12-11-2022
Cần khẳng định từ đầu là giải pháp mà Bộ GD&ĐT có thể làm để chống lại việc gian lận trong thi IELTS hay các chứng chỉ đánh giá năng lực nước ngoài khác đó là không làm gì cả. Đơn giản là vì không phải bệnh gì cũng cần uống thuốc.
Về mặt pháp lý, Bộ GD&ĐT đang có các công cụ pháp lý (do chính mình ban hành – Thông tư 11 năm 2022 thi hành Nghị định 86 năm 2018 cũng do Bộ GD&ĐT là đơn vị chủ trì soạn thảo) cho việc yêu cầu các đơn vị tổ chức thi sát hạch năng lực ngoại ngữ nước ngoài phải hoãn tổ chức thi để tuân thủ yêu cầu của mình. Nhưng dù có đủ cơ sở pháp lý thì việc can thiệp này vẫn rất thô bạo và không cần thiết. Khi thảo luận một vấn đề chính sách, thì việc có đủ luật trong tay chỉ là điều kiện tối thiểu, tiên quyết, chứ không phải là điều kiện đủ để biện minh cho việc can thiệp. Việc thi hành luật là một biện pháp thô bạo, có tính chất cưỡng chế, và chắc chắn là không thể chỉ bao gồm quyền mà không có nghĩa vụ, trách nhiệm từ phía yêu cầu thực hiện.
Chính vì vậy, chỉ khi nào thực sự cần thiết và không còn con đường nào khác để đạt được mục tiêu chính sách của mình thì luật mới nên là giải pháp. Có thể ví von pháp luật là hành lang để bảo vệ khỏi các tai nạn có thể xảy ra. Câu hỏi ở đây không phải là anh có quyền can thiệp không mà là anh có nên can thiệp bằng luật không?
Để trả lời câu hỏi này, cần đặt ra câu hỏi tiếp theo đó là: mục tiêu chính sách Bộ GD&ĐT muốn đạt được là gì khi yêu cầu các đơn vị tổ chức thi tuân thủ Thông tư 11?
Công văn của Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT chỉ nói khá chung chung là nhằm tuân thủ Thông tư 11. Nhưng đó không phải là mục tiêu chính sách. Mục tiêu chính sách phải bắt đầu từ một vấn đề nào đó. Có lẽ phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ gần đây phản ánh rõ hơn về mục tiêu của Bộ GD&ĐT. Theo đó, ông cho rằng có một lý do cho hành động của Bộ GD&ĐT: kiểm soát chất lượng. Nhưng vì sao lại phải “kiểm soát chất lượng” thì ông Độ lý giải thêm đó là “Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ.” (VnExpress 11/11/2022). Điều này theo ông vừa ảnh hưởng đến các đơn vị tổ chức thi nghiêm túc, vừa ảnh hưởng đến “môi trường đầu tư minh bạch”, và vừa khiến “dư luận xấu” và khiến “người học lúng túng khi chọn lựa thi” và “ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người học” (VnExpress 11/11/2022).
Chính vì những vấn đề kể trên mà Bộ GD&ĐT quyết định áp dụng Thông tư 11. Cụ thể, Bộ yêu cầu các đơn vị tổ chức thi phải đăng ký với Bộ GD&ĐT, thực tế là chấp nhận hàng loạt giải pháp sau đây của Bộ:
(1) cung cấp hồ sơ pháp lý của đơn vị tổ chức thi và tổ chức cấp bằng,
(2) nâng cấp cơ sở vật chất thi theo hướng gắn camera, lưu trữ, két sắt bảo mật đề thi v.v… (gần giống một kỳ thi do Bộ tổ chức),
(3) cán bộ coi thi phải có ít nhất một người là giáo viên, giảng viên, phải có trình độ, năng lực, nghiệp vụ coi thi do Bộ GD&ĐT chứng nhận, và
(4) chất lượng đề thi phải đảm bảo “tin cậy, chính xác, khách quan” và không vi phạm pháp luật Việt Nam (Điều 3.2 – Thông tư 11).
Thứ trưởng Độ cho rằng chỉ cần đơn vị tổ chức nộp đầy đủ hồ sơ thì trong vòng 20 ngày, BGDĐT sẽ cho phép tổ chức thi lại. Tất nhiên, những ai có kinh nghiệm nộp hồ sơ cho cơ quan Nhà nước thì sẽ không quá lạc quan với mốc 20 ngày này vì có thể phải mất đến vài tháng để thu thập đủ các hồ sơ cần thiết nhằm bắt đầu đếm 20 ngày. Nếu có hồ sơ từ nước ngoài về (và trường hợp này chắc chắn có) thì còn phải trải qua bước hợp pháp hoá lãnh sự rất mất thời gian – cốt chỉ để dịch các tài liệu đó sang tiếng Việt và để đảm bảo rằng đó là tài liệu được công chứng hợp pháp ở nước ngoài. Đó là chưa kể đến các vấn đề bảo mật giữa hai bên đối tác có thể gây khó khăn trong việc cung cấp tài liệu cho Bộ. Tất cả những thủ tục hành chính rườm rà này nhằm để giải quyết vấn đề mà Bộ đưa ra.
Những vấn đề Bộ chỉ ra này có cơ sở hay không? Cũng có. Việc IELTS trở nên thương mại hoá, thậm chí gian lận hoá đã được phản ánh từ lâu. Trong bối cảnh các trường đại học ở Việt Nam xem các chứng chỉ nước ngoài như cơ sở đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên để xét tốt nghiệp hay thậm chí là tuyển sinh cũng khiến cho tình trạng này tăng lên.
Nhưng câu hỏi đặt ra đó là, liệu các bất cập này có đủ phổ biến để biện minh cho việc can thiệp thô bạo của BGDĐT và việc can thiệp thô bạo có giải quyết được bất cập không?
Câu trả lời rất có thể là không. Có hai lý do:
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT đang giải quyết một “vấn đề” không có thực, không đáng giải quyế. Họ đã hiểu sai về bản chất của kì thi này vốn bị méo mó vì thị trường ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Bỏ qua các vấn đề về công bằng giữa các đơn vị tổ chức vốn không có bằng chứng là có tồn tại (chưa có đơn vị nào lên tiếng kêu ca về tình trạng không công bằng trước khi việc can thiệp xảy ra) và lo ngại về thu hút đầu tư vốn dĩ không có nhiều căn cứ mấy, thì lý do khả dĩ nhất đó là bảo vệ sự công bằng cho người thi trước các hành vi thi hộ, gian lận v.v… Nhưng ngay cả khi đây là lý do đắt giá nhất của Bộ GD&ĐT như đã nói ở trên thì cũng không biện minh được cho hành động can thiệp thô bạo này.
Đương nhiên rằng bản chất con người sẽ thấy “không công bằng” nếu điểm thi của một người ra sức rèn luyện bằng với điểm thi của một người gian lận mà có. Tuy nhiên, bản chất của kì thi đánh giá năng lực không phải là kì thi cạnh tranh, mà là kì thi sát hạch cá nhân. Việc một cá nhân khác có 9.0 IELTS do gian lận không làm ảnh hưởng đến việc đánh giá năng lực của một thí sinh 6.0 IELTS do trình độ thật sự của mình. Các kì thi sát hạch không có tính xếp hạng và điểm thi hoàn toàn có tính cá nhân. Nếu anh gian lận, điểm thi của anh không phản ánh đúng năng lực. Nếu anh thi bằng sức mình, điểm thi của anh đánh giá đúng năng lực. Câu chuyện đơn giản là vậy. Vậy thì rõ ràng các kì thi sát hạch sẽ vẫn rất công bằng trong việc phản ánh năng lực của một người ngay cả khi xuất hiện gian lận trong kì thi.
Có một lập luận cho rằng vì điểm IELTS đang các trường đại học ở Việt Nam dùng để xét tuyển thẳng và đây là hoạt động có tính cạnh tranh, nên Bộ GD&ĐT cần quản lý. Lập luận này cũng rất không ổn vì bản chất của IELTS không giống như thi đại học và không thể chịu điều chỉnh như một kì thi đại học được. Nếu nói như vậy thì cần phải đặt ra thêm quy định rằng các trường đại học Việt Nam chỉ tuyển thẳng đối với thí sinh có bằng IELTS thi ở Việt Nam mà thôi. Nếu như vậy, vấn đề nằm ở chỗ tiêu chí tuyển sinh đã bị hiểu sai chứ không phải vấn đề nằm ở chỗ IELTS phải được tổ chức thi như một kì thi tuyển sinh quốc gia, có sự cạnh tranh. Không thể vì một vấn đề đến từ các đơn vị do Bộ GD&ĐT quản lý rồi nhưng giải pháp thì lại bắt người ngoài chịu trận được.
Có chăng thì giải pháp của Bộ cũng chỉ ảnh hưởng đến đội ngũ dạy IELTS và bảo chứng bằng điểm thi cao nhưng không xứng với trình độ thực tế mà thôi. Nhưng đó lại là câu chuyện khác.
Thứ hai, biện pháp của Bộ GD&ĐT chưa chắc đã có thể giải quyết được vấn đề mà chính Bộ đưa ra. Ngược lại, nó còn mở ra một rủi ro về pháp lý và dư luận cho chính Bộ GD&ĐT – tình huống mà ông bà ta có câu là “ôm rơm nặng bụng”. Vì sao như vậy? Khi đưa ra một giải pháp chính sách, người ta phải có một sự đảm bảo ở mức độ nào đó rằng giải pháp của tôi sẽ giải quyết được vấn đề chính sách kể trên. Khi quyết định “tiền kiểm”, can thiệp vào việc kiểm tra chất lượng, cấp giấy phép thi vì cho rằng thị trường không được “kiểm định” quá hỗn loạn, Bộ GD&ĐT đã gửi đi một thông điểm rằng gian lận sẽ giảm, việc tổ chức thi sẽ minh bạch hơn sau khi biện pháp được áp dụng. Nhưng câu hỏi đặt ra rằng, ngay cả khi BGDĐT chấp nhận rủi ro đó để tiền kiểm, thì nếu việc gian lận vẫn diễn ra và thị trường vẫn hỗn loạn thì sao? Các biện pháp của Bộ GD&ĐT chưa chắc đã cao và chặt chẽ hơn các biện pháp do Hội Đồng Anh, do IDP đưa ra. Nếu như trước đây, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Hội Đồng Anh, IDP khi gian lận xảy ra, và Bộ GD&ĐT có thể đóng vai là người phân xử để đòi lại công bằng cho thí sinh, thì nay bằng việc can thiệp và đưa chuẩn của mình vào việc tổ chức kì thi, Bộ GD&ĐT chẳng khác nào đã ký xác nhận chất lượng cho một kì thi mà họ không tổ chức trực tiếp. Đây là một cú đánh cược khá lớn và lẽ ra không cần thiết phải làm.
Tất nhiên, nỗ lực của Bộ GD&ĐT nếu là trong sáng, không có động cơ nào phía sau, là rất đáng trân trọng, tuy đó là một nỗ lực có vẻ thiếu tính toán. Não trạng “tiền kiểm” đang ngày càng trở lại tại Việt Nam nhưng vốn dĩ “tiền kiểm” không phù hợp với một nền kinh tế thị trường có sự tự đào thải và mọi người đối xử với nhau sòng phẳng. Đáng lý trong trường hợp của các kì thi đánh giá năng lực này, Bộ GD&ĐT nên chọn cho mình một thế bị động, để yên cho thị trường tự vận hành dựa trên niềm tin và uy tín, và chỉ can thiệp khi sự cố xảy ra, thì nay Bộ GD&ĐT chọn cho mình thái độ chủ động, can thiệp và ôm vào mình một trách nhiệm không đáng có. Lợi ích lâu dài thì chưa thấy, nhưng hậu quả nhãn tiền là hàng loạt người có nhu cầu thi sẽ phải tìm các biện pháp khác như thi ở các quốc gia khác, đặc biệt là trong bối cảnh cao điểm của mùa tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng nước ngoài như hiện nay.
Vậy thì giải pháp nào cho các vấn đề mà Bộ GD&ĐT băn khoăn và một bộ phận không nhỏ người dân “bức xúc”? Như đã nói ở trên: không làm gì cả. Tốt nhất là Bộ GD&ĐT nên làm đúng nghĩa vụ của họ trong một tình huống như thế này đó là nghĩa vụ ngồi yên.