Tiến sĩ đạo văn vẫn chờ phán quyết nghiêm túc của Viện Hàn lâm?

Lê Thiếu Nhơn

11-11-2022

Ảnh trên mạng

Tiến sĩ đạo văn là một nghi án xôn xao ở Viện Văn học, chính thức được kính chuyển lên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giải quyết cho rõ ràng.

Tiến sĩ đạo văn không phải hiếm gặp, nhưng hai tiến sĩ cùng một cơ quan Viện Văn học tố giác nhau đạo văn thì thật hy hữu. Nghi án tiến sĩ đạo văn được dư luận chú ý, khi tiến sĩ Đỗ Hải Ninh 44 tuổi khiếu nại tiến sĩ Vũ Thị Trang 36 tuổi đã sao chép hơn 11 ngàn từ của mình, để đưa vào cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía những ám ảnh của nghệ thuật”.

Nghi án tiến sĩ đạo văn càng trở nên bức xúc, khi báo chí phát hiện thêm, tiến sĩ Vũ Thị Trang đã “cắt” nhiều nội dung từ cuốn sách “Phê bình văn học – Con vật lưỡng thê ấy” của Đỗ Lai Thúy in năm 2011, để “dán” vào cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía những ám ảnh của nghệ thuật”. Hành vi “cắt” và “dán” thô thiển mà không cần chú thích, đi ngược lại tinh thần liêm chính học thuật, càng khiến công chúng nghi ngờ trình độ thật sự của tiến sĩ đạo văn.

Ngày 16/9, ông Trần Thiện Khanh với tư cách Phó Viện trưởng Viện Văn học, đã gửi công văn báo cáo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về quá trình giải quyết đơn thư của tiến sĩ Đỗ Hải Ninh, trong đó đề nghị không thụ lý đơn kiến nghị của tiến sĩ Đỗ Hải Ninh vì đơn kiến nghị này không đủ điều kiện để xử lý. Đồng thời, cũng đề nghị chuyển đơn của tiến sĩ Đỗ Hải Ninh tới cơ quan chức năng, giải quyết theo pháp luật.

Phản ứng lắt léo kiểu “chuyền bóng” của ông Trần Thiện Khanh chẳng khác gì thái độ châm dầu vào lửa. Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh đã bày tỏ sự bất bình và đòi hỏi phải được đối xử công bằng hơn.

Ngày 10/11 vừa qua, Viện Văn học đã họp toàn thể cơ quan để thống nhất phương pháp xử lý vướng mắc tiến sĩ đạo văn. Ông Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, công văn báo cáo gửi Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do ông Trần Thiện Khanh soạn, đã không báo cáo với Viện trưởng Viện Văn học về nội dung công văn, và đó không phải kết luận của Viện Văn học.

Viện Văn học khẳng định đơn kiến nghị của Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh có cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Lý do Viện Văn học kiến nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đứng ra làm “trọng tài”, vì xuất phát tranh chấp bản quyền giữa tiến sĩ Đỗ Hải Ninh và tiến sĩ Vũ Thị Trang đến từ Học viện Khoa học xã hội (cơ quan chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học) và Nhà xuất bản Khoa học xã hội (cơ quan xuất bản cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía những ám ảnh của nghệ thuật”) đều trực thuộc phạm vi quản lý của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ngoài sự “kính chuyển”, Viện Văn học sẵn sàng cử chuyên gia, thành viên trong Hội đồng khoa học tham dự và có nhận xét trung thực, khách quan về mặt chuyên môn, nếu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhu cầu trưng cầu ý kiến.

Cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía những ám ảnh của nghệ thuật” được Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho in bằng tiền ngân sách, theo phê duyệt của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho đề tài nghiên cứu cấp bộ đạt mức xuất sắc. Cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía những ám ảnh của nghệ thuật” được trao giải thưởng Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 và giải C của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật trung ương.

Sau những lùm xùm xung quanh tiến sĩ đạo văn, Hội Nhà văn Việt Nam đã tạm thời thu hồi giải thưởng Tác Giả Trẻ trót trao cho tiến sĩ Vũ Thị Trang, còn Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật trung ương thì vẫn án binh bất động để nghe ngóng tình hình.

Nghi án tiến sĩ đạo văn ở cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía những ám ảnh của nghệ thuật” đã kéo dài gần cả năm. Với kiến nghị chính thức của Viện Văn học, thì liệu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có thể đưa ra phán quyết rõ ràng chăng?

Thực tế, dù điêu luyện sử dụng lối “phê bình phân tâm học” thì Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng khó phân định trắng đen giữa tiến sĩ Đỗ Hải Ninh và tiến sĩ Vũ Thị Trang trong thời gian ngắn sắp tới, bởi lẽ họ cũng đang loay hoay “nhà bao việc”. Cùng lúc với sự kiện ông Bùi Nhật Quang bị cho thôi ủy viên Trung ương Đảng và thôi chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, nhiều lãnh đạo khác của đơn vị này cũng bị kỷ luật.

Đặc biệt, giai đoạn cuốn sách “Phê bình phân tâm học – Phía những ám ảnh của nghệ thuật” được công nhận là đề tài nghiên cứu cấp bộ đạt mức xuất sắc, thì Học viên Khoa học Xã hội cũng bị ca thán là “lò ấp tiến sĩ”. Và hàng loạt lãnh đạo giai đoạn ấy của Học viện Khoa học Xã hội lẫn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận “vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm trong công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học”.

Cụ thể, vào tháng 10/2022, ông Nguyễn Quang Thuấn (nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) bị cảnh cáo. Còn ông Phạm Văn Đức (nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội) và Trần Minh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc thường trực Học viện Khoa học xã hội) bị khiển trách.

Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch phụ trách Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Đức Minh – Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra, những người đã bị kỷ luật có đủ tự tin để thành lập hội đồng thẩm định trắng đen và đưa ra phán quyết nghiêm túc cho một vụ tiến sĩ đạo văn không? Cứ hồi hộp chờ xem! Biết đâu lại được chứng kiến kỹ nghệ “đánh bùn sang ao” hoặc “để lâu phân trâu hóa bùn”?

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Xin đính chính “nghĩa vụ con người(đúng ra phải là nghĩa vụ công dân”nằm trong pháp luật,làm gì có trong hiến pháp mà đi kiếm “thay vì “…làm gì có trong pháp luật mà đi kiếm”

  2. Hãy xem kiến thức của nghiên cứu sinh luận án tiến sĩ chuyên ngành luât,đề tài “Nghĩa vụ con người”:nghiên cứu hiến pháp của 136 nước trên thế giới,thấy chỉ có hiến pháp một nước có đề cập nghĩa vụ con ngươi”.Ai cũng biết,hiến pháp là những đạo luật quy định nhiệm vụ và quyền hạn của nhà nước,mục đích ngăn ngừa nhà nước lạm dụng quyền hạn làm tổn thương đến người dân.Nghĩa vụ là trách nhiệm của người dân phải làm hay không được làm.Bởi thế,ngĩa vụ công dân nằm trong pháp luật,làm gì cóbtrong pháp luật mà đi kiếm.Thế mà 7 vị phản biện đều là các thầy giảng viên chuyên ngành luật của trường ĐHLK Hà Nội ngợi khen tài liệu tham khảo phong phú,7/7 vị đều chấm thông qua LA.Không những thế,các vị thầy phản biện có lẽ cho rằng thế giới chưa ai đề cập đến “nghĩa vụ con người” (1/136 hiến pháp các nước trên thế giới có đề cập) nên mới đề nghị giúp thế giới viết “bản tuyên ngôn thế giới về nghĩa vụ con ngươi”,đề nghị trình quốc hội để sửa đổi hiến pháp.Ôi, Kiến thức khủng khiếp chuyên ngành luật của các Giảng viên,GS,TS của 1trường ĐHLK.Các sinh viên tốt nghiệp do trường nầy đào tạo sẽ đạt chất lượng ra sao?

  3. Ngay quan lớn NĐĐiệp của Viện Văn học mà còn bị tố “đạo văn” và đang bị một nhóm
    phê bình gia & nghiên cứu văn học đòi phải tước giải thưởng cho ông ta mới đây thì vụ
    việc này kéo dài lằng nhằng là phải rồi ! Cũng là “thượng bất chính hạ tắc loan” cả !

  4. Viện TRƯỞNG và 2 viện phó đều bị kỹ luật nên việc xem xét sẽ rất êm xuôi. Lòng vải cũng như lòng sung ( viện Hàn nhôm như viện Hàn lâm khxh?) .

    • Phải nói thế này anh bạn ơi.
      Học sinh A khai : Dạ em đạo Chúa
      HS B : Dạ em đạo Phật
      Trò C vân vê gấu áo nói lý nhí dạ thưa thầy em đạo văn ạ.
      Thầy : đạo này thầy chưa nghe, vậy em thờ ai ?
      Dạ em thờ bác Hồ ạ.
      Thầy: thầy chỉ nghe nói ông ấy nghiên cứu đạo dụ thôi.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây