác quốc tế.
– Thông tin, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình đất nước cho người Việt Nam ở nước ngoài;
– Thực hiện quản lý đối với các tổ chức xã hội liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật (Việt Nam).
Ai là “ người Việt Nam ở nước ngoài”?
Như tên của Ủy ban này ghi rõ, UBNN về NVNN nhắm mục tiêu vào tất cả những người VN đang sống ở nước ngoài mà họ gọi là cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Thế nào là Cộng đồng?
Cộng đồng là một từ Hán Việt. Cộng là chung vào, cùng nhau. Đồng là cùng (như một). Từ “cộng đồng” tự nó có một sức mạnh kỳ lạ. Nó truyền tải một cảm giác về sự gần gũi và tích cực. Nó nói lên cả tình đoàn kết và tình quê hương.
Nhưng người Việt đang sống ở Mỹ (hay ở những nước Âu châu cũng tương đương) không thuần nhất, không có sự gần gũi, tích cực, đoàn kết đó, không có mối quan tâm chung.
Để hiểu tình hình sinh hoạt của người Việt đang sinh sống ở Mỹ, có lẽ đơn giản nhất là phân loại theo hoàn cảnh:
– Cộng đồng những công dân Việt Nam ở Mỹ, và
– Cộng đồng người Việt ở Mỹ không là công dân Việt Nam.
Hai cộng đồng này là hai thực thể biệt lập, có giao du nhưng chỉ phiến diện, hoặc vì tính cách gia đình.
Những công dân VN thì dù ở trong hay ngoài VN đi nữa, vẫn nằm trong sự kiểm soát chỉ huy của đảng Cộng Sản VN. Cộng đồng những công dân VN ở Mỹ nhìn từ ngoài rất đồng nhất, vì không bao giờ họ chỉ trích bất cứ điều gì mà nhà cầm quyền VN làm. Nếu thân đảng CS thì họ tích cực trong việc phô trương ơn Bác và Đảng, còn không đồng ý với CS thì họ tuyệt đối giữ im lặng, để không bị gây khó khăn về mặt giấy tờ, quyền lợi.
Khổ thay, sự im lặng đó, giống như người dân trong nước, được ghi nhận như sự mãn nguyện của người dân, và đóng góp rất nhiều vào sự thành công của đảng CS trong việc tuyên truyền với quốc tế về cách điều hành đất nước.
Còn “Cộng đồng người Việt ở Mỹ không là công dân VN”, thì đa dạng và phức tạp, chính là cái cộng đồng mà UBNN về NVNN muốn khéo léo tóm gọn để ảnh hưởng.
Trong cộng đồng này, có những ngừơi song tịch và vì vẫn là công dân VN, nên vẫn chịu sự chỉ huy của nhà cầm quyền CSVN.
Cũng có rất nhiều người chỉ là công dân Mỹ, nhưng vì muốn thoải mái ra vào Việt Nam nên hoặc không muốn nhìn, hoặc có nhìn thấy những tệ trạng, nhưng tránh không bao giờ nói hay làm những gì có tính cách công chúng mà có thể làm phật lòng nhà cầm quyền VN, để bị cấm vào VN.
Cạnh đó là con số không nhỏ những người trong đời sống hàng ngày không còn quan tâm, ràng buộc với những gì đang xảy ra ở VN, hoặc vì quá bận bịu cơm áo gạo tiền, hoặc là những người trẻ không biết nói tiếng Việt.
Còn lại cuối cùng là nhóm những người rất quan tâm đến Việt Nam, nhưng phần lớn đang dồn tâm trí vào những sinh hoạt cộng đồng, là điều cũng rất quan trọng. Trong số họ, bao nhiêu người còn năng lượng và khả năng để theo dõi, tìm hiểu những gì đang thực sự xảy ra ở VN ngày nay? Rồi khó khăn hơn nữa là nếu muốn giúp VN thì làm sao để sự đóng góp của mình thực sự mang lại ích lợi cho người dân trong nước?
“Cộng đồng người Việt ở Mỹ không là công dân VN” và “Cộng đồng những công dân Việt Nam ở Mỹ” có cùng địa bàn sống, phần lớn không có xích mích nhưng cũng không có sự chung sống, không có ảnh hưởng lên nhau.
Thành thử, “Cộng đồng những công dân Việt Nam ở Mỹ” không phải là con đường mà UBNN về NVNN có thể tuyên truyền hoạt động để mong lấn qua “Cộng đồng người Việt ở Mỹ không là công dân VN”.
Con đường của UBNN về NVNN là dựa vào đội ngũ những người Mỹ gốc Việt không là công dân VN, (hoặc kín đáo song tịch), đang hợp sức tuyên truyền giúp họ đạt mục tiêu tuyên truyền bằng cách họp hành đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, và lên tiếng với tư cách những người am hiểu cả về VN lẫn quốc tế, ráo riết đánh bóng những thành quả hiện nay của nhà cầm quyền CSVN, trong khi kết tội những người chỉ trích là thù hận sau khi thua chiến tranh.
Đây là lập luận mà giới ngoại giao Âu – Mỹ cho tới nay rất thích tin, hoặc vờ tin, để có thể có chính nghĩa cổ súy chính sách “thay đổi thông qua thương mại”. Tuy nhiên, với Tập cận Bình và Putin, Trung Quốc và Nga đã phát triển thành những quốc gia ngày càng độc tài, khiến các nhà quan sát đang mổ xẻ sự thất bại và chứng minh “thay đổi thông qua thương mại” không thể thành công, nếu không có một cơ chế kiểm soát với sự hiện diện tích cực của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.