Cù Tuấn, dịch
17-11-2022
Tóm tắt: Trung Quốc hiện đang phải chịu sự sụt giảm về nhân khẩu học.
Trung Quốc từng là quốc gia đông dân nhất thế giới trong hàng trăm năm. Vào năm 1750, nước này có khoảng 225 triệu người, hơn một phần tư tổng dân số thế giới. Ấn Độ, khi đó không phải là một quốc gia thống nhất về chính trị, có khoảng 200 triệu dân, đứng thứ hai. Vào năm 2023, Ấn Độ sẽ giành lấy vương miện đứng đầu. Liên Hiệp Quốc đoán rằng, dân số của Ấn Độ sẽ vượt qua dân số của Trung Quốc vào ngày 14 tháng 4. Dân số của Ấn Độ vào ngày hôm đó được dự đoán là 1.425.775.850.
Bản thân việc đứng đầu về dân số có ít giá trị, nhưng nó là tín hiệu của những điều quan trọng. Việc Ấn Độ không có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong khi Trung Quốc có, sẽ trở nên bất thường hơn. Mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn gần sáu lần, nhưng dân số ngày càng tăng của Ấn Độ sẽ giúp nước này bắt kịp. Ấn Độ dự kiến sẽ cung cấp hơn 1/6 lượng dân số thế giới trong độ tuổi lao động (15-64) gia tăng từ nay đến năm 2050.
Ngược lại, dân số Trung Quốc đang sẵn sàng cho một sự sụt giảm nghiêm trọng. Số người Trung Quốc trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh một thập kỷ trước. Đến năm 2050, độ tuổi trung bình của Trung Quốc sẽ là 51, cao hơn 12 tuổi so với hiện nay. Một Trung Quốc già cỗi sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để duy trì ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình.
Cả hai quốc gia đã thực hiện các biện pháp hà khắc trong thế kỷ 20 để hạn chế sự gia tăng dân số của họ. Nạn đói năm 1959-1961 do “đại nhảy vọt” của Trung Quốc gây ra là một nhân tố lớn thuyết phục Đảng Cộng sản về sự cần thiết phải kiềm chế gia tăng dân số. Một thập kỷ sau, Trung Quốc phát động chiến dịch “muộn hơn, dài hơn, ít hơn”—kết hôn muộn hơn, khoảng cách giữa các con dài hơn và ít con hơn. Tim Dyson, một nhà nhân khẩu học người Anh, cho biết điều đó có tác động lớn hơn chính sách một con nổi tiếng hơn, được đưa ra vào năm 1980. Ông nói: “Sự suy giảm mức sinh, từ hơn sáu con trên một phụ nữ vào cuối thập niên 1960, xuống còn dưới ba con vào cuối thập niên 1970, là tốc độ giảm nhanh nhất trong lịch sử đối với bất kỳ quần thể dân số lớn nào.”
Việc này đã tạo ra lợi thế lớn. Phép màu kinh tế của Trung Quốc một phần là kết quả của tỷ lệ người lớn trong độ tuổi lao động so với trẻ em và người già ngày càng tăng từ những năm 1970 đến đầu những năm 2000. Với ít miệng ăn hơn, cha mẹ có thể đầu tư nhiều hơn cho mỗi đứa con so với những gì họ có. Nhưng có nhiều cha mẹ hơn con cái, vốn là một lợi thế khi con cái còn nhỏ, sẽ là một bất lợi khi cha mẹ già đi. Trung Quốc giờ đây sẽ phải trả giá khi thế hệ bùng nổ kinh tế nghỉ hưu và trở nên phụ thuộc vào thế hệ nhỏ hơn theo sau đó.
Nỗ lực giảm sinh của Ấn Độ ít thành công hơn. Đây là quốc gia đầu tiên giới thiệu kế hoạch hóa gia đình trên quy mô toàn quốc vào những năm 1950. Các chiến dịch triệt sản hàng loạt, được khuyến khích bởi các nhà tài trợ phương Tây, đã phát triển và được thực hiện mạnh mẽ hơn trong tình trạng khẩn cấp do thủ tướng Indira Gandhi tuyên bố vào năm 1975-1977. Dưới sự chỉ đạo của con trai Sanjay của bà, chính phủ đã buộc những người đàn ông phải vào trại thắt ống dẫn tinh, nếu không muốn bị cắt lương hoặc mất việc làm. Cảnh sát bắt những người đàn ông nghèo tại các nhà ga để ép họ triệt sản. Khoảng 2.000 người đàn ông đã chết vì thủ tục y tế cẩu thả.
Triệt sản bắt buộc kết thúc sau khi Indira Gandhi thua cuộc bầu cử. Mặc dù tàn bạo, nhưng chiến dịch này không đủ triệt để nhằm khiến tỷ lệ sinh của Ấn Độ giảm mạnh. Mức sinh của Ấn Độ đã giảm, nhưng ít hơn và chậm hơn so với Trung Quốc. Với độ tuổi trung bình là 28 và dân số trong độ tuổi lao động ngày càng tăng, Ấn Độ hiện có cơ hội gặt hái lợi tức nhân khẩu học của riêng mình. Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ dự đoán nền kinh tế của nó gần đây đã thay thế Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và sẽ đứng thứ ba vào năm 2029. Nhưng sự thịnh vượng của Ấn Độ phụ thuộc vào năng suất lao động của những người trẻ tuổi, vốn không cao bằng ở Trung Quốc. Chưa đến một nửa số người Ấn Độ trưởng thành tham gia lực lượng lao động, so với 2/3 ở Trung Quốc. Người Trung Quốc từ 25 tuổi trở lên có thời gian đi học trung bình nhiều hơn 1,5 năm so với người Ấn Độ cùng độ tuổi.
Điều đó sẽ không giúp Trung Quốc tránh khỏi những hậu quả của sự sụt giảm nhân khẩu học mà nước này đã tạo ra. Chính phủ Trung Quốc đã chấm dứt chính sách một con vào năm 2016 và dỡ bỏ mọi hạn chế về quy mô gia đình vào năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm. Chính sách Zero covid của Trung Quốc đã khiến những người trẻ tuổi càng không muốn sinh con. Chính phủ Trung Quốc phải đối mặt với sự phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu trung bình, ở mức 54 là một trong những mức thấp nhất trên thế giới. Quỹ hưu trí chính của nước này có thể hết tiền vào năm 2035. Tuy nhiên, có lẽ điều đau đớn nhất đối với Trung Quốc sẽ là sự nổi lên của Ấn Độ với tư cách là một siêu cường ở ngay trước ngưỡng cửa nhà họ.