Không có chỗ cho “nóng giận” trong pháp quyền

Lương Thế Huy

30-9-2022

Từ chục năm trước, khi thấy mọi người trầm trồ khen video clip ông Nguyễn Bá Thanh nói về việc tịch thu, bán xe của người đua xe, mình đã thấy xu hướng xem nhẹ nguyên tắc pháp quyền trong một bộ phận người dân, đặc biệt thường là những người dân hay nói về việc tuân thủ pháp luật.

 Quốc hội từng chất vấn ông Thanh: “Luật nào cho phép Đà Nẵng tịch thu xe đua?“, ông Thanh trả lời: “Tôi xin thưa Quốc hội chứ luật pháp nào cho phép đua xe? Luật nào cho phép lấy xe máy ra đua, táng chết người này người kia lung tung như thế? Để đảm bảo quyền được sống của người dân, chính quyền phải bảo vệ. Đâu phải nó đua nó chết mình nó, mà còn táng chết người khác nữa“.

Phong cách lãnh đạo “vượt trên pháp luật”, “thế thiên hành đạo” này lại là phong cách được yêu thích của nhiều người, đối với họ công lý phụ thuộc vào sự sáng tạo, táo bạo, khả năng gây nức lòng của cá nhân chứ không phải bởi hiệu lực và lòng tin vào hệ thống pháp luật mà tất cả mọi người cần tuân thủ.

Khi cựu tổng thống Rodrigo Duterte bên Phillippines tiến hành chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy, giết không xét xử những người tình nghi, không phải là không có người ủng hộ ông ta tại Việt Nam, bởi vì, cùng logic, “Luật nào cho phép mua bán ma túy? Luật nào cho phép các tên tội phạm này nhởn nhơ làm giàu trên sự nghiện ngập của con người?” Hay trong dịch bệnh, việc một số địa phương sáng tạo ra những quy định không có trong pháp luật cũng không hẳn đều bị người dân phản đối, bởi “nó làm lây lan dịch bệnh thì ai chịu.”

Một ngụy biện rất thường thấy trong vụ việc này nữa là “nếu nó tông vào người nhà bạn thì bạn có bình tĩnh giải quyết bằng pháp luật được không, hay là chỉ muốn đấm nó một cái.” Cái này sai ở hai chỗ: Một là nó chưa xảy ra, và quan trọng hơn; là khi bàn về hành xử đúng nên làm, chúng ta cần tách mình ra khỏi những xung đột lợi ích cá nhân, để những phân tích và quyết định không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, thiên kiến cá nhân. Bị cáo không thể hét vào mặt quan tòa “nếu người đứng đây là con ông thì ông có xử nặng thế không?” Nếu pháp luật được viết theo kiểu “người nhà mình mà thế này thì mình có hành xử thế không” thì nó sẽ nát bét.

Khi con người ta sống đủ lâu trong những sự bức bối, cũng dễ hiểu cảm giác muốn thoát ngay ra nó bằng mọi giá, kể cả là bạo lực hay chà đạp lên pháp luật. Nó được hợp lý hóa, hay “tại vì”, hay làm giảm nhẹ, tăng cảm thông với những hành vi “nóng giận” mà quên mất đó không phải là cách công lý được thực thi. Nó là chỉ dấu cho biết người dân chúng ta đang chọn đi con đường chính đạo hay tà đạo. Không phải là chúng ta đang bảo vệ nhân phẩm của kẻ xấu, mà là đang bảo vệ nhân phẩm của chính mình bằng việc không đi chà đạp lên người khác. Đây là những lúc cần nói về sự nghiêm minh của pháp luật, nhất là với những người đang đại diện công quyền, thay vì nói về “thằng bị đánh nó cũng đâu tử tế gì.”

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.